Thứ Năm, 20 tháng 6, 2024

Phương hướng phát huy vai trò tiên phong của đối ngoại trong bảo vệ và phát triển nền tảng tư tưởng của Đảng trên lĩnh vực đối ngoại

 Trong suốt chặng đường gần 40 năm đổi mới, đối ngoại đã phát huy mạnh mẽ vai trò tiên phong, góp phần bảo vệ và phát triển nền tảng tư tưởng của Đảng trong một thế giới đầy biến động. Trong thời gian tới, để tiếp tục phát huy vai trò tiên phong trong bảo vệ và phát triển nền tảng tư tưởng của Đảng, đối ngoại cần ưu tiên một số nội dung chính sau:

Thứ nhất, tập trung tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận, vận dụng và phát triển những quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh về đối ngoại.

Quá trình này sẽ góp phần minh chứng tính đúng đắn, khoa học, sáng tạo trong đường lối đối ngoại của Đảng, phục vụ lợi ích quốc gia - dân tộc, đặt con người vào vị trí trung tâm, thể hiện tính ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa. Đồng thời, việc tổng kết thực tiễn đối ngoại qua các thời kỳ, phân tích, đánh giá những thành tựu, hạn chế và nguyên nhân sẽ giúp rút ra những bài học quý giá để vận dụng vào công tác đối ngoại trong giai đoạn mới. Với nhận thức đó, đối ngoại cần phát huy vai trò tiên phong trong bảo vệ môi trường hòa bình, an ninh “từ sớm, từ xa”, huy động các nguồn lực bên ngoài để phát triển và nâng cao vị thế của đất nước. Quán triệt sâu sắc đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác, phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa trên cơ sở kế thừa và phát huy tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh. Chú trọng xử lý đúng đắn mối quan hệ giữa độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng. Cần vận dụng linh hoạt, sáng tạo, phù hợp với bối cảnh tình hình mới, kế thừa những giá trị cốt lõi về đối ngoại của Chủ nghĩa Mác - Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh trong việc xử lý hài hòa, khéo léo các mối quan hệ, nhất là với các nước láng giềng và nước lớn, luôn biết mình, biết người”, biết thời, biết thế”, đặt lợi ích quốc gia - dân tộc lên hàng đầu và tôn trọng luật pháp quốc tế.

Thứ hai, đẩy mạnh nghiên cứu, dự báo, bám sát tình hình để kịp thời đổi mới tư duy, chủ động ứng phó và có giải pháp thích hợp trong công tác đối ngoại.

Trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều biến động, nghiên cứu khoa học và nghiên cứu cơ bản trong lĩnh vực đối ngoại đã có những bước tiến đáng kể, dành được sự quan tâm lớn của ngành ngoại giao(14). Công tác nghiên cứu, dự báo sẽ góp phần đắc lực vào quá trình phát triển đất nước, đồng thời giúp Việt Nam tránh bị động trong đối phó, tạo cớ cho các thế lực thù địch, phản động lợi dụng.

Đối ngoại cần tiếp tục chủ động bám sát tình hình quốc tế và trong nước, nâng cao hiệu quả công tác nghiên cứu, dự báo chiến lược, xây dựng kịch bản, tranh thủ các mạng lưới đối tác, tư vấn quốc tế, đối thoại chính sách kinh tế cho Việt Nam. Mặt khác, cần xây dựng cơ chế phối hợp nhanh chóng, hiệu quả trong xử lý các vấn đề quan trọng, đột xuất, những vấn đề mang tính quốc tế ở cả trong và ngoài nước, góp phần chủ động hơn nữa trong nắm bắt dư luận, sớm phát hiện các hoạt động chống phá, đấu tranh phản bác thông tin sai lệch, nhất là trong các vấn đề chủ quyền lãnh thổ, quan hệ nước lớn, xung đột, dân chủ, nhân quyền,... để có hình thức đấu tranh phù hợp, xử lý đúng đắn mối quan hệ giữa đối tác và đối tượng, giữa xây” và “chống”, qua đó giữ vững môi trường hòa bình, an ninh Tổ quốc.

Thứ ba, chủ động, sáng tạo trong giải thích, thông tin, truyền thông đối ngoại về đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước để công chúng thấu hiểu, tự giác nâng cao nhận thức, giác ngộ trước các mưu đồ, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, phản động.

Công tác thông tin đối ngoại cần đẩy mạnh quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam để thế giới biết đến và thêm yêu mến Việt Nam. Trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư ngày càng phát triển, công tác thông tin đối ngoại đứng trước những yêu cầu, nhiệm vụ quan trọng mới, trong đó có sự chỉ đạo, trao đổi thông tin kịp thời giữa các cơ quan thông tấn, báo chí, các cơ quan đại diện trong và ngoài nước nhằm nắm bắt thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng, các trang mạng xã hội,... nhất là nêu cao sự cảnh giác, nhanh nhạy và sắc bén trong nhận diện, đấu tranh, phản bác các thông tin xấu độc, quan điểm sai trái của các thế lực thù địch, phản động.

Đối ngoại cần chủ động và tích cực tham gia cuộc đấu tranh dư luận bằng các biện pháp phù hợp, kể cả trên mặt trận tư tưởng văn hóa đến các phương tiện truyền thông đối ngoại, đồng thời đẩy mạnh hoàn thiện cơ chế, chính sách quản lý thông tin trên nền tảng số, mạng xã hội; chủ động cung cấp thông tin nhằm định hướng dư luận, đẩy lùi thông tin, văn hóa xấu, độc, nâng cao ý thức cảnh giác trước âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, phản động.

Tích cực đổi mới phương thức, nội dung và tăng cường ứng dụng công nghệ hiện đại nhằm nâng cao hiệu quả tuyên truyền; coi trọng nội dung giáo dục nền tảng tư tưởng của Đảng, văn hóa, lịch sử, truyền thống dân tộc, bảo đảm thực hiện tốt, hiệu quả nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Trong đấu tranh dư luận, cần chú trọng kết hợp các dạng thức truyền thông trên cơ sở phân cấp rõ ràng giữa các đơn vị triển khai nhằm tạo mặt trận dư luận có trình tự rõ ràng, bổ sung, hỗ trợ cho nhau, không tạo khe hở để lực lượng cực đoan bên ngoài lợi dụng, kích động dư luận.

Thứ tư, xây dựng đội ngũ cán bộ đối ngoại bản lĩnh chính trị, “vừa hồng, vừa chuyên”.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “cán bộ là cái gốc của mọi công việc”(15)Muôn việc thành công hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém”(16). Những năm tới là thời gian chuyển giao thế hệ những cán bộ làm công tác đối ngoại(17), do đó vấn đề kế thừa và phát triển đội ngũ cán bộ đối ngoại bản lĩnh, vừa hồng, vừa chuyên, bảo đảm sự chuyển giao thế hệ một cách vững vàng là một yêu cầu cấp thiết.

Trước hết, cần đẩy mạnh công tác xây dựng, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ làm công tác đối ngoại về bản lĩnh, phẩm chất. Đây là khâu quan trọng nhất, bởi khi đã thấm nhuần đường lối, chủ trương của Đảng, bản sắc ngoại giao Việt Nam, cán bộ đối ngoại khi tham gia vào đời sống quốc tế mới đủ bản lĩnh, năng lực để kiến tạo điểm tương đồng, giảm thiểu điểm khác biệt, tiếp tục đấu tranh, bảo vệ và đẩy mạnh hợp tác quốc tế vì lợi ích quốc gia - dân tộc(18). Đặc biệt, tổ chức học tập, quán triệt thực hiện các văn bản, nghị quyết của Đảng về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, trong đó có Kết luận số 01-KL/TW, ngày 18-5-2021, của Bộ Chính trị, “Về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15-5-2016, của Bộ Chính trị khóa XII, “Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.

Ngoài ra, chú trọng nghiên cứu tư tưởng, trường phái ngoại giao Việt Nam, qua đó vận dụng, phát huy các giá trị thời đại của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh và truyền thống ngoại giao Việt Nam. Xây dựng kế hoạch phát triển nguồn nhân lực toàn diện, bảo đảm cả về chất lượng và số lượng. Ưu tiên đề cử, giới thiệu cán bộ có tiềm năng, triển vọng tham gia các khóa đào tạo, bồi dưỡng ở trong và ngoài nước. Chú trọng đào tạo tại chỗ, gắn đào tạo, bồi dưỡng với thi đua - khen thưởng, phát huy vai trò người đứng đầu. Bên cạnh đó, quán triệt thực hành rộng rãi, duy trì kỷ cương phép nước, chống quan liêu, lãng phí; tích cực, chủ động hội nhập quốc tế, góp phần nâng cao tiềm lực, vị thế và uy tín Việt Nam trên trường quốc tế.

Đại hội XIII của Đảng đã mang đến cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta xung lực mới để vượt qua mọi thử thách, đóng góp nhiều hơn cho sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. Bước vào giai đoạn mới, bảo vệ và phát triển nền tảng tư tưởng của Đảng trong lĩnh vực đối ngoại trở thành một nhiệm vụ then chốt. Mọi cấp, mọi ngành, mọi cán bộ, đảng viên, người dân trong nước, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài cần thấm nhuần và nâng cao hơn nữa ý thức, trách nhiệm của mình trong tham gia công tác đối ngoại.

Nhằm giữ vững và phát huy di sản quý báu, to lớn của các thế hệ đi trước, ngoại giao Việt Nam sẽ tiếp tục vững bước tiến lên, và luôn đặt trên vai trọng trách thiêng liêng nhất là bảo vệ và phát triển nền tảng tư tưởng của Đảng trong tình hình mới, đóng góp xứng đáng vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét