Thứ Tư, 5 tháng 6, 2024

Nguyên nhân và giải pháp phòng chống thông tin xấu, độc

 


Nội dung thông tin trên các trang mạng, trang thông tin điện tử, nền tảng trực tuyến hiện nay được cung cấp bởi hai nguồn: Từ tổ chức, cá nhân trong nước cung cấp, có nguồn gốc rõ ràng, được Bộ TT&TT cấp phép/hoặc không phải cấp phép hoạt động. Các trang này phần lớn đều tuân thủ quy định của pháp luật hiện hành của Việt Nam; từ các trang tin không rõ nguồn gốc, có tên miền quốc tế, đặt máy chủ tại nước ngoài cung cấp thông tin bằng tiếng Việt; từ các mạng xã hội nước ngoài cung cấp xuyên biên giới vào Việt Nam, trong đó Facebook, Youtube, Tiktok là các mạng xã hội có nhiều người Việt Nam sử dụng nhất.

Hiện nay các dịch vụ mạng xã hội - dịch vụ kết nối các thành viên trên internet lại với nhau không phân biệt không gian và thời gian. Ngoài ra, mạng xã hội còn được gọi là “cộng đồng ảo” nơi mọi người làm quen, chia sẻ với nhau về sở thích, niềm đam mê, ý tưởng… Trên thế giới có hàng trăm mạng xã hội khác nhau. Ở Việt Nam cũng xuất hiện nhiều mạng xã hội, trong đó có một số mạng xã hội phổ biến, đó là Facebook, Zalo, Youtube, Twitter, Instagram, Google Plus, Go.vn…
Khi tham gia vào mạng xã hội, thành viên dường như “ngập chìm” trong thông tin từ rất nhiều nguồn, rất nhiều mục đích khác nhau. Bên cạnh những thông tin đúng đắn, tích cực, có không ít những thông tin sai trái, bịa đặt, xuyên tạc sự thật, thù địch, phản động, kích động bạo lực,… Vì vậy, nếu người tiếp cận thông tin không tỉnh táo, sáng suốt, thì có thể bị tiêm nhiễm, ảnh hưởng tiêu cực bởi những thông tin xấu, độc đó.

Chính vì vậy, tin giả, thông tin xấu độc chủ yếu xuất hiện và lan truyền mạnh mẽ trên các nền tảng mạng xã hội từ các trang tin không rõ nguồn gốc... Nguyên nhân của tình trạng này có thể kể đến như: tính chất đặc biệt của mạng Internet dễ lan truyền, chia sẻ thông tin, tiếp cận được nhiều người dùng mạng xã hội, dễ “ẩn danh”, xóa dấu vết; hệ thống pháp luật trong lĩnh vực đấu tranh, xử lý tội phạm sử dụng công nghệ cao chưa theo kịp diễn biến tình hình thực tế; tội phạm ngày càng tinh vi, xảo quyệt, am hiểu công nghệ; sự thiếu hiểu biết, nhận thức hạn chế của người dùng mạng xã hội dễ tiếp tay, lan truyền, phát tán thông tin; năng lực nhận biết, phân loại, đánh giá tác hại của các sản phẩm văn hóa xấu độc còn chưa cao, đặc biệt là việc cập nhật, nhận biết các thông tin sai trái trên mạng xã hội; công tác điều tra, phát hiện, xử lý tội phạm cũng còn gặp nhiều khó khăn…

Để phòng, chống thông tin xấu độc trên mạng xã hội cần thực hiện tốt một số giải pháp sau:

- Đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, định hướng nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên, nhân dân về những thông tin xấu độc trên mạng xã hội; khuyến khích xây dựng môi trường văn hoá lành mạnh trong cơ quan, đơn vị, trường học, tổ chức, doanh nghiệp để dần hình thành “miễn dịch tâm lý” đối với tin đồn trong nhân dân bằng một nền tảng tri thức đủ sức đề kháng với mọi loại tin đồn độc hại, thất thiệt, sai sự thật.

- Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy đảng, vai trò của đội ngũ cán bộ, đảng viên các cấp trong phòng, chống thông tin xấu độc trên mạng xã hội; Các bộ, ban, ngành cần phối hợp chặt chẽ, thống nhất, đồng bộ trong việc quản lý Internet; Tăng cường kiểm tra, giám sát, xử phạt nghiêm khắc các sai phạm trên mạng xã hội.

- Quan tâm hơn nữa đến loại tội phạm công nghệ cao trong tình hình mới bằng các hoạt động triển khai ứng dụng công nghệ, thiết lập hệ thống phòng vệ để chủ động và nâng cao hiệu quả phòng ngừa tội phạm; kịp thời trang bị các phần mềm, phương tiện kỹ thuật chuyên dụng phục vụ công tác phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao. Tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác phòng ngừa, ngăn chặn, phát hiện, đấu tranh, xử lý tội phạm mạng, tội phạm sử dụng công nghệ cao. Trong đó, cần tập trung nghiên cứu bổ sung kịp thời các chế định về các hành vi tội phạm, chứng cứ, các biện pháp ngăn chặn... trong Bộ luật Hình sự, Bộ  Luật Tố tụng hình sự, Luật Giao dịch điện tử, Luật Xử lý vi phạm hành chính, Pháp lệnh Thương mại điện tử,... phù hợp với đặc thù và yêu cầu của công tác đấu tranh phòng chống loại tội phạm này. Nghiên cứu triển khai áp dụng hình thức “tuần tra trên mạng” bằng việc phân công cán bộ trinh sát công nghệ thông tin thường xuyên truy cập vào các trang mạng, thâm nhập vào các diễn đàn công nghệ thông tin, nhất là các diễn đàn của giới tội phạm mạng sử dụng công nghệ cao để chủ động nắm thông tin, tìm hiểu phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm, các công cụ, phương tiện do các đối tượng phạm tội sử dụng. Tiếp tục thực hiện hiệu quả hợp tác quốc tế trong phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao.

- Các cơ quan quản lý Nhà nước cần đẩy mạnh việc xây dựng, triển khai và hoàn thiện cơ sở dữ liệu, sử dụng chứng minh thư nhân dân điện tử để quản lý thông tin và người sử dụng trên Internet.

- Các cơ quan báo chí, phát thanh, truyền hình Trung ương, các địa phương, người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương cần cung cấp thông tin chính thống một cách đầy đủ, toàn diện, kịp thời cho người dân. Đồng thời, cần tăng cường tuyên truyền pháp luật, cảnh báo các hành vi vi phạm pháp luật; chỉ rõ những thủ đoạn, nội dung thông tin giả mạo, tính chất nguy hại của nó đối với cá nhân và xã hội. Qua đó, giúp người dùng am hiểu pháp luật, tránh những hành vi vi phạm cũng như nhận diện các thủ đoạn, nội dung thông tin giả mạo, biết tự sàng lọc, tiếp nhận thông tin hữu ích, chính thống, “miễn dịch” với những thông tin giả mạo làm nhiễu loạn môi trường xã hội.

- Đặc biệt, với mỗi người dân, nhất là giới trẻ cần tự trang bị cho mình vốn hiểu biết và những kỹ năng cần thiết trong việc chọn lọc, nhận diện thông tin; kỹ năng công nghệ-thông tin để chặn, lọc, xóa, báo xấu,…các thông tin độc hại khi phát hiện, không để thông tin đó lan truyền; nắm vững và tuân thủ các quy định pháp luật và quy tắc ứng xử văn hóa trên môi trường mạng xã hội; rèn luyện tư duy biện chứng, tư duy phản biện khi tiếp xúc với các thông tin trên mạng xã hội để xem xét sự vật, hiện tượng một cách khách quan đa chiều, nhìn thấu được bản chất ẩn giấu sau hiện tượng bề ngoài, mục đích sâu xa ẩn đằng sau những ngôn ngữ, hình ảnh; thường xuyên cập nhật kiến thức xã hội để nâng cao “sức đề kháng” trước những thông tin xấu, độc, sai trái, không dễ bị mắc lừa, dụ dỗ. Mỗi người dân phải cảnh giác và sẵn sàng tham gia đấu tranh với những thông tin sai trái, nhận thức không đúng, ngộ nhận, mơ hồ trước các thông tin sai trái, thù địch, trái với quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước, không vô tình tiếp tay cho hành vi sai trái; phát hiện, tố giác các thông tin độc, hại với cơ quan chức năng.

         Không thể phủ nhận mạng xã hội là một thành tựu khoa học - công nghệ của nhân loại, tạo thêm không gian để chia sẻ, trao đổi thông tin và kết nối, hợp tác trên phạm vi toàn cầu, là kênh thông tin quan trọng và hữu ích. Tuy nhiên, trước sự phát triển nhanh chóng của mạng xã hội, chúng ta cần phải nhận diện đúng những thông tin xấu, độc khi tiếp cận nhằm phát huy những mặt tích cực, ngăn ngừa những tác động tiêu cực, góp phần ổn định chính trị xã hội của đất nước và xây dựng một môi trường sống an toàn và nâng cao chất lượng cuộc sống của mỗi chúng ta./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét