TÍNH TUYỆT ĐỐI VÀ TƯƠNG ĐỐI CỦA “QUYỀN TỰ DO BIỂU ĐẠT” CỦA CON NGƯỜI
Quyền tự do biểu đạt là một trong những quyền tự nhiên, vốn có, cơ bản nhất không thể tách rời và bất khả xâm phạm của con người, được pháp luật nhân quyền quốc tế và pháp luật của hầu hết các quốc gia trên thế giới ghi nhận và bảo đảm thực thi trên thực tế. Mặc dù pháp luật nhân quyền quốc tế và pháp luật của Việt Nam đã có những quy định nhằm tôn trọng, bảo đảm quyền tự do biểu đạt. Tuy nhiên, quyền tự do biểu đạt không phải là quyền tuyệt đối, nhà nước có thể đặt ra những giới hạn nhất định đối với quyền này để bảo vệ quyền, tự do cơ bản của cá nhân, cũng như những giá trị, lợi ích chung của cộng đồng, xã hội.
Theo khoản 3 Điều 19 và Điều 20 ICCPR quyền tự do biểu đạt phải chịu những hạn chế nhất định. Những hạn chế này phải được quy định rõ ràng trong luật, phải được xem là “cần thiết” và “có lý do chính đáng”, nhằm để: (I) tôn trọng các quyền hoặc uy tín của người khác; và (II) bảo vệ an ninh quốc gia hoặc trật tự công cộng, sức khỏe hoặc đạo đức công chúng. Bình luận chung số 34 cũng có giải thích chi tiết và cụ thể việc áp dụng các quy định về giới hạn quyền, cũng như giải thích nội hàm của các lý do: (I) tôn trọng các quyền hoặc uy tín của người khác; và (II) bảo vệ an ninh quốc gia hoặc trật tự công cộng, sức khỏe hoặc đạo đức công chúng. Để ngăn ngừa tình trạng các quốc gia lạm dụng lý do “an ninh quốc gia” để giới hạn quá mức quyền tiếp cận thông tin của người dân, Nguyên tắc 12 trong Các Nguyên tắc Johannesburg về an ninh quốc gia, tự do biểu đạt và tiếp cận thông tin năm 1995 nêu yêu cầu đối với các nhà nước là chỉ quy định phạm vi hẹp thông tin về an ninh quốc gia (chứ không phải tất cả các thông tin liên quan đến an ninh quốc gia) cần giữ bí mật. Cụ thể, một quốc gia “không thể từ chối tổng thể việc tiếp cận tất cả các thông tin liên quan đến an ninh quốc gia, mà phải quy định trong luật chỉ có những loại thông tin cụ thể và hẹp mà nó cần giữ lại để bảo vệ lợi ích an ninh quốc gia chính đáng.”
Như vậy, có thể nội dung chi tiết trong những văn bản ở cấp độ quốc tế, cấp độ khu vực là khác nhau, song tất cả đều coi tự do biểu đạt là quyền cơ bản, nhưng quyền này có thể bị giới hạn bởi những đạo luật phù hợp nhằm bảo vệ các lợi ích xã hội chính đáng. Việc nội luật hóa các quy định về giới hạn quyền tự do biểu đạt theo pháp luật nhân quyền quốc tế phụ thuộc vào quan điểm diễn giải và áp dụng pháp luật của từng quốc gia.
Tại Việt Nam, quyền tự do biểu đạt thường được hiểu tương đồng với quyền tự do ngôn luận (freedom of speech), khi đề cập đến quyền được nói, bày tỏ ý kiến của một người mà không chịu bất kỳ sự ngăn chặn, kiểm duyệt. Đây là một trong những quyền con người cơ bản được Nhà nước Việt Nam ghi nhận và bảo đảm thực thi. Theo Hiến pháp 2013, quyền tự do biểu đạt được ghi nhận tại Điều 25: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”. Đồng thời, Hiến pháp năm 2013 đã bổ sung nguyên tắc hạn chế quyền phù hợp với các công ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam là thành viên. Theo đó, quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng (Điều 14). Việc hạn chế quyền con người, quyền công dân không thể tùy tiện mà phải “theo quy định của luật”. Quy định như trên tránh tình trạng xâm phạm quyền; phòng ngừa sự cắt xén hay hạn chế các quyền này một cách tùy tiện từ phía các chủ thể khác.
Cụ thể hóa các quy định trong Hiến pháp, các văn bản quy phạm pháp luật được ban hành để bảo đảm quyền tự do biểu đạt được thực thi trên thực tế như Luật Báo chí 2016 đưa ra quy định về thực hiện quyền tự do biểu đạt trên báo chí quyền tự do báo chí (freedom of press); Luật Xuất bản 2012 quy định về tổ chức và hoạt động xuất bản, quyền và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động xuất bản; Luật Tiếp cận thông tin 2016 quy định việc thực hiện quyền tiếp cận thông tin của công dân quyền tự do tiếp cận thông tin (right of access to information); Luật Giáo dục đại học năm 2012 sửa đổi, bổ sung năm 2018 đã bổ sung điều khoản về quyền tự chủ học thuật của cơ sở giáo dục đại học và giảng viên, góp phần nâng cao việc bảo đảm quyền tự do học thuật quyền tự do học thuật (academic freedom); Luật An ninh mạng 2018 quy định về hoạt động bảo vệ an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trên không gian mạng; Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 quy định về quyền im lặng thực - một dạng thể hiện của quyền tự do biểu đạt tại các quy định về quyền của bị can, bị cáo, người bị tạm giữ và người bị bắt khẩn cấp tại Điều 58; Điều 59; Điều 60; Điều 61. Ngoài ra, Bộ luật Hình sự 2015 cũng quy định các tội phạm liên quan đến tự do biểu đạt. Liên quan đến bí mật nhà nước, Luật Bảo vệ bí mật nhà nước năm 2018 tại Điều 5 có quy định cấm: “Đăng tải, phát tán bí mật nhà nước trên phương tiện thông tin đại chúng, mạng Internet, mạng máy tính và mạng viễn thông” (Điều 5).
Trong một số trường hợp và điều khoản cụ thể, pháp luật không chỉ quy định về việc sử dụng pháp luật, nghĩa là sử dụng những quyền mà pháp luật cho phép mà còn quy định thêm về việc tuân thủ pháp luật, nghĩa là không làm những điều mà pháp luật nghiêm cấm. Ví dụ như Điều 24 trong Hiến pháp về quyền tự do tín ngưỡng đã nhấn mạnh: “1. Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật. 2. Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. 3. Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật”.
Trong đó, ta có thể thấy khoản 1 quy định cụ thể về quyền tự do tín ngưỡng của từng cá nhân, tổ chức. Thông qua khoản 1, mọi cá nhân, tổ chức có thể hiểu rõ hơn về những quyền vốn có của mình - điều này sẽ giúp họ nhận thức được khi nào những quyền cơ bản này bị xâm phạm. Khoản 2 nhấn mạnh về việc nhà nước công nhận và bảo vệ quyền tự do của mỗi người trong lĩnh vực về tín ngưỡng và tôn giáo. Nhờ việc công nhận những quyền này, nhà nước nhận thức rõ đây là những quyền và lợi ích hợp pháp của công dân và sẽ có những giải pháp cụ thể để bảo đảm những quyền này được định hướng và phát triển phù hợp với lợi ích chung của toàn xã hội. Cuối cùng, khoản 3 nghiêm cấm các hành vi xâm phạm quyền tự do hoặc lợi dụng trong tín ngưỡng. Nhà nước khẳng định sẽ đưa ra những chế tài xử phạt thích đáng để ngăn chặn việc những quyền cơ bản này bị xâm phạm. Pháp luật bảo đảm tự do của người này không xâm phạm tự do của người khác bởi vì ngoài việc quy định cụ thể phạm vi của những quyền được phép sử dụng, pháp luật còn “khoanh vùng” rõ những việc bị nghiêm cấm tuyệt đối.
Pháp luật Việt Nam đã có nhiều quy định nhằm tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền tự do biểu đạt của con người. Tuy nhiên, do quyền tự do biểu đạt là một phạm trù rộng, bao trùm nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, quyền con người, quyền công dân không thể tùy tiện mà phải tuyệt đối “theo quy định của luật”. Bảo đảm quyền tự do biểu đạt phải tuân thủ các tiêu chuẩn điều kiện chặt chẽ mà luật nhân quyền quốc tế đã đưa ra. Nhà nước Việt Nam đã thực hiện các giải pháp nhằm tạo ra các điều kiện thuận lợi để các chủ thể thực hiện được quyền tự do biểu đạt theo luật nhân quyền quốc tế của mình, phát huy vai trò quan trọng của tự do biểu đạt đối với đời sống của mỗi cá nhân, của toàn xã hội và phát triển đất nước./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét