Thứ Ba, 25 tháng 6, 2024

 PHƯƠNG THỨC CŨ NHƯNG NGUY HIỂM

Mặc dù đã xuất hiện từ lâu, nhưng một số người chưa tìm hiểu kỹ hoặc bị dụ dỗ, lôi kéo với các thế lực thù địch có xu hướng cổ súy vấn đề xã hội dân sự theo tiêu chí phương Tây ở Việt Nam. Khi Việt Nam hội nhập quốc tế sâu rộng, thuật ngữ "xã hội dân sự" cũng được du nhập theo. Một số học giả, nhà nghiên cứu trao đổi về vấn đề này và thậm chí không chỉ dừng ở góc độ nghiên cứu, còn đề xuất cần phải thừa nhận và tạo điều kiện cho xã hội dân sự phát triển ở nước ta. Ngay lực tức, quan điểm này nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của các thế lực thù địch, chống phá ở nước ngoài cũng như số đối tượng chống đối, phần tử cơ hội chính trị trong nước. Chúng cho rằng, Việt Nam cần phải thừa nhận vai trò của các tổ chức xã hội dân sự.

Nghiên cứu về xã hội dân sự cho thấy, do mang tính đa dạng về lợi ích, thành phần nên xã hội dân sự đa dạng, đa nguyên về tư tưởng. Chính vì vậy, đối với Việt Nam, sự hình thành của xã hội dân sự chứa đựng nguy cơ xuất hiện, hình thành hoặc du nhập những khuynh hướng tư tưởng chính trị đối lập với Đảng Cộng sản, dẫn tới đa nguyên về tư tưởng, là tiền đề dẫn đến đa nguyên về chính trị. Mặt khác, xã hội dân sự là khu vực dung chứa nhiều tổ chức mang tính đa dạng, thiếu tính tổ chức chặt chẽ, do đó dễ bị các cá nhân, nhóm cá nhân có điều kiện chi phối vào các mục đích riêng và tiềm ẩn nguy cơ gây ảnh hưởng đến an ninh chính trị và trật tự xã hội. Do tính chất đa dạng và phức tạp này mà xã hội dân sự luôn tiềm ẩn nguy cơ bị các đối tượng, tổ chức thù địch cả trong và ngoài nước mua chuộc chi phối, lợi dụng nhằm thực hiện mưu đồ chính trị. Thực tiễn cho thấy, với tính chất phức tạp của vấn đề xã hội dân sự, đã từ lâu các thế lực thù địch tìm mọi cách lợi dụng vấn đề xã hội dân sự để xâm phạm an ninh quốc gia, tác động nhằm chuyển hóa thể chế chính trị tại Việt Nam. Ý đồ của chúng là nhằm thúc đẩy hình thành mô hình xã hội dân sự độc lập về chính trị, tạo tiền đề, môi trường cho sự xuất hiện của lực lượng, tổ chức chính trị đối lập với Đảng Cộng sản Việt Nam, tập hợp, thu hút quần chúng cạnh tranh vai trò lãnh đạo với Đảng Cộng sản và tiến tới thủ tiêu vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản. Chúng cố tình tuyệt đối hóa tính “độc lập” tương đối của xã hội dân sự với Nhà nước, đề cao, tuyệt đối hóa xã hội dân sự, mô tả nó như là mô hình xã hội dân chủ, nhân đạo, là hiện thân của tự do và Nhà nước phải giảm sự can thiệp vào xã hội dân sự.

Lợi dụng vấn đề xã hội dân sự, chúng đưa ra các đòi hỏi thái quá về dân chủ hóa và quyền con người. Thông qua chiêu bài “dân chủ hóa” để tác động hình thành xu hướng hoạt động độc lập với Đảng Cộng sản Việt Nam của các hội, các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị. Đồng thời, thông qua môi trường xã hội dân sự để lôi kéo quần chúng vào các hoạt động dưới danh nghĩa “vì mục tiêu chung”, “thúc đẩy sự tham gia của người dân vào công việc của chính quyền”, với chiêu bài phản biện chính sách, phản biện xã hội, đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng, bảo vệ môi trường... để hình thành tâm lý phản kháng, kích động một bộ phần quần chúng nhân dân chống lại các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước ta, gây mất ổn định chính trị, xã hội. Qua đó làm suy yếu, vô hiệu hóa vai trò lãnh đạo của Đảng và hiệu lực quản lý của Nhà nước, đẩy xã hội tới tình trạng hỗn loạn, vô chính phủ, tạo điều kiện cho sự ra đời của các lực lượng, tổ chức chính trị đối lập với Đảng Cộng sản Việt Nam.

Với âm mưu thâm độc ấy, chúng đã lập ra các tổ chức, hội, nhóm bất hợp pháp mà chúng khoác cho những cái tên mỹ miều “tổ chức xã hội dân sự”. Sau khi thành lập, chúng tiến hành nhiều hoạt động chống đối chính trị. Núp dưới danh nghĩa tổ chức xã hội dân sự để lừa bịp quần chúng tin và đi theo, khi lực lượng đủ mạnh thì tìm mọi cách công khai hóa, hợp pháp thành tổ chức chính trị đối lập với Đảng Cộng sản. Về bản chất, nếu là tổ chức xã hội dân sự thuần túy thì không tham gia hoạt động chính trị, không vì mục tiêu giành và giữ chính quyền. Chính vì thế, không thể công nhận và cho phép các tổ chức này được hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam ta. Từ những phân tích ở trên cho thấy, quan điểm cho rằng Việt Nam cần thừa nhận, cần tạo điều kiện cho xã hội dân sự theo tiêu chí phương Tây phát triển là chưa đúng đắn và phù hợp. Đồng thời, kiên quyết không để các tổ chức, hội nhóm bất hợp pháp núp danh “tổ chức xã hội dân sự” công khai hoá và hợp pháp hóa. Mỗi chúng ta cần hiểu đúng, nhận thức rõ âm mưu, ý đồ chống phá của các thế lực thù địch, phản động núp bóng xã hội dân sự, không cổ súy cho sự phát triển của chúng./.

CĐ, VS (st)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét