Hiện nay trên thế giới nói chung và ở Việt Nam nói riêng, tệ nạn tham nhũng đang ngày càng gia tăng và hết sức phức tạp, khó lường cả về hình thức, tính chất và nguyên nhân. Đặc biệt, ở các nước đang phát triển, tham nhũng trở thành gánh nặng lớn đối với công cuộc chống đói nghèo, lạc hậu. Để đấu tranh có hiệu quả đối với tệ nạn tham nhũng trước tiên phải nhận diện được như thế nào là tham nhũng?
Tham nhũng được hiểu là hành vi của bất kỳ người
nào có chức vụ, quyền hạn hoặc được giao nhiệm vụ, quyền hạn và lợi dụng chức
vụ, quyền hạn hoặc nhiệm vụ được giao để vụ lợi.
Tài liệu hướng dẫn của Liên Hợp quốc về cuộc đấu
tranh quốc tế chống tham nhũng (năm 1969) xác định: “Tham nhũng là sự lợi dụng
quyền lực nhà nước để trục lợi riêng”.
Quan niệm về tham nhũng ở một số nước: Ở Đức, theo
Từ điển bách khoa của Đức thì “Tham nhũng là hiện tượng mất phẩm chất, hối lộ,
đút lót, thường xảy ra đối với công chức có quyền hành”. Ở Áo: Tham nhũng là
hiện tượng lừa đảo, hối lộ, bóc lột. Ở Thụy Sĩ, theo Từ điển bách khoa của Thụy
Sĩ thì “ tham nhũng là hậu quả nghiêm trọng của sự vô tổ chức của tầng lớp có
trách nhiệm trong bộ máy nhà nước. Đó là hành vi phạm pháp để phục vụ lợi ích
cá nhân”.
Trong tiếng Việt, theo cách hiểu thông dụng, thuật
ngữ “tham nhũng” gồm hai thành tố có quan hệ mật thiết ghép lại: “tham” là tham
lam, hám lợi, tư lợi, vụ lợi… và “nhũng” là nhũng nhiễu, gây phiền hà, phiền
toái, hạch sách …; do “tham” mà “nhũng”, “nhũng” để thỏa mãn lòng “tham”… Vì
vậy, Từ điển tiếng Việt đã giải thích tham nhũng là: “lợi dụng quyền hạn để
nhũng nhiễu dân và lấy của”.
Gần đây, một số nhà khoa học Việt Nam quan niệm:
Tham nhũng là hiện tượng xã hội có tính lịch sử, xuất hiện và tồn tại trong xã
hội phân chia giai cấp và hình thành nhà nước, được thể hiện bằng những hành vi
lợi dụng chức vụ, quyền hạn để vụ lợi cho cá nhân hoặc cho người khác dưới bất
kỳ hình thức nào, gây thiệt hại tài sản của nhà nước, của tập thể, của công dân
hoặc đe dọa gây thiệt hại cho hoạt động đúng đắn của cơ quan nhà nước, tổ chức
xã hội hoặc quyền, lợi ích hợp pháp của công dân.
Như vậy, tham nhũng có thể tiếp cận dưới góc độ
rộng, nhìn chung có thể khái quát: “Tham nhũng là hành vi của người có chức vụ,
quyền hạn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn đó vì vụ lợi” (Khoản 1 điều 3 Luật
phòng chống Tham nhũng năm 2018).
Tham nhũng là một hiện tượng xã hội gắn liền với sự
ra đời, tồn tại và phát triển của Nhà nước. Tham nhũng là biểu hiện của sự tha
hóa quyền lực Nhà nước. Hình thức, tính chất, mức độ và phương thức tham nhũng
thay đổi tùy thuộc vào bối cảnh kinh tế, chính trị, xã hội của mỗi quốc gia.
Ở nước ta, trong những năm qua, nhất là từ sau khi
Hội nghị Trung ương lần thứ 6 (lần 2) khóa VIII, Đảng và Nhà nước đã tăng cường
công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng và đã được những kết quả quan trọng
góp phần tăng cường và củng cố niềm tin của nhân dân về Đảng với quan điểm
"Không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai, không chịu
sức ép của bất kỳ cá nhân nào”.
Là công dân nước CHXHCN Việt Nam cần hết sức tỉnh
táo, nhận diện đúng bản chất của tham nhũng, đấu tranh lại những quan điểm sai
trái phủ nhận những quan điểm sai trái nói sai sự thật về công tác đấu tranh
phòng, chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước ta.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét