Chủ Nhật, 10 tháng 11, 2024

Xuyên tạc tự do Internet ở Việt Nam: Chiêu bài cũ của Freedom House

Trong thời đại công nghệ hiện nay, Internet là điều thiết yếu với nhiều lợi ích và nắm giữ vai trò quan trọng. Internet không chỉ là công cụ để đưa mọi người đến gần nhau hơn, giúp người dùng dễ dàng tìm kiếm thông tin một cách nhanh chóng và chính xác mà còn ngày càng quan trọng hơn trong phát triển kinh tế và các dịch vụ thương mại. Vì vậy, trong những năm vừa qua, Việt Nam rất chú trọng phát triển Internet, nhất là ứng dụng xây dựng chính quyền điện tử, phát triển thương mại điện tử. Song với định kiến và cái nhìn hạn hẹp, một số tổ chức, cá nhân thiếu thiện chí với Việt Nam, các thế lực thù địch, phần tử phản động, cơ hội chính trị trong và ngoài nước thường xuyên xuyên tạc về vấn đề tự do báo chí, tự do ngôn luận, tự do Internet ở nước ta.

Vẫn chiêu bài cũ của Freedom House

Mới đây, ngày 16/10/2024, tổ chức Freedom House (Ngôi nhà tự do) có trụ sở chính đặt ở Mỹ, lại công bố cái gọi là “Báo cáo Tự do Internet năm 2024”. Lợi dụng việc này, một loạt các trang tiếng Việt ở hải ngoại như RFA, VOA, RFI…; các trang mạng xã hội, facebook cá nhân của các phần tử phản động, cơ hội chính trị liền đua nhau khai thác, để đưa lại rồi bình luận với mục đích xuyên tạc về tự do Internet ở Việt Nam. Theo cái gọi là “Báo cáo Tự do Internet 2024” của Freedom House, Việt Nam với hơn 100 triệu dân chỉ đạt 22/100 điểm về chỉ số tự do Internet và bị xếp vào hạng “không có tự do”. Freedom House còn xuyên tạc rằng, Chính phủ Việt Nam tiếp tục thực thi các biện pháp kiểm soát chặt chẽ đối với môi trường trực tuyến. Chính phủ gây sức ép mạnh mẽ lên các doanh nghiệp Internet quốc tế, để yêu cầu họ phải đáp ứng các yêu cầu về kiểm duyệt nội dung và quyền truy cập vào dữ liệu người dùng. Nhiều nhà hoạt động và người dân đã bị trừng phạt bởi các hoạt động trực tuyến của họ, trong khi các cơ quan truyền thông cũng phải đối mặt với nguy cơ bị phạt tiền.

Cổ suý cho cái gọi là “Báo cáo Tự do Internet 2024” của Freedom House, RFA liền có bài viết: “Báo cáo Tự do Internet 2024: Hà Nội mở rộng sự kiểm soát, tăng cường trừng phạt người dùng”. Trong bài viết này, RFA không chỉ trích lại những nhận định, đánh giá, thực chất là sự xuyên tạc của Freedoom House, mà còn cố tình dẫn lời của Hoàng Tứ Duy, một phần tử phản động trong tổ chức khủng bố Việt Tân, cho rằng: “Đây là lúc Việt Nam phải làm sao để tăng cường đầu tư nước ngoài, phát triển các kỹ nghệ tân tiến nhưng trong bối cảnh mà kiểm duyệt về tự do Internet, thì tôi thấy rằng rất khó cho đất nước có thể cất cánh để có được một nền kinh tế trí tuệ”. Thật nực cười, không biết từ bao giờ mà Việt Tân lại “quan tâm”, “lo lắng” cho sự phát triển của đất nước như thế…

Không chịu kém cạnh, VOA cũng ngay lập tức có tin: “Freedom House: Việt Nam không có tự do Internet”. VOA cho biết, Freedom House xếp Việt Nam là một trong năm quốc gia kém tự do Internet nhất trên thế giới. Việt Nam không có tự do Internet, chỉ đạt 22 điểm trên thang điểm 100, trong đó 12 điểm cho danh mục “trở ngại để truy cập”; 6 điểm cho “giới hạn nội dung”; 4 điểm cho “vi phạm quyền của người dùng”…

Mang danh là tổ chức phi chính phủ, mục đích hoạt động của Freedom House là “theo dõi tiến trình dân chủ hóa toàn cầu, khảo sát và nghiên cứu tình hình thực thi các quyền tự do chính trị và dân sự tại các quốc gia trên thế giới”, nhưng nguồn ngân sách hoạt động chủ yếu của Freedom House đến từ các quốc gia phương Tây và có cái nhìn phiến diện, thiếu thiện chí với Việt Nam. Do đó, Freedom House thường xuyên có hoạt động xuyên tạc về tình hình tự do dân chủ, nhân quyền của Việt Nam.

Thực tiễn sinh động bác bỏ mọi luận điệu xuyên tạc

Ở Việt Nam, các quyền về con người trong đó có quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận được quy định trong Hiến pháp, đạo luật gốc, có giá trị pháp lý cao nhất. Điều 25 Hiến pháp năm 2013 quy định: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”. Theo đó, Nhà nước Việt Nam đã cụ thể hóa việc thực hiện quyền con người, quyền công dân, trong đó có quyền tự do báo chí thành các điều luật ở các bộ luật, luật, như: Bộ luật Hình sự năm 2015, Luật An ninh quốc gia năm 2004, Luật Báo chí năm 2016, Luật Tiếp cận thông tin năm 2016, Luật An ninh mạng năm 2018, Luật An toàn thông tin mạng năm 2018, Luật Viễn thông năm 2023, Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) năm 2023…

Đối với Internet, ngày 19/11/1997, dịch vụ này chính thức được cung cấp cho người dân cả nước. Dịch vụ được cung cấp trên hạ tầng mạng điện thoại cố định, tốc độ truy cập hạn chế. Năm 1999, các nhà cung cấp dịch vụ Internet được phép thử nghiệm công nghệ, dịch vụ điện thoại và các dịch vụ Internet cơ bản. Đến 2003, Internet băng rộng ADSL (MegaVNN) chính thức có mặt trên thị trường. Đây là dịch vụ truy nhập Internet thông qua công nghệ băng rộng ADSL, cho phép người dùng truy nhập Internet tốc độ cao, vừa có thể dùng các dịch vụ khác như điện thoại, fax đồng thời. Cũng trong năm này, cước Internet, điện thoại giảm mạnh chưa từng có (từ 10-40%) đã kích thích nhu cầu người dùng tăng mạnh. Từ năm 2010, Internet Việt Nam đã có những bước phát triển vượt bậc với xu hướng chuyển dịch từ dịch vụ cáp đồng sang cáp quang. Việt Nam nằm trong top đầu những quốc gia có lượng người dùng Internet nhiều nhất trên thế giới.

Báo cáo Digital Marketinh Việt Nam năm 2023 cho biết, có tới 77,93 triệu người dùng Internet trên tổng số 98,53 triệu người Việt Nam, tăng đến 7,3% so với năm 2022. Theo dữ liệu từ Ookla, tốc độ kết nối Internet trung bình qua mạng di động là 39.59 Mb/giây vào năm 2023, cao hơn mức 35.14 Mb/giây của năm 2022, tương tự, tốc độ qua mạng cáp cố định là 80.27 Mb/giây, cao hơn tốc độ kết nối của năm 2022 (~68.5 Mb/giây).

Tốc độ Internet được nâng lên từ 10-20% cho thấy cơ sở hạ tầng viễn thông Internet của Việt Nam đã được cải thiện rất nhiều trong năm qua. Về thời gian sử dụng Internet mỗi ngày, báo cáo của We Are Social cho thấy người dùng tại Việt Nam dành khoảng 6 giờ 23 phút để lướt Internet, trong đó 55.4% thời gian sử dụng Internet thông qua các thiết bị di động.

Theo số liệu thống kê, có tới 70 triệu người dùng mạng xã hội trên thiết bị di động tính đến đầu năm 2023. Về tỷ trọng người dùng mạng xã hội tại Việt Nam, có 64.4 triệu người trong độ tuổi từ 18 tuổi trở lên đang sử dụng các nền tảng mạng xã hội, chiếm tỷ lệ 89% so với tổng dân số từ 18 tuổi tại thời điểm được thống kê. Thêm vào đó, có 89.8% người dùng Internet tại Việt Nam (không phân biệt độ tuổi) đã có sử dụng ít nhất một mạng xã hội tính đến tháng 1/2023, và trong số những người sử dụng mạng xã hội, có 50,6% là nữ so với mức 49,4% nam giới.

Theo Meta, Việt Nam có 66,2 triệu người sử dụng mạng xã hội Facebook vào đầu năm 2023. Trung bình, mỗi ngày các trang Facebook tạo ra 6,19 bài đăng mới, trong đó phần lớn là dạng bài viết chia sẻ link (chiếm 51,59% tổng số bài đăng), tiếp theo là dạng chia sẻ hình ảnh (chiếm 20,01%) và chia sẻ trạng thái (16,33%). Còn theo Google, số người sử dụng Youtube tại Việt Nam đầu năm 2023 là 63 triệu người.

Người dân có thể tự do chia sẻ, bày tỏ thông tin, quan điểm cá nhân thông qua Internet, nhất là qua các trang web, mạng xã hội; nhiều cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương sử dụng Internet, mạng xã hội để làm việc, giải quyết các thủ tục hành chính và liên hệ trực tiếp với người dân… Tất cả những điều đó cho thấy đảm bảo tự do Internet luôn là quan điểm nhất quán của Đảng và Nhà nước và được đảm bảo thực hiện trong đời sống xã hội của nước ta.

Dù là nước có tốc độ phát triển Internet mạnh mẽ, nhưng Việt Nam cũng là quốc gia xảy ra các hành vi tội phạm mạng cao nhất thế giới. Vì vậy, nhằm đảm bảo an ninh mạng, phòng ngừa, ngăn chặn các hoạt động lợi dụng mạng xã hội, Internet để vi phạm pháp luật Việt Nam, trong thời gian qua, Nhà nước Việt Nam đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp. Trong đó, đã ban hành nhiều văn bản pháp luật như: Luật Công nghệ thông tin, Luật An toàn thông tin mạng; Luật An ninh mạng; Nghị định số 27/2018/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 72/2013/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng, bổ sung điều kiện về quản lý nội dung các trang thông tin điện tử, mạng xã hội; Nghị định số 15/2020/NĐ-CP quy định xử lý phạm vi hành chính trong lĩnh vực chính, viễn thông, vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử... Đây là những cơ sở pháp lý quan trọng nhằm phòng ngừa, đấu tranh, xử lý các đối tượng lợi dụng Internet vi phạm quyền và lợi ích của Nhà nước và công dân, điều này không chỉ phù hợp với luật pháp quốc tế quy định trên lĩnh vực này; mà còn góp phần tích cực nhằm thúc đẩy sự phát triển của Internet và nền kinh tế số tại Việt Nam.

Với chính sách nhất quán về tự do báo chí, tự do ngôn luận, Nhà nước Việt Nam luôn chủ trương thúc đẩy sự phát triển của Internet nhằm phục vụ công cuộc xây dựng và phát triển đất nước, cũng như đáp ứng những nhu cầu trao đổi thông tin, học tập, làm việc của người dân. Thực tiễn sinh động đó là minh chứng bác bỏ những luận điệu xuyên tạc trong cái gọi là “Báo cáo Tự do Internet 2024” của Freedom House.  “Báo cáo Tự do Internet 2024” của Freedom House là vô giá trị.

Sưu tầm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét