Thứ Hai, 24 tháng 6, 2024

 BÀI NÓI CHUYỆN CỦA CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH TẠI HỘI NGHỊ CUNG CẤP TOÀN QUÂN LẦN THỨ NHẤT (25/6/1952)

1. Trách nhiệm của cán bộ cung cấp thế nào?

Mỗi người cán bộ cung cấp nói riêng và Tổng cục cung cấp nói chung, phải phụ trách trước bộ đội, trước nhân dân, trước Đảng, trước Chính phủ. Nhân dân thi đua đóng góp cho Chính phủ, Chính phủ lo ngày lo đêm giao cho các chú cung cấp cho bộ đội. Bộ đội mong chờ các chú. Các chú làm tròn trách nhiệm là tốt. Các chú làm không tròn là có lỗi với Đảng, với Chính phủ, với bộ đội, với nhân dân. Muốn làm tròn nhiệm vụ, cán bộ cung cấp trước hết phải có tinh thần trách nhiệm, cố gắng vượt mọi khó khǎn làm cho bộ đội no ấm, đủ súng đạn, đủ sức khoẻ để đánh giặc.

2. Tǎng gia sản xuất và tiết kiệm.

Đó là chính sách chung của Đảng, của Chính phủ, của nhân dân, của bộ đội.

Trước hết nói về tǎng gia sản xuất. Các cơ quan trong quân đội phải cố sức trồng trọt chǎn nuôi để tự túc phần nào, để giảm bớt gánh nặng của nhân dân. Tuy công việc chuyên môn vẫn là chính, nhưng phải cố sức tǎng gia. Bộ đội đánh thắng giặc thu được nhiều chiến lợi phẩm, đấy cũng là tǎng gia.

Các chú đã hiểu rõ kháng chiến nhất định thắng lợi, muốn thắng lợi phải trường kỳ gian khổ, muốn trường kỳ phải tự lực cánh sinh. Tǎng gia là một bộ phận trong chính sách tự lực cánh sinh.

Nói chung tiết kiệm cái gì? Tiết kiệm sức người như dân công, tiết kiệm tiền, tiết kiệm của. Mọi thứ đều phải tiết kiệm, tǎng gia mà không tiết kiệm thì vô ích. Tiết kiệm mà không tǎng gia thì lấy gì mà tiết kiệm? Mục đích tiết kiệm không phải là bớt ǎn, mà là thêm ǎn, làm cho bộ đội no. Nói chung, các cơ quan đều phải tiết kiệm. Riêng cơ quan cung cấp tổ chức còn kềnh càng, thừa người, phải sắp xếp cho gọn gàng, hợp lý, mọi người đều có công việc thiết thực, những người thừa phải đưa đi chỗ thiếu, những người ở lại phải thi đua nâng cao nǎng suất của mình. Thế là tinh giản, tinh là nǎng suất lên cao, làm cho mau cho tốt, giản là vừa phải, không kềnh càng, tránh hình thức.

Để giúp cho việc tǎng gia và tiết kiệm thành công, việc chi thu phải đúng mức, đi đến thu nhiều chi ít, nhưng chúng ta phải đi dần dần, bây giờ phải chi thu đúng mức. Làm việc gì phải làm cho kết quả, trong phạm vi số tiền đã định, nếu làm tròn việc ấy mà không hết số tiền đã định là các chú có công. Khoản nào phải để vào khoản ấy, không được đem khoản nọ tiêu nhằng sang khoản kia.

Chiến lợi phẩm nếu thu đúng, nếu kỷ luật nghiêm thì từ chiến dịch Biên giới đến nay, chúng ta cũng đã thu được khá để trang bị cho bộ đội.

Chính sách của chúng ta từ trước đến giờ là giành của địch để đánh địch. Hồng quân Liên Xô, Giải phóng quân Trung Quốc cũng giành của địch để đánh địch. Ta cũng làm như vậy. Nhưng từ trước tới nay chưa làm đúng, từ nay trở đi phải làm cho đúng. Việc này ảnh hưởng nói chung đến kháng chiến, nói riêng đến Tổng cục cung cấp. Mỗi lần ta đánh thắng mà tất cả chiến lợi phẩm đều tập trung lại, đưa về làm của công, có ngǎn nắp, thì ảnh hưởng đến các ngành trong Tổng cục. Quân y có thêm thuốc, quân nhu có thêm quần áo chǎn màn, quân giới có thêm máy móc, quân khí có thêm súng đạn, vận tải có thêm xe cộ, thì ảnh hưởng tốt cho công quỹ của Chính phủ. Một mặt tǎng cường được trang bị cho bộ đội, một mặt giảm nhẹ sự đóng góp của nhân dân. Muốn thế phải có chính sách, kế hoạch rõ ràng, có kỷ luật nghiêm. Kỷ luật phải nghiêm nhưng cấp phát phải có kế hoạch, thứ gì thưởng cho bộ đội không tính vào cấp phát, thứ gì thu về hậu phương để cấp phát sau. Thế là thực hiện được kỷ luật nghiêm và cấp phát đúng, chứ không được để cho bộ đội tự do làm hao phí và lấy dùng bừa bãi.

3. Bổn phận của cán bộ cung cấp

Là phục vụ chiến sĩ đi đánh giặc và những người dân công đi giúp chiến dịch. Đối với chiến sĩ, phải sǎn sóc họ, làm sao cho họ đủ ǎn, đủ mặc, đủ súng, đủ thuốc. Đối với dân công cũng phải như vậy, nếu họ đói, họ ốm, ảnh hưởng đến công tác của các chú trước, rồi ảnh hưởng đến cả chiến dịch. CÁC CHÚ PHẢI LÀM THẾ NÀO MỘT BÁT GẠO, MỘT ĐỒNG TIỀN, MỘT VIÊN ĐẠN, MỘT VIÊN THUỐC, MỘT TẤC VẢI, PHẢI ĐI THẲNG ĐẾN CHIẾN SĨ. ĐÓ LÀ BỔN PHẬN CỦA CÁC CHÚ.Muốn làm được như thế, cố nhiên phải có tổ chức, có chương trình, nhưng nếu cán bộ không cố gắng, thì không thành công được. Mọi người gây thành một phong trào tự phê bình và phê bình để chống tham ô lãng phí. Các ngành trong Tổng cục cung cấp tuy có cố gắng nhưng cũng còn cần phải chống tham ô lãng phí hơn nữa.

Bác nhận được nhiều thư trong bộ đội gửi lại, hoặc trong chỉnh huấn gửi tới, tự phê bình là có tham ô lãng phí và xin hứa sửa chữa. Chắc rằng trong bộ đội, cơ quan còn có người tham ô lãng phí mà chưa tự phê bình. Vậy mỗi người phải tự mình chống tham ô lãng phí, gây thành một phong trào làm cho mọi người thấy đó là tội ác xấu xa, ai cũng gớm cũng ghét. Cần phải đấu tranh trừ bỏ tội ác đó.

Tham ô lãng phí một phần lớn là do bệnh quan liêu mà ra. Quan liêu là gì? Quan liêu là những người phụ trách bất kỳ cấp nào không gần gũi cán bộ, không theo dõi công việc thiết thực, không theo dõi cán bộ để biết tính nết, khả nǎng, để thấy điều tốt thì khuyến khích, thấy điều xấu thì can ngǎn, giáo dục, giúp đỡ sửa chữa. Thế là cán bộ xa thực tế, xa bộ đội, xa nhân dân, không dân chủ.

Muốn chống tham ô lãng phí, chống quan liêu thì phải dân chủ, gây tự phê bình và phê bình, làm cho mọi người biết tự phê bình mình và dám phê bình người. Tất nhiên không phải nói lu bù nhưng phải để cho người phụ trách thấy, để quần chúng thấy, thì tham ô lãng phí không thể nảy nở được.

Bác cũng có nhận được nhiều thư của các cán bộ gửi đến cho Bác, nói trước thì thắc mắc, không yên tâm nhưng nay đã sửa chữa. Cố nhiên phải tin lời nói của cán bộ, nhưng trong các chú ở đây và các chú ở nhà, cũng còn có những chú chưa yên tâm làm việc. Đó là bệnh cá nhân, là còn tham địa vị, nói chung là không hiểu sâu sắc cách mạng phải có phân công.

Nước ta là nước dân chủ, địa vị cao nhất là dân, vì dân là chủ. Trong bộ máy cách mạng, từ người quét nhà, nấu ǎn cho đến Chủ tịch một nước đều là phân công làm đày tớ cho dân.

Đó là vinh dự cao nhất. Nếu có thành tích gì thì Chủ tịch và người nấu cơm phải chia nhau cái vinh dự ấy. Tóm lại không có việc sang, hèn. Công việc gì làm tròn, bổ ích cho kháng chiến, cho nhân dân đều là công việc sang, công việc gì bên ngoài có vẻ loè loẹt mà không làm tròn là công việc xấu.

Trong Đại hội chiến sĩ thi đua toàn quốc vừa rồi, 150 người trong Đại hội xứng đáng là anh hùng, có người đánh giặc, có người công nhân, có nông dân, có y tá, có bác sĩ, có dân công, có người nấu ǎn. Người nào vượt khó khǎn làm tròn nhiệm vụ, đó là anh hùng.

Các anh hùng, chiến sĩ vừa qua trong khi làm nhiệm vụ đều không nghĩ tới trở nên anh hùng. Nã Phá Luân dọc ngang trời đất, Từ Hải trong truyện Kiều “vai nǎm tấc rộng, thân mười thước cao” cũng gọi là người anh hùng, nhưng người anh hùng của ta không phải thế, người anh hùng của ta như cô dân công khu V, cô cán bộ vùng địch hậu, bé chút xíu nhưng làm tròn nhiệm vụ.

Các chú cũng có thể trở nên anh hùng. Với sự giúp đỡ của Bộ Tổng tư lệnh, của Tổng cục cung cấp, với sự lãnh đạo của Đảng, Chính phủ, với lòng tự tin của các chú, với sự giúp đỡ của anh em chung quanh, các chú sẽ thành công. Trước khi ra về, Bác dặn thêm các chú gắng gây thành một phong trào chống quan liêu, tham ô, lãng phí, các chú phụ trách phải xung phong gương mẫu. Sau khi làm, các chú báo cáo kết quả cho Bác biết.

Ngày 25/6/1952

(Sách Hồ Chí Minh: Những bài viết và nói về quân sự, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1987, t.2, tr.143-148)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét