Thành phố Đà Nẵng vận dụng tư tưởng trọng người hiền tài của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thu hút nhân tài
(LLCT) - Trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đề cao vai trò của nhân tài, sử dụng nhân tài hợp lý, phát hiện và bồi dưỡng nhân tài cho đất nước. Là một tấm gương lớn về dùng người, trọng nhân tài, nhờ vậy, Người đã quy tụ được nhiều tài năng. Bài viết khái quát sự vận dụng quan điểm trọng người tài, đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong việc thu hút nhân tài của thành phố Đà Nẵng hiện nay.
Trọng hiền tài là một trong những truyền thống quý báu của dân tộc Việt Nam được Chủ tịch Hồ Chí Minh kế thừa và phát triển lên tầm cao mới. Quan điểm trọng nhân tài của Người bắt nguồn từ truyền thống đề cao vai trò của nhân dân, tin dân, trọng dân, trọng nhân tài của dân tộc Việt Nam trong điều kiện mới. Nhờ những chính sách đúng đắn và nghệ thuật dùng người khéo léo, Chủ tịch Hồ Chí Minh - tấm gương mẫu mực về trọng người tài, đã quy tụ được đội ngũ nhân tài, là một trong những nhân tố có ý nghĩa quyết định trực tiếp đến thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Quan điểm, tình cảm trọng hiền tài của Hồ Chí Minh là những bài học vô giá, cần tiếp tục được nghiên cứu, vận dụng để phát triển đất nước nói chung và ở thành phố Đà Nẵng nói riêng trong tình hình mới.
Những quan điểm, cách thức của Chủ tịch Hồ Chí Minh về trọng người tài đã trở thành kim chỉ nam được thành phố Đà Nẵng tiếp tục vận dụng sáng tạo, cụ thể hóa thành các chủ trương, chính sách lớn nhằm phát hiện, thu hút và trọng dụng nhân tài.
1. Quan điểm của Hồ Chí Minh về trọng người tài, đức
Thứ nhất, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, “người tài đức, có thể làm những việc ích nước lợi dân”, nghĩa là phải hội tụ đầy đủ cả hai yếu tố tài và đức, đồng thời phải thể hiện tài và đức cho những hành động vừa có ích cho nước, vừa có lợi cho nhân dân. Người vừa có tài, vừa có đức phải biết đem tài năng của mình ra giúp nước, giúp dân, bởi vì, “có tài mà không có đức ví như một anh làm kinh tế tài chính rất giỏi nhưng lại đi đến thụt két thì chẳng những không làm được gì ích lợi cho xã hội mà còn có hại cho xã hội nữa. Nếu có đức mà không có tài ví như ông bụt không làm hại gì, nhưng cũng không có lợi gì cho loài người”(1). Như vậy, trong quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đức và tài phải đi liền với nhau, gắn bó với nhau, trong đó, đức phải là gốc. Vì thế, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn chủ trương “tìm người tài đức” và “trọng dụng những kẻ hiền năng”.
Thứ hai, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng chỉ rõ: “Năng lực của người không phải hoàn toàn do tự nhiên mà có mà một phần lớn do công tác, do tập luyện mà có”(2). Do vậy, tài năng của một người vẫn có thể bị mai một nếu không được rèn luyện, bồi dưỡng thường xuyên, cho nên “Trước mặt quần chúng, không phải ta cứ viết lên trán chữ “cộng sản” mà ta được họ yêu mến. Quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách, đạo đức”(3). Mỗi người phải là người biết tiếp thu có chọn lọc, phải biết kế thừa và làm giàu trí tuệ của mình bằng việc học tập, tài năng và trí tuệ của nhân loại.
Thứ ba, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đánh giá đúng vị trí, vai trò của người tài, đức đối với sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Người cho rằng, “nước nhà cần phải kiến thiết. Kiến thiết cần phải có nhân tài. Trong số 20 triệu đồng bào chắc không thiếu người có tài có đức”(4) và “kiến thiết cần có nhân tài. Nhân tài nước ta dù chưa có nhiều lắm nhưng nếu chúng ta khéo lựa chọn, khéo phân phối, khéo dùng thì nhân tài càng ngày càng phát triển càng thêm nhiều”(5).
Thứ tư, trong chính sách trọng người tài, đức của Hồ Chí Minh không có sự phân biệt đảng phái, giai cấp, xuất thân, quan trọng là thái độ và tinh thần hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Một trong những động lực phát triển đất nước nhanh và bền vững là phải thu hút được nhân tài, có chính sách tạo động lực để nhân tài phát huy hết tiềm năng sáng tạo để thực hiện khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, “những người trí thức tham gia cách mạng, tham gia kháng chiến rất quý báu cho Đảng. Không có những người đó thì công việc cách mạng khó khăn thêm nhiều”(6).
Trọng dụng hiền tài, Chủ tịch Hồ Chí Minh không có sự phân biệt là người trong hay ngoài Đảng, mà Người lấy hiệu quả công việc và tinh thần, thái độ phục vụ nhân dân làm thước đo. Bởi vì, trong dân chúng có “rất nhiều nhân tài ngoài Đảng. Chúng ta không được bỏ rơi họ, xa cách họ. Chúng ta phải thật thà đoàn kết với họ, nâng đỡ họ. Phải thân thiết với họ, gần gụi họ, đem tài năng của họ giúp ích vào công cuộc kháng chiến cứu nước” (7). “Việc dùng nhân tài, ta không nên căn cứ vào những điều kiện quá khắt khe. Miễn là không phản lại quyền lợi dân chúng, không là Việt gian, thân Pháp, thân Nhật, có lòng trung thành với Tổ quốc là có thể dùng được”(8).
Quan điểm xuyên suốt của Chủ tịch Hồ Chí Minh là “phải trọng nhân tài”(9) trong mọi công việc, “phải trọng nhân tài, trọng cán bộ, trọng mỗi một người có ích cho công việc chung của chúng ta”(10). Vì vậy, việc sử dụng nhân tài, đức phải khoa học, hợp lý, đúng sở trường và đúng năng lực chuyên môn, sử dụng đúng người, đúng việc, chớ “bảo thợ rèn đi đóng tủ, thợ mộc thì bảo đi rèn dao”(11), “tài to ta dùng làm việc to, tài nhỏ ta cắt làm việc nhỏ, ai có năng lực về việc gì, ta đặt ngay vào việc ấy. Biết dùng người như vậy, ta sẽ không lo gì thiếu cán bộ”(12).
Theo Người, dùng người không đúng chẳng những không đạt được hiệu quả công việc mà còn làm thui chột tài năng của con người. Do đó, “muốn tránh khỏi sự hao phí nhân tài, chúng ta cần phải sửa chữa cách lãnh đạo”(13). Nghệ thuật dùng người của Chủ tịch Hồ Chí Minh thể hiện thái độ tôn trọng, tầm nhìn xa trông rộng, khoan dung, nhân ái và tư tưởng đại đoàn kết.
Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu cán bộ lãnh đạo các cấp muốn “tránh khỏi sự hao phí nhân tài, chúng ta cần phải sửa chữa cách lãnh đạo,... bắt buộc cán bộ trong mỗi ngành phải thiết thực báo cáo và cất nhắc nhân tài”(14). Theo Người, nhân tài có trong nhiều lĩnh vực khác nhau và thuộc nhiều mức độ khác nhau, vì vậy, khi phát hiện được nhân tài thì phải có chính sách sử dụng và trọng dụng hợp lý, không để bị mai một, phải biết tùy tài mà dùng. Đồng thời, Người đặc biệt nhấn mạnh, phải tránh căn bệnh “kiêu ngạo cộng sản”, bè phái, tư túng cá nhân; bởi vì, “đã kiêu thì ắt ghét những người tài giỏi hơn mình. Ưa những kẻ nịnh hót mình. Thân cận là những kẻ vô tài bất lực, nhưng khéo nịnh hót a dua. Xa cách hoặc dìm hãm những người có tài có đức hay bàn ngay nói thẳng”(15). Người nhấn mạnh, “kéo bè kéo cánh” cũng là một căn bệnh rất nguy hiểm; việc ưa ai thì dùng, ghét ai thì loại sẽ “làm Đảng bớt mất nhân tài”.
Quan tâm, chăm lo trọng dụng nhân tài theo quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh là việc làm thường xuyên, liên tục như “người làm vườn vun trồng những cây cối quý báu. Phải trọng nhân tài, trọng cán bộ, trọng mỗi một người có ích cho công việc chung của chúng ta”(16). Do đó, trong quá trình lãnh đạo cách mạng, khi bổ nhiệm, cất nhắc cán bộ, Người đều trực tiếp gặp gỡ để đối thoại và quan sát, từ đó tìm ra điểm mạnh và điểm yếu của cán bộ. Với nghệ thuật dùng người đặc sắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hội tụ được đông đảo nhân tài ra giúp nước và góp phần xây dựng nên một Chính phủ đoàn kết.
Thứ sáu, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm vấn đề phát hiện, bồi dưỡng nhân tài cho đất nước, cho cách mạng. Công tác giáo dục, rèn luyện các thế hệ cách mạng luôn được Người đặc biệt coi trọng và quan tâm hàng đầu. Trong quá trình chuẩn bị các điều kiện để thành lập Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành nhiều tâm huyết và công sức vào công tác phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng nhân tài cho cách mạng thông qua các lớp bồi dưỡng tại Quảng Châu, Trung Quốc. Những người được tham gia các lớp bồi dưỡng này sau khi trở về nước trở thành những cán bộ ưu tú, đã góp công sức lớn cho cách mạng. Sau 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước, năm 1941 Chủ tịch Hồ Chí Minh trở về nước và kêu gọi các nhân sĩ, trí thức, thân hào có tinh thần yêu nước ra sức cống hiến cho đất nước. Đặc biệt, sau năm 1945, Người đã ban hành nhiều chính sách quan trọng để kêu gọi người tài giúp sức cho đất nước.
Chủ tịch Hồ Chí Minh rất coi trọng vai trò, trách nhiệm của cán bộ lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu trong phát hiện và trọng dụng nhân tài. Theo Người, “Mình có quyền dùng người thì phải dùng những người có tài năng, làm được việc. Chớ vì bà con bầu bạn, mà kéo vào chức nọ chức kia. Chớ vì sợ mất địa vị mà dìm những kẻ có tài năng hơn mình”(17). Do đó, Người yêu cầu cán bộ lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu khi phát hiện ra người đức thì “phải xem người ấy xứng với việc gì. Nếu người có tài mà dùng không đúng tài của họ, cũng không được việc”(18); “muốn tránh khỏi sự hao phí nhân tài, chúng ta cần phải sửa chữa cách lãnh đạo,... bắt buộc cán bộ trong mỗi ngành phải thiết thực báo cáo và cất nhắc nhân tài”(19). | Thành phố Đà Nẵng rất chú trọng công tác xây dựng môi trường làm việc khoa học và hiện đại cho nhân tài như chế độ đãi ngộ ban đầu, chế độ hỗ trợ hằng tháng, hay chính sách bố trí nhà ở cho một số đối tượng, có chế độ ưu tiên trong thi tuyển công chức cho các đối tượng thu hút. Nhiều cán bộ thu hút đã trưởng thành sau thời gian công tác tại Đà Nẵng, hiện nay số người được bố trí, đảm đương các chức vụ lãnh đạo, quản lý: “có 145 người được bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp phòng trở lên (chiếm 11,42% tổng số đối tượng thu hút); trong đó, lãnh đạo phường, xã: 16 người; lãnh đạo cấp phòng và tương đương: 114 người (cấp thành phố: 97; quận, huyện 17 người); 15 người giữ chức vụ lãnh đạo diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý”. |
“Lãnh đạo khéo, tài nhỏ có thể hóa ra tài to. Lãnh đạo không khéo, tài to cũng hóa ra tài nhỏ”(20); nghĩa là cán bộ lãnh đạo, quản lý, người đúng đầu phải đánh giá đúng năng lực và sở trường của cán bộ để sử dụng hợp lý, cũng là để cán bộ “cả gan nói, cả gan đề ra ý kiến, có gan phụ trách, có gan làm việc”(21).
Chủ tịch Hồ Chí Minh là tấm gương mẫu mực về trọng người tài, đức. Bằng tài năng và đức độ của mình, cùng với thái độ coi trọng, cầu thị và tin tưởng nhân tài, Người đã quy tụ được đội ngũ trí thức đông đảo giúp sức cho cách mạng, cho đất nước. Cụ thể là những trí thức nổi tiếng như Tạ Quang Bửu, Hồ Đắc Di, Tôn Thất Tùng, Hoàng Minh Giám,… đặc biệt một số trí thức yêu nước đang sống và làm việc ở nước ngoài đã tình nguyện trở về quê hương như Trần Đại Nghĩa (Phạm Quang Lễ), Nguyễn Khắc Viện, Ðặng Văn Ngữ,… Các nhà tri thức sau đó đều có đóng góp cho cách mạng Việt Nam không chỉ về trí lực mà cả sinh mệnh. Nhờ vậy, cách mạng Việt Nam đã giành được thắng lợi to lớn trong công cuộc giành độc lập và xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Bằng tài năng và đức độ của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thu phục được nhân tâm của biết bao tầng lớp trí thức, tạo cảm hứng để họ hết lòng, hết sức cống hiến cho Đảng, cho cách mạng và phục vụ nhân dân. “Ai chẳng muốn no cơm ấm áo. Nhưng sinh hoạt vật chất, hết đời người đó là hết. Còn tiếng tăm xấu hay tốt, sẽ truyền đến ngàn đời về sau”(22). Chủ tịch Hồ Chí Minh là một tấm gương lớn về lòng nhân ái, đức hi sinh, Người không màng đến lợi ích của bản thân, một đời phấn đấu và cống hiến cho Đảng, cho cách mạng và cho dân tộc Việt Nam. Tấm gương sáng ngời của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã là nguồn cảm hứng, khơi dậy lòng yêu nước, tinh thần tự tôn, tự trọng dân tộc trong đội ngũ trí thức Việt Nam, quy tụ, tập hợp trí thức trở thành một bộ phận của liên minh công - nông - trí làm nòng cốt của khối đại đoàn kết dân tộc, trở thành nguồn sức mạnh trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại nhiều bài học quý báu và cốt yếu về chính sách trọng nhân tài, đó sẽ là những kinh nghiệm quý giá cho Đảng và Nhà nước ta trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay, đặc biệt là đối với công tác xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức “vững mạnh và đồng bộ”(23), “có phẩm chất chính trị, tinh thần trách nhiệm cao và thành thạo nghiệp vụ”(24). Những chỉ dẫn của Người về trọng dụng nhân tài cho đến nay vẫn giữ nguyên giá trị lý luận và thực tiễn đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước, mãi là những bài học vô giá để Đảng và Nhà nước ta có những chủ trương, chính sách đúng đắn và hiệu quả trong công tác xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, trí thức.
2. Thành phố Đà Nẵng vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về nhân tài
Trong vận dụng tư tưởng trọng nhân tài của Chủ tịch Hồ Chí Minh và quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam, từ khi trở thành thành phố trực thuộc Trung ương (năm 1997), thành phố Đà Nẵng đã ban hành nhiều chính sách thu hút và trọng dụng nhân tài phù hợp với tình hình thực tiễn cũng như nhu cầu về nguồn nhân lực, trong từng giai đoạn đã có những điều chỉnh cho phù hợp.
Đà Nẵng đã ban hành nhiều chính sách về trọng dụng, đãi ngộ và tôn vinh trí thức, nhân tài; thực hiện tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng và phát triển đội ngũ trí thức trên địa bàn thành phố cơ bản đáp ứng yêu cầu thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế; không ngừng hoàn thiện cơ chế, chính sách, tạo môi trường, điều kiện thuận lợi phát triển đội ngũ trí thức. Kết quả thực hiện cho đến năm 2020, “thành phố Đà Nẵng đã tiếp nhận và bố trí công tác cho 1.269 người tốt nghiệp đại học công lập, chính quy trở lên (trong đó, tiến sĩ: 25 người; thạc sĩ, bác sĩ nội trú: 283 người, đại học: 961 người). Đã bố trí tại cơ quan hành chính 591 người (trong đó, khối quận, huyện 76 người; khối phường, xã có 128 người) và đơn vị sự nghiệp 678 người”(25), kịp thời bổ sung một thế hệ cán bộ trẻ có trình độ chuyên môn, được đào tạo chính quy, tạo được nguồn cán bộ lãnh đạo, quản lý cho thành phố. Trong đó:
Bảng 1: Cơ cấu ngành nghề của người được tiếp nhận theo chính sách thu hút hiền tài tại thành phố Đà Nẵng
TT | Nhóm ngành | Số lượng (người) | Tỷ lệ (%) |
1 | Xã hội | 329 | 25,9 |
2 | Y tế | 220 | 17,3 |
3 | Giáo dục | 201 | 15,8 |
4 | Khoa học công nghệ và xây dựng | 130 | 10,2 |
5 | Luật – Hành chính và quản lý | 95 | 7,5 |
6 | Kế toán – Tài chính | 117 | 9,2 |
7 | Công nghệ thông tin và viễn thông | 30 | 2,4 |
8 | Nhóm ngành khác | 147 | 11,825 |
| Tổng số | 1.269 | 100 |
(Nguồn: Số liệu của Sở Nội vụ Thành phố Đà Nẵng, 2020)
Thành phố Đà Nẵng rất chú trọng công tác xây dựng môi trường làm việc khoa học và hiện đại cho nhân tài như chế độ đãi ngộ ban đầu, chế độ hỗ trợ hằng tháng, hay chính sách bố trí nhà ở cho một số đối tượng, có chế độ ưu tiên trong thi tuyển công chức cho các đối tượng thu hút. Nhiều cán bộ thu hút đã trưởng thành sau thời gian công tác tại Đà Nẵng, hiện nay số người được bố trí, đảm đương các chức vụ lãnh đạo, quản lý: “có 145 người được bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp phòng trở lên (chiếm 11,42% tổng số đối tượng thu hút); trong đó, lãnh đạo phường, xã: 16 người; lãnh đạo cấp phòng và tương đương: 114 người (cấp thành phố: 97; quận, huyện 17 người); 15 người giữ chức vụ lãnh đạo diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý”(26).
Bên cạnh những kết quả, việc thực hiện chính sách thu hút nhân tài tại thành phố Đà Nẵng vẫn còn tồn tại một số hạn chế:
(1) Vẫn còn tình trạng một số cơ quan, đơn vị, cá nhân, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý chưa nhận thức hết tầm quan trọng của thu hút nhân tài nên chưa thật sự quan tâm trong việc tiếp nhận và bố trí việc làm. Việc bố trí, sắp xếp vị trí việc làm chưa đúng với năng lực, sở trường của một số đối tượng thu hút nên ít nhiều đã ảnh hưởng đến hiệu quả công tác.
(2) Vấn đề xây dựng môi trường làm việc còn nhiều hạn chế, chưa thực sự trở thành động lực cho các đối tượng thu hút cống hiến tài năng cho thành phố. Cơ sở vật chất phục vụ cho công tác còn thiếu, ví dụ như phòng nghiên cứu đặc thù, các trung tâm thí nghiệm,… nên chưa phát huy được tài năng và sức sáng tạo của các đối tượng thu hút.
(3) Các chính sách và chế độ đãi ngộ bước đầu cũng như những điều chỉnh theo từng thời kỳ phần nào đã tạo được động lực cho các đối tượng thu hút, song so với nhu cầu thực tế thì mức lương của một số ngành nghề còn thấp. Hơn nữa, chính sách hỗ trợ về nhà ở chưa đáp ứng được nhu cầu, một số đối tượng thu hút chưa được bố trí nhà ở nên gặp khó khăn trong cuộc sống và công tác.
(4) Tình trạng nhảy việc, tâm lý muốn chuyển đổi vị trí công việc vẫn còn tồn tại, một số đối tượng thu hút chưa thực sự gắn bó với công việc, tâm lý ngại khó, ngại khổ nên xảy ra tình trạng thôi việc hoặc chuyển công tác đến địa phương khác.
3. Giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả vận dụng tư tưởng trọng hiền tài của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại thành phố Đà Nẵng hiện nay
Một là, nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc trọng hiền tài. Quán triệt sâu sắc, nhận thức đúng đắn tư tưởng trọng hiền tài của Hồ Chí Minh, vận dụng sáng tạo vào xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp nhằm thu hút, trọng dụng nhân tài tại thành phố Đà Nẵng. Tập trung nghiên cứu, vận dụng đúng đắn, sáng tạo quan điểm trọng người tài, đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh phù hợp với tình hình, điều kiện kinh tế - xã hội của thành phố Đà Nẵng. Đẩy mạnh các hình thức tuyên truyền, phổ biến quan điểm trọng hiền tài của Chủ tịch Hồ Chí Minh và chính sách trọng nhân tài của Đà Nẵng trên các phương tiện truyền thông, đặc biệt là ứng dụng mạng xã hội để phát huy hiệu quả công tác này.
Hai là, xây dựng chính sách nhằm đổi mới và mở rộng hình thức thu hút và trọng dụng hiền tài. Thành phố Đà Nẵng cần tiếp tục hoàn thiện chính sách thu hút đối với các chuyên gia có uy tín trong nước và quốc tế về việc làm, có thể theo hình thức ngắn hạn, bán thời gian. Đặc biệt, Đà Nẵng cần có cơ chế để các cơ quan, đơn vị liên kết với các chuyên gia là người Việt Nam đang công tác tại các viện nghiên cứu hoặc các cơ sở giáo dục có uy tín trên thế giới tham gia đóng góp ý kiến cũng như đề xuất các giải pháp nhằm thúc đẩy sự phát triển của thành phố.
Tiếp tục nghiên cứu và thực hiện các chế độ đãi ngộ xứng đáng nhằm thu hút nhân tài. Xây dựng chính sách đãi ngộ và tôn vinh đối với các cán bộ, công chức, viên chức, người lao động có nhiều thành tích, cống hiến cho sự phát triển của thành phố Đà Nẵng. Chế độ vinh danh và đãi ngộ phải trên cơ sở cống hiến của cán bộ, công chức, người lao động. Đồng thời, phải có cơ chế khuyến khích cán bộ, công chức, người lao động phát huy sức sáng tạo trong công việc, người có những sáng kiến hay, cách làm hiệu quả thì phải được tôn trọng. Xây dựng chính sách đãi ngộ đối với đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ, nhất là những trí thức có nhiều cống hiến trong công tác nghiên cứu khoa học, những trí thức có các đề tài, công trình nghiên cứu có tính ứng dụng trong thực tiễn thành phố Đà Nẵng, trên tất cả các lĩnh vực. Đà Nẵng cần tạo điều kiện tốt nhất cho đội ngũ trí thức, nhất là đội ngũ trí thức chất lượng cao được tham gia đóng góp ý kiến và trực tiếp tham gia các dự án lớn, chương trình trọng điểm, qua đó lựa chọn, bồi dưỡng tạo nguồn cán bộ cho thành phố trong giai đoạn phát triển tiếp theo.
Ba là, đổi mới cơ chế tuyển dụng và đánh giá cán bộ theo hướng công khai, minh bạch, hiệu quả. Hằng năm, thành phố cần đề xuất các vị trí tuyển dụng, ban hành quy chế tuyển dụng và công khai những thông tin tuyển dụng trên các phương tiện truyền thông. Sau khi tiếp nhận, Đà Nẵng cần xây dựng các tiêu chí đánh giá mức độ cống hiến, hiệu quả công tác của các đối tượng thu hút trong thực tiễn, cần có chính sách khen thưởng đối với các đối tượng thực hiện tốt và xử phạt nghiêm minh đối với những đối tượng vi phạm. Nội dung đánh giá phải toàn diện, chú ý đánh giá các cam kết của các đối tượng thu hút để làm căn cứ điều chỉnh chính sách trong các giai đoạn tiếp theo.
Chú trọng công tác phát hiện, bồi dưỡng đối với trí thức trẻ, đặc biệt là đối tượng sinh viên vừa tốt nghiệp loại xuất sắc, giỏi tại các cơ sở giáo dục uy tín trên địa bàn thành phố và trên phạm vi cả nước. Có chính sách tạo động lực cũng như hỗ trợ trí thức trẻ trong công tác, nâng cao trình độ chuyên môn và trong đời sống như hỗ trợ về nhà ở hay các lợi ích khác.
Thành phố Đà Nẵng cần chú trọng làm tốt công tác sử dụng và “giữ chân người tài”. Phân công, sắp xếp vị trí việc làm phù hợp và đúng với năng lực, sở trường các đối tượng được thu hút. Trong quá trình sử dụng nhân tài, nếu thấy chưa phù hợp thì mạnh dạn điều chỉnh. Tổ chức các diễn đàn đối thoại thường xuyên giữa các đối tượng thu hút với các cơ quan lãnh đạo, cán bộ quản lý của thành phố để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và lắng nghe những đề xuất của các đối tượng thu hút nhằm có những điều chỉnh thích hợp. Tiếp tục nghiên cứu để hoàn thiện chính sách “giữ chân người tài”, ngoài tiền lương cần chú trọng các chế độ đãi ngộ, chính sách phúc lợi về nhà ở, giáo dục, y tế,… tạo điều kiện để nhân tài yên tâm công tác và cống hiến.
Quan điểm trọng nhân tài của Chủ tịch Hồ Chí Minh là nội dung quan trọng trong tư tưởng của Người. Quan điểm, tư tưởng và nghệ thuật trọng người tài, đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến nay vẫn còn nguyên giá trị và là bài học quý báu cho công tác cán bộ của Đảng ta nói chung và thành phố Đà Nẵng nói riêng. Do đó, nghiên cứu và vận dụng sáng tạo quan điểm trọng hiền tài của Người là nhiệm vụ quan trọng và thường xuyên đối với Đảng bộ thành phố Đà Nẵng.
_________________
Ngày nhận bài: 23-4-2023; Ngày bình duyệt: 25-4-2023; Ngày duyệt đăng: 11-8-2023.
(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.11, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.339.
(2), (6), (7), (9), (10), (11), (13), (14), (15), (16), (17), (18), (19), (20), (21), (22) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.5, Sđd, tr.320, 275, 315-316, 313, 313, 314, 281, 281, 632, 313, 123, 314, 281, 320, 319, 537.
(3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.6, Sđd, tr.16.
(4), (5), (8), (12) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.4, Sđd, tr.504, 14, 43, 43
(23), (24) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 1991, tr.98, 92.
(25), (26) Anh Cao: Thành phố Đà Nẵng: Thực tiễn thực hiện chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài trong khu vực công. Tại: https://moha.gov.vn. Cập nhật ngày 28-12-2020.
NCS LÊ THỊ NGỌC HOA
Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét