Thứ Ba, 4 tháng 6, 2024

ĐOÀN KẾT TÔN GIÁO THEO TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH

 Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhất quán thực hiện đoàn kết lương – giáo, đoàn kết giữa những người theo các tôn giáo khác nhau. Theo Hồ Chí Minh, đoàn kết tôn giáo góp phần tập hợp, đoàn kết toàn dân tộc, tạo sức mạnh tổng hợp, thực hiện thắng lợi sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng đất nước có vai trò đặc biệt quan trọng. Chính vì vậy, sau khi nước nhà độc lập, trong Phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời (03-9-1945), Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên bố: Thực dân và phong kiến thi hành chính sách chia rẽ đồng bào Giáo và đồng bào Lương, để dễ thống trị. Tôi đề nghị Chính phủ ta tuyên bố: Tín ngưỡng tự do và Lương Giáo đoàn kết. Theo Người, đoàn kết tôn giáo trước hết, phải lấy mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội làm điểm tương đồng, dùng cái tương đồng để khắc phục sự dị biệt. Giải phóng dân tộc ở nước ta là mục tiêu trước nhất, là nền tảng cho sự giải phóng giai cấp, là điều kiện để có độc lập, tự do cho các tôn giáo.

Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu ra nguyên tắc cụ thể để đoàn kết tôn giáo thành công. Trước hết cần lấy lợi ích quốc gia dân tộc làm mẫu số chung, dựa trên phương châm “Dân tộc trên hết – Tổ quốc trên hết” và “tất cả do con người, tất cả vì con người”. Lợi ích của từng tôn giáo gắn chặt với lợi ích của cả cộng đồng dân tộc, muốn đoàn kết được đồng bào tôn giáo vào trong khối đại đoàn kết dân tộc thì phải đặt lợi ích quốc gia dân tộc lên trên hết. Ngoài ra, không chạm đến đức tin của tôn giáo nói chung và của từng tôn giáo nói riêng. Hồ Chí Minh chú ý nhiều đến việc chỉ ra cái chung, cái thống nhất của các tôn giáo với mục tiêu, lý tưởng của chủ nghĩa xã hội. Đồng thời nhấn mạnh, lòng yêu nước và đức tin tôn giáo không có gì mâu thuẫn, trái lại còn gắn bó chặt chẽ với nhau. Bên cạnh đó, tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và tự do không tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân. Đây là điều kiện tiên quyết, là nguyên tắc cơ bản để có thể đoàn kết được đồng bào tôn giáo vào khối đại đoàn kết chung của dân tộc. Bởi, tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo tức là tôn trọng nhân dân, tôn trọng nhu cầu tâm linh của một bộ phận nhân dân, tôn trọng một yêu cầu về tự do, dân chủ trong đời sống văn hóa, tinh thần của xã hội.

Chủ tịch Hồ Chí Minh còn đề ra các phương pháp đoàn kết tôn giáo trong quá trình hoạt động của mình: Tôn trọng giáo chủ, tranh thủ giáo sĩ và quan tâm đến giáo dân. Trong các tôn giáo, giáo chủ, giáo sĩ là những người không chỉ có sự hiểu biết giáo lý, giáo luật mà còn hiểu biết về tình hình chính trị – xã hội và cũng là những người có đạo đức cao cả nên có tầm ảnh hưởng lớn đối với đồng bào tín đồ tôn giáo. Nếu không nắm được giáo chủ, giáo sĩ thì rất khó thuyết phục được đồng bào có đạo tham gia vào khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Mặt khác, khai thác các giá trị nhân bản, đề cao sự tương đồng, tôn trọng sự khác biệt giữa tôn giáo và chủ nghĩa cộng sản. Hồ Chí Minh nhận thấy trong bản chất tôn giáo và trong cả tư tưởng của những người sáng lập ra nó chẳng có ai là không mong muốn cho cuộc sống của con người ngày càng tốt đẹp hơn, đạo đức hơn và đều hướng tới những giá trị chung của con người là: Chân – Thiện – Mỹ. Các tư tưởng nhân ái, từ bi, bác ái của các tôn giáo đã gặp gỡ với mục tiêu lý tưởng của chủ nghĩa xã hội mà chúng ta đang xây dựng.

Tư tưởng đoàn kết tôn giáo của Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn được Đảng ta kế thừa, phát triển và vận dụng sáng tạo với tình hình thực tiễn.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét