Thứ Ba, 11 tháng 6, 2024

Vận dụng phương pháp dạy học tích cực vào giảng dạy ở Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh.

 Đổi mới giáo dục đang diễn ra trên quy mô toàn cầu. Nhà trường từ chỗ khép kín đã chuyển sang mở cửa rộng rãi, tăng cường đối thoại với xã hội và gắn bó chặt chẽ với nghiên cứu khoa học - công nghệ và ứng dụng. Người thầy giáo thay vì chỉ truyền đạt tri thức, giờ đây đã cung cấp thêm cho người học phương pháp thu nhận, phân tích, tổng hợp, sáng tạo những tri thức, thông tin. Đổi mới dạy học cả về mục tiêu, nội dung và phương pháp đào tạo cho phù hợp với những thay đổi về kinh tế trở nên hết sức cấp bách.

Phương pháp dạy học tích cực hiện đang được đông đảo các nhà quản lý giáo dục, các thầy cô giáo và toàn xã hội quan tâm. Đã có nhiều nghiên cứu về cơ sở lý luận cũng như sự cần thiết phải sử dụng phương pháp này, tuy nhiên áp dụng phương pháp tích cực vào thực tiễn dạy học trong mỗi loại hình trường cũng như ở các môn học cụ thể vẫn còn là vấn đề cần nghiên cứu, trao đổi.

Khái niệm "phương pháp tích cực" thường được sử dụng trong giáo dục theo nghĩa khái quát, nó được xem như các nguyên tắc hay bao gồm các phương pháp dạy học, giáo dục được tiến hành theo hướng phát huy tính chủ động tích cực của người học; phương pháp tích cực hoá hoạt động học tập; phương pháp hoạt động hoá người học, phương pháp học tập chủ động.

Trong khái niệm phương pháp tích cực, từ tích cực được dùng với nghĩa là chủ động, hoạt động, trái nghĩa với bị động mà không dùng trái nghĩa với tiêu cực. Tính tích cực biểu hiện trong hoạt động chủ động của người học. Vì thế, có thể hiểu phương pháp dạy học tích cực là phương pháp dạy học hướng tới việc học tập chủ động, chống lại thói quen học thụ động. Tuy nhiên, theo chúng tôi, giữa phương pháp tích cực và phương pháp thụ động không có một ranh giới tuyệt đối trong thực tiễn. Ngay cả các phương pháp cổ điển cũng bắt buộc phải có sự tham gia hoạt động của người học: sự chú ý, thấu hiểu vấn đề, động cơ học tập hoặc trực tiếp, hoặc gián tiếp thúc đẩy việc học... Như vậy, phương pháp dạy học tích cực không phải là phương pháp dạy học cụ thể mà là một nguyên tắc, một phương hướng tiến hành dạy học theo hướng đề cao hoạt động làm chủ kiến thức, kỹ năng, thái độ của người học. Có thể nhận biết phương pháp dạy học tích cực qua những đặc điểm cơ bản:

Dạy học thông qua việc tổ chức hoạt động của học viên

Phương pháp dạy học tích cực dựa trên cơ sở tâm lý học, cho rằng nhân cách của con người được hình thành và phát triển thông qua các hoạt động chủ động, có ý thức. Theo đó, nhiệm vụ của người giảng viên là lôi cuốn học viên vào những hoạt động học tập do giảng viên tổ chức và chỉ đạo, thông qua đó tự khám phá những điều mình chưa biết chứ không phải là thụ động tiếp thu những tri thức đã được sắp đặt sẵn; tạo ra các tình huống để người học tự tìm cách giải quyết, qua đó, thu nhận được sự thông hiểu, kiến thức và cách suy nghĩ có phê phán và có thể giải quyết vấn đề đặt ra theo cách suy nghĩ của mình. Như vậy, học viên có thể vừa nắm được kiến thức mới, kỹ năng mới, vừa nắm được cả phương pháp “tạo ra” những kiến thức, kỹ năng đó, và giảng viên không chỉ đơn thuần cung cấp tri thức mà còn hướng dẫn hành động, “giúp cho việc học được thuận lợi, dễ dàng”.

Chú trọng rèn luyện phương pháp tự học

Nếu cách dạy truyền thống quan tâm đến dạy cái gì và dạy như thế nào thì phương pháp tích cực lại quan tâm đến việc người học học được cái gì và học như thế nào, tức là quan tâm đến phương pháp tự học của học viên. Rèn luyện phương pháp tự học cho học viên không chỉ là một biện pháp nâng cao hiệu quả dạy học mà còn là mục tiêu của hoạt động dạy học.

Trong điều kiện bùng nổ thông tin như hiện nay, tự học có nghĩa là biết tra cứu thông tin, khai thác những ngân hàng dữ liệu, sử dụng
internet để phục vụ việc học tập, nghiên cứu. Giảng viên giúp học viên phát hiện kịp thời và giải quyết hợp lý những vấn đề nảy sinh trong thực tiễn. Nếu rèn luyện cho người học phương pháp, kỹ năng, thói quen tự học, biết linh hoạt vận dụng những điều đã học vào những tình huống mới, biết tự phát hiện, đặt ra và giải quyết vấn đề gặp phải trong thực tiễn thì sẽ tạo cho họ lòng ham học, khơi dậy tiềm năng vốn có trong mỗi người. Làm được như vậy thì kết quả học tập được nâng lên gấp bội.

Tăng cường việc học cá thể, phối hợp với dạy học hợp tác

Trong kiểu dạy học thông báo, quan hệ giao tiếp chủ yếu là thầy - trò. Phương pháp dạy học hợp tác vẫn có giao tiếp giảng viên - học viên, bên cạnh đó, nổi lên mối quan hệ giao tiếp học viên - học viên. Thông qua sự hợp tác tìm tòi nghiên cứu, thảo luận, tranh luận trong tập thể, ý kiến của mỗi cá nhân được bộc lộ, qua đó người học vận dụng được vốn hiểu biết, kinh nghiệm của mỗi cá nhân và của tập thể để nâng cao trình độ bản thân.

Kết hợp đánh giá của giảng viên và tự đánh giá của học viên

Trong dạy học, việc đánh giá thực trạng học tập không chỉ nhằm điều chỉnh hoạt động học tập của học viên mà còn tạo điều kiện nhận định thực trạng giảng dạy để điều chỉnh hoạt động của giáo viên. Việc kiểm tra, đánh giá không chỉ dừng lại ở yêu cầu tái hiện tri thức, lặp lại các kỹ năng đã học mà còn nhằm khuyến khích sự sáng tạo, phát hiện sự chuyển biến thái độ và xu hướng hành vi của học viên trước những vấn đề của cuộc sống cá nhân, gia đình và cộng đồng, rèn luyện khả năng phát hiện và giải quyết các vấn đề nảy sinh trong các tình huống thực tế.

Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh là trung tâm quốc gia đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý trung, cao cấp, công chức hành chính, viên chức quản lý các đơn vị sự nghiệp và doanh nghiệp, cán bộ khoa học chính trị và hành chính của hệ thống chính trị; đồng thời là trung tâm quốc gia nghiên cứu khoa học lý luận Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước, các khoa học chính trị và khoa học hành chính. Học viên tham gia học tập ở Học viện là những cán bộ có nhiều kinh nghiệm trong hoạt động thực tiễn. Sẽ rất hữu ích nếu người giảng viên quan tâm sử dụng kinh nghiệm của học viên, giúp họ làm sống lại những kiến thức đã có, nhìn nhận và đánh giá nó ở góc độ mới thông qua việc trang bị cho học viên những luận điểm khoa học, những nguyên tắc mang tính khái quát. Những kiến thức này lại là cơ sở khoa học giúp họ tìm ra các phương án tối ưu để giải quyết các vấn đề trong thực tiễn quản lý. Để làm được việc đó, giảng viên cần có những thay đổi trong nhận thức và việc triển khai dạy học, bắt đầu từ việc xác định mục tiêu bài học, chuẩn bị bài và phối hợp sử dụng các phương pháp và phương tiện trong điều kiện dạy học hiện có của Học viện.

Đổi mới cách xác định mục tiêu bài học

Theo hướng phát huy vai trò chủ thể tích cực, chủ động của người học thì mục tiêu đề ra là cho học viên, do học viên thực hiện. Giảng viên là người chỉ đạo, tổ chức, hướng dẫn, trợ giúp học viên đạt tới mục tiêu dự kiến của bài học thông qua hoạt động học tập tích cực. Trong phương pháp dạy học tích cực, giảng viên luôn luôn có ý thức tạo ra mối quan hệ hợp lý giữa dạy kiến thức và kỹ năng với dạy phương pháp suy nghĩ và hành động. Mục tiêu phải xác định rõ mức độ hoàn thành công việc của học viên, làm căn cứ để đánh giá chất lượng, hiệu quả của bài dạy học. Mục tiêu bài học càng cụ thể, càng sát hợp với yêu cầu của chương trình, với hoàn cảnh, điều kiện dạy và học thì càng mang lại hiệu quả cao. Mục tiêu được xác định như vậy sẽ là căn cứ để đánh giá kết quả và điều chỉnh hoạt động học, từng bước thực hiện các nhiệm vụ để đạt mục đích dạy học một cách vững chắc.

Đổi mới cách soạn bài

Soạn bài chính là sự chuẩn bị cho công việc dạy học của người giảng viên, giúp giảng viên chủ động trong quá trình dạy học. Trong dạy học tích cực, có thể có nhiều tình huống bất ngờ xảy ra trong quá trình giao tiếp giữa giảng viên và học viên, nên sự chuẩn bị của giảng viên đối với khâu soạn bài càng trở nên quan trọng.

Soạn giáo án theo phương pháp dạy học tích cực phải chú ý đến việc thực hiện mục tiêu dạy học (hướng về hoạt động của học viên). Căn cứ vào mục tiêu dạy học mà giảng viên xác định các nội dung cho phù hợp. Nội dung dạy học phải phủ kín mục tiêu học tập, hướng vào các nội dung mà học viên phải biết và cần biết. Đồng thời, bài soạn phải lường trước được các hoạt động của học viên sẽ diễn ra theo hướng cá nhân, nhóm hay toàn lớp. Giảng viên cần phải suy nghĩ công phu về khả năng diễn biến các hoạt động của học viên để trên cơ sở đó dự kiến các giải pháp. Để tổ chức hoạt động học tập của học viên, giảng viên có thể sử dụng các phiếu giao việc. Mỗi phiếu là một số các nhiệm vụ hoạt động cụ thể, yêu cầu học viên tiến hành theo nhóm (hoặc cá nhân) để đạt được những kiến thức, kỹ năng và thái độ nhất định. Điều quan trọng là qua các phiếu giao việc này, hoạt động độc lập của học viên được thực hiện, qua đó hình thành và phát triển các kỹ năng quan sát, tư duy giải quyết các vấn đề... Bên cạnh đó, để tổ chức, định hướng, điều khiển hoạt động, giảng viên cần chú trọng vào việc soạn ra các câu hỏi để nắm được tình hình hoạt động của học viên. Mỗi bài học cần có một số câu hỏi then chốt, tập trung vào các nội dung trọng tâm, trên cơ sở đó, khi lên lớp có thể phát triển thêm những câu hỏi tuỳ theo diễn biến của buổi học.

Khai thác các yếu tố tích cực, khắc phục các mặt hạn chế của phương pháp dạy học truyền thống.

Phương pháp giảng dạy truyền thống có những ưu điểm nhất định. Vì vậy, người giảng viên cần phải phát huy được những ưu điểm được kết tinh trong phương pháp dạy học truyền thống.

Tuy nhiên, trong điều kiện ngày nay, phương pháp dạy học truyền thống đã bộc lộ những hạn chế, bất cập. Nhược điểm cơ bản của phương pháp này là người học ở vào thế thụ động trong việc tiếp thu những gì mà giảng viên truyền đạt; tính tích cực, chủ động sáng tạo của người học không được phát huy. Vì vậy, có thể khắc phục nhược điểm này bằng cách: tăng tính chủ động của học viên trong học tập: đặt ra các câu hỏi cho học viên suy nghĩ và tự đi đến kết luận; tăng cường vận dụng kiến thức vào thực tiễn; tăng cường công tác thực tế, thực hành. Cần lưu ý rằng, khi phương pháp dạy học truyền thống giữ vị trí độc tôn thì sự cải tiến và khắc phục nó chỉ là các biện pháp lẻ loi, đơn độc. Vì vậy, phải đổi mới phương pháp dạy học một cách triệt để theo hướng áp dụng các phương pháp tích cực vào hoạt động dạy học.

Khai thác tối đa các phương tiện và điều kiện dạy học hiện có của Học viện vào dạy học.

Muốn phát huy vai trò chủ thể tích cực, chủ động của người học thì việc lựa chọn vấn đề giảng dạy và lựa chọn cách thức, phương tiện giúp học viên giải quyết vấn đề cũng cần được đặc biệt quan tâm. Tuy nhiên, để làm được việc này cần sự gia công sư phạm công phu của giảng viên, hơn nữa điều đó còn phụ thuộc vào các điều kiện khác mà giảng viên không hoàn toàn chủ động được như: điều kiện và chất lượng của các phương tiện hiện có; sự hưởng ứng của học viên với cách thay đổi phương thức làm việc trên lớp mà giảng viên đưa ra.

Dạy học theo hướng phát huy tính tích cực của học viên là một phương pháp dạy học rất phù hợp với các cơ sở đào tạo học viên là những cán bộ đã có thực tiễn công tác và kinh nghiệm phong phú. Tuy nhiên, phương pháp này chỉ đạt kết quả cao khi người giảng viên tôn trọng và tạo điều kiện để học viên thể hiện ý kiến của mình, duy trì bền vững sự hợp tác với học viên trong hoạt động dạy - học.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét