Mặc dù ở Việt Nam chưa có thời kỳ nào
xuất hiện chủ nghĩa cơ hội với tư cách là một lực lượng hay một phong trào có
khả năng ảnh hưởng đến cách mạng, nhưng vẫn còn tồn tại những tư tưởng hay những
biểu hiện hữu khuynh và tả khuynh dưới những mức độ khác nhau. Ngoài ra, việc
các thế lực thù địch phản động câu kết gia tăng sự chống phá đã khiến chúng ta
phải thường xuyên, kiên quyết đấu tranh phản bác, ngăn chặn các loại cơ hội,
các quan điểm sai trái, thù địch. Đặc biệt, từ sau khi CNXH hiện thực ở
Đông Âu và Liên Xô sụp đổ, nhiều luận điệu xảo trá đã được
tung hô với những thủ đoạn, hình thức khác nhau nhằm tấn
công vào nền tảng tư tưởng của Đảng ta. Trước tình thế đó, việc đấu tranh
trực diện, không khoan nhượng, thật sự kiên quyết được đặt ra cấp bách nhằm bảo
vệ Đảng, bảo vệ nhân dân, bảo vệ chế độ và những thành quả của công cuộc đổi
mới.
Một dấu mốc quan trọng trong công tác đấu
tranh chống các quan điểm sai trái thù địch là ngày 22/10/2018, Bộ Chính trị
khoá XII đã ban hành Nghị quyết số 35-NQ/TW về “Tăng cường bảo vệ nền
tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch
trong tình hình mới”, đưa việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng đã được thực
hiện một cách bài bản, đồng bộ hơn với nhiều kết quả khả quan. Từ đó, làm thất
bại nhiều âm mưu, thủ đoạn hòng việc xóa bỏ nền tảng tư tưởng của Đảng cũng
như các âm mưu, hoạt động “diễn biến hòa bình”; làm thất bại các hoạt động
lợi dụng đổi mới để gây chia rẽ dân tộc, tôn giáo; lợi dụng các vấn đề dân tộc,
tôn giáo, dân chủ, nhân quyền để chống phá cách mạng.
Công tác tổng kết, nghiên cứu lý luận
được chú trọng, góp phần giải quyết những vấn đề thực tiễn đặt ra, nhất là
trong công cuộc đổi mới, xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, xây dựng
nền dân chủ XHCN và nhà nước pháp quyền XHCN; công tác thông
tin, tuyên truyền có nhiều đổi mới, sáng tạo về nội dung, hình thức, phát huy tốt
vai trò định hướng dư luận, nhất là trên mạng xã hội. Qua đó, kịp thời tuyên
truyền, khẳng định chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của
Nhà nước, những thông tin tích cực, thuyết phục, có sức lan tỏa, giáo dục, đẩy
lùi các thông tin xấu, độc; góp phần giữ vững ổn định chính trị, củng cố
niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước và chế độ.
Tuy nhiên, hiện nay, hoạt động chống
phá của các thế lực thù địch vẫn diễn ra với tính chất ngày càng tinh vi, thâm
độc hơn; hệ thống internet, mạng xã hội phát triển đã trở
thành công cụ hữu hiệu để chúng lợi dụng triệt để xuyên tạc,
phủ nhận giá trị chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối,
chính sách của Đảng, Nhà nước; gây nên sự hoài nghi trong xã hội...
Mặt khác, thực tiễn đổi mới, hội nhập
đang đặt ra nhiều vấn đề mới cần nghiên cứu, giải đáp thấu đáo về lý luận. Công
tác “đấu tranh, phản bác, ngăn chặn các thông tin xấu độc, quan điểm sai trái,
thù địch có lúc, có nơi còn bị động, thiếu sắc bén, tính chiến đấu chưa cao”;
việc lôi cuốn sự tham gia đông đảo của cán bộ, nhân dân chưa nhiều; đội ngũ làm
công tác đấu tranh còn chưa đủ về số lượng và mạnh về chất lượng; tính chiến đấu,
tính khoa học, tính sắc bén trong lập luận chưa cao nên tính thuyết phục còn hạn
chế; công tác quản lý thông tin trên mạng chưa theo kịp tình hình... Đó là những
khoảng trống cần sự bù đắp kịp thời để phát huy tốt hơn công tác bảo vệ nền tảng
tư tưởng của Đảng, đấu tranh chống lại các quan điểm sai trái, thù địch trong
giai đoạn hiện nay.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét