Thứ Tư, 5 tháng 6, 2024

 Kỷ niệm 113 năm ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước (5/6/1911-5/6/2024):

BÁC HỒ RA ĐI TÌM ĐƯỜNG CỨU NƯỚC VÀ BƯỚC NGOẶT CỦA CÁCH MẠNG VIỆT NAM


Tại Lễ kỷ niệm lần thứ 120 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2010), do Ðại sứ quán Việt Nam tổ chức ở Pháp, ông  Han đơ-vi-lơ,  Phó Tổng Giám đốc UNESCO đã  phát biểu: “Các cuộc hành trình trong cuộc đời đã khiến Bác Hồ trở thành công dân của thế giới, đồng thời là đại sứ của Việt Nam trên khắp toàn cầu”. Thật vậy, cả cuộc đời của Bác Hồ kính yêu là một cuộc hành trình không mệt mỏi vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân. Ngày 05/6/1911 đã trở thành một dấu mốc đặc biệt quan trọng, không chỉ trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Bác, mà còn đối với lịch sử của cả một dân tộc, Bác Hồ, lúc đó là người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành, với tên mới là Văn Ba đã rời Sài Gòn (nay là thành phố Hồ Chí Minh) ra đi với một hoài bão lớn, nung nấu một quyết tâm cháy bỏng đó là giành “tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho Tổ quốc tôi, đấy là tất cả những điều tôi muốn, đấy là tất cả những điều tôi hiểu”. Cuộc hành trình qua 3 đại dương, 4 châu lục Á, Âu, Phi, Mỹ và gần 30 quốc gia, hàng trăm thành phố lớn, nhỏ, tiếp xúc với nhiều dân tộc, nhiều nền văn hóa đã đưa Nguyễn Ái Quốc đến với chủ nghĩa Mác - Lênin,tìm ra con đường cứu nước cho dân tộc Việt Nam - con đường cách mạng vô sản.


Từ đầu thế kỉ XX, dưới ách thống trị của chế độ thực dân phong kiến, chứng kiến nền độc lập của dân tộc bị xâm phạm, cảnh nhân dân ta “một cổ hai tròng” chịu nhiều lầm than, cực khổ, bị chà đạp, áp bức, bóc lột tàn bạo, đã có rất nhiều phong trào yêu nước của các văn thân sĩ phu yêu nước nổ ra như phong trào Cần Vương, cuộc khởi nghĩa của nghĩa quân Yên Thế, phong trào Duy Tân của Phan Chu Trinh, phong trào Đông kinh nghĩa thục của Phan Bội Châu….nhưng tất cả đều thất bại.


Người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành rất ngưỡng mộ và kính trọng lòng yêu nước dũng cảm, kiên cường của các bậc tiền bối, nhưng với tấm lòng yêu nước sâu sắc, sự trăn trở về vận mệnh dân tộc, bằng sự hiểu biết của bản thân, Nguyễn Tất Thành sớm nhận ra con đường do những người đi trước mở ra sẽ không giải phóng được dân tộc mà cần thiết phải có con đường mới phù hợp với quy luật phát triển của lịch sử để giành lại độc lập, tự do cho dân tộc; phải ra nước ngoài xem nước Pháp và các nước độc lập phát triển như thế nào để trở về giúp đồng bào ta, đất nước ta thoát khỏi cảnh áp bức, nô lệ. Nung nấu quyết tâm đi tìm một con đường cứu nước mới, chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành đã đi bộ từ Phan Thiết, vượt qua những khó khăn khắc nghiệt của thời tiết, nhiều khi lả đi vì đói, vì mệt, vì khát để tới Sài Gòn, tìm cơ hội thực hiện ý định cháy bỏng đó. Đây chính là bước ngoặt quan trọng, một sự lựa chọn lịch sử có ý nghĩa rất quan trọng, mở đầu cho quá trình tìm đường cứu nước của Nguyễn Tất Thành.


Đến Sài Gòn, Nguyễn Tất Thành nhanh chóng tìm được một trường kĩ thuật do Pháp quản lí, ở đó thủy thủ Việt Nam được dạy về hàng hải, về giao thông vận chuyển hàng,…Trong con mắt của các viên chức nhà trường, người thanh niên dù gầy gò, có giọng nói Trung Bộ nhưng lại tỏ ra thông minh, nói được tiếng Pháp thành thạo, có thể phù hợp để đào tạo thành một thủy thủ. Nguyễn Tất Thành phải học 3 năm để hoàn thành khóa học. Trong những ngày đó, anh thường xuyên đến bến cảng Sài Gòn. Hình ảnh những chiếc tàu neo bến làm lòng anh không yên. Và ngày 5/6/1911, trên con tàu Amiral La Touche De Tréville từ cảng Sài Gòn, tự giới thiệu là Văn Ba xin làm phụ bếp, Nguyễn Tất Thành đã rời Tổ quốc, bắt đầu cuộc hành trình 30 năm tìm con đường giải phóng dân tộc, giải phóng đất nước. Vào thời điểm đó, không ai biết rằng vận mệnh của dân tộc Việt Nam đã gắn liền với quyết định ra đi của một con người mà lịch sử đã chứng tỏ là sáng suốt phi thường.


Đối với những người trên tàu, anh thanh niên Văn Ba trông giống một học sinh hay một sinh viên hơn là một công nhân. Vị thuyền trưởng hỏi anh có thể làm được gì trong nhà bếp, anh chỉ có một câu trả lời duy nhất: “Tôi có thể làm tất cả những gì ông cần!”. Ngay ngày hôm sau, anh đã bắt đầu một công việc mà trước đó hoàn toàn xa lạ với anh.


Anh tất bật từ 4 giờ sáng đến 9 giờ tối. Một ngày làm việc của anh bắt đầu bằng việc rửa sạch khu bếp, phục vụ cho gần 800 hành khách và thủy thủ trên tàu.


- Văn Ba, lấy than!

- Văn Ba, quạt bếp!

- Văn Ba, mang rau!

- Văn Ba,…


Ngày nào anh cũng nghe những câu nói ấy và thoăn thoắt làm việc: Lấy than, quạt bếp, mang rau, khoai tây, thịt, cá từ kho lên bếp…Và có một công việc gần như ngoài sức tưởng tượng của anh là phải rửa sạch những chiếc nồi đồng to, nặng không thể nhấc lên được. Công việc của anh luôn tất bật, lại thường xuyên đi giữa căn bếp nóng nực và phòng kho lạnh buốt, hoặc khuân vác đồ nặng trên con tàu chòng chành, lên những bậc thang chật hẹp từ kho lên nhà bếp. Nhưng, người thanh niên gầy gò ấy luôn hoàn thành công việc, kể cả những việc hoàn toàn mới mẻ như gọt củ cải, khoai tây, những thứ mà anh chưa nhìn thấy bao giờ.


Thủy thủ và đầu bếp đã bắt đầu nể phục anh không chỉ anh đã hoàn thành công việc hết sức nặng nề mà họ đã khám phá ra một điều rằng, người thanh niên ấy là một người thông minh, hiếu học. Mặc dù đã mệt lả sau một ngày làm việc nhưng anh Ba vẫn không chịu đi ngủ mà còn thức đến 23 giờ khuya hoặc lâu hơn nữa để đọc sách hoặc viết lách. Một số người thủy thủ và phụ bếp mù chữ đã nhanh chóng kết thân với anh. Họ vui mừng khi được anh sẵn sàng viết hộ những bức thư gửi cho người thân và gia đình. Anh còn dạy họ học tiếng Việt. Họ giúp anh rửa rau củ, nói chuyện với anh về nước Pháp, về người dân Pháp. Một kinh nghiệm đầu tiên nhưng quý giá mà anh nhận ra được: Cũng có cả những người Pháp tốt bụng. Kinh nghiệm này đã bổ sung cho nhận thức của anh về quan hệ sau này đối với đất nước và con người Pháp.


Với một sự mẫn cảm đặc biệt, Nguyễn Tất Thành không đi sang nước Nhật, không đi Trung Quốc…mà Người sang các nước Tây Âu, sang nước Pháp, đến tận nơi nước đang cai trị mình, đến tận châu Âu, nơi đang có sự phát triển vượt bậc về kinh tế, về văn hóa, về chính trị để tìm hiểu những truyền thống tự do, bình đẳng, bác ái và nền văn minh của chính quốc và tìm hiểu nơi đã sinh ra mọi chế độ thực dân thối nát và cực kỳ tàn bạo như chính Người đã thấy trên đất nước mình. Tại sao lại như vậy? Năm 1923, tại Mát-xcơ-va, khi trả lời phỏng vấn của phóng viên Tạp chí “Ngọn lửa nhỏ”, Người đã giải thích quyết định về sự lựa chọn của mình như sau: “Vào trạc tuổi 13, lần đầu tiên tôi được nghe những từ ngữ tiếng Pháp: tự do, bình đẳng, bác ái - đối với chúng tôi lúc ấy, mọi người da trắng được coi là người Pháp - thế là tôi muốn làm quen với văn minh Pháp, tìm xem những gì ẩn giấu đằng sau những từ ấy”.




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét