Thứ Năm, 29 tháng 8, 2024

TIẾP TỤC PHÁT HUY TINH THẦN “7 DÁM” CỦA CỐ TỔNG BÍ THƯ NGUYỄN PHÚ TRỌNG

 Nội dung“7 dám” trong bài phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị lần thứ 6, Quân ủy Trung ương nhiệm kỳ 2020-2025 của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã và đang lan tỏa mạnh mẽ trong toàn quân; tinh thần ấy như hồi kèn xung trận để đội ngũ cán bộ, sĩ quan quân đội không ngừng trau dồi tri thức, đạo đức, niềm tin, vượt qua khó khăn,thực hiện tốt các nhiệm vụ. Quán triệt, thực hiện tốt tinh thần “7 dám”, nhất là thực hiện nội dung “dám làm, dám chịu trách nhiệm gắn với việc phát huy dân chủ, đề cao tự phê bình và phê bình”có ý nghĩa rất quan trọng trongbồi dưỡng, rèn luyện đội ngũ cán bộ hiện nay.

“Dám làm”là đòi hỏi cán bộ phải có quyết tâm cao trong thực hiện nhiệm vụ trên cương vị chức trách được giao; không vì những khó khăn, sự chi phối của các yếu tố mà thoái thác nhiệm vụ hoặc thực hiện nhiệm vụ đạt kết quả thấp. Cơ quan dám làm gương cho đơn vị, cấp trên dám làm gương cho cấp dưới, cán bộ dám làm gương cho bộ đội; đồng thời khắc phục tình trạng làm liều, làm trái pháp luật, cố tình vi phạm kỷ luật, quy định...

“Dám chịu trách nhiệm” là dám nhận nhiệm vụ, nỗ lực hết mình để hoàn thành nhiệm vụ được giao, dám đối mặt với khó khăn, thách thức và cả những rủi ro ngoài ý muốn để hoàn thành nhiệm vụ. Khắc phục triệt để hiện tượng sợ sai, sợ trách nhiệm dẫn đếnthiếu quyết đoán, né tránh, đùn đẩy nhiệm vụ sẽ bỏ lỡ thời cơ, dẫn đến thất bại trong xử trí các tình huống xảy ra, nhất là trong huấn luyện,sẵn sàng chiến đấu, quản lý, chỉ huy bộ đội. Khi mắc sai lầm, khuyết điểm phải nghiêm túc rút kinh nghiệm, chịu trách nhiệm và trung thực trước tổ chức; đồng thời dám kiên quyết khắc phục, sửa chữa, vươn lên.

Thời gian qua, tinh thần “7 dám” của cố Tổng Bí thư đã lan tỏa sâu rộng trong toàn quân, góp phần nâng cao chất lượng xây dựng đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Tuy nhiên, thực tế hiện nay vẫn còn một số ít cán bộ “không dám làm”, nhất là với những công việc, nhiệm vụ khó khăn, gian khổ; ngại phê bình, tự phê bình, dĩ hòa vi quý... Từ đó đã dần dần hình thành thói quen đùn đẩy công việc, đùn đẩy trách nhiệm, tạo ra sức ỳ, chất lượng hoàn thành nhiệm vụ thấp. Do đó để thực hiện tốt nội dung “Dám làm, dám chịu trách nhiệm gắn với việc phát huy dân chủ, đề cao tự phê bình và phê bình”,cán bộ, sĩ quan quân đội cần tiếp tục quán triệt và thực hiện tốt một số nội dung, biện pháp cơ bản sau:

Một là,cấp ủy, chỉ huy các cấp cần tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm các nghị quyết, chỉ thị, quy chế, quy định và kết luận của trên; tích cực bồi dưỡng, rèn luyện cán bộ gắn với thực hiện quy chế dân chủ cơ sở, đề cao tự phê bình và phê bình... Tiếp tục cụ thể hóa những chỉ đạo của cố Tổng Bí thư vào nghị quyết, kế hoạch, chương trình hành động; thực hiện “dám làm, dám chịu trách nhiệm” phải gắn chặt với 10 nêu gương và chống 10 biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân.

Hai là,tăng cường bồi dưỡng cán bộ theo phân cấp, chú trọng bồi dưỡng năng lực quản lý, chỉ huy, khả năng huấn luyện, xử trí các tình huống và ứng dụng công nghệ thông tin. Mạnh dạn giao nhiệm vụ, việc khó, việc mới, bổ nhiệm cán bộ, sĩ quan có trình độ năng lực, dám làm, dám chịu trách nhiệmgiữ cương vị chủ trì để có điều kiện được tôi luyện, trưởng thành, phát triển.

Ba là,thường xuyên quan tâm chăm lo xây dựng cơ quan, đơn vị có môi trường văn hóa tốt đẹp, phong phú, lành mạnh; thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, bảo đảm tốt đời sống vật chất, tinh thần, giải quyết kịp thời chế độ chính sách; sâu sát, gần gũi và tạo điều kiện thuận lợi để phát huy phẩm chất, năng lực của cán bộ; thường xuyên khuyến khích, bảo vệ cán bộ dám làm, dám chịu trách nhiệm, mạnh dạn trong đấu tranh phê bình.

Bốn là,cấp trên phải làm gương cho cấp dưới, chỉ huy phải mẫu mực trước toàn đơn vị. Chỉ huy cấp trên phải luôn quan tâm cấp dưới, động viên, chia sẻ từ những việc nhỏ nhất; làm tốt được việc này không chỉ rèn luyện cán bộ trẻ mà còn tạo nên sức mạnh của cả tập thể. Mỗi cán bộ luôn chủ động khắc phục mọi khó khăn, luôn tìm tòi ra những giải pháp tiết kiệm nhất nhưng hiệu quả nhất trong thực hiện nhiệm vụ, phấn đấu vươn lên hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.

Năm là, đội ngũ cán bộ các cấp phải thường xuyên“tự soi, tự sửa”, dám dấn thân vào thực tiễn để tích lũy kinh nghiệm, hoàn thiện bản thân; dám đương đầu với khó khăn, thử thách; tích cực tìm tòi, học hỏi nâng cao hơn nữa trình độ, năng lực, phương pháp, tác phong công tác của bản thân./.

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét