Thứ Tư, 26 tháng 6, 2024

TÌM HIỂU GIÚP BẠN: CHỮ “CHÍNH” TRONG TƯ TƯỞNG ĐẠO ĐỨC HỒ CHÍ MINH!

         “Cần, kiệm, liêm, là gốc của chính. Nhưng một cây cần phải có gốc rễ, lại cần có nhành, lá, hoa quả mới là hoàn toàn. Một người phải cần, kiệm, liêm nhưng còn phải chính mới là người hoàn toàn”...

“Văn hóa soi đường cho quốc dân đi” là luận điểm quan trọng lần đầu tiên được Chủ tịch Hồ Chí Minh đưa ra tại Hội nghị văn hóa toàn quốc, tháng 11-1946. Người xác định, cần phải tập trung vào hai vấn đề thiết yếu là xây dựng văn hóa và xây dựng con người trong quá trình thực hiện 5 quan điểm lớn, trong đó quan điểm thứ hai là “xây dựng luân lý”: Biết hy sinh mình, làm lợi cho quần chúng.

Quan điểm xây dựng luân lý thực chất là các chuẩn mực đạo đức cách mạng cơ bản. Và trong các chuẩn mực ấy thì vấn đề cốt lõi là: Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư.

Bác đã giảng giải cặn kẽ về “vấn đề cốt lõi”: Chính. Người giải thích: Chính “nghĩa là không tà, nghĩa là thẳng thắn, đứng đắn. Điều gì không đứng đắn, thẳng thắn, tức là tà. Bác dặn dò kỹ hơn: Để là chính, thì phải có thái độ đúng đắn đối với mình, đối với người và đối với việc.

Tháng 5 về! Vào dịp kỷ niệm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, chúng ta thấy những điều Người nói như đang là câu chuyện hôm nay. Trong bài viết đăng trên Báo Quân đội nhân dân hằng ngày: “Một số vấn đề cần được đặc biệt quan tâm trong công tác chuẩn bị nhân sự của Ðảng”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh tiêu chuẩn lựa chọn cán bộ cấp chiến lược: “Có phẩm chất đạo đức và lối sống trong sáng, gương mẫu, được cán bộ, đảng viên và nhân dân tín nhiệm. Có tinh thần trách nhiệm cao, tâm huyết, tận tụy với công việc; bản thân không tham nhũng, quan liêu, cơ hội, vụ lợi, tham vọng quyền lực và kiên quyết đấu tranh chống các biểu hiện tiêu cực, quan liêu, tham nhũng; không để vợ, chồng, con, người thân lợi dụng chức quyền để trục lợi”. Đồng chí lưu ý, khi lựa chọn nhân sự phải có “con mắt tinh đời”, phải “tỉnh táo, tinh tường” để không bị nhầm lẫn “thấy đỏ tưởng chín”. Chúng tôi nghĩ, những chỉ dẫn của Tổng Bí thư, cũng xoay quanh chữ chính mà Bác Hồ hằng mong đợi.

Đạo đức muốn vào cuộc sống không phải bằng con đường học thuộc các khái niệm, mà là thực hành đạo đức. Nói hay mới chỉ là hoa, làm hay mới là trái chín. Cái chính của chúng ta đường hoàng, quyết liệt trong tâm thế cả dân tộc “chống dịch như chống giặc”. Toàn dân vào cuộc, cả hệ thống chính trị vào cuộc. Chính thể hiện ở ý chí quyết tâm của cán bộ, chiến sĩ trong quân đội. Nhiều đơn vị bộ đội nhường doanh trại cho dân, hành quân trong đêm hàng trăm cây số, tổ chức cách ly, khoanh vùng, dập dịch. Hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ biên phòng có mặt ở các điểm chốt, các khu vực đường mòn, lối mở dọc tuyến biên giới, ngủ trong những chiếc lán tạm bợ để ngăn chặn xuất nhập cảnh trái phép, kịp thời tuyên truyền, hướng dẫn, tổ chức cách ly cho bà con.

Cái chính thể hiện ở những chuyến bay đặc biệt của hàng không Việt Nam. Những chuyến bay của lòng nhân ái, bất chấp nguy hiểm, đón người Việt từ các vùng dịch trở về Tổ quốc. Tôi nhớ tới câu chuyện của anh Tô Ngọc Giang, Đoàn trưởng Đoàn bay 919 của Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines). Anh xúc động kể: “Khi cần phi công và lễ tân, nhân viên phục vụ bay sang vùng tâm dịch Vũ Hán (Hồ Bắc, Trung Quốc) để đón bà con mình, chúng tôi rất băn khoăn, không biết cử ai đi. Nhưng sau khi nghe chúng tôi nói rõ mục đích, yêu cầu thì hàng trăm cánh tay giơ cao xung phong tham gia chuyến đi. Thế là từ việc lo không biết sẽ cử ai bay sang Vũ Hán thì lúc ấy chúng tôi lại phân vân không biết sẽ chọn ai!”.

Cái chính thể hiện trong đội ngũ thầy thuốc. Hàng trăm bác sĩ đã xa nhà mấy tháng trời để làm nhiệm vụ cứu chữa, chăm sóc bệnh nhân. Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, ba tháng ròng “tự cách ly”. Anh phải cạo trọc đầu cho “tiện” công việc, nhận điều trị những ca khó nhất, những việc khó nhất, cùng với bác sĩ phó trưởng khoa ở lại bệnh viện để bảo đảm hạn chế tối đa người tham gia những kỹ thuật nguy hiểm.

Cái chính thể hiện ở chỗ người Việt đã mở lòng với đồng bào mình bởi “lòng không rộng cả đất trời cũng hẹp”. Thấy rõ hơn bất cứ ở đâu, lúc nào câu chuyện “lá lành đùm lá rách”. Đó là những “cây ATM gạo” dành tặng những người khó khăn, thiếu đói. Đó là Bà mẹ Việt Nam anh hùng gom góp tiền tặng Quỹ Phòng, chống dịch Covid-19. Đó là những sinh viên quyên góp tiền, mua hàng nghìn khẩu trang tặng bà con. Và còn rất nhiều tấm gương khác, bình dị mà rất cao cả.

Tiếc rằng, ngay trong cuộc chiến chống đại dịch, ngược lại với chính là tà. Thật buồn khi nhắc tới những câu chuyện phản văn hóa và dưới văn hóa. Chuyện ông Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) “vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” là điều đáng xấu hổ, ảnh hưởng không nhỏ đến danh dự, uy tín của ngành y. Những việc làm khuất tất này là mầm cây độc hại mọc trên mảnh đất của thói bất lương, vừa không liêm, vừa không chính.

Các đảng bộ trong cả nước đang chuẩn bị và bước vào đại hội các cấp. Làm thế nào để lựa chọn được những đồng chí xứng đáng bầu vào cấp ủy? Chỉ thị số 35-CT/TW của Bộ Chính trị đã quy định rất rõ. “Nói tóm lại là phải vừa có đức, vừa có tài, trong đó đức là gốc”. Nhưng dù đề cập ở góc độ nào, ta vẫn thấy lấp lánh điều cần nhất ở người cán bộ trong mọi thời: Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Đại tướng Võ Nguyên Giáp thường nhấn mạnh: Bác Hồ dặn chúng ta phải “dĩ công vi thượng”, tức là luôn đặt lợi ích chung lên trên hết, hết lòng vì nước, vì dân. Nói về điều bình thường vĩ đại của Hồ Chí Minh, nhà thơ Indonesia R.Dagio đã viết trong bài thơ “Vẻ đẹp bên trong của viên ngọc”: Người không mang danh dự ghế suy tôn/ Ngồi vào đấy với Người không có nghĩa/ Khi đức độ đã ngời như ngọc quý/ Thì có nghĩa gì chiếc ghế phủ nhung êm.

Công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng được tiến hành thường xuyên, liên tục trong những năm qua cũng nhằm mục đích cao nhất làm cho Đảng ta thật sự trong sạch, vững mạnh, cán bộ, đảng viên thật sự xứng đáng là “mực thước để người dân bắt chước”. Thế nhưng những kết quả mới chỉ là bước đầu. Sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống từ “một bộ phận” đến “bộ phận không nhỏ” cán bộ, đảng viên, trong đó có những cán bộ cấp cao của Đảng và Nhà nước, vẫn chưa được khắc phục. Nhiều người trong số họ nói rất trơn tru về văn hóa và đạo đức, về đạo đức cách mạng nhưng hễ đụng việc khó là né tránh, đùn đẩy, thấy sai không đấu tranh, thấy đúng không bảo vệ. Sự vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ nghiêm trọng ở một số nơi chỉ được làm rõ khi người đứng đầu mắc sai phạm, bị xử lý kỷ luật, thậm chí phải vào vòng lao lý. Hóa ra không ít người đã nhân danh tập thể, mang tập thể ra che chắn, làm cái “hầm trú ẩn” cho trách nhiệm, giấu giếm khuyết điểm của mình. Kết quả đấu tranh tự phê bình, phê bình; tính phát hiện, tính chiến đấu còn rất hạn chế. Điều này Bác Hồ từng cảnh báo từ rất sớm: “Một Đảng mà giấu giếm khuyết điểm của mình là một Đảng hỏng”. Cho đến trước lúc đi xa, trong Di chúc, một tác phẩm vô giá trong di sản tinh thần Hồ Chí Minh, Bác vẫn không quên dặn lại: “Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư”.

Hôm nay suy ngẫm về những điều Bác Hồ căn dặn, mặc dù đã qua bao thăng trầm lịch sử nhưng vẫn thấy nóng hổi tính thời sự. Sức sống của tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là ở sự giản dị, chân thật như chính con người Bác. Tôi chợt nhớ câu nói của Thủ tướng Phạm Văn Đồng: “Thường thường, khi con người biết mình là một nhân vật quan trọng thì không phải lúc nào cũng hồn nhiên và chân thật. Hồ Chí Minh không như vậy. Suốt đời mình, trong việc lớn cũng như việc nhỏ, Hồ Chí Minh bao giờ cũng chân thật”.

Vâng, dù là cá nhân hay tổ chức, khi luôn coi trọng tính chân thật, không tô vẽ, đánh bóng, ngụy tạo, chính là biểu hiện của đạo đức, văn minh; chính là lòng tốt của con người. Mà lòng tốt thường tự nhiên, tự quên mình, như khí trời trong lành, như ao thu tĩnh lặng, như tán cây quên bóng mát. Đó cũng là chính vậy./.
Yêu nước ST.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét