Thứ Hai, 24 tháng 6, 2024

XÂY DỰNG ĐẢNG VỀ TỔ CHỨC, CÁN BỘ

 

Xây dựng Đảng về tổ chức, cán bộ, đảng viên và đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực là nội dung được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đặc biệt quan tâm. Tổng Bí thư chỉ rõ, phải “… tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cán bộ cấp chiến lược và người đứng đầu đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ”, đội ngũ cán bộ “… có bản lĩnh chính trị vững vàng, đạo đức cách mạng trong sáng, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, có năng lực, trình độ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Cán bộ dù ở vị trí nào cũng phải luôn luôn có ý thức đầy đủ về trách nhiệm của mình, làm “đúng vai, thuộc bài”, thật sự có chất lượng, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; gắn bó mật thiết với nhân dân, được nhân dân tin yêu, quý trọng. Thực hiện tốt chủ trương khuyến khích, bảo vệ những cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám nói, dám làm, luôn nỗ lực hành động vì lợi ích chung”.

Nội dung các khâu của công tác cán bộ được Tổng Bí thư đề cập khá toàn diện, sâu sắc, như: đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác quy hoạch và luân chuyển cán bộ; chủ động phát hiện nguồn cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, nhất là cán bộ cấp chiến lược, bảo đảm tính kế thừa, ổn định, đổi mới; công tác luân chuyển cán bộ phải phù hợp với chức danh quy hoạch; bảo đảm cân đối, hài hòa giữa luân chuyển cán bộ với phát triển nguồn cán bộ tại chỗ; nâng cao chất lượng công tác đánh giá cán bộ theo hướng thật sự công tâm, khách quan, có tiêu chí rõ ràng và thông qua sản phẩm cụ thể; kịp thời miễn nhiệm, cho từ chức, thay thế những cán bộ năng lực hạn chế, uy tín thấp, mắc sai phạm mà không chờ đến hết nhiệm kỳ, hết thời hạn bổ nhiệm. Tuyệt đối chống tư tưởng cục bộ, bè phái, “lợi ích nhóm”, tiêu cực. Thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ, phát huy dân chủ gắn liền với tăng cường trách nhiệm của cấp ủy và người đứng đầu trong công tác cán bộ. Tăng cường kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ một cách thực chất và hiệu quả; không để lọt những người không đủ tiêu chuẩn, có biểu hiện cơ hội chính trị, tham vọng quyền lực vào đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý chỉ huy, nhất là cán bộ chủ trì, chủ chốt các cấp.

Xây dựng Đảng về tổ chức, cán bộ và đảng viên phải đi đôi với đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực với quyết tâm cao, thái độ kiên quyết, không khoan nhượng và hành động quyết liệt, thiết thực, hiệu quả. Bởi tham nhũng là một trong những nguy cơ đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ ta. Tổng Bí thư nhấn mạnh: “chống tham nhũng là “chống giặc nội xâm”, là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, vừa cấp bách, vừa khó khăn, phức tạp, lâu dài; phải tiến hành kiên quyết, kiên trì, liên tục, “không ngừng”, “không nghỉ” ở tất cả các cấp, các ngành, các lĩnh vực”, thực hiện đồng bộ các biện pháp chính trị, tư tưởng, tổ chức, hành chính, kinh tế, hình sự; với những bước đi vững chắc, tích cực, chủ động và có trọng tâm, trọng điểm; phải xây dựng cho được một cơ chế phòng ngừa chặt chẽ để “không thể tham nhũng”, một cơ chế răn đe, trừng trị nghiêm khắc để “không dám tham nhũng” và một cơ chế bảo đảm để “không cần tham nhũng”. Kết hợp chặt chẽ giữa tích cực phòng ngừa với chủ động phát hiện, xử lý nghiêm minh, kịp thời những hành vi tham nhũng, tiêu cực; xử lý đồng bộ kỷ luật đảng, kỷ luật hành chính và xử lý bằng pháp luật hình sự đối với những người vi phạm, bất kể đó là ai. Đặc biệt, Tổng Bí thư nhấn mạnh: “phải xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác phòng, chống tham nhũng thật sự có bản lĩnh, thật sự liêm chính, trong sạch; không chịu bất cứ sức ép không trong sáng nào của tổ chức, cá nhân; bất cứ sự cám dỗ, mua chuộc nào của những kẻ phạm tội”.

 

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét