Thứ Ba, 11 tháng 6, 2024

QUYỀN CỦA NGƯỜI CAO TUỔI Ở VIỆT NAM ĐƯỢC BẢO ĐẢM

 QUYỀN CỦA NGƯỜI CAO TUỔI Ở VIỆT NAM ĐƯỢC BẢO ĐẢM

Việt Nam là quốc gia luôn quan tâm bảo vệ và thúc đẩy các quyền cơ bản của con người, là thành viên tích cực của cộng đồng quốc tế trong việc bảo đảm quyền con người nói chung và quyền của người cao tuổi nói riêng. Ở Việt Nam người cao tuổi là một lực lượng xã hội quan trọng, góp phần không nhỏ vào sự nghiệp đổi mới và phát triển của đất nước.
Quyền của người cao tuổi ở Việt Nam đã được ghi nhận trong hệ thống pháp luật quốc gia. Hệ thống pháp luật liên quan đến người cao tuổi của Việt Nam ngày càng được nghiên cứu, sửa đổi hoàn thiện tạo hành lang pháp lý vững chắc để bảo đảm quyền của người cao tuổi. Với chính sách quan tâm chăm sóc và phát huy vai trò của người cao tuổi, Nhà nước Việt Nam đã ban hành nhiều văn bản luật và chính sách khẳng định vị thế, vai trò của người cao tuổi trong xã hội, cũng như khẳng định trách nhiệm chăm sóc và phát huy vai trò của người cao tuổi trong gia đình, Nhà nước và xã hội, trong đó phải kể đến là Luật Người cao tuổi năm 2009. Ngay sau khi ban hành Luật, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 06/2011/NĐ-CP Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Người cao tuổi.
Về mặt tổ chức, Việt Nam đã thành lập Ủy ban Quốc gia về người cao tuổi do một Phó Thủ tướng làm Chủ tịch. Quốc hội cũng đã ban hành Nghị quyết về xúc tiến xây dựng Chương trình hành động quốc gia về người cao tuổi. Thủ tướng Chính phủ cũng đã ký Quyết định số 2156/QĐ-TTg: Phê duyệt Chương trình hành động quốc gia về người cao tuổi giai đoạn 2021-2030…
Trong xã hội, người cao tuổi luôn là đối tượng được quan tâm cả về vật chất lẫn tinh thần. Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo các cấp các ngành, các địa phương thực hiện tốt công tác chăm sóc người cao tuổi. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói về người cao tuổi nước ta thực sự là “vốn quý của dân tộc, là lực lượng quan trọng của đất nước, là rường cột của gia đình và xã hội Việt Nam”. Hiện nay cả nước có khoảng 13 triệu người cao tuổi, chiếm trên 13% dân số.
Để nâng cao chất lượng sức khỏe người cao tuổi, các cấp đã tổ chức hướng dẫn thực hiện quy trình theo dõi, thăm khám sức khỏe, lập hồ sơ chăm sóc ban đầu cho người cao tuổi từ Trung ương đến địa phương. Cho đến nay, 95% người cao tuổi có thẻ bảo hiểm y tế; ít nhất 90% người cao tuổi được chăm sóc sức khỏe ban đầu kịp thời, khám sức khỏe định kỳ, lập hồ sơ theo dõi sức khỏe; 100% người cao tuổi khi ốm đau, dịch bệnh được khám chữa bệnh và được hưởng sự chăm sóc của gia đình và cộng đồng. Dưới sự chung tay của cộng đồng, xã hội, công tác chăm sóc sức khỏe người cao tuổi đạt nhiều kết quả. Hằng năm, ít nhất 80% người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn, bệnh tật được tiếp cận các dịch vụ y tế dưới nhiều hình thức khác nhau; 70% người cao tuổi khuyết tật được sàng lọc, phát hiện các dạng khuyết tật và được can thiệp, phục hồi chức năng; 10.000 người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn, không có người phụng dưỡng được chăm sóc, phục hồi chức năng và trợ giúp phù hợp tại các cơ sở phục hồi chức năng và cơ sở trợ giúp xã hội; 100% người cao tuổi tâm thầm nặng, người cao tuổi lang thang được tiếp nhận, chăm sóc, phục hồi chức năng tại các cơ sở trợ giúp xã hội; 100% người cao tuổi không phải sống trong nhà tạm, nhà dột nát; 100% người cao tuổi nghèo, không có người phụng dưỡng được hưởng các chính sách trợ giúp xã hội theo quy định của pháp luật.
Cùng với chăm lo về vật chất, ở Việt Nam việc chăm sóc sức khỏe tinh thần cho người cao tuổi cũng luôn được chú trọng. Đáp ứng nguyện vọng của đông đảo người cao tuổi, ngày 10-5-1995, Hội Người cao tuổi Việt Nam được thành lập. Hội Người cao tuổi chính là nơi người cao tuổi được sinh hoạt, hoạt động, bày tỏ tâm tư, nguyện vọng với cấp ủy, chính quyền địa phương, cơ quan, đoàn thể các cấp. Cho đến nay, Hội Người cao tuổi đã thành lập ở hầu hết các xã, phường, thị trấn trong cả nước, thu hút hơn 10 triệu hội viên, chiếm trên 90% tổng số người cao tuổi trong cả nước. Thông qua các câu lạc bộ như thơ ca, dưỡng sinh, dân vũ, thể thao… đời sống văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao của người cao tuổi được tăng cường. Hiện nay, cả nước có hơn 77.000 câu lạc bộ văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, thu hút hơn 2,5 triệu người cao tuổi tham gia. Cùng với đó, hằng năm, hội người cao tuổi các địa phương đã phối hợp với chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể tổ chức chúc thọ, mừng thọ, tặng quà của Chủ tịch nước tới người cao tuổi có độ tuổi từ 70 đến trên 100 tuổi. Nhằm ổn định nơi ở cho người cao tuổi, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phân bổ hằng trăm nhà Đại đoàn kết cho người cao tuổi chưa có nhà ở, nhà tạm tại các địa phương...
Mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng có thể khẳng định: Việc bảo đảm chế độ dành cho người già, người cao tuổi ở Việt Nam luôn được Đảng, Nhà nước, xã hội quan tâm rất chu đáo. Người cao tuổi ở Việt Nam vừa được Nhà nước bảo vệ bằng luật pháp, chính sách, vừa nhận được sự chăm sóc của cả gia đình và xã hội. Thực tế nêu trên đã bác bỏ hoàn toàn luận điệu sai trái cho rằng người cao tuổi ở Việt Nam “bị Nhà nước bỏ rơi”./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét