Nhìn lại lịch sử, trước đổi mới (năm 1986), Việt Nam vốn là một nước có nền kinh tế nghèo nàn, chưa phát triển, lại bị chiến tranh tàn phá, để lại những hậu quả hết sức nặng nề. Sau chiến tranh, đất nước lại chịu sự bao vây, cấm vận của Mỹ và các nước phương Tây trong gần 20 năm; tình hình khu vực và quốc tế có nhiều diễn biến phức tạp, gây bất lợi cho Việt Nam. Lương thực, hàng hóa nhu yếu phẩm vô cùng thiếu thốn, đời sống nhân dân hết sức khó khăn, khoảng 3/4 dân số sống dưới mức nghèo. Trên cơ sở vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Việt Nam đã tiến hành công cuộc đổi mới, do đó kinh tế bắt đầu phát triển và tăng trưởng liên tục với tốc độ tương đối cao trong suốt gần 40 năm qua với mức tăng trưởng trung bình gần 7% mỗi năm. “Quy mô GDP không ngừng được mở rộng, năm 2023 đạt khoảng 430 tỷ USD, trở thành nền kinh tế lớn thứ 5 trong ASEAN và thứ 35 trong 40 nền kinh tế lớn nhất thế giới. GDP bình quân đầu người tăng 58 lần, lên mức khoảng 4.300 USD năm 2023; Việt Nam đã ra khỏi nhóm các nước có thu nhập thấp từ năm 2008 và sẽ trở thành nước có thu nhập trung bình cao vào năm 2030 (khoảng 7.500 USD)”(15).
Song song với phát triển kinh tế, đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân cũng được quan tâm phát triển. Hiện nay, Việt Nam có gần 80% dân số sử dụng internet, là một trong những nước có tốc độ phát triển công nghệ tin học cao nhất thế giới. Liên hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong việc hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ. “Năm 2022, chỉ số phát triển con người (HDI) của Việt Nam đạt mức 0,737, thuộc nhóm nước có HDI cao của thế giới, nhất là so với các nước có trình độ phát triển cao hơn. Chỉ số hạnh phúc của Việt Nam năm 2023 được các tổ chức xếp thứ 65/137 quốc gia được xếp hạng”(16).
Trong gần 40 năm đổi mới, Đảng Cộng sản Việt Nam đã kế thừa và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, tiếp thu chọn lọc tinh hoa thế giới và tư tưởng tiến bộ của nhân loại, phát triển trên nền tảng lý luận của chủ nghĩa Mác - Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh, hình thành nên một trường phái đối ngoại, ngoại giao rất đặc sắc và độc đáo, mang đậm bản sắc “Cây tre Việt Nam”. Đó là vừa kiên định về nguyên tắc, vừa uyển chuyển về sách lược; mềm mại, khôn khéo, nhưng cũng rất kiên cường, đầy bản lĩnh, vững vàng trước mọi khó khăn, thách thức, vì độc lập, tự do của dân tộc, vì hạnh phúc của nhân dân; đoàn kết, nhân ái, nhưng luôn luôn kiên quyết, kiên trì bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc. Kết quả là, từ một nước bị bao vây, cấm vận, đến nay, nước ta đã có quan hệ ngoại giao với 193 quốc gia(17), trong đó 7 nước đối tác chiến lược toàn diện, 12 nước đối tác chiến lược và 12 nước đối tác toàn diện. Việt Nam đã và đang thể hiện tốt vai trò là bạn, là đối tác tin cậy của cộng đồng quốc tế; có nhiều sáng kiến, đề xuất và chủ động, tích cực tham gia hiệu quả vào các hoạt động của ASEAN, Liên hợp quốc và nhiều tổ chức quốc tế khác. Đặc biệt, Việt Nam đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện hoặc đối tác chiến lược với 5 nước thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, mở rộng quan hệ kinh tế - thương mại với 230 quốc gia và vùng lãnh thổ. Đây là những thành tựu đáng tự hào, là động lực và niềm tin để Việt Nam vượt qua mọi khó khăn, thách thức, tiếp tục vững bước trên con đường đổi mới; từng bước thực hiện khát vọng xây dựng nước Việt Nam hùng cường, đưa dân tộc Việt Nam tiến cùng nhịp bước với trào lưu tiến bộ trên thế giới và ý nguyện hòa bình, phát triển của nhân loại.
Đảng Cộng sản Việt Nam vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh trong công cuộc đổi mới và đã giành được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Đây là minh chứng sinh động và thuyết phục nhất khẳng định giá trị vĩ đại, sức sống trường tồn của tư tưởng Hồ Chí Minh, đúng như Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã khẳng định: “Tư tưởng Hồ Chí Minh là linh hồn, ngọn cờ thắng lợi của cách mạng Việt Nam trong suốt hơn nửa thế kỷ qua”(18) và “Thế giới còn đổi thay nhưng tư tưởng Hồ Chí Minh sống mãi”.
LHQ-ST
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét