Trách nhiệm của CBCCVC là thực hiện đúng, đầy đủ chức trách, nhiệm vụ, thẩm quyền đã được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó để phục vụ lợi ích của Tổ quốc, của nhân dân, của Đảng. Thời gian qua, nhiều địa phương, đơn vị xuất hiện tình trạng một bộ phận CBCCVC không thực hiện hoặc chậm trễ trong việc thực hiện nhiệm vụ, chức trách của mình, làm ảnh hưởng đến lợi ích của người dân, doanh nghiệp, địa phương, đất nước. Lợi dụng điều này, các thế lực thù địch đã tung ra luận điệu xuyên tạc để phá hoại nền tảng tư tưởng của Đảng, chống phá Đảng và Nhà nước ta, vì thế, cần vạch rõ bản chất của âm mưu, thủ đoạn đen tối này để có giải pháp đấu tranh ngăn chặn hiệu quả.
Thứ nhất, đấu tranh phản bác luận điệu cho rằng cán bộ sợ trách nhiệm, né tránh trách nhiệm là bản chất của nhà nước xã hội chủ nghĩa.
Các thế lực thù địch xuyên tạc rằng, bệnh sợ trách nhiệm, né tránh trách nhiệm không phải mới có mà đã tồn tại từ lâu, mang tính bản chất của chế độ ta, từ đó, quy chụp bộ máy nhà nước ta biến chất, cần phải xây dựng một bộ máy nhà nước khác (?!).
Sự thật là, Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo là Nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Tất cả hoạt động của Nhà nước đều nhằm mục đích bảo đảm cuộc sống ấm no, hạnh phúc của nhân dân. Với mục tiêu, lý tưởng cao đẹp đó, hàng triệu đảng viên và CBCCVC trong các cơ quan của Đảng và Nhà nước các cấp không ngừng phấn đấu, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, thậm chí có người đã hy sinh cả tính mạng của mình vì lợi ích của đất nước, của nhân dân, của Đảng. “Đảng và Nhà nước ta đã có rất nhiều cố gắng chăm lo đời sống nhân dân. Đảng luôn luôn coi việc bảo đảm và cải thiện đời sống nhân dân là trách nhiệm to lớn thường xuyên của mình”(1). Nhưng, bên cạnh những CBCCVC luôn giữ được phẩm chất, đạo đức cách mạng, cũng có một bộ phận CBCCVC thoái hóa, biến chất về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, ngại khó, ngại khổ, sợ trách nhiệm, nên không dám làm mà né tránh hay đùn đẩy trách nhiệm cho người khác. Tuy nhiên, không phải vì thế mà lấy hiện tượng để đánh giá bản chất, khi cho rằng CBCCVC trong hệ thống chính trị của chúng ta đều xấu, rằng “cán bộ sợ trách nhiệm, né tránh trách nhiệm là bản chất” của nhà nước ta, bởi như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định, “nếu xấu như vậy thì tại sao những năm qua chúng ta tiến hành sự nghiệp đổi mới đạt được những thành tựu to lớn mà cả thế giới thừa nhận, vị thế nước ta trên trường quốc tế ngày càng được nâng cao?”(2). Đảng ta sẵn sàng nhìn nhận một cách khách quan, bên cạnh những thành tựu trong công tác xây dựng, phát triển đội ngũ đảng viên, CBCCVC, thời gian qua, vẫn còn một bộ phận đảng viên, CBCCVC sợ trách nhiệm, né tránh trách nhiệm và đặt ra yêu cầu phải đấu tranh không khoan nhượng với những hạn chế, khuyết điểm đó. “Chiến đấu ở đây không phải chỉ hiểu đơn thuần là chiến đấu với kẻ thù, mà chiến đấu với tình trạng trì trệ, không phát triển; chiến đấu với việc làm sai trái; chiến đấu với chính bản thân mình để vượt lên những biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân; chiến đấu chống lại những âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch”(3).
Thứ hai, đấu tranh phản bác luận điệu cho rằng cán bộ sợ trách nhiệm, né tránh trách nhiệm là do chế độ một đảng lãnh đạo.
Các thế lực thù địch xuyên tạc rằng, do ở Việt Nam chỉ có một đảng duy nhất lãnh đạo nên quyền lực chính trị tập trung, hạn chế sự sáng tạo của các cá nhân, dẫn đến nhiều CBCCVC thụ động, không dám có sáng kiến, coi “ý đảng” đứng trên pháp luật. Từ đó, các thế lực thù địch cho rằng, cần thực hiện đa nguyên, đa đảng, để quyền lực không còn tập trung, để có pháp luật bảo vệ (?!)
Sự thật là, Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 khẳng định, Đảng Cộng sản Việt Nam “là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội”(4), “Các tổ chức của Đảng và đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật”(5). Do đó, không có chuyện Đảng đứng trên pháp luật hay không theo pháp luật để lãnh đạo đất nước; nghị quyết của Đảng và pháp luật của Nhà nước bảo đảm tính thống nhất, không mâu thuẫn với nhau, bởi pháp luật chính là sự thể chế hoá chủ trương, đường lối, quan điểm được thể hiện trong nghị quyết của Đảng và nghị quyết của Đảng cũng không thể trái pháp luật. Đảng lãnh đạo Nhà nước nhưng không can thiệp vào công việc cụ thể của Nhà nước mà chỉ định hướng hoạt động thông qua nghị quyết, đường lối của Đảng; thông qua tuyên truyền, giáo dục, thuyết phục; thông qua đội ngũ đảng viên trong bộ máy nhà nước, thông qua công tác kiểm tra, giám sát và sự gương mẫu của đảng viên. Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo tổ chức quyền lực theo nguyên tắc phân công quyền lực, nhà nước của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, kế thừa những nhân tố hợp lý của mô hình nhà nước pháp quyền của nhân loại với mục tiêu bảo đảm cho pháp luật trở thành tối thượng, được thực thi trên thực tế. Điều đó thể hiện ở việc Đảng ta chỉ đạo thể chế hóa tổ chức quyền lực nhà nước theo nguyên tắc “Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp”(6). Như vậy, quyền lực nhà nước vẫn bảo đảm được vận hành hiệu quả “trên cơ sở các nguyên tắc pháp quyền, bảo đảm quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công rành mạch, phối hợp chặt chẽ và tăng cường kiểm soát quyền lực nhà nước”(7). Ở Việt Nam, dù một đảng lãnh đạo, dù chúng ta không thực hiện tam quyền phân lập, song vẫn bảo đảm Hiến pháp là tối thượng thông qua nguyên tắc pháp quyền. Không có cá nhân, tổ chức nào hoạt động đứng ngoài hay đứng trên pháp luật. Pháp luật ở nước ta đã quy định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của CBCCVC trong hoạt động công vụ(8) và đó cũng là cơ sở để xác định rõ trách nhiệm của CBCCVC. Vì vậy, để khắc phục tình trạng CBCCVC sợ trách nhiệm, né tránh trách nhiệm, vấn đề cốt yếu không phải là “thay đổi thể chế chính trị” như các thế lực thù địch rêu rao, xuyên tạc, mà chính là cần phải hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, gắn với xây dựng một hệ thống pháp luật dân chủ, công bằng, nhân đạo, đầy đủ, đồng bộ, thống nhất, kịp thời, khả thi, công khai, minh bạch, ổn định, dễ tiếp cận, mở đường cho đổi mới sáng tạo, phát triển bền vững và cơ chế tổ chức thực hiện pháp luật nghiêm minh, nhất quán.
Thứ ba, đấu tranh phản bác luận điệu cho rằng, cán bộ sợ trách nhiệm, né tránh trách nhiệm là do đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực quá quyết liệt.
Các thế lực thù địch xuyên tạc rằng, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực chỉ nhằm “đấu đá nội bộ, triệt phe cánh đối lập”; do Đảng ta xử lý kỷ luật mạnh tay những đảng viên, CBCCVC tham nhũng, tiêu cực, cả những cán bộ đã nghỉ hưu, lật lại những vụ tham nhũng, tiêu cực cách đây nhiều năm, nên nhiều CBCCVC sợ trách nhiệm vì mang tâm lý “làm nhiều sai nhiều, làm ít sai ít, không làm thì không sai”, né tránh trách nhiệm để bảo đảm “an toàn”(?!).
Phát biểu tại Phiên họp thứ 21 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, ngày 20-1-2022, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã yêu cầu phải: “Chấn chỉnh, đấu tranh đẩy lùi, loại bỏ tư tưởng lo ngại việc đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng sẽ “làm chậm sự phát triển”, làm “hạn chế sức sáng tạo, dám nghĩ, dám làm”, “nhụt chí”, “làm cầm chừng”, “phòng thủ” trong một bộ phận cán bộ, công chức, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp”(9). Tổng Bí thư khẳng định: “Đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng và xây dựng, chỉnh đốn Đảng chỉ làm “chùn bước” những ai có động cơ không trong sáng, đã trót “nhúng chàm” và những người không nắm vững chủ trương, chính sách của Đảng, thiếu kiến thức, kinh nghiệm và bản lĩnh”(10).
Ngoài ra, thực tế cho thấy, tình trạng sợ trách nhiệm, né tránh trách nhiệm có một phần nguyên nhân từ sự yếu kém của một bộ phận CBCCVC do hạn chế về năng lực, về phẩm chất, đạo đức hay đã từng mắc phải sai phạm trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ, nay sợ bị phát hiện và bị xử lý, nên không dám làm hoặc làm “cầm chừng”, “đối phó”, né tránh trách nhiệm để mong được “an toàn”. Cần nhận thức rằng, cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực do Đảng ta, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lãnh đạo, với phương châm “kiên quyết, kiên trì, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai” được tiến hành mạnh mẽ, quyết liệt thời gian qua là động lực quan trọng để thúc đẩy phát triển đất nước, “chính nhờ làm tốt công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng đã góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định chính trị, tăng cường quốc phòng, an ninh và đối ngoại”(11). Đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực hiệu quả góp phần làm trong sạch bộ máy của Đảng, Nhà nước, giảm bớt sự nhũng nhiễu của một bộ phận CBCCVC đối với người dân, doanh nghiệp, qua đó, ngày càng củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước. Như vậy, rõ ràng, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực mang lại nhiều lợi ích, không hề “làm cản trở sự phát triển của đất nước” như các thế lực thù địch xuyên tạc.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét