Chủ Nhật, 23 tháng 6, 2024

VẬN DỤNG SÁNG TẠO “LỜI KÊU GỌI THI ĐUA ÁI QUỐC” CỦA CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH

Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến vấn đề thi đua yêu nước và chính Người đã khởi xướng, thúc đẩy phong trào thi đua ái quốc trong toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta. Đây là nguồn động lực to lớn để dân tộc ta vượt qua muôn vàn khó khăn, gian khổ làm nên những thắng lợi to lớn có ý nghĩa lịch sử vĩ đại.

Các mạng tháng 8/1945 thành công, nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời song phải đứng trước tình thế “ngàn cân treo sợi tóc” vì thực dân Pháp quay lại sử dụng vũ lực hòng chiếm nước ta một lần nữa. Ngày 19/12/1946 Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến nhằm khơi dậy ý chí “thà hi sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ” của toàn dân tộc đứng lên kháng chiến, chống thực dân Pháp xâm lược. Để đưa cuộc kháng chiến đến thắng lợi to hơn, ngày 11/6/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra “Lời kêu gọi thi đua ái quốc” nhằm huy động sức người, sức của cho sự nghiệp kháng chiến. Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh có tác dụng hiệu triệu, lôi cuốn, động viên toàn Đảng, toàn dân và toàn quân phát huy truyền thống yêu nước, tinh thần đoàn kết, ý chí tự lực, tự cường, vượt qua mọi hy sinh, gian khổ, làm nên những thắng lợi vĩ đại trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc cũng như xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. 

76 năm đã trôi qua, Lời kêu gọi Thi đua ái quốc của Người luôn vẹn nguyên giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc, thúc giục tinh thần thi đua yêu nước trong mỗi người dân Việt Nam. Thấm nhuần Lời kêu gọi của Bác Hồ, phong trào thi đua yêu nước được tổ chức rộng khắp, liên tục, trở thành phong trào cách mạng sôi nổi, góp phần cổ vũ, động viên đồng bào và chiến sĩ cả nước đoàn kết, nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, chung sức đồng lòng tạo nên những thắng lợi vĩ đại trong các cuộc kháng chiến của dân tộc, công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Các phong trào thi đua đó đã tạo nên sức mạnh vật chất và tinh thần to lớn, phát huy tiềm năng, thế mạnh của cả nước, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của từng giai đoạn cách mạng. Từ trong các phong trào thi đua đã xuất hiện nhiều tấm gương điển hình tiên tiến, tiêu biểu trên mọi lĩnh vực.

Tuy nhiên, quá trình tổ chức triển khai phong trào thi đua ái quốc cũng gặp không ít trở ngại, khó khăn mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm chỉ ra đó là “bệnh” thành tích mà Người gọi là “bệnh hữu danh vô thực” với các biểu hiện như: “Làm được ít suýt ra nhiều, để làm một bản báo cáo cho oai nhưng xét kỹ lại rỗng tuyếch”, “khuyết điểm thì giấu đi không nói đến”, “làm việc không thiết thực, báo cáo không thật thà”, “việc gì cũng không xét đến kết quả thiết thực, cần kíp, chỉ nhằm về hình thức bề ngoài, chỉ muốn phô trương cho oai”. Theo Người, những cán bộ, đảng viên mắc phải “căn bệnh” này đều có chung đặc điểm như: Ham địa vị, hay lên mặt, ưa người khác tâng bốc, khen ngợi mình; hễ làm được việc gì hơi thành công thì khoe khoang, vênh váo, cho ai cũng không bằng mình; tự cho mình là anh hùng, vĩ đại, có khi vì cái tham vọng đó mà việc không đáng làm cũng làm; chỉ ham làm chủ tịch này, ủy viên nọ, chớ không ham công tác thiết thực…

Thực hiện “Lời kêu gọi thi đua ái quốc” của Bác, mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương cần bám sát nhiệm vụ chính trị, nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách để tổ chức phát động các hình thức thi đua phong phú, hấp dẫn có chủ đề, tên gọi dễ nhớ, có tiêu chí cụ thể, nội dung thiết thực, triển khai có hiệu quả, chống hình thức. Đồng thời, thực hiện nghiêm túc việc đôn đốc, kiểm tra, sơ kết, tổng kết các phong trào thi đua, lựa chọn các tập thể, cá nhân có thành tích tiêu biểu để biểu dương, tôn vinh khen thưởng. Chú trọng phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân rộng điển hình tiên tiến, đổi mới phương pháp tổ chức chỉ đạo các phong trào thi đua, đảm bảo thực hiện đồng bộ ở bốn khâu: Phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân rộng điển hình tiên tiến, cách làm hay, sáng tạo, hiệu quả.

Học tập lời dạy của Người về thi đua ái quốc, chúng ta cần suy ngẫm sâu sắc và vận dụng đúng đắn, sáng tạo trong thực tiễn phong trào thi đua ở cơ quan, đơn vị mình. Mỗi cán bộ, đảng viên cần phát huy tốt vai trò tiền phong, gương mẫu, là hạt nhân nòng cốt trong các phong trào thi đua, phát huy ý chí tự lực, tự cường, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, ra sức thi đua hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ được giao./.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét