Thứ Tư, 26 tháng 6, 2024

Vận dụng và phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về “chính trị trọng hơn quân sự” trong xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam tinh nhuệ về chính trị - Phần 1: Tư tưởng Hồ Chí Minh về “chính trị trọng hơn quân sự”

Học thuyết Mác - Lê-nin về chiến tranh và quân đội chỉ rõ tính tất yếu khách quan phải xây dựng quân đội kiểu mới của giai cấp vô sản, đưa ra quan điểm, nguyên tắc xây dựng quân đội và những vấn đề cơ bản trong xây dựng quân đội về chính trị. Theo V.I. Lê-nin, xây dựng quân đội kiểu mới phải là xây dựng một quân đội không tách rời khỏi nhân dân, gắn chặt với nhân dân; là “một hình thức tổ chức của đội tiên phong, nghĩa là của bộ phận giác ngộ nhất, cương quyết nhất, tiên tiến nhất của các giai cấp bị áp bức”. Đồng thời, V.I. Lê-nin chỉ ra vai trò đặc biệt quan trọng của chính trị trong quân đội vô sản, bởi: “Trong mọi cuộc chiến tranh, rốt cuộc thắng lợi đều tùy thuộc vào tinh thần của quần chúng đang đổ máu trên chiến trường”. Để xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị, V.I. Lê-nin yêu cầu quân đội phải đặt dưới sự lãnh đạo của đảng cộng sản, phải xây dựng đội ngũ chính ủy, bởi “Không có các chính ủy, chúng ta sẽ không có Hồng quân”... V.I. Lê-nin cho rằng, mối quan hệ giữa chính trị và quân sự trong xây dựng quân đội vô sản là mối quan hệ biện chứng, thống nhất; chính trị có vững thì tư tưởng mới thông, quyết tâm mới cao, trí tuệ mới sáng, khả năng khắc phục khó khăn, gian khổ mới lớn, kỷ luật mới nghiêm và mới tạo ra sức mạnh quân sự để đánh thắng kẻ địch.

Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận thức sâu sắc những vấn đề cơ bản về cách mạng xã hội chủ nghĩa, tư tưởng bạo lực cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, trên cơ sở đó hình thành tư tưởng bạo lực cách mạng ở một nước thuộc địa, nửa phong kiến như Việt Nam. Từ đó hình thành tư tưởng về quân đội cách mạng với tư cách là lực lượng chính trị, công cụ bạo lực chủ yếu trong cuộc đấu tranh giai cấp, đấu tranh dân tộc của giai cấp công nhân và nhân dân lao động Việt Nam. Tư tưởng “chính trị trọng hơn quân sự” là sự phát triển tất yếu, có cơ sở trực tiếp từ tư tưởng bạo lực cách mạng, tư tưởng vũ trang toàn dân, cách mạng là sự nghiệp của quần chúng nhân dân, tư tưởng xây dựng quân đội nói chung và xây dựng quân đội về chính trị nói riêng của Người.

Tư tưởng “chính trị trọng hơn quân sự” được ra đời trong hoàn cảnh lịch sử rất đặc biệt. Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương Đảng họp vào tháng 2-1943 chỉ ra phương hướng xây dựng lực lượng chuẩn bị cho cuộc tổng khởi nghĩa sắp tới, trong đó nhấn mạnh việc xây dựng lực lượng cách mạng ở thành thị và vận động công nhân, vì nếu thiếu lực lượng này thì cuộc khởi nghĩa khó nổ ra ở nơi huyết mạch của quân thù và do đó, quân thù không bị tê liệt. Theo tinh thần đó, trong hai năm 1943 - 1944, phong trào cách mạng trong nước ngày càng lên cao. Ngày 7-5-1944, Tổng bộ Việt Minh ra Chỉ thị sửa soạn khởi nghĩa. Tiếp sau đó, ngày 10-8-1944, Trung ương Đảng ra lời kêu gọi “Sắm vũ khí đuổi thù chung”.

Tuy nhiên, lúc này vẫn là thời kỳ xây dựng lực lượng chuẩn bị khởi nghĩa, tình thế và thời cơ cách mạng chưa chín muồi. Tháng 7-1944, Liên Tỉnh ủy Cao - Bắc - Lạng nhận định, các điều kiện để phát động đấu tranh vũ trang đã chín muồi, dự định triệu tập cuộc họp cuối cùng quyết định ngày giờ hành động. Song, với nhãn quan chính trị vượt trước, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã kịp thời đình chỉ cuộc khởi nghĩa, tránh cho phong trào Cao - Bắc - Lạng những tổn thất lớn. Dẫn lại nhận định sáng suốt của Người, Đại tướng Võ Nguyên Giáp chỉ rõ: “Bây giờ thời kỳ cách mạng hòa bình phát triển đã qua, nhưng thời kỳ toàn dân khởi nghĩa chưa tới. Nếu bây giờ chúng ta vẫn chỉ hoạt động bằng hình thức chính trị thì không đủ để đẩy mạnh phong trào đi tới. Nhưng phát động vũ trang khởi nghĩa ngay thì quân địch sẽ tập trung đối phó. Cuộc đấu tranh bây giờ phải từ hình thức chính trị tiến lên hình thức quân sự. Song hiện nay chính trị còn trọng hơn quân sự”.

Tháng 12-1944, trên cơ sở lực lượng chính trị cách mạng phát triển mạnh và lực lượng vũ trang đang hình thành, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh ra Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân. Trong Chỉ thị, Người chỉ rõ: “Tên ĐỘI VIỆT NAM TUYÊN TRUYỀN GIẢI PHÓNG QUÂN nghĩa là chính trị trọng hơn quân sự. Nó là đội tuyên truyền”; đội có nhiệm vụ dìu dắt cán bộ vũ trang của các địa phương, giúp đỡ huấn luyện, giúp đỡ vũ khí nếu có thể được, làm cho các đội này trưởng thành mãi lên. Nhất quán với tư tưởng đó, đến tháng 4-1952, trong báo cáo tại Hội nghị Trung ương 3 khóa II, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Trong việc chỉnh huấn bộ đội, phải lấy chính trị làm gốc”.

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, vấn đề hàng đầu đối với sự nghiệp cách mạng nói chung, xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng nói riêng là phải có “con đường chính trị đúng”. Vì vậy, từ rất sớm, ở mục “Cách đánh du kích” trong tác phẩm Chiến thuật du kích viết vào tháng 5-1944, Người khẳng định: Muốn đánh du kích cho thắng lợi cần bốn điều: 1. Phải có con đường chính trị đúng. 2. Phải dựa trên cơ sở quần chúng. 3. Phải có tổ chức vững chắc và nghiêm mật. 4. Phải có một lối đánh rất tài giỏi.

Đến tác phẩm Chủ nghĩa cá nhân, đăng trên báo Sự Thật, số 101, ngày 15-10-1948, với bút danh “X.Y.Z”, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục đặt “chính trị” lên trước “quân sự”: “Kháng chiến nhất định thắng lợi. Hồ Chủ tịch nói như thế. Quân và dân ta đều tin tưởng chắc như thế. Vì sao mà kháng chiến nhất định thắng lợi? Vì bốn điều kiện:

1.     Đoàn kết chặt chẽ, quân dân nhất trí.

2.     Có con đường chính trị đúng.

3.     Có con đường quân sự đúng.

4.     Có sự chỉ huy khôn khéo mau lẹ, về chính trị cũng như về quân sự”.

Như vậy, về tương quan so sánh, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, “chính trị trọng hơn quân sự” là cách so sánh hơn và khẳng định vị trí, tầm quan trọng và ưu tiên trước hết, trên hết của “chính trị” trong mối quan hệ với “quân sự”. Đồng thời, tư tưởng “chính trị trọng hơn quân sự” có quan hệ trực tiếp và gắn chặt với xây dựng quân đội “phải lấy chính trị làm gốc”, chính trị “biểu hiện ra trong lúc đánh giặc” trong tổng thể tư tưởng về quân đội nhân dân của Người; thể hiện tư duy biện chứng, quan điểm lịch sử - cụ thể, quan điểm phát triển trong tư tưởng quân sự của Người; thể hiện mối quan hệ thống nhất, biện chứng giữa chính trị và quân sự trong tổ chức, xây dựng và chiến đấu của Quân đội ta. Đây là luận điểm rất cơ bản, thể hiện nét đặc sắc trong tư tưởng Hồ Chí Minh về quân đội nhân dân, chỉ rõ tầm quan trọng của chính trị, biểu hiện chính trị của quân đội, định hướng cho quá trình xây dựng Quân đội ta về chính trị. Luận điểm quan trọng này thể hiện trên các vấn đề rất cơ bản sau:

Thứ nhất, quá trình tổ chức và xây dựng Quân đội, lực lượng vũ trang của Đảng, của cách mạng Việt Nam, theo tư tưởng Hồ Chí Minh, không thuần túy là xây dựng một tổ chức làm nhiệm vụ quân sự đơn thuần, mà là một tổ chức vũ trang thực hiện nhiệm vụ chính trị theo yêu cầu của cách mạng Việt Nam. “Nó là đội tuyên truyền” có nhiệm vụ: “dìu dắt”, “giúp đỡ”, “huấn luyện” cán bộ vũ trang ở các địa phương để phát triển lên, làm nòng cốt cho kháng chiến toàn dân, toàn diện chống xâm lược; phải “tuyên truyền”, “vận động” quần chúng nhân dân thực hiện đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, thực hiện các nhiệm vụ của cách mạng. Với ý nghĩa đó, hoạt động của tổ chức quân sự này là “chính trị trọng hơn quân sự”.

Thứ hai, quan điểm, mục đích, đường lối chính trị của giai cấp công nhân và đội tiền phong của nó là Đảng Cộng sản Việt Nam định hướng mọi hoạt động quân sự của Quân đội, nhiệm vụ quân sự phải phục tùng nhiệm vụ chính trị; tổ chức và hoạt động của Quân đội phải dựa trên nguyên tắc xây dựng quân đội kiểu mới, tuân thủ nghiêm ngặt đường lối chính trị của Đảng Cộng sản Việt Nam. Mọi hoạt động quân sự của Quân đội là vì mục tiêu, nhiệm vụ chính trị của cách mạng, vì mục tiêu, lý tưởng của Đảng là độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, giành độc lập, tự do cho Tổ quốc, hạnh phúc cho nhân dân; phải gắn bó mật thiết với nhân dân, phục vụ thắng lợi cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ và xây dựng xã hội mới dưới sự lãnh đạo của Đảng. Cái “gốc” chính trị của Quân đội nhân dân Việt Nam, theo tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, là ở chỗ đó. Bởi theo Người, “Hiểu thấu rằng chính trị là linh hồn của mọi công việc”.

Thứ ba, khẳng định “chính trị trọng hơn quân sự”, nhưng theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, đó không phải là chính trị thuần túy, chính trị của Quân đội ta là do chính trị của Đảng Cộng sản Việt Nam quy định; mục tiêu, lý tưởng chiến đấu của Quân đội là mục tiêu, lý tưởng chiến đấu của Đảng, đó là độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Đối với Quân đội, chính trị không đơn giản chỉ tồn tại trong ý thức, mà hơn thế, đối với từng cán bộ, chiến sĩ và toàn quân, nó phải được biểu hiện bằng hành động cách mạng thực sự; vì vậy, Người nhấn mạnh: “Riêng về các chú, chính trị biểu hiện ra trong lúc đánh giặc. Học chính cương, chính sách rồi thì phải thực hiện. Nếu thuộc lầu mà không biết đánh giặc thì vô dụng”. Đây là cách đặt vấn đề rất đặc sắc, rất khéo và khoa học của Chủ tịch Hồ Chí Minh về mối quan hệ giữa chính trị và quân sự trong xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam. Đánh giặc và đánh thắng là nhiệm vụ cao nhất của Quân đội. Quân đội sẽ trở nên “vô dụng” nếu không hoàn thành được nhiệm vụ ấy. Quân đội chiến đấu, đánh giặc là thực hiện nhiệm vụ quân sự của Đảng Cộng sản Việt Nam, trên cơ sở quan điểm, đường lối của Đảng, đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, vì mục tiêu chính trị của Đảng. Thoát ly những điều đó thì việc chiến đấu, đánh giặc của Quân đội sẽ mất phương hướng chính trị và hành động quân sự của Quân đội không chỉ “vô dụng” mà còn “có hại”. Do đó, Người yêu cầu: “Phải học tập chính trị: Quân sự mà không có chính trị như cây không có gốc, vô dụng lại có hại. Quân đội ta là quân đội nhân dân. Nhân dân có Đảng lãnh đạo, Đảng có chính cương, chính sách. Đã là quân đội nhân dân thì phải học chính sách của Đảng”.

Thứ tư, nhận thức đúng, giải quyết tốt mối quan hệ giữa chính trị và quân sự là yêu cầu cơ bản trong xây dựng Quân đội. Về vấn đề này, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Nếu anh em tư tưởng vững, chính trị vững, kỹ thuật khá, thân thể khỏe mạnh thì nhất định thắng. Trái lại, nếu anh em chính trị khá, nhưng quân sự kém, hoặc chính trị quân sự đều khá nhưng thân thể yếu đuối thì cũng không thắng được”. Sự vững mạnh của Quân đội là kết quả tổng hợp của toàn bộ các mặt công tác trong xây dựng, giáo dục, huấn luyện và các mặt công tác khác. Đó chính là phương châm xây dựng một “quân đội chân chính” của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Trong công việc xây dựng và phát triển quân đội, chúng ta phải ra sức đẩy mạnh việc xây dựng và củng cố công tác chính trị và quân sự trong bộ đội ta. Phải nâng cao giác ngộ chính trị, nâng cao chiến thuật và kỹ thuật, nâng cao kỷ luật tự giác của bộ đội ta. Phải làm cho quân đội ta thành một quân đội chân chính của nhân dân”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh không tuyệt đối hóa mặt chính trị, nhưng Người thường xuyên nhấn mạnh, công tác chính trị trực tiếp quyết định sự vững mạnh về chính trị của Quân đội; tính quyết định đó thể hiện trong các mặt công tác quân sự, kỹ thuật, hậu cần và là định hướng để nâng cao hiệu quả, chất lượng của tất cả các mặt công tác khác. Người khẳng định: “Muốn cho quân đội ta quyết chiến quyết thắng hơn nữa thì phải săn sóc đời sống vật chất của họ, nâng cao trình độ chiến thuật và kỹ thuật của họ, nhất là giáo dục chính trị, làm cho có lập trường vững chắc, lập trường quân đội của nhân dân do giai cấp công nhân lãnh đạo”. Sức mạnh chiến đấu của quân đội là kết quả tổng hợp của toàn bộ các mặt công tác, trong đó công tác chính trị có vai trò đặc biệt quan trọng, bởi theo Người, “chính trị là linh hồn, là thống soái”.

Tư tưởng Hồ Chí Minh về “chính trị trọng hơn quân sự” có giá trị lịch sử và thời đại đối với cách mạng Việt Nam nói chung, đối với sự nghiệp xây dựng, chiến đấu, trưởng thành của Quân đội nhân dân Việt Nam nói riêng. Trong tiến trình lịch sử cách mạng, nhất là trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xây dựng lực lượng chính trị hùng hậu, kết hợp chặt chẽ giữa lực lượng chính trị với lực lượng vũ trang; kết hợp nổi dậy của quần chúng nhân dân với tiến công của lực lượng vũ trang cách mạng ở cả nông thôn và thành thị, trong đó các cuộc tổng khởi nghĩa ở Hà Nội, Huế, Sài Gòn có vai trò quyết định. Thắng lợi giành được trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là kết quả của sự kết hợp tất cả hình thức đấu tranh kinh tế, chính trị, văn hóa, ngoại giao, quân sự, mà đấu tranh chính trị là yếu tố quan trọng nhất, bởi “chính trị trọng hơn quân sự”, như Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định.

Quán triệt và vận dụng tư tưởng “chính trị trọng hơn quân sự” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Quân đội ta đã hoàn thành nhiệm vụ làm nòng cốt trong sự nghiệp kháng chiến, giải phóng dân tộc, bảo vệ và xây dựng Tổ quốc; giữ vững, phát huy bản chất giai cấp công nhân, tính nhân dân và tính dân tộc sâu sắc; thực sự là công cụ bạo lực sắc bén, lực lượng chính trị tuyệt đối trung thành, tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân. Quân đội luôn gắn bó mật thiết với nhân dân, giúp đỡ nhân dân phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, cứu hộ, cứu nạn, thực hiện tốt nghĩa vụ quốc tế..., tô thắm truyền thống, phẩm chất tốt đẹp “Bộ đội Cụ Hồ”, xứng đáng với lời khen ngợi của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Quân đội ta trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội. Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”.

Sưu tầm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét