Thời gian qua, các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị đã núp dưới chiêu bài “nhân danh nhân dân” để thực hiện các hành vi chống phá Đảng, Nhà nước, xâm phạm những quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân, hòng chia rẽ mối quan hệ máu thịt giữa Đảng với dân. Hành vi “nhân danh nhân dân” của họ có một số biểu hiện:
Một là, lợi dụng hoặc núp dưới danh nghĩa “nhân dân” để thực hiện nhiều âm mưu, thủ đoạn tấn công, phá hoại nền tảng tư tưởng của Đảng thông qua việc tuyên truyền xuyên tạc Cương lĩnh, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; xuyên tạc lịch sử dân tộc, lịch sử Đảng, lịch sử cách mạng, lịch sử vùng đất; bôi nhọ cá nhân lãnh tụ, lãnh đạo cao cấp của Đảng. Lợi dụng những sai lầm, khuyết điểm của một bộ phận cán bộ, đảng viên; đặc biệt là lợi dụng cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng của Đảng, những vụ, việc cán bộ, đảng viên bị kỷ luật do liên quan đến các vụ án tham nhũng, tiêu cực,… Thời gian qua, các đối tượng chống phá đã quy kết rằng tham nhũng là tình trạng phổ biến, là hệ quả của chế độ nhất nguyên chính trị, một đảng duy nhất cầm quyền (?!). Bên cạnh đó, ra sức tán dương sự hào nhoáng của chủ nghĩa tư bản; đồng thời hạ thấp, xuyên tạc những thành tựu mà Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đã đạt được trên con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, từ đó “nhân danh nhân dân” đòi xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng, đòi đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập, thực hiện xã hội dân sự và cho rằng chỉ có như vậy mới sửa chữa được những “khuyết tật” của chủ nghĩa xã hội (?!)
Hai là, lợi dụng sự phát triển của internet và các phương tiện truyền thông xã hội, các thế lực thù địch “nhân danh nhân dân” lập ra nhiều trang web, tài khoản mạng xã hội,… rồi thông qua đó, lấy danh nghĩa là các “chuyên gia phân tích chính trị”, các nhóm theo đuổi nhân quyền, dân chủ,… tung ra nhiều giọng điệu xuyên tạc, nhiều thông tin giả, khai thác triệt để các thủ thuật bóp méo sự thật,… nhằm đánh lạc hướng người dân, nhất là giới trẻ, để công kích Đảng, Nhà nước và chế độ ta. Từ một vài sự việc, “điểm nóng” nhỏ lẻ, họ tìm cách tô vẽ, thổi phồng, dùng các thủ đoạn kích động tâm lý để lôi kéo sự đồng cảm của một số người thiếu thông tin, thiếu hiểu biết, tạo thành các hội, nhóm tự xưng là “đại diện nhân dân”, lấy danh nghĩa “người dân” để kích động biểu tình, lên tiếng đấu tranh đòi dân chủ, nhân quyền, qua đó chống phá các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Song song với đó, họ còn lập ra các tổ chức, diễn đàn núp dưới danh nghĩa “nhân dân” để nêu ra các “yêu sách”, “kiến nghị” đối với Đảng và Nhà nước trong giải quyết các vấn đề kinh tế, chính trị, xã hội, quốc phòng, an ninh, môi trường,… thực chất là để tự nâng mình lên, đồng thời hạ thấp vai trò lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước. Hành vi “nhân danh nhân dân” của họ không chỉ gây nhiễu loạn thông tin mà còn tạo ra sự sự hoang mang, hoài nghi, ảnh hưởng đến mối quan hệ máu thịt giữa Đảng với nhân dân.
Ba là, tìm mọi cách để o bế các đối tượng bị bắt, bị pháp luật xử tội do chống phá Đảng, Nhà nước. Những kẻ “nhân danh nhân dân” thường tung ra luận điệu cho rằng những đối tượng này là những “nhà hoạt động dân chủ”, “nhà hoạt động xã hội” "có trách nhiệm" với Tổ quốc, là những "người dũng cảm", dám nói lên tiếng nói của nhân dân "bị xử oan" (?!). Từ đó, họ tìm mọi cách móc nối với các cá nhân, tổ chức lưu vong chống phá Đảng và Nhà nước ở trong và ngoài nước, “nhân danh nhân dân” đòi “công lý”, đòi trả tự do cho những đối tượng phạm pháp. Mặt khác, khi một số đối tượng có dấu hiệu phạm pháp tìm đường lẩn trốn ra nước ngoài bị lực lượng chức năng của ta ngăn chặn, những kẻ “nhân danh nhân dân” đã sử dụng nhiều phương tiện truyền thông, chủ yếu là các phương tiện truyền thông xã hội, để kêu gọi sự bênh vực, can thiệp, bảo lãnh từ các tổ chức nhân quyền quốc tế.
Bốn là, nhiều đối tượng nhận viện trợ của các nhóm phản động, các thế lực thù địch để thành lập các tổ chức xúi giục biểu tình, kiện tụng, đòi giải quyết những vụ, việc “nóng”, dù không liên quan đến quyền lợi trực tiếp của họ. “Nhân danh nhân dân” tạo lập nhiều tổ chức bất hợp pháp, lôi kéo nhiều người (trong đó có một số trí thức, văn nghệ sĩ…) có lập trường tư tưởng, bản lĩnh chính trị không vững vàng, gây dựng họ thành lực lượng chống đối cực đoan với Đảng và Nhà nước ta. Từ những vấn đề chưa có kết luận chính thức của Đảng và Nhà nước (như những vấn đề nhạy cảm trong quan hệ quốc tế, tình hình Biển Đông,…), các đối tượng tạo dựng tin đồn, dư luận xã hội cho rằng chính quyền giải quyết mập mờ, có dấu hiệu làm tổn hại lợi ích quốc gia - dân tộc (?!). Lợi dụng danh nghĩa “nhân dân”, họ lôi kéo, kích động những phần tử cực đoan, người thiếu thông tin chính thống, thiếu hiểu biết thực hiện những cuộc biểu tình, đòi xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng, cải tổ Nhà nước.
Năm là, lợi dụng vấn đề tôn giáo, dân tộc, các đối tượng “nhân danh nhân dân” tìm mọi cách tấn công, gây chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc bằng cách lợi dụng tình hình khó khăn ở một số khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa để kích động người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, đòi “ly khai”. Hoặc lợi dụng niềm tin tín ngưỡng, tôn giáo để mua chuộc một bộ phận chức sắc, tín đồ tôn giáo, tập hợp lực lượng, sử dụng chiêu bài đòi “tự do tôn giáo, dân chủ, nhân quyền cho người dân tộc thiểu số”; nhân danh “đồng bào dân tộc thiểu số”, “đồng bào tôn giáo” đòi tự trị, tiến tới thành lập tôn giáo riêng và nhà nước riêng (?!).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét