Tư
tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên
Từ việc phân tích sâu sắc
khía cạnh đạo đức của một tổ chức, hệ thống chính trị Xô-viết và của một người
cộng sản chân chính đứng đầu tổ chức đó là lãnh tụ vĩ đại V.I. Lê-nin, Chủ tịch
Hồ Chí Minh khẳng định: “Không phải chỉ thiên tài của Người, mà chính là tính
coi khinh sự xa hoa, tinh thần yêu lao động, đời tư trong sáng, nếp sống giản
dị, tóm lại là đạo đức vĩ đại và cao đẹp của người thầy, đã ảnh hưởng lớn lao
tới các dân tộc châu Á và đã khiến cho trái tim của họ hướng về Người, không gì
ngăn cản nổi” (2) . Người
coi V.I. Lê-nin là Người thầy dạy vĩ đại của cách mệnh vô sản. Cũng là một vị
đạo đức rất cao, dạy chúng ta phải thực hiện cần, kiệm, liêm, chính. Tinh thần
Lênin muôn đời bất diệt (3) .
Trên cơ sở kế thừa quan điểm
của chủ nghĩa Mác - Lê-nin và truyền thống đạo đức của dân tộc Việt Nam được
hun đúc, vun đắp từ hàng nghìn năm lịch sử, đồng thời có sự tiếp thu tinh hoa
nhân loại, Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định và gương mẫu thực hiện những nguyên
tắc xây dựng Đảng về đạo đức cách mạng. Người chỉ rõ, đạo đức cách mạng là cái
gốc sự phát triển của cách mạng, bởi vậy trong tư duy và hành động, Người luôn
kết hợp một cách nhuần nhuyễn giữa “pháp trị” và “đức trị”, trong đó đặc biệt
đề cao hai phương diện chính: Đạo đức của mỗi cán bộ, đảng viên và đạo đức của
tổ chức đảng.
Về đạo đức cách mạng của đội ngũ cán bộ, đảng viên.
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh,
xây dựng Đảng về đạo đức phải được bắt đầu từ công cuộc đấu tranh chống biểu
hiện suy thoái về tư tưởng, đạo đức của từng cán bộ, đảng viên; coi trọng đúng
mức công tác giáo dục, bồi dưỡng về đạo đức cách mạng đối với người lãnh đạo.
Người cho rằng, đạo đức người cách mạng giống như gốc rễ của cây, như nguồn của
sông suối, khi “sông thì có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây
phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có
đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân” (4) . Người cũng nhiều lần khẳng định, đạo đức cách mạng là yếu tố
không thể thiếu đối với người làm cách mạng; “Làm cách mạng để cải tạo xã hội
cũ thành xã hội mới là một sự nghiệp rất vẻ vang, nhưng nó cũng là một nhiệm vụ
rất nặng nề, một cuộc đấu tranh rất phức tạp, lâu dài, gian khổ... Người cách
mạng phải có đạo đức cách mạng làm nền tảng, mới
hoàn thành được nhiệm vụ cách mạng vẻ vang” (5) . Do
vậy, Người coi nhiệm vụ xây dựng Đảng về đạo đức nói chung, bồi dưỡng, giáo dục
đạo đức cho cán bộ, đảng viên nói riêng là động lực cốt lõi làm nên những thành
công của con đường cách mạng đầy gian nan.
Cho đến những năm cuối cuộc
đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn miệt mài viết tác phẩm “Nâng cao đạo đức cách
mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân” để căn dặn, giáo dục cán bộ, đảng viên toàn
hệ thống chính trị. Trong Di chúc , Người chỉ rõ:
“Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật
sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch,
phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân” (6) . Theo người, “đạo đức cách mạng là: Quyết tâm suốt đời đấu tranh
cho Đảng, cho cách mạng. Đó là điều chủ chốt nhất” (7) . Bên
cạnh đó, Người cũng thường xuyên nhấn mạnh những chuẩn mực cơ bản của đạo đức
cách mạng, như trung với nước, hiếu với dân; yêu thương con người, sống có tình
nghĩa; cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; tinh thần quốc tế trong sáng,
tiến bộ,... Cụ thể:
Trung với nước, hiếu với dân được xem là phẩm chất bao trùm, quan trọng nhất, giữ vai trò chi
phối các phẩm chất khác, thể hiện bản lĩnh, tinh thần cống hiến của người cách
mạng luôn sẵn sàng vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, thậm chí là hi sinh để hoàn
thành nhiệm vụ vì dân, vì nước. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khéo léo sử dụng khái
niệm “trung” và “hiếu” trong quan niệm đạo đức truyền thống “Trung với vua,
hiếu với cha mẹ” và mở rộng nội hàm, cách hiểu sang nội dung mới, rộng lớn hơn,
đó là “Trung với nước, hiếu với dân” nhằm tạo nên sự chuyển biến trong nhân
sinh quan nói chung và các quan điểm về đạo đức cách mạng nói riêng. Trong đó,
“Trung với nước” là trung thành với sự nghiệp dựng nước và giữ nước, với con
đường đi lên của đất nước, suốt đời phấn đấu cho Đảng, cho cách mạng; “Hiếu với
dân” là gần dân, lấy dân làm gốc, gắn bó với dân, “hết lòng, hết sức phục vụ
nhân dân”. Đặc biệt, Người khẳng định “Trung với nước” phải gắn liền “Hiếu với
dân” bởi nước là “nước của dân”, người dân là chủ thể nắm quyền lực nhà nước;
mọi lực lượng đều ở dân, còn cán bộ, đảng viên là đầy tớ của nhân dân chứ không
phải là “quan
cách mạng”.
Cần,
kiệm, liêm, chính, chí công vô tư cũng là các khái niệm đạo đức truyền thống được
Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp thu, chọn lọc và vận dụng linh hoạt để phù hợp với
yêu cầu, nội dung mới của đạo đức cách mạng. Người chỉ rõ: “Ngày nay ta đề ra
cần, kiệm, liêm, chính cho cán bộ thực hiện làm gương cho nhân dân theo để lợi
cho nước cho dân” (8) . Người
cũng cho rằng đây chính là một biểu hiện sinh động của phẩm chất “Trung với
nước, hiếu với dân” và chỉ ra mối quan hệ khăng khít giữa chúng. Theo đó, “cần”
và “kiệm” phải luôn đi đôi với nhau như hai chân của con người, “CẦN mà không
KIỆM, “thì làm chừng nào xào chừng ấy”... KIỆM mà không CẦN, thì không tăng
thêm, không phát triển được” (9) . Chữ
“liêm” phải đi đôi với chữ “kiệm”, cũng như chữ “kiệm” phải đi đôi với chữ
“cần”, cụ thể, “Có KIỆM mới LIÊM được. Vì xa xỉ mà sinh tham lam” (10) ; hay “CẦN, KIỆM, LIÊM, là gốc rễ của
CHÍNH. Nhưng một cây cần có gốc rễ, lại cần có nhành, lá, hoa, quả mới là hoàn
toàn” (11) . Mặt
khác, “cần, kiệm, liêm, chính” nhất định sẽ đi đến chí công vô tư và ngược lại.
Yêu thương, quý trọng con người cũng là một phẩm chất quan trọng trong đạo đức cách mạng và
luôn được Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt chú ý, bởi đây là đức tính nền tảng để
hình thành, nung nấu ý chí quyết tâm làm cách mạng nhằm giải phóng dân tộc,
giai cấp, giải phóng con người. Người xác định rõ, làm việc “chính” là người
“thiện”, làm việc “tà” là người “ác”, đó là hai hạng người và loại việc cơ bản
trong cuộc sống; những người bị áp bức, bóc lột, sẵn sàng làm điều thiện thì dù
màu da, tiếng nói, chủng tộc, tôn giáo khác nhau thì vẫn có thể thực hành chữ
“bác ái”, coi nhau như anh em một nhà trong một “thế giới đại đồng”. Người
khuyên mọi người lấy thẳng thắn, chân thành để đối xử, lấy tin yêu, giúp đỡ để
cảm hóa lẫn nhau; trân trọng, phát huy yếu tố tích cực trong mỗi người để hạn
chế, đẩy lùi yếu tố tiêu cực, giúp tất cả cá nhân đều tiến bộ, trưởng thành,
đóng góp vào sự nghiệp cách mạng chung của Đảng và nhân dân, bởi “Đạo
đức cách mạng là hòa mình với quần chúng thành một khối, tin
quần chúng, hiểu quần chúng, lắng nghe ý kiến của quần chúng” (12) .
Đặc biệt, Chủ tịch Hồ Chí
Minh luôn nhấn mạnh “Đạo đức cách mạng là tuyệt đối trung thành với Đảng,
với nhân dân ” (13) , điều
này có nghĩa “vô luận trong hoàn cảnh nào, cũng phải quyết tâm đấu tranh, chống
mọi kẻ địch, luôn luôn cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu, quyết không chịu khuất
phục, không chịu cúi đầu” (14) , phải
biết “đặt lợi ích của Đảng lên trên hết” (15) . Theo
Người, để xây dựng Đảng về đạo đức, trước hết phải quét sạch chủ nghĩa cá nhân,
bởi chủ nghĩa cá nhân “như cỏ dại, sinh sôi, nảy nở rất dễ” (16) và “là một kẻ địch hung ác của chủ nghĩa xã hội. Người cách
mạng phải tiêu diệt nó” (17) . Mục
tiêu của việc giáo dục, rèn luyện đạo đức cách mạng trong cán bộ, đảng viên là
nhằm xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa, tức là dần quét sạch chủ nghĩa cá
nhân.
Về đạo đức cách mạng của tổ chức đảng.
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, để
có một đảng chân chính, vững mạnh, cần xác định rõ mục đích tối thượng của Đảng
chính là phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, vì lợi ích của nhân dân mà chiến
đấu và Đảng không có lợi ích riêng nào hết. Đây cũng là lý tưởng đạo đức cao
đẹp của Đảng, của toàn thể cán bộ, đảng viên. Cùng với đó, Người chỉ rõ, đạo
đức chính là ở chỗ làm cho lý luận của chủ nghĩa Mác - Lê-nin thấm sâu vào tư
tưởng và hành động của từng cán bộ, đảng viên trong toàn Đảng, “Đảng muốn vững
thì phải có chủ nghĩa làm cốt, trong đảng ai cũng phải hiểu, ai cũng phải theo
chủ nghĩa ấy. Đảng mà không có chủ nghĩa cũng như người không có trí khôn, tàu
không có bàn chỉ nam” (18) , có ý
chí, khát vọng, quyết tâm đêm ngày đều “nghĩ đến sự nghiệp cách mạng và cứu độ
nhân loại” (19) . Theo
đó, trong đời hoạt động cách mạng, Người luôn chú trọng củng cố nền tảng tư
tưởng của Đảng; khuyến khích đội ngũ cán bộ, đảng viên phải ra sức học tập chủ
nghĩa Mác - Lê-nin, nhất là trong những điều kiện, hoàn cảnh mà nhiều cán bộ,
đảng viên có trình độ lý luận chính trị rất thấp (20) . Người
khẳng định, “có thể tránh được biết bao bế tắc, sai lầm và biết bao thất bại
đau đớn, nếu chúng ta có thể cung cấp cho các đồng chí ấy những kiến thức tối
cần thiết về lý luận soi đường, tạo điều kiện dễ dàng cho các đồng chí ấy tiến
hành công tác” (20) và
thường xuyên căn dặn đội ngũ cán bộ, đảng viên phải tích cực vận dụng và phát
triển lý luận Mác - Lê-nin một cách sáng tạo, luôn bổ sung, làm giàu lý luận
bằng những kiến thức thực tiễn mới, tránh giáo điều, kinh viện.
Xuất phát từ tình hình thực
tế trong Đảng cũng như bối cảnh lịch sử đất nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh phân
tích: “Đảng ta không phải từ trên trời sa xuống. Nó ở trong xã hội mà ra” (22) ; Người lý giải: “Đảng ta là một Đảng rất to lớn, bao gồm đủ các
tầng lớp trong xã hội. Vì vậy, có nhiều tính cách rất trung thành, rất kiên
quyết, rất vĩ đại. Song cũng không tránh khỏi những tập tục, những tính nết,
những khuyết điểm của xã hội bên ngoài, nó lây, ngấm vào trong Đảng” (23) . Theo đó, Người cảnh báo: “Có những người trong lúc tranh đấu thì
hăng hái, trung thành, không sợ nguy hiểm, không sợ cực khổ, không sợ quân
địch, nghĩa là có công với cách mạng. Song đến khi có
ít nhiều quyền hạn trong tay thì đâm ra kiêu ngạo, xa xỉ, phạm vào tham ô, lãng
phí, quan liêu, không tự giác, mà biến thành người có tội với cách mạng ” (24) . Từ rất
sớm, Người đã chỉ ra những nguy cơ suy thoái về đạo đức, lối sống của một bộ
phận cán bộ, đảng viên, đặc biệt là những người có chức vị cao: “Trước nhất là
cán bộ các cơ quan, các đoàn thể, cấp cao thì quyền to, cấp thấp thì quyền nhỏ.
Dù to hay nhỏ, có quyền mà thiếu lương tâm là có dịp đục khoét, có dịp ăn của
đút, có dịp “dĩ công vi tư”” (25) . Do
đó, nếu không giữ được đạo đức cách mạng thì đội ngũ cán bộ, đảng viên sẽ dễ bị
tha hóa, tự đánh mất mình, sa vào suy thoái, ảnh hưởng trực tiếp đến uy tín của
Đảng, làm suy giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng.
Cùng với đó, Chủ tịch Hồ Chí
Minh nhấn mạnh: “Để làm cho tất cả cán bộ, đảng viên xứng đáng là những chiến
sỹ cách mạng, Đảng ta phải ra sức tăng cường giáo dục toàn Đảng về lý tưởng
cộng sản chủ nghĩa, về đường lối, chính sách của Đảng, về nhiệm vụ và đạo đức
của người đảng viên. Phải thực hành phê bình và tự phê bình nghiêm chỉnh trong
Đảng. Phải hoan nghênh và khuyến khích quần chúng thật thà phê bình cán bộ, đảng
viên... Phải kiên quyết quét sạch chủ nghĩa cá nhân, nâng
cao đạo đức cách mạng , bồi dưỡng tư tưởng tập thể, tinh thần đoàn
kết, tính tổ chức và kỷ luật” (26) . Khẳng
định vai trò tiên quyết của việc nêu gương, Người cho rằng lãnh đạo, người đứng
đầu phải thật sự gương mẫu, làm gương: “Lấy gương người tốt, việc tốt để hàng
ngày giáo dục lẫn nhau là một trong những cách tốt nhất để xây dựng Đảng, xây
dựng các tổ chức cách mạng, xây dựng con người mới, cuộc sống mới” (27) .
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét