Thứ Năm, 29 tháng 8, 2024

VĂN HÓA GIAO THÔNG - ĐÔI ĐIỀU SUY NGẪM

 “Trưa 11/8, chỉ vì suýt va chạm trên đường, tài xế 46 tuổi đuổi theo người 26 tuổi suốt hơn hai km. Sau khi ép nạn nhân vào lề đường, ông này vớ được khúc xương trên vỉa hè, đập vỡ kính ôtô, buộc lái xe xuống, bắt quỳ lạy, xin lỗi. Ông vừa dọa đánh vừa hỏi “mày biết tao là ai không?”.

Tối cùng ngày, ông bị công an bắt. Cả nước biết ông là ai”.

Câu chuyện không mới đang được lan tỏa trên các trang báo không phải chủ đề mới nhưng đặt ra nhiều điều cần suy ngẫm về văn hóa giao thông, về cách hành xử của người tài xế “già” đáng tuổi cha, tuổi chú của người tài xế “trẻ” kia. Ví thử đó là hành động của anh tài trẻ thì chúng ta thường cho rằng anh này chắc nông nổi, bồng bột, “anh hùng, anh tướng” của tuổi trẻ; và tất nhiên vẫn phải lên án. Nhưng trớ trêu thay, đây lại là hành động của một người có độ tuổi gần gấp hai lần người tài xế trẻ kia.

Cái “khúc xương bò” sẽ chẳng ai quan tâm đến nếu như người tài “già” kia bình tĩnh hơn, nhún nhường hơn và hành xử có văn hóa hơn của người ít nhiều đã từng trải trong cuộc sống.

Câu chuyện trên đã cho chúng ta - những người quan tâm đến vấn đề văn hóa ứng xử hiện nay bài học quý giá. Hãy cho đi những gì mình có thể cho, và rồi cái mà mình được nhận lại chắc chắn sẽ nhiều hơn rất nhiều. Giả thử nếu tài xế 46 tuổi kia hành xử văn hóa hơn thì sau đó, cả nước biết đến ông ta bằng sự kính trọng và thiện cảm rất nhiều. Đó cũng đang là vấn đề cần thiết trong xây dựng văn hóa giao thông, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Qua đây, chúng ta chắc chắn sẽ đồng ý rằng, cần tiếp tục nâng cao nhận thức cho mọi người về vị trí,vai trò của văn hóa giao thông và xây dựng văn hóa giao thông. Tăng cường các hoạt động tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho các đối tượng. Tích cực đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp tuyên truyền, giáo dục để mọi người nắm được những nội dung cơ bản của Luật Giao thông đường bộ; mức xử phạt vi phạm được quy định trong Nghị Định 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ, ngày 30/12/2019 (Sửa đổi bổ sung một số điều tại Nghị Định 123/2021/NĐ-CP của Chính phủ ngày 28/12/2021). Đề cao trách nhiệm của các cấp, các ngành,nhất là vai trò của các lực lượng trực tiếp làm nhiệm vụ quản lý, duy trì, xử lý các vấn đề liên quan đến lĩnh vực bảo đảm trật tự, an toàn giao thông. Nâng cao ý thức, trách nhiệm của chính các chủ thể trực tiếp tham gia giao thông. Đồng thời, xử lý nghiêm trước pháp luật các trường hợp vi phạm; tích cực đấu tranh phê phán các biểu hiện và hành vi sai trái, thiếu văn hóa gây ảnh hưởng xấu đến dư luận xã hội./.

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét