Ý thức xã hội nảy sinh từ tồn tại xã hội và phản ánh tồn tại xã hội và ý thức xã hội không tự tồn tại cảm tính như các hình thức tồn tại của vật chất tự nhiên mà phải thông qua các hình thức văn hóa của xã hội. Thông thường có thể nhận biết nó qua ba hình thức cơ bản và phổ biến: 1) Các sinh hoạt tư tưởng mang tính học thuật như: sinh hoạt chính trị, pháp luật, khoa học… của cộng đồng xã hội; 2) Các sinh hoạt văn hóa của cộng đồng và xã hội như: sinh hoạt lễ hội truyền thống, tôn giáo, nghệ thuật…; 3) Các tập tục và nếp sống mang đặc trưng văn hóa của mỗi cộng đồng người. Ngoài ra, ý thức xã hội với tư cách là “cái chung” thuộc đời sống tinh thần của cộng đồng xã hội còn biểu hiện trực tiếp qua nhận thức và nếp sống của mỗi cá nhân con người với tư cách là thành viên của nó. Trong trường hợp này, ý thức cá nhân tồn tại với tư cách là “cái riêng” trong đó có sự biểu hiện của “cái chung” là ý thức xã hội mà ít hay nhiều cá nhân đó đã tiếp nhận được từ sự giáo dục của xã hội.
Ý thức xã hội mới Việt
Nam “là toàn bộ những tư tưởng, quan điểm, những tình cảm, tâm trạng, truyền thống
tốt đẹp, v.v. của cộng đồng dân tộc Việt Nam, mà hạt nhân là chủ nghĩa Mác –
Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp
luật của Nhà nước, phản ánh lợi ích căn bản của nhân dân nhằm phục vụ sự nghiệp
xây dựng, bảo vệ xã hội mới. Nhìn từ góc độ tâm lý xã hội, ý thức xã hội mới
chính là tình cảm, tâm trạng, thói quen, nếp sống, nếp nghĩ, phong tục, tập
quán, ước muốn, khát vọng, niềm tin… của cộng đồng dân tộc Việt Nam vào sự nghiệp
cách mạng, vào Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội, những đổi thay của cuộc sống hằng
ngày… Ý thức xã hội của cộng đồng dân tộc Việt Nam hiện nay còn là kết quả của
quá trình củng cố và khơi dậy tinh thần yêu nước, tự hào, tự tôn, ý chí, khát vọng
hùng cường của dân tộc, tinh thần đoàn kết, đồng thuận của cộng đồng, niềm tin
của nhân dân vào Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa, khát vọng phát triển
đất nước phồn vinh, hạnh phúc…
Nhìn từ góc độ các hình
thái ý thức xã hội, quá trình xây dựng ý thức xã hội mới Việt Nam cũng chính là
việc gia tăng, bồi đắp, nâng cao ý thức chính trị, ý thức pháp luật, ý thức đạo
đức… cho người dân trong xã hội. Còn nhìn từ góc độ giai cấp – dân tộc, ý thức
xã hội mới Việt Nam là ý thức cách mạng của giai cấp công nhân và cộng đồng dân
tộc Việt Nam, hình thành và phát triển trong cuộc đấu tranh chống lại chế độ
cũ, xây dựng xã hội mới. Đó là sự kế thừa những giá trị truyền thống tốt đẹp của
dân tộc, phản ánh lợi ích của cộng đồng dân tộc; đồng thời, cũng là sự kế tục
tư tưởng xã hội cao đẹp trong lịch sử tư tưởng của nhân loại.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét