Thứ Bảy, 1 tháng 6, 2024

NHẬN DIỆN ÂM MƯU LỢI DỤNG “HIỆN TƯỢNG THÍCH MINH TUỆ”

 NHẬN DIỆN ÂM MƯU LỢI DỤNG ‘HIỆN TƯỢNG THÍCH MINH TUỆ’


Lợi dụng hình ảnh một người bộ hành “tập học Phật” để gieo rắc những thông tin phỉ báng, công kích Giáo hội Phật giáo và các nhà tu hành Phật giáo, gây mất niềm tin của nhân dân, phật tử, phá hoại Phật pháp, gây chia rẽ giữa các tôn giáo, chống phá chính sách tôn giáo của Đảng, Nhà nước ta. Đó là những biến tướng nguy hiểm từ những ồn ào liên quan đến hiện tượng ông Thích Minh Tuệ, cần phải được nhận diện và ngăn chặn.


Từ chỗ là một người bộ hành thầm lặng kể từ năm 2017, ông Thích Minh Tuệ đã trở thành một hiện tượng trên mạng xã hội, qua hình ảnh một khất sĩ đầu trần chân đất, đắp tấm y chắp vá từ nhiều mảnh vải nhặt được, và ôm ruột nồi cơm điện, đi khất thực dọc theo các tuyến đường. Ông Thích Minh Tuệ tên thật là Lê Anh Tú, 43 tuổi, quê gốc ở tỉnh Hà Tĩnh, đăng ký thường trú tại huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai, và từng là nhân viên đo đạc địa chính. Bản thân ông Tú không tự nhận mình là một vị sư, không phải là “thầy” và cũng không có “đệ tử”, ông chỉ bộ hành để “tập học” theo lời dạy của Đức Phật, vừa là để “rèn luyện sức khỏe”.


Điều khiến ông Thích Minh Tuệ gây được ấn tượng đặc biệt là ông đang “tự tu” theo hạnh đầu đà –  một trong những phương pháp tu khổ hạnh để tôi luyện thân tâm, trừ bỏ phiền não cấu trần, có từ thời Đức Phật tại thế. Ông Thích Minh Tuệ thực hành các hạnh như mặc y phấn tảo (áo khâu từ vải vụn nhặt được), khất thực ngày ăn một bữa, sống ngoài trời, nơi gốc cây, nghĩa địa, không ngủ nằm, không nhận tiền cúng dường... Ông không tu tập theo sự chỉ dạy của một vị bổn sư, cũng không ở một trú xứ nào cụ thể như một ngôi chùa, hay am thất mà bộ hành rày đây mai đó, và trong vài năm qua đã không gây ra bất cứ sự chú ý nào cho đến khi thông tin về “sư Minh Tuệ” được các Tiktoker, Youtuber, Facebooker thổi bùng khắp các trang mạng.


Hình ảnh một người bộ hành tự xưng mình là “con” với tất cả mọi người, từ bỏ mọi điều kiện vật chất thế gian để “tập học” lời Phật dạy đã gây được thiện cảm trong một bộ phận cộng đồng mạng và người dân, trong khi cũng có những luồng ý kiến bày tỏ sự hoài nghi hoặc chê trách, phản đối pháp tu của ông. Nhưng điều đáng nói ở đây là khi hình ảnh của “sư Minh Tuệ” xôn xao trên mạng, cũng là lúc bùng nổ một làn sóng truyền thông của các thế lực thù địch nhằm vào Giáo hội Phật giáo Việt Nam, nhằm vào các nhà tu hành Phật giáo và tín đồ đạo Phật. Vô số những bài đăng, các video clip được cắt, ghép, dựng, đăng tải những thông tin mang tính chất so sánh phiến diện, tiêu cực nhằm chỉ trích, phỉ báng, làm xói mòn niềm tin, chia rẽ cộng đồng Phật tử và hạ uy tín Phật giáo.


Luồng gió tiêu cực được “thổi” lên mạnh nhất xoay quanh ý kiến rất phiến diện cho rằng, người tu sĩ phải thực hành hạnh đầu đà như ông Minh Tuệ mới là “bậc chân tu”, mới đúng tinh thần của Đức Phật. Không ít Facebooker, Youtuber, Tiktoker, hay “influencer” (người có ảnh hưởng) đã tung nhiều bài đăng, nhiều video clip phỉ báng, miệt thị chư tăng  ở các “chùa to Phật lớn”, kèm theo luận điệu rằng tu hành kiểu “không chùa”, “không cúng dường”, từ bỏ vật chất như ông Minh Tuệ mới là “thanh tịnh”, là “chân tu”.


Đó thực sự là những quan điểm hoàn toàn sai lệch. Không cần phải có kiến thức uyên thâm về Phật giáo cũng biết rằng, trong các vị đại đệ tử của Phật, chỉ có ngài Đại Ca-diếp là thực hành được hạnh đầu đà trọn vẹn. Các vị còn lại trong Thập đại đệ tử, như ngài Xá Lợi Phất, ngài Ananda, ngài Upali… không hành đủ 13 pháp hạnh đầu đà, nhưng đều là các bậc thánh tăng, đã chứng đắc thánh quả cao nhất A la hán. Bên cạnh đó, bất cứ ai đã tìm hiểu về Phật giáo ở mức căn bản nhất cũng đều biết rằng, ngay từ thời Đức Phật, Ngài đã thọ nhận và cho phép Tăng đoàn sử dụng các ngôi tinh xá nguy nga do các quốc vương, các trưởng giả xây cất cúng dường, mà chứng tích vẫn còn hiển hiện trên đất nước Ấn Độ đến tận ngày nay. Các tinh xá là nơi Phật và chư Thánh Tăng giảng pháp, tiếp nhận đồ chúng và tu tập. Tiếp nối truyền thống đó, ngày nay, các ngôi chùa, tự viện cũng là nơi tăng ni tu tập, tầm cầu giác ngộ giải thoát theo tinh thần của Phật giáo nguyên thủy hoặc “trên cầu thành Phật, dưới độ chúng sinh” theo tinh thần của Phật giáo phát triển (hay Phật giáo Đại thừa). Với những người tu hành chân chính, chùa to hay các điều kiện vật chất khác chỉ để phục vụ cho chí nguyện hoằng pháp độ sinh, và thực tế là nhiều “ngôi chùa to Phật lớn” nhưng vẫn không thể đủ không gian cho phật tử tu tập. Lại có một nghịch lý là trong xã hội ta ngày nay, nhiều người kêu ca phàn nàn về tình trạng thiếu trường học, kêu gọi xây thêm trường lớp cho học sinh; nhưng những ngôi chùa vốn là “trường học tâm”, “trường học đạo đức”, khi được xây dựng làm nơi tu học cho tăng ni, phật tử thì lại bị những thành phần chống phá phỉ báng, bôi nhọ.


Không chỉ vậy, làn sóng chống phá hiện nay của các thế lực thù địch còn lợi dụng hình ảnh "Thích Minh Tuệ” để so sánh với những hình ảnh, phát ngôn chưa chuẩn mực của một số ít tăng sĩ, cố tình tạo ra một sự đối lập, tương phản hòng bôi xấu, “nhuộm đen” cộng đồng tu sĩ Phật giáo nói chung, từ đó gây chia rẽ, gây mất niềm tin đối với người dân và Phật tử. Đây là một sự so sánh nguy hiểm, khi họ cố tình lấy một số ít hiện tượng “con sâu làm rầu nồi canh” để đánh đồng, bôi xấu hình ảnh Phật giáo, tăng sĩ Phật giáo nước ta và còn đồng thời công kích tín đồ Phật giáo là “mê muội” khi nghe giảng Phật pháp, cúng dường Tam Bảo.


Nguy hiểm hơn, lợi dụng những “ồn ào” về “hiện tượng Thích Minh Tuệ”, các thế lực, phần tử thù địch cũng nhắm tới mưu đồ chia rẽ tôn giáo với Đảng, Nhà nước. Một mặt để gia tăng các mâu thuẫn, hạ uy tín Phật giáo, những thành phần thù địch đã bịa đặt, miệt thị đường hướng phục vụ “Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội” của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, và xuyên tạc rằng, đó là tinh thần lệ thuộc Nhà nước của Giáo hội. Mới đây, liên quan đến vụ “Minh Tuệ", đài RFA đã không ngần ngại tung video khai thác bình luận của một cựu nhạc sĩ có tiếng đã chạy ra hải ngoại, với những lời lẽ phỉ báng, miệt thị Giáo hội Phật giáo và Nhà nước ta. Mặt khác, những tư tưởng, mưu đồ chống phá Đảng, Nhà nước ta về chính sách tôn giáo cũng bộc lộ. Trong vụ việc “Minh Tuệ”, sau khi có thông tin cán bộ tại một địa phương ngăn cản đám đông bộ hành gây lộn xộn tại một nghĩa trang, thì trang fanpage phản động “Việt Tân” đã giật tiêu đề “chính quyền không cho thầy Minh Tuệ dừng chân qua đêm”, kích động nhiều bình luận chống phá.


Việc người bộ hành “Thích Minh Tuệ” tự tu học Phật, với những phát ngôn, hành xử của ông là đúng hay sai, điều đó cần được soi chiếu bằng giáo luật và pháp luật, người viết bài xin không mạn phép bàn ở đây. Nhưng với những diễn biến vừa qua và chắc chắn còn chưa dừng lại, có thể khẳng định hiện tượng “sư Minh Tuệ” chính là cơ hội để các thế lực thù địch, những phần tử bất mãn chớp thời cơ, tận dụng một cách triệt qua truyền thông xã hội để chia rẽ, hạ uy tín cộng đồng Phật giáo.


Và cũng cần nhấn mạnh, chính sách của Đảng ta và hệ thống pháp luật về tôn giáo luôn tôn trọng và đảm bảo quyền do tín ngưỡng tôn giáo của công dân. Tuy nhiên mọi cá nhân và tổ chức hoạt động tín ngưỡng tôn giáo phải tuân thủ Hiến pháp và pháp luật. Những hoạt động tôn giáo ích nước lợi dân, phù hợp với nguyện vọng và lợi ích chính đáng, hợp pháp của tín đồ được đảm bảo. Ngược lại, mọi hành vi lợi dụng tôn giáo để làm mất trật tự an toàn xã hội, phá hoại chính sách đoàn kết toàn dân, chống phá chính sách của Đảng, Nhà nước, hay gây tổn hại các giá trị đạo đức, lối sống, văn hóa của dân tộc đều bị xử lý theo pháp luật.


Những người đệ tử Phật nói riêng, và những người yêu kính các giá trị thiện đức nói chung vẫn luôn tin tưởng rằng, không cần thông qua những ồn ào trên mạng xã hội, vẫn đang có rất nhiều những vị tăng, ni với đạo tâm kiên cố và tấm lòng thiết tha với đạo pháp, đang ngày đêm học hỏi, tu tập theo chánh pháp Phật, thanh tịnh thân tâm mình và làm lợi lạc cho đời, xứng đáng là những bậc “sứ giả của Như Lai”.  


Thu Hằng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét