Những nội dung trong bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhân kỷ niệm 94 năm Ngày thành lập Đảng ta có ý nghĩa quan trọng đối với sự nghiệp xây dựng, phát triển kinh tế-xã hội và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, đặc biệt là cần phải tiếp tục vận dụng sáng tạo những bài học kinh nghiệm mà Đại hội XIII của Đảng đã đúc kết; trong đó, phải luôn luôn quán triệt sâu sắc quan điểm “dân là gốc”, thật sự tin tưởng, tôn trọng, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, kiên trì thực hiện phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”.
Xác định việc thực thi dân chủ và bảo đảm phát huy dân chủ vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương, những năm qua, Huyện ủy Châu Thành (Tiền Giang) đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện hiệu quả Quy chế dân chủ ở cơ sở (Quy chế), coi đây là nhiệm vụ trọng tâm trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Việc thực hiện dân chủ ở cấp cơ sở có nhiều tiến bộ. 23/23 ủy ban nhân dân xã, thị trấn thực hiện cơ bản đầy đủ nội dung Quy chế. Các đơn vị đều công khai 11 nội dung phải công khai cho dân biết, như: nghị quyết của HĐND, quyết định của UBND liên quan quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; công khai quyết toán thu, chi ngân sách, các khoản tài chính, công trình giao thông, xây dựng có nguồn vốn đóng góp của nhân dân…
Người dân được trực tiếp bàn bạc về mức đóng góp kinh phí, ngày công, hiến đất làm đường, rà soát, bình xét hộ nghèo, cận nghèo, người thuộc diện hưởng chính sách xã hội. Huyện coi trọng công tác tiếp dân, đối thoại trực tiếp của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với người dân, với các hội, đoàn thể. Đặc biệt, các cơ quan có quan hệ, tiếp xúc với dân đều niêm yết công khai tại trụ sở, trên trang thông tin điện tử về các chế độ, chính sách, thủ tục hành chính, lệ phí, thời gian giải quyết công việc..., đã giúp người dân, doanh nghiệp thuận lợi thực hiện giao dịch, phòng ngừa hiệu quả tham nhũng, tiêu cực, tạo sự đồng thuận, phát huy sức mạnh của nhân dân trong xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh.
Việc thực hiện Quy chế ở khu vực doanh nghiệp trên địa bàn huyện Châu Thành thời gian qua cũng có nhiều chuyển biến tích cực, nhất là có sự phối hợp, thống nhất giữa chủ doanh nghiệp, người lao động và tổ chức công đoàn theo hướng xây dựng quan hệ lao động hài hòa. Tất cả các đơn vị có ban hành quy chế dân chủ, hầu hết các doanh nghiệp đều tổ chức hội nghị người lao động và tổ chức đối thoại tại doanh nghiệp.
Qua đó, người lao động tích cực tham gia đóng góp ý kiến sửa đổi, bổ sung nội quy, quy chế hoạt động của doanh nghiệp, mạnh dạn đề xuất chủ doanh nghiệp những vấn đề liên quan quyền, lợi ích chính đáng của mình. Đại đa số doanh nghiệp nghiêm túc việc công khai các nội dung liên quan lợi ích của người lao động, từng bước xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, duy trì ổn định sản xuất, nâng cao năng suất lao động, nâng cao thu nhập cho người lao động, tăng doanh thu cho doanh nghiệp.
Người đứng đầu Đảng ta cũng đã chỉ rõ, nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Mọi chủ trương, chính sách phải thật sự xuất phát từ cuộc sống, nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của nhân dân. Quán triệt quan điểm này của Tổng Bí thư, Huyện ủy Châu Thành tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy, tổ chức đảng đối với việc thực hiện dân chủ ở cơ sở, tiếp tục quán triệt và thực hiện Kết luận số 120 ngày 7/1/2016 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả việc xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở,...
Huyện cũng thường xuyên chú trọng nâng cao chất lượng cán bộ, công chức có lề lối làm việc gương mẫu, trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân, có trách nhiệm với dân, “nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin” gắn với học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh…
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét