Thứ Hai, 24 tháng 6, 2024

NHÀ NƯỚC CỦA DÂN, DO DÂN, VÌ DÂN, DO NHÂN DÂN Ở VIỆT NAM

 

Ở Việt Nam, sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời, đó là một nhà nước dân chủ, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo đã thay thế nhà nước thuộc địa phong kiến. Nhà nước ta là nhà nước của dân, do dân, vì dân, do nhân dân bầu thông qua bầu cử tự do; tất cả quyền lực thuộc về nhân dân; lấy hạnh phúc của nhân dân làm mục đích hoạt động.

Trong tiến trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Đảng, Nhà nước ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhất quán quan điểm: nếu trong bầu trời không có gì quý bằng nhân dân thì dân chủ là của quý báu nhất trên đời của nhân dân; dân chủ là dân là chủ và dân làm chủ (2). Quan niệm đó thể hiện sự gắn bó mật thiết giữa tính nhân văn và tính pháp lý của dân chủ, được thể hiện thống nhất trong Hiến pháp 1946, 1959, 1980, 1992. Nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam được xây dựng và thực hiện theo nguyên tắc mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật; tất cả quyền lực thuộc về nhân dân; Nhà nước bảo đảm và phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Nhân dân sử dụng quyền lực nhà nước thông qua Quốc hội và Hội đồng nhân dân là những cơ quan đại diện cho ý chí nguyện vọng của nhân dân, do nhân dân bầu ra và chịu trách nhiệm trước nhân dân. Quốc hội, Hội đồng nhân dân và các cơ quan của nhà nước đều tổ chức và hoạt động theo nguyên tắc tập trung dân chủ.

Đảng ta luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội theo phương châm dân chủ, công khai. Quốc hội đã thực hiện ngày càng tốt hơn chức năng, nhiệm vụ là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của Nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam có quyền lập hiến và lập pháp; quyền giám sát tối cao đối với toàn bộ hoạt động của Nhà nước; quyền quyết định những chính sách cơ bản về đối nội và đối ngoại, nhiệm vụ kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh của đất nước.

Ở nước ta, nhân dân lao động thực hiện quyền làm chủ xã hội, tham gia vào việc quản lý nhà nước, quản lý xã hội không chỉ thông qua Nhà nước mà còn thông qua Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Hiến pháp Nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam quy định “Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là tổ chức liên minh chính trị, liên hiệp, tự nguyện của các tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội và các cá nhân tiêu biểu trong các giai cấp, tầng lớp xã hội, các dân tộc, tôn giáo và người Việt Nam định cư ở nước ngoài. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân. Mặt trận phát huy truyền thống đoàn kết toàn dân, tăng cường sự nhất trí về chính trị và tinh thần trong nhân dân, tham gia xây dựng và củng cố chính quyền nhân dân, cùng Nhà nước chăm lo và bảo vệ lợi ích chính đáng của nhân dân, động viên nhân dân thực hiện quyền làm chủ, nghiêm chỉnh thi hành Hiến pháp và pháp luật, giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước, đại biểu dân cử và cán bộ, viên chức nhà nước. Nhà nước tạo điều kiện để mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên hoạt động có hiệu quả”(3). Với những yếu tố trên có thể khẳng định, Nhà nước ta là nhà nước của nền dân chủ xã hội chủ nghĩa.

Trong những năm đất nước đổi mới, Đảng ta xác định, cải cách nền hành chính nhà nước là trọng tâm của việc xây dựng và hoàn thiện bộ máy nhà nước. Mục tiêu của cải cách hành chính nhà nước là nhằm xây dựng củng cố nền hành chính trong sạch, vững mạnh, đủ năng lực, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, tăng cường pháp chế, nhằm xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Cùng với việc xây dựng chỉnh đốn Đảng, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa vững mạnh hoạt động có hiệu lực, hiệu quả; tổ chức và hoạt động của các tổ chức xã hội đã có sự đổi mới. Các tổ chức xã hội đã thực hiện ngày càng tốt hơn các hoạt động tham gia thành lập các cơ quan nhà nước và tham gia giám sát hoạt động của các cơ quan đó. Giáo dục hội viên chấp hành đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước; bồi dưỡng tinh thần yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội, ý thức, năng lực của người làm chủ; thu thập, phản ánh ý kiến nhân dân, đề xuất với cấp uỷ đảng, cơ quan nhà nước những chủ trương, giải pháp xây dựng bộ máy nhà nước các cấp; tham gia vào việc quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.

Các văn bản pháp luật của Nhà nước về thực hiện dân chủ, về lao động, việc làm, tiền lương, thu nhập, về văn hoá, giáo dục - đào tạo, về y tế và bảo vệ sức khoẻ nhân dân, về dân số, dân tộc, tôn giáo, miền núi…. về cơ bản đã phù hợp với xu thế dân chủ hoá trên các lĩnh vực kinh tế, xã hội; góp phần giữ vững ổn định chính trị - xã hội, tạo ra không khí xã hội cởi mở, dân chủ, quy tụ được sự đồng thuận xã hội; phát huy được tiềm năng sáng tạo và khơi dậy truyền thống dân tộc, tạo động lực xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét