Nhận thức đúng về quyền tự do ngôn luận để không phát ngôn tùy tiện
Quyền tự do ngôn luận là một trong những quyền cơ bản của con người được ghi nhận trong nhiều văn bản luật quốc tế. Điều 29 Tuyên ngôn thế giới về nhân quyền năm 1948 của Liên hợp quốc nêu rõ: “Mỗi người đều có nghĩa vụ đối với cộng đồng, trong khi hưởng thụ các quyền về tự do cá nhân, phải chịu những hạn chế do luật định nhằm mục đích duy nhất là bảo đảm việc thừa nhận và tôn trọng đối với các quyền tự do của người khác và phù hợp với những đòi hỏi chính đáng về đạo đức, trật tự công cộng và phúc lợi chung trong một xã hội dân chủ”. Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (ICCPR) năm 1966 cũng quy định: “Mọi người có quyền tự do ngôn luận. Quyền này bao gồm tự do tìm kiếm, tiếp nhận và truyền đạt thông tin, ý kiến”.
Tương đồng với quy định quốc tế, tại Việt Nam, các quyền con người, trong đó có quyền tự do ngôn luận của công dân luôn được Đảng, Nhà nước tôn trọng và bảo đảm. Các bản Hiến pháp năm 1946, 1959, 1980, 1992 và 2013 đều khẳng định quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí của công dân. Điều 25 Hiến pháp năm 2013 hiến định: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”.
Tuy nhiên, quyền tự do ngôn luận không phải là “quyền bất khả xâm phạm” mà phải tuân thủ trong khuôn khổ pháp luật. Quyền tự do ngôn luận, quyền cơ bản của con người đóng vai trò quan trọng trong việc góp phần xây dựng một xã hội dân chủ, công bằng và văn minh.
Việc hiểu đúng tự do ngôn luận không chỉ là tôn trọng quyền lợi cá nhân mà còn là sự nhận thức về trách nhiệm đạo đức và pháp luật trong việc sử dụng quyền này. Tự do ngôn luận không phải là tự do tùy tiện phát ngôn mà là một trách nhiệm được thực hiện theo các chuẩn mực pháp lý và đạo lý, qua đó góp phần bảo đảm an ninh tư tưởng – văn hóa và giữ vững ổn định trật tự xã hội.
Tự do ngôn luận không chỉ đơn thuần là việc phát biểu ý kiến mà còn là việc truyền đạt thông tin, kiến thức và quan điểm một cách khách quan, công tâm, trung thực. Tính trung thực và đạo đức trong sử dụng tự do ngôn luận là điều không thể phủ nhận, cần được đặt lên hàng đầu, đặc biệt là đối với trí thức, nhà văn, nhà báo, nhà nghiên cứu, luật sư và những người có ảnh hưởng nhất định với cộng đồng, xã hội.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, vẫn có một số cá nhân, nhất là một số người nắm “quyền lực thông tin, quyền lực của con chữ” đã sử dụng tự do ngôn luận một cách tùy tiện, thậm chí lợi dụng để phá hoại an ninh tư tưởng và văn hóa. Thời gian qua, một số trí thức, nhà văn, luật sư… đã lợi dụng tự do ngôn luận để phát ngôn, viết bài với nhiều kỹ năng cài cắm thông tin mập mờ, trộn lẫn đúng-sai nhằm mục đích xấu, thậm chí chống phá Đảng, Nhà nước Việt Nam. Các hành động này không chỉ vi phạm pháp luật, ảnh hưởng đến uy tín của cơ quan Nhà nước, danh dự của cá nhân lãnh đạo mà còn gây ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường thông tin và sự ổn định, phát triển của xã hội.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét