Thứ Hai, 24 tháng 6, 2024

PHÊ PHÁN ĐỂ KỊP THỜI NẮN CHỈNH NHỮNG HÀNH VI “LỆCH CHUẨN”

 Trước những hành vi lệch lạc, “lệch chuẩn” trong xã hội và trên không gian mạng hiện nay, mỗi công dân đều cần trang bị cho mình đầy đủ kiến thức và ý thức để “tự phản tỉnh”, nhận diện đúng và chủ động phê phán. Đó cũng là cách để từng bước củng cố “thế trận lòng dân”, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong bối cảnh mới.

Nhận diện hành vi lệch lạc, “lệch chuẩn”

Quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế đã tạo nhiều điều kiện để phát triển kinh tế, xã hội, kéo theo là sự biến đổi các giá trị và chuẩn mực xã hội theo cả chiều hướng tích cực và tiêu cực. Kể từ khi các trang mạng xã hội phát triển mạnh mẽ và có thể trở thành trang thông tin dẫn dắt, định hướng dư luận như hiện nay, xuất hiện nhiều loại thông tin xấu độc, mang tính chống phá Đảng, Nhà nước. Đáng nói, những loại thông tin này không chỉ xuất hiện từ các thế lực thù địch, phản động ở nước ngoài mà còn xuất hiện từ một bộ phận nhỏ trong nước, vì suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức.

Facebook và Tiktok đang là hai trang mạng xã hội thu hút đông đảo người dùng hiện nay. Ngoài những nội dung mang tính chất chia sẻ thông tin, giải trí, có thể bắt gặp những dạng bình luận tiêu cực, mang tính chống phá từ nhiều tài khoản người dùng. Bên dưới những bài đăng, có một loại bình luận như “parky”, “Bắc Kỳ”,... mang tính xuyên tạc, phân biệt vùng miền, chống phá nhân dân và đất nước.

Hay trước khi có sự kiện quan trọng nào của đất nước được diễn ra, trên các trang mạng xã hội sẽ xuất hiện các bài viết xuyên tạc, bịa đặt về lãnh đạo Nhà nước, tổ chức, cơ quan,... khiến nhân dân hoang mang, khó phân biệt tin tức thật – giả. Hoặc trong một số vụ án lớn, cơ quan chức năng đang điều tra nhưng trên mạng xã hội đã xuất hiện nhiều thông tin bịa đặt về tình tiết vụ án, diễn biến và đưa ra các thông tin sai lệch về pháp luật Nhà nước.

Vụ khủng bố tại Đắk Lắk vào tháng 6/2023 vừa qua cũng là một hành vi điển hình về “lệch chuẩn” trong xã hội. Đây là vụ tấn công manh động, liều lĩnh và bất chấp luật pháp, đạo lý. Vụ việc gây bất ổn trong xã hội, làm phức tạp tình hình tại khu vực Tây Nguyên. Khi xảy ra vụ việc, các thế lực thù địch liên tiếp tung ra những luận điệu xuyên tạc, bóp méo bản chất để chia rẽ dân tộc, tôn giáo, chia rẽ niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.

Một số hành vi lệch lạc, “lệch chuẩn” thường thấy trong xã hội và trên các mạng xã hội có thể kể đến như: bịa đặt, xuyên tạc về nguyên tắc tổ chức, cán bộ, công tác nhân sự tại Đại hội Đảng các cấp; phủ nhận vai trò của lãnh đạo Đảng; chống phá nền tư tưởng của Đảng, đường lối của Đảng; đẩy mạnh thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình”; phủ nhận chủ nghĩa Mác – Lenin và tư tưởng Hồ Chí Minh...

Tăng cường bảo vệ nền tư tưởng của Đảng

Trong khi các thế lực thù địch, phần tử cơ hội chính trị quyết liệt chống phá, lật đổ con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, thì việc tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phán bác các quan điểm lệch lạc là nhiệm vụ quan trọng. Ngay từ những ngày đầu thành lập, Đảng ta đã xác định đúng đắn và kiên quyết bảo vệ đường lối, chống lại các tư tưởng tả khuynh, hữu khuynh. Cuộc đấu tranh tư tưởng, lý luận về chủ nghĩa xã hội, con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của Đảng ngày càng mang tính quyết liệt hơn nữa.

Trong suốt 38 năm đổi mới, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đất nước ta đã đạt được nhiều thành tựu về phát triển kinh tế, xã hội, ngoại giao, đạt được vị thế và uy tín quốc tế. Đây chính là kết quả của quá trình nỗ lực phấn đấu liên tục, bền bỉ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, khẳng định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội là đúng đắn, phù hợp với thực tiễn đất nước và xu thế phát triển của thời đại, góp phần khẳng định niềm tin vào con đường chủ nghĩa xã hội mà Bác Hồ, Đảng và Nhân dân ta đã lựa chọn.

Trước những hành động chống phá ngày càng tinh vi của các thế lực thù địch trong xã hội và trên không gian mạng, mỗi công dân cần tỉnh táo nhận diện được mưu đồ, phân biệt rõ ràng các quan điểm sai trái, tạo “miễn dịch” trước nguồn thông tin xấu, độc, không để các bài đăng trên mạng xã hội có nội dung xuyên tạc dẫn dắt tư tưởng. Không để bị dao động trước sự tấn công trên mặt trận tư tưởng, chính trị. Khi sử dụng các trang mạng xã hội, cần xác định đúng mục tiêu khi chia sẻ thông tin, tránh để các thế lực thù địch lợi dụng, xuyên tạc, xây dựng trang cá nhân trở thành một kênh thông tin đúng đắn, tuyên truyền về chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét