Lâu nay, các nước phương Tây thường rêu rao cái gọi là “nhân quyền
cao hơn chủ quyền”, “quyền lực nhà nước ở một quốc gia không được đàn áp nhân
quyền”. Về thực chất, quan điểm này đã đối lập quyền con người với chủ quyền.
Họ lập luận một cách phi lý rằng, vấn đề quyền con người không thuộc công việc
nội bộ của một nước. Thậm chí, một số nước phương Tây còn quy chụp rằng “việc
Việt Nam nhấn mạnh chủ quyền quốc gia cao hơn tất cả, trên thực tế là lấy danh
nghĩa duy trì chủ quyền quốc gia để duy trì quyền lực thống trị của Đảng Cộng
sản Việt Nam” (!?). Họ còn rêu rao rằng, tuyệt đối hóa tầm quan trọng của chủ
quyền quốc gia là sai lầm (!?) và ngụy biện bằng viện dẫn báo cáo về an ninh
con người của một số tổ chức quốc tế, như Báo cáo phát triển con người của
Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP), cũng nhấn mạnh bảo đảm an ninh cá
nhân, mà coi nhẹ, không đề cập đến an ninh quốc gia(2).
Có thể nói, quan điểm “nhân quyền cao hơn chủ quyền” là hoàn toàn
sai trái. Như chúng ta đã biết, quyền con người không bao giờ tách khỏi điều
kiện, trình độ phát triển và chủ quyền của từng quốc gia - dân tộc. Quan điểm
“nhân quyền cao hơn chủ quyền” thực chất chỉ là “bình phong” che đậy cho các âm
mưu mà các nước phương Tây lợi dụng để can thiệp vào công việc nội bộ, chủ
quyền của nước khác. Để nhận diện và bóc trần âm mưu, thủ đoạn này, cần nhận
thức đúng đắn mấy vấn đề sau đây:
Thứ nhất, tôn trọng chủ quyền của các quốc gia là một tiêu chuẩn đã
được cộng đồng quốc tế công nhận, cũng là cơ sở và tiền đề để thực hiện quyền
con người. Nghị quyết 2625 (XXV) của Đại hội đồng Liên hợp quốc, ngày
24-10-1970, đã đưa ra Tuyên bố về những nguyên tắc của Luật Quốc tế điều chỉnh
quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa các quốc gia phù hợp với Hiến chương Liên hợp
quốc, trong đó khẳng định các nguyên tắc, như nguyên tắc chủ quyền quốc gia,
nguyên tắc bình đẳng chủ quyền của các quốc gia, nguyên tắc không can thiệp vào
các vấn đề thuộc thẩm quyền của các quốc gia khác...(3). Vì vậy, nguyên tắc tôn
trọng chủ quyền quốc gia được áp dụng trong tất cả các lĩnh vực quan hệ quốc
tế, bao gồm lĩnh vực quyền con người. Không có chủ quyền quốc gia, cũng như
không có luật pháp quốc tế, thì không thể nói đến bảo đảm quyền con người. Quan
điểm cho rằng “nhân quyền cao hơn chủ quyền” trực tiếp vi phạm tôn chỉ và
nguyên tắc của Hiến chương Liên hợp quốc.
Thứ hai, việc thực hiện quyền con người cần phải dựa vào chủ quyền, do
các nước thông qua pháp luật, biện pháp và cơ chế của nhà nước ở từng quốc gia
- dân tộc để thực hiện. Các điều ước quốc tế về quyền con người đã quy định
quyền con người về dân sự, chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội. Để thực hiện
tốt các quyền này, cần phải thông qua pháp luật quốc gia cũng như cơ chế bảo
đảm của pháp luật quốc gia.
Thứ ba, quyền con người không thể tách rời chủ quyền quốc gia. Quyền con
người của cá nhân và chủ quyền quốc gia có mối quan hệ chặt chẽ với nhau, không
có chủ quyền thì không thể nói đến quyền con người, mất đi chủ quyền cũng có
nghĩa là mất đi sự bảo đảm đối với quyền con người.
Thứ tư, quyền con người mang tính quốc tế, nhưng về bản chất là vấn đề
thuộc công việc nội bộ của một quốc gia. Vì vậy, các nước có quyền căn cứ vào
tình hình cụ thể của nước mình để bảo vệ và thúc đẩy quyền con người.
Thứ năm, so với chủ quyền quốc gia, quyền con người nằm ở vị trí phụ
thuộc. Như chúng ta đã thấy, trong Công ước quốc tế về các quyền dân sự và
chính trị, chủ quyền quốc gia nằm ở vị trí ưu tiên. Bởi vì, quyền con người của
cá nhân chịu sự quy định, chi phối và chế ước của pháp luật quốc gia. Đối với
các điều ước quốc tế không phù hợp với chế độ chính trị, cũng như không phù hợp
với trình độ phát triển về kinh tế - xã hội, chính phủ các nước có quyền từ
chối tham gia hoặc bảo lưu nhằm tránh việc đảm nhận nghĩa vụ điều ước có thể
gây tổn hại đến chủ quyền quốc gia. Hiện nay, có khoảng hơn 28 điều ước quốc tế
về quyền con người, nhưng Mỹ mới chỉ phê chuẩn 4 điều ước. Đặc biệt, nước này
vẫn chưa phê chuẩn một số điều ước cốt lõi về quyền con người, trong đó có Công
ước lao động cưỡng bức năm 1930. Lý do được Mỹ đưa ra là Công ước quốc tế về
các quyền dân sự và chính trị xung đột với pháp luật của nước này, và bởi “chủ
quyền quốc gia của nước Mỹ cao hơn tất cả”. Điều này cho thấy, so với chủ quyền
quốc gia, quyền con người chỉ ở vị trí phụ thuộc.
Thứ sáu, các quốc gia bất kể lớn hay nhỏ, giàu hay nghèo đều có quyền tự
chủ trong việc lựa chọn chế độ chính trị và con đường phát triển của mình, các
quốc gia khác không có quyền can thiệp. Hơn nữa, các quốc gia do sự khác nhau về
điều kiện kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa và sự khác biệt về điều kiện lịch
sử nên phương thức bảo đảm quyền con người có thể khác nhau.
Thứ bảy, việc các nước phương Tây rêu rao rằng “nhân quyền cao hơn chủ
quyền” thực chất xuất phát từ nhu cầu can thiệp vào công việc nội bộ của nước
khác cũng như thúc đẩy chính trị cường quyền mà thôi. Trên thực tế, nhân danh
“dân chủ nhân quyền”, trong những thập niên qua, Mỹ và một số quốc gia đã sử
dụng vũ lực can thiệp vào công việc nội bộ, thay đổi chế độ chính trị ở một số
nước. Tuy nhiên, thực tế ở các nước sau khi Mỹ “can dự” cho thấy, cái mang lại
cho những quốc gia này không hề là “dân chủ nhân quyền”, mà là sự xung đột và
hỗn loạn. Chính vì thế, quan điểm “nhân quyền cao hơn chủ quyền” không hề có
giá trị đối với việc thúc đẩy quyền con người, mà trái lại, khiến khả năng xâm
hại quyền con người một cách nghiêm trọng hơn.
V3.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét