Không giống với những văn thân, sĩ phu yêu nước đương thời, trong hoàn cảnh Tổ quốc trong đêm trường nô lệ, hành trang duy nhất của người thanh niên Nguyễn Tất Thành khi ra đi tìm đường cứu nước là chủ nghĩa yêu nước chân chính với hai bàn tay trắng. Đánh giá về sự kiện lịch sử trọng đại này, trong bài Phát biểu của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Lê Khả Phiêu tại cuộc mít tinh kỷ niệm 109 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh và 30 năm thực hiện Di chúc của Người đã nhấn mạnh: “Đầu thế kỷ này, trong đêm đen nô lệ, chỉ có hai bàn tay trắng, với lòng yêu nước thương dân nồng nàn và sâu nặng, Nguyễn Ái Quốc đã ra đi tìm đường cứu nước. Người đến với chủ nghĩa Mác - Lênin như một cuộc “hẹn hò lịch sử” giữa chủ nghĩa yêu nước chân chính với học thuyết cách mạng và khoa học của thời đại” (1).

Sau khi nghiên cứu Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa của V.I.Lênin, Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc đã dần chuyển đổi lập trường yêu nước và vững bước đi theo con đường cách mạng triệt để của chủ nghĩa Mác - Lênin. Quyết tâm đi theo con đường của V.I.Lênin đã vạch ra, Nguyễn Ái Quốc xin gia nhập Uỷ ban Quốc tế III. Sau này, hoạt động trong phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, đặc biệt là những năm ở Moscow, trong Quốc tế III, chủ nghĩa yêu nước chân chính vẫn là mục tiêu, là động lực xuyên suốt trong tư tưởng của Nguyễn Ái Quốc. Đánh giá về sự thay đổi lập trường từ chủ nghĩa yêu nước truyền thống sang chủ nghĩa cộng sản, trong bài viết “Con đường dẫn tôi đến chủ nghĩa Lênin”, Chủ tịch Hồ Chí Minh thừa nhận: “Lúc đầu, chính là chủ nghĩa yêu nước, chứ chưa phải chủ nghĩa cộng sản đã đưa tôi tin theo Lênin, tin theo Quốc tế thứ ba. Từng bước một, trong cuộc đấu tranh, vừa nghiên cứu lý luận Mác - Lênin, vừa làm công tác thực tế, dần dần tôi hiểu được rằng chỉ có chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản mới giải phóng được các dân tộc bị áp bức và những người lao động trên thế giới khỏi ách nô lệ” (2).

Sự kiện đặc biệt: Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước
Ngày 5-6-1911, từ bến Nhà Rồng, chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành đã rời Tổ quốc trên con tàu Đô đốc Latouche-Tréville, bắt đầu hành trình tìm ánh sáng cho con đường giải phóng dân tộc, giải phóng đất nước. Ảnh: TTXVN 

Bằng những cứ liệu lịch sử và sự phân tích sâu sắc, Nguyễn Ái Quốc đã chỉ rõ cho nhân dân Việt Nam cũng như nhân dân các nước thuộc địa thấy rằng công cuộc đấu tranh giải phóng trong thời đại mới không thể đi theo con đường cách mạng tư sản, vì đó là “cách mệnh không đến nơi, tiếng là cộng hòa và dân chủ, kỳ thực trong thì nó tước lục công nông, ngoài thì nó áp bức thuộc địa” (3). Người chỉ rõ, để làm cách mạng thắng lợi, điều kiện hàng đầu là phải có Đảng của giai cấp công nhân lãnh đạo, “để trong thì vận động và tổ chức dân chúng, ngoài thì liên lạc với dân tộc bị áp bức và vô sản giai cấp mọi nơi. Đảng có vững cách mệnh mới thành công”.

“Đảng muốn vững thì phải có chủ nghĩa làm cốt... Đảng mà không có chủ nghĩa cũng như người không có trí khôn, tàu không có bàn chỉ nam”. Đường mới đã mở, đó là con đường được soi sáng bởi chủ nghĩa Mác - Lênin, một học thuyết, một chủ nghĩa, cách mạng, khoa học, đúng Người khẳng định: “Bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều, nhưng chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mệnh nhất là chủ nghĩa Lênin” (4). Nguyễn Ái Quốc kết luận: “Cách mệnh Nga dạy cho chúng ta rằng muốn cách mệnh thành công thì phải dân chúng (công nông) làm gốc, phải có đảng vững bền, phải bền gan, phải hy sinh, phải thống nhất. Nói tóm lại là phải theo chủ nghĩa Mã Khắc Tư và Lênin” (5).

Tiếp tục khẳng định giá trị, bước ngoặt của sự kiện lịch sử này, trong Diễn văn của Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu tại Lễ kỷ niệm 70 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, ngày 2-2-2000, một lần nữa người đứng đầu Đảng ta nhấn mạnh: “Trước đó, với lòng yêu nước nồng nàn và mẫn cảm, một vốn kiến thức ban đầu và hai bàn tay lao động, mới 21 tuổi, Nguyễn Tất Thành (tức Nguyễn Ái Quốc) đã ra đi tìm đường cứu nước. Trải qua chiêm nghiệm về mấy trăm cuộc khởi nghĩa từ ngày mất nước, so sánh các cuộc cách mạng và các dòng tư tưởng khắp địa cầu, Cách mạng Tháng Mười, Luận cương về dân tộc và thuộc địa của Lênin, và đến đây Người đã tìm thấy ở chủ nghĩa Mác - Lênin con đường cứu nước.

Muốn giải phóng dân tộc, không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản. Chỉ có chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản mới giải phóng các dân tộc bị áp bức và những người lao động trên thế giới ra khỏi ách nô lệ. Sự lựa chọn của Người là sự lựa chọn của giai cấp công nhân, của nhân dân ta đang bị đọa đày, sự lựa chọn của chính thời đại. Người phê phán: Chỉ coi trọng cuộc đấu tranh ở chính quốc, tức là muốn đánh chết rắn ở đằng đuôi. Nọc độc và sức sống của con rắn tư bản chủ nghĩa đang tập trung ở các thuộc địa hơn là ở chính quốc. Trong khi có nhiều quan điểm cho rằng cách mạng ở thuộc địa phải phụ thuộc vào cách mạng ở chính quốc thì Người chỉ ra: cách mạng ở các nước thuộc địa có thể giành thắng lợi trước cách mạng ở chính quốc, và tạo điều kiện cho cách mạng ở chính quốc phát triển, lấy sức ta mà giải phóng cho ta” (6).

Đặt cách mạng giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa trong quỹ đạo của cách mạng vô sản và là một bộ phận khăng khít của cách mạng thế giới, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tìm ra con đường đúng đắn cho cách mạng Việt Nam. Đó là con đường cách mạng dân tộc, dân chủ nhân dân do Đảng Cộng sản, đội tiên phong của giai cấp công nhân lãnh đạo nhằm đánh đổ đế quốc và phong kiến tay sai, giành độc lập dân tộc, thực hiện người cày có ruộng, sau đó tiến lên làm cách mạng xã hội chủ nghĩa, thực hiện chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản ở Việt Nam.

Đó là đường lối giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, kết hợp chủ nghĩa yêu nước với chủ nghĩa quốc tế của giai cấp công nhân, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại nhằm thực hiện mục tiêu giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội và giải phóng con người. Đường lối đó thể hiện tính quy luật của sự phát triển lịch sử xã hội nước ta: “Cách mạng giải phóng dân tộc phải phát triển thành cách mạng xã hội chủ nghĩa thì mới giành được thắng lợi hoàn toàn”.

Đánh giá toàn diện về thời điểm bắt đầu hành trình đi tìm “hình của nước” đến lúc tìm ra con đường cứu nước, giải phóng dân tộc và định hướng phát triển của cách mạng Việt Nam của Bác Hồ, Đảng ta khẳng định: “Vạch ra con đường cứu nước đúng đắn, Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ khai thông bế tắc trong đường lối giải phóng dân tộc, mà còn giải quyết đúng đắn, sáng tạo và lãnh đạo thực hiện thắng lợi các vấn đề trọng yếu nhất của cách mạng nước ta. Đó là sự kết hợp chủ nghĩa Mác - Lênin với phong trào công nhân và phong trào yêu nước để xây dựng Đảng Cộng sản Việt Nam xứng đáng là đội tiên phong của giai cấp công nhân đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc.

Đó là việc xây dựng thành công lực lượng cách mạng với Mặt trận đoàn kết dân tộc rộng rãi, xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân anh hùng, xây dựng Nhà nước của dân, do dân, vì dân đầu tiên ở nước ta. Đó là việc xác định chính xác phương pháp cách mạng phù hợp với thực tiễn đất nước để thực hiện thành công các nhiệm vụ của cách mạng Việt Nam trước các biến động hết sức phức tạp trong các quan hệ quốc tế. Đường lối cách mạng độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội đã tạo nên sức mạnh tổng hợp và phát huy tác dụng, đưa tới những thắng lợi rực rỡ của cách mạng nước ta” (7).

Như vậy, một sự kiện đặc biệt gắn với tên tuổi của người thanh niên yêu nước chân chính mang tên Nguyễn Tất Thành, sự khởi đầu cho sự xuất hiện của một vĩ nhân trong lịch sử dân tộc Việt Nam - Anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới - Hồ Chí Minh. Thay cho lời kết, chúng tôi xin trân trọng nhắc lại Điếu văn của Ban Chấp hành Tung ương Đảng Lao động Việt Nam trong Lễ truy điệu Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Quảng trường Ba Đình, sáng 9-9-1969: “Dân tộc ta, nhân dân ta, non sông đất nước ta đã sinh ra HỒ CHỦ TỊCH, người anh hùng dân tộc vĩ đại, và chính Người đã làm rạng rỡ dân tộc ta, nhân dân ta và non sông đất nước ta” (8).

TS HÀ SƠN THÁI

(1) Văn kiện Đảng toàn tập, tập 58, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2015, tr.416.

(2) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 12, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự Thật, H, 2011, tr.563.

(3) (4) (5) Sđd, Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 2, tr.296; tr.289; tr.304.

(6) Sđd, Văn kiện Đảng toàn tập, tập 59, Hà Nội, 2015, tr.278.

(7) Sđd, Văn kiện Đảng toàn tập, tập 69, Hà Nội, 2018, tr.617-618.

(8) Sđd, Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 15, tr.627.

Nguồn: Báo QĐND