THI ĐUA MUỐN THÀNH CÔNG
PHẢI ĐỒNG LÒNG, DỐC SỨC
Bác Hồ - Người cha thân yêu của các lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam đã để lại cho toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta một di sản tinh thần vô cùng quý giá. Đó là tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Trong đó, tư tưởng về thi đua yêu nước có vị trí, vai trò rất quan trọng. Đến nay, tư tưởng thi đua yêu nước của Bác vẫn còn nguyên giá trị, có ý nghĩa động viên, cổ vũ hết sức to lớn đối với toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Đúng vậy! Cách đây 76 năm, vào ngày 11-6-1948, Bác Hồ đã ra “Lời kêu gọi thi đua ái quốc”. Lời kêu gọi của Bác ngắn gọn, súc tích; chỉ có 434 chữ, đã đăng trên Báo Cứu quốc số 968, ngày 24-6-1946. Với tác phẩm bất hủ này, Bác đã khởi xướng và phát động nhân dân cả nước tham gia phong trào thi đua yêu nước; dùng tâm huyết, nhiệt tình cách mạng và tinh thần trách nhiệm lớn lao trước Đảng, trước dân tộc để hăng hái thi đua kháng chiến, kiến quốc, giúp nước nhà mau chóng giành thắng lợi; nhân dân có cuộc sống hòa bình, độc lập, tự do, ấm no, hạnh phúc. Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Bác chính là lời hiệu triệu toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta tiến lên giành những thắng lợi mới.
Theo Bác, thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua. Mục đích của thi đua là “Diệt giặc đói/Diệt giặc dốt/Diệt giặc ngoại xâm”. Cách làm là “Lực lượng của dân/Tinh thần của dân, để gây/Hạnh phúc cho dân”. Bác khẳng định: “Bổn phận của người dân Việt Nam, bất kỳ sĩ, nông, công, thương, binh; bất kỳ làm việc vì, đều cần phải thi đua nhau”, “đều phải trở thành một chiến sĩ tranh đấu trên mặt trận: Quân sự, Kinh tế, Chính trị, Văn hóa”, để thực hiện: “Toàn dân kháng chiến/Toàn diện kháng chiến” nhằm “Vừa kháng chiến/Vừa kiến quốc”. Theo Bác, thi đua phải hướng đến kết quả cụ thể, thiết thực; đó là “Toàn dân đủ ăn, đủ mặc/Toàn dân biết đọc, biết viết/Toàn bộ đội đầy đủ lương thực, khí giới, để tiêu diệt ngoại xâm”. Nếu có được sự chung sức, đồng lòng thì nhất định chúng ta sẽ thực hiện tốt mục tiêu: “Dân tộc độc lập/Dân quyền tự do/Dân sinh hạnh phúc”. Bác tin tưởng rằng: “Thi đua ái quốc sẽ ăn sâu, lan rộng khắp mọi mặt và mọi tầng lớp nhân dân và sẽ giúp ta dẹp tan mọi nỗi khó khăn và mọi âm mưu của địch để đi đến thắng lợi cuối cùng”.
Về cách thức thi đua, Bác yêu cầu phải có các biện pháp cụ thể, dễ hiểu, dễ làm, dễ thực hiện để phong trào thi đua ngày càng lan tỏa, nảy nở, đơm hoa, kết trái. Bác rất coi trọng “việc phổ biến sáng kiến và kinh nghiệm”; đặc biệt phải làm tốt công tác tuyên truyền, khen ngợi những ưu điểm và phê bình những khuyết điểm góp phần vào phong trào thi đua ái quốc. Cùng với đó, Bác cho rằng, thi đua là phải đồng lòng, dốc sức thực hiện công việc chung có chất lượng, hiệu quả cao nhất, chi phí ít tốn kém nhất, trong thời gian ngắn nhất. Bác chỉ rõ thi đua phải thiết thực đôn đốc, giúp đỡ, sửa đổi, phải có kế hoạch thiết thực; tổ chức, lãnh đạo chặt chẽ; phân công phải rõ ràng; nghĩa là thi đua phải có sự lãnh đạo đúng; sau đợt thi đua, phải thiết thực kiểm tra, tổng kết, phổ biến kinh nghiệm, khen thưởng những người kiểu mẫu, nâng đỡ những người kém cỏi... Bác nhắc nhở cán bộ các cấp: Trong công tác thi đua không nặng về hình thức, càng không nên “đầu voi, đuôi chuột”, nhất là “thi đua phải lâu dài và rộng khắp”; khi thi đua thì đảng viên phải đi trước, làng nước theo sau.
Bác chỉ rõ: “Thi đua thì cải tạo con người”, “phải có sự đồng tâm, gắng sức của toàn dân”; “nhân dân và Đảng, Nhà nước phải chung sức đồng lòng”... Bởi vì, giá trị, ý nghĩa tốt đẹp của thi đua yêu nước chỉ có được một khi có Đảng lãnh đạo, Nhà nước và Chính phủ làm tốt công tác quản lý, nhân dân ta hết lòng hết sức ủng hộ, dày công xây đắp nên.
Quán triệt và hưởng ứng Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Bác Hồ, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đã đưa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược đi đến thành công, giành chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ năm 1954, Đại thắng mùa Xuân năm 1975 và bảo vệ vững chắc biên giới Tây Nam và phía Bắc của Tổ quốc. Đây là những mốc son chói lọi không chỉ khẳng định sức mạnh của dân tộc Việt Nam, mà còn là thắng lợi của các phong trào thi đua yêu nước, thi đua quyết thắng được tổ chức sâu rộng và liên tục trong nhân dân cả nước và trong Quân đội ta. Nhờ đó, phong trào thi đua yêu nước đã được phát động, lan tỏa sâu rộng trong cả nước; nhân dân ta đã giành những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử.
Quán triệt và vận dụng sáng tạo tư tưởng thi đua yêu nước của Bác Hồ, thực hiện Chỉ thị số 22-CT/TW, ngày 23-01-2018 của Ban Bí thư về đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước và tổ chức thực hiện phong trào Thi đua Quyết thắng thiết thực, hiệu quả với những nội dung, nhiệm vụ mới; tập trung đẩy mạnh học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; triển khai thực hiện Cuộc vận động phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh “Bộ đội Cụ Hồ” thời kỳ mới và Nghị quyết số 847-NQ/QUTW ngày 28-12-2021 về phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân trong tình hình mới; cán bộ, chiến sĩ toàn quân quyết tâm thực hiện thắng lợi mục mục tiêu, các chỉ tiêu xây dựng Quân đội tinh, gọn, mạnh; tiến lên hiện đại; hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.
76 năm đã trôi qua, “Lời kêu gọi Thi đua ái quốc” của Bác Hồ đã thấm sâu vào các tầng lớp nhân dân Việt Nam, trở thành động lực mạnh mẽ đưa cách mạng nước ta tiến lên giành nhiều thắng lợi to lớn, có ý nghĩa lịch sử.
Giờ đây, Lời kêu gọi thi đua ái của của Bác Hồ đã trở thành ngọn cờ tư tưởng, quyết tâm chính trị rất lớn và là động lực thúc đẩy toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta ra sức thi đua, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh; thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; chuẩn bị tốt nhất các điều kiện cần thiết để đại hội đảng các cấp diễn ra thành công, hướng đến Đại hội XIV của Đảng và Đại hội Đảng bộ Quân đội lần thứ XII.
Đây là dịp tốt để cán bộ, chiến sĩ Quân đội ta thi đua lập thành tích cao nhất chào mừng kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944-22/12/2024) và 35 năm Ngày Hội quốc phòng toàn dân (22/12/1989-22/12/2024); góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ xây dựng Quân đội, củng cố quốc phòng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét