Thứ Ba, 3 tháng 9, 2024

ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM CẦM QUYỀN, LÃNH ĐẠO ĐẤT NƯỚC NHÂN TỐ CHỦ YẾU BẢO ĐẢM THỰC HIỆN QUYỀN TỰ DO, DÂN CHỦ CỦA NHÂN DÂN

 

  Hiện nay trong một thế giới ngày càng đa dạng, khi tiếp cận và xử lý vấn đề quyền tự do, dân chủ của nhân dân, Đảng và Nhà nước ta luôn kết hợp hài hòa các chuẩn mực, nguyên tắc chung của luật pháp quốc tế với những điều kiện đặc thù về lịch sử, chính trị, kinh tế - xã hội, các giá trị văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng, phong tục, tập quán của Việt Nam để bảo đảm cho người dân được hưởng thụ quyền tự do, dân chủ một cách tốt nhất.

Thực tiễn cũng đã khẳng định từ sau Cách mạng tháng 8 năm 1945 thành công

đến nay, Nhà nước Việt nam luôn quan tâm, chăm lo đến việc bảo đảm quyền tự do, dân chủ của các tầng lớp nhân dân. Ba mươi năm qua, nước ta đã 2 lần lập hiến (ban hành Hiến pháp năm 1992 và Hiến pháp năm 2013), 3 lần sửa đổi Hiến pháp (năm 1988, 1989 sửa đổi Hiến pháp năm 1980, năm 2001 sửa đổi Hiến pháp năm 1992); số luật, pháp lệnh được ban hành tăng gấp gần 8 lần so với số luật, pháp lệnh được ban hành trong 41 năm trước đổi mới (trong số 614 luật, pháp lệnh được ban hành kể từ năm 1945 đến nay, 65 luật, pháp lệnh được ban hành trong thời gian từ 1945 đến 1985; 549 luật, pháp lệnh được ban hành trong thời gian từ năm 1986 đến nay). Quốc hội đã ban hành các luật về tổ chức nhà nước, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Luật Trưng cầu ý dân, Luật Tiếp cận thông tin ... là những luật liên quan trực tiếp đến quyền tự do, dân chủ của nhân dân trên lĩnh vực chính trị. Quyền tự do, dân chủ của nhân dân đã và đang được thực hiện nghiêm túc ở các cấp, từ cơ sở xã phường, cơ quan , cho đến Quốc hội. Tất cả những vấn đề từ đời sống thường nhật cho đến vấn đề độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ đều được người dân quan tâm và có quyền tham gia. Quyền bầu cử, ứng cử với nguyên tắc phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín được bảo đảm, thừa nhận, tôn trọng nhiều thành phần kinh tế, nhiều hình thức sở hữu, nhiều hình thức phân phối; tôn trọng tính đa dạng về lợi ích của các giai cấp, tầng lớp, các tập đoàn, nhóm và cá nhân người lao động trong xã hội, quyền tự do, tự chủ trong sản xuất, kinh doanh của các cá nhân, tổ chức được thực hiện đầy đủ. Mọi người dân có điều kiện tạo việc làm, tìm kiếm việc làm, tăng thu nhập, lựa chọn cơ hội học tập, lập nghiệp. Số việc làm mới được tạo ra bình quân khoảng 1,6 triệu/ năm, trong đó, khoảng 75% là từ các chương trình phát triển kinh tế xã hội, 25% là từ các chương trình mục tiêu việc làm, giảm nghèo và xuất khẩu lao động. Người dân được làm chủ các quá trình sản xuất, sở hữu, phân phối, được tự do sản xuất, kinh doanh trong những lĩnh vực, ngành nghề mà pháp luật không cấm.

   Quyền tự do tín ngưỡng được tôn trọng và bảo đảm. Trước đổi mới chỉ có 3 tôn giáo được công nhận tư cách pháp nhân thì đến nay đã có 14 tôn giáo, 38 tổ chức tôn giáo được công nhận tư cách pháp nhân và cấp giấy đăng ký hoạt động tôn giáo. Các tầng lớp nhân dân được tự do, tự chủ trong xây dựng, phát triển kinh tế, xã hội, nâng cao kiến thức, thu nhập và chất lượng cuộc sống. Những nhu cầu thiết yếu của nhân dân về việc làm, ăn, mặc, ở, đi lại, chăm sóc sức khoẻ, học tập, giải trí được đáp ứng ngày càng tốt hơn.

Trong những năm gần đây, Đảng ta đã ban hành hàng chục nghị quyết, kết luận, chỉ thị; Quốc hội đã ban hành 16 luật; Chính phủ đã ban hành 68 nghị quyết, nghị định, thông tư về văn hóa, thông tin, nghệ thuật, nhân rộng điển hình tiên tiến và phê phán, lên án cái hư hỏng, sai trái để làm lành mạnh hoá xã hội, bảo vệ quyền tự dzo, dân chủ và phát triển của các tầng lớp nhân dân.

Hiện cả nước có 7484 di tích văn hóa cấp tỉnh, 3202 di tích văn hóa cấp quốc gia, 48 di tích văn hóa cấp quốc gia đặc biệt, 8 di sản văn hóa và thiên nhiên được UNESCO vinh danh di sản thế giới; có gần 19.000 thư viện các cấp, 154 bản làng văn hóa, 5429 nhà văn hóa các cấp; 858 quan báo chí in;105 cơ quan báo chí điện tử; 207 trang thông tin điện tử tổng hợp của các cơ quan báo chí với 1016 ấn phẩm, 4 đài truyền hình trung ương, 67 đài phát thanh - truyền hình tỉnh, thành phố, 75 kênh truyền hình nước ngoài “online”, 20 cơ quan báo chí nước ngoài có phóng viên thường trú tại Việt Nam. Qua internet, người dân Việt Nam có thể tiếp cận thông tin từ các cơ quan thông tấn, báo chí lớn trên thế giới, như AFP, BBC, VOA…

Trong thời kỳ mới, trước những diễn biến phức tạp của tình hình trong nước và quốc tế, sự chống phá quyết liệt của các thế lực thù địch, để đấu tranh phản bác có hiệu quả với quan điểm sai trái trên cần quán triệt và thực hiện tốt một số nội dung như.

Một là, giữ vững và tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng trong xác lập và thực hiện quyền tự do, dân chủ của các tầng lớp nhân dân

Để giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong xây dựng và thực hiện các quyền tự do, dân chủ của nhân dân, trước hết cần đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của bản thân Đảng, trước hết là hoạt động xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức. Dân chủ hoá là giải pháp quan trọng nhất để nâng cao hiệu quả hoạt động của Đảng trên lĩnh vực này. Trong công tác tư tưởng, chính trị: không áp đặt; khi có ý kiến khác nhau, tôn trọng ý kiến đa số nhưng có cơ chế bảo lưu ý kiến của thiểu số, tôn trọng ý kiến cấp trên nhưng cũng có cơ chế bảo lưu ý kiến cấp dưới; định rõ thời hạn xem xét, kết luận các ý kiến thiểu số đó.

Thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ trong Đảng, kiện toàn hệ thống tổ chức của Đảng, trong đó, chú trọng nâng cao sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng; làm cho tổ chức cơ sở đảng thực sự là hạt nhân chính trị ở cơ sở, có khả năng lãnh đạo quy tụ sức mạnh của đơn vị hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao;

làm tốt công tác giáo dục, rèn luyện, quản lý đội ngũ cán bộ, đảng viên cả về năng lực, phẩm chất, đạo đức và tác phong công tác.

Nâng cao chất lượng công tác cán bộ theo hướng đẩy mạnh phân cấp, dân chủ hoá, công khai hoá dưới sự lãnh đạo của Đảng nhằm chủ động xây dựng một đội ngũ cán bộ có đủ phẩm chất và năng lực, đáp ứng yêu cầu của nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới.

Kết hợp chặt chẽ việc lãnh đạo bằng tổ chức với lãnh đạo qua cá nhân đảng viên theo nguyên tắc tập trung dân chủ và nêu cao vai trò trách nhiệm của đảng viên là cán bộ chủ trì.

Hai là, vận dụng hiệu quả những thành tựu của khoa học công nghệ vào việc lãnh đạo, quản lý đất nước, dân chủ hoá về thông tin, nâng cao trình độ văn hóa, dân trí của nhân dân.

Khoa học tự nó mang bản chất cách mạng và dân chủ. Việc vận dụng những tựu về khoa học công nghệ vào lãnh đạo, quản lý là yêu cầu cần thiết để sự lãnh đạo, quản lý đó mang tính cách mạng và dân chủ.

Ngày nay, ở nhiều nước phát triển đã và đang khoa học hoá hoạt động của Chính phủ, từ đó hình thành "Chính phủ điện tử", hoạt động, quản lý đất nước qua mạng.

Muốn vậy, mọi văn bản quản lý (trừ một số trường hợp thật đặc biệt liên quan tới bí mật quốc gia chưa có khả năng bảo mật tốt bằng kỹ thuật) đều được công khai hoá lên mạng. Sự độc quyền thông tin sẽ được giảm tới mức tối thiểu. Mọi người dân không chỉ nắm được những quyết định quản lý, mà còn giám sát được các cơ quan quản lý trong việc thực hiện những quy định đó.

Ba là, từng bước hoàn thiện hệ thống giám sát, phản biện xã hội để phát huy quyền tự do,dân chủ của Nhân dân.

Trong hệ thống giám sát, phản biện xã hội ở Việt Nam, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội có vai trò vô cùng quan trọng.

Cùng với các thiết chế đó, cần có cơ chế phát huy vai trò giám sát, phản biện của từng người dân, của các phương tiện thông tin đại chúng... Để việc giám sát, phản biện đó có chất lượng, cần tạo mọi điều kiện để các chủ thể thực hiện sự phản biện đường lối, chủ trương, chính sách và trách nhiệm của cơ quan, cá nhân, cán bộ phụ trách việc đó.

Điều đó có nghĩa, công khai hoá, minh bạch hoá, dân chủ hoá về thông tin là cơ sở để có sự giám sát, phản biện có hiệu quả. Nhưng mặt khác, hiệu quả của việc giám sát, phản biện còn phụ thuộc vào năng lực, bản lĩnh của chủ thể thực hiện sự phản biện; vào năng lực của người lãnh đạo và quản lý trong việc nghe, biết nghe, biết xử lý những ý kiến giám sát, phản biện... Cho nên, nâng cao trình độ, năng lực, văn hoá dân chủ cho cả phía giám sát, phản biện lẫn phía nhận sự giám sát, phản biện là một yêu cầu bức thiết.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét