Thứ Sáu, 28 tháng 6, 2024

TƯ TƯỞNG LÊNIN VỀ ĐẤU TRANH CHỐNG CÁC LOẠI CƠ HỘI, THÙ ĐỊCH

Ngay từ khi mới ra đời và trong suốt quá trình tồn tại, học thuyết khoa học và cách mạng của giai cấp công nhân - chủ nghĩa Mác - Lênin, đã luôn bị các thế lực thù địch, những phần tử cơ hội ra sức chống phá quyết liệt. Điều này đã ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của các chính đảng cũng như phong trào công nhân trên thế giới, đến việc hiện thực hóa khát vọng giải phóng giai cấp, giải phóng xã hội, giải phóng con người của giới cần lao.

Sau khi C.Mác và Ph.Ăngghen qua đời, Quốc tế II đứng trước những mối nguy lớn khi chủ nghĩa cơ hội hoành hành, đe dọa vai trò lãnh đạo, tập hợp và thống nhất các đảng. Trong phong trào cộng sản và công nhân quốc tế lúc bấy giờ, đã có những người rời bỏ hàng ngũ cộng sản của mình để nhân nhượng, thỏa hiệp và thậm chí phản bội lại sứ mệnh của giai cấp công nhân. Những người này đã “khoác áo Mác để chống Mác”, mặc dù bên ngoài không công khai phủ nhận chủ nghĩa Mác nhưng thực chất lại đang quay lưng với những nguyên lý cách mạng và linh hồn sống của chủ nghĩa Mác.

Khi chủ nghĩa cơ hội đã được hình thành và phát triển với những tư tưởng, quan điểm có tính hệ thống, thậm chí trở thành một học thuyết chính trị - xã hội thì ảnh hưởng rất tiêu cực đến phong trào công nhân, làm lung lay niềm tin, “làm hư hỏng phong trào công nhân”, “biến nhiệm vụ giành chính quyền từ quan trọng thành không quan trọng; biến hình thức đấu tranh nghị trường là thứ yếu sang hình thức đấu tranh chủ yếu; biến đấu tranh kinh tế từ thứ yếu thành chủ yếu dẫn tới quá coi trọng và đề cao đấu tranh kinh tế, hạ thấp vai trò đấu tranh chính trị”. Họ dễ dàng thỏa hiệp với giai cấp tư sản, phủ nhận sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân, phủ nhận cách mạng vô sản và cố gắng đưa phong trào công nhân nằm trong “giới hạn có thể chấp nhận được” đối với giai cấp tư sản, khiến cho phong trào công nhân chỉ như “giậm chân tại chỗ”. Điều này đã tạo nên tâm lý hoài nghi về thắng lợi của phong trào công nhân cũng như “làm suy giảm năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các Đảng Cộng sản, kéo lùi phong trào công nhân ở các nước”.

Đến những năm 1914 - 1915, chủ nghĩa cơ hội biến thành chủ nghĩa cơ hội sôvanh phản động khi công khai ủng hộ giai cấp tư sản gây chiến tranh đế quốc để phân chia lại thị trường và thuộc địa, tiếp tay cho việc đàn áp các phong trào đấu tranh của giai cấp vô sản. Những tác hại mà chủ nghĩa cơ hội cũng như các trào lưu tư tưởng cực đoan đối với phong trào cộng sản và công nhân quốc tế là rất lớn.

V.I.Lênin đã kiên quyết phê phán các luận điểm của chủ nghĩa cơ hội với các đại biểu như E. Bécxtanh, C. Cauxky, chủ nghĩa dân túy với những đại biểu tiêu biểu như Mikhailốpxki, Crivencô, Giacốp; quan điểm cơ hội chủ nghĩa của phái kinh tế với các gương mặt như Cuxcôva, A. Máctưnốp, X.N. Prôcôpôvích; quan điểm cơ hội chủ nghĩa của phái Mensêvích do Máctốp đứng đầu, hay đấu tranh chống bệnh ấu trĩ “tả khuynh” trong phong trào cộng sản đem đến nguy cơ làm chệch hướng phong trào giải phóng của giai cấp vô sản.

Với thái độ kiên quyết, dứt khoát, triệt để, V.I.Lênin đã không chỉ công khai đấu tranh trên lĩnh vực lý luận mà còn thẳng thừng loại bỏ những đối tượng này ra khỏi hàng ngũ của Đảng và xem đó như việc “tẩy rửa chất mủ” trong chính “cơ thể” của phong trào cộng sản, mặc dù có chịu đau đớn nhưng “Điều rất cần thiết hiện nay, về mặt tổ chức, phải hoàn toàn tách hẳn những phần tử cơ hội chủ nghĩa ấy ra khỏi các đảng công nhân”. Đồng thời, V.I.Lênin còn luôn chú trọng việc giữ vững tính đảng, không nhân nhượng về mặt lý luận trong cuộc đấu tranh với chủ nghĩa cơ hội và các loại hình thù địch. Muốn vậy, lý luận phải thật sự sắc bén, thật sự am tường và không còn cách nào khác là phải nâng cao trình độ, tăng cường hệ tư tưởng XHCN cho giai cấp công nhân. Bên cạnh đó, Người cũng đã chỉ ra cần xác định những nội dung, phương pháp và hình thức đấu tranh phù hợp, có hiệu quả.

Sưu tầm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét