Hiện
nay chúng ta đang trải qua cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, không thể phủ nhận
vai trò các phương tiện truyền thông xã hội, là một thành tựu vĩ đại của nhân
loại, mang đến nguồn tài nguyên thông tin - tri thức vô hạn, những tiện ích
trong kết nối - giao tiếp xã hội chưa bao giờ có trước đây. Nếu được sử dụng
vào những mục đích tích cực, thì chúng sẽ tạo nên những giá trị vô cùng to
lớn. Tuy nhiên, với sự tham gia đa dạng của người dùng, trong môi trường khó
kiểm soát, các phương tiện này cũng có tác động hai mặt, khi những tác động
nghịch rất dễ xảy ra, tạo nên nhiều hệ lụy tiêu cực tới đời sống chính trị -
xã hội, thậm chí khôn lường, nhất là với một quốc gia có số lượng
người dùng internet cao như Việt Nam.
Lợi dụng vấn đề này, các
thế lực thù địch thông qua mạng xã hội để tuyên truyền nhằm chống phá, tạo bất
đồng, xung đột về tư tưởng trong nội bộ Đảng, các tổ chức chính trị - xã hội,
trong xã hội và nhân dân, từ đó kích động biểu tình, chống đối, bạo
loạn, khủng bố, lật đổ... đây là âm mưu, thủ đoạn trong chiến lược “diễn biến
hòa bình, bạo loạn lật đổ” đối với cách mạng nước ta.
Trong việc chống phá
ta, các thế lực thù địch sử dụng mạng xã hội như một công cụ quan
trọng, chúng xảo quyệt xuyên tạc, tuyên truyền về tham nhũng, vốn là vấn đề xã hội hết
sức nhức nhối, nhạy cảm, gắn liền với sự tha hóa về quyền lực
chính trị, từ đó dễ dàng bôi đen, thổi phồng các khuyết điểm, xuyên tạc
về Đảng, Nhà nước ta, âm mưu chuyển hóa từ tuyên truyền về chống tham nhũng
sang kích động chống phá về chính trị. Chúng không từ bất cứ thủ đoạn
nào để tung hỏa mù trên không gian mạng hòng gây nhiễu thông tin bằng
những màn lừa bịp tráo trở, biến hóa khó lường, song tập trung vào
một số nội dung chủ
yếu:
Thứ nhất, trên
không gian mạng, các thế lực thù địch quy chụp tham nhũng chỉ tồn tại và “nở
rộ” ở chế độ một đảng cầm quyền như tại Việt Nam. Chúng cho rằng, đây là vấn
đề thuộc về “bản chất thể chế”, không thể thay đổi được hoặc dù tham
nhũng có ở các thể chế chính trị khác, nhưng nghiêm trọng hơn ở chế độ một
đảng. Chúng cho rằng, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam
hiệu quả thấp do không có sự kiềm chế và đối trọng giữa các nhánh quyền lực như
cơ chế “tam quyền phân lập” ở một số nước phương Tây. Một
số kẻ lợi dụng để kêu ca, phàn nàn về Đảng, về chế độ xã hội, họ cho rằng: chế
độ một đảng cầm quyền là nguyên nhân sinh ra tham nhũng; tham nhũng là thuộc về
bản chất của chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam; Đảng Cộng sản Việt Nam không
những là nguyên nhân sinh ra tham nhũng mà còn không thể đấu tranh chống tham
nhũng thành công, v.v. Từ đó, chúng đưa ra kết luận: chỉ khi nào ở Việt Nam dẹp
bỏ được chế độ một đảng, thực hiện chế độ đa đảng thì nạn tham nhũng mới có thể
dẹp bỏ được.
Thứ hai, các thế lực thù địch tung
thông tin trên không gian mạng hòng lung lạc niềm tin của cán bộ, đảng viên và
nhân dân vào cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng của Đảng ta, với những rêu
rao rằng, chống tham nhũng ở nước ta là “cuộc chiến nửa vời”, vẫn còn “nhiều
vùng cấm”; và càng kỷ luật, xử lý nhiều cán bộ tham nhũng thì càng làm nhụt đi
ý chí của đội ngũ cán bộ, đảng viên, cản trở sự phát triển kinh tế - xã hội của
đất nước.
Thứ ba,
các thế lực thù địch xuyên tạc trên các phương tiện truyền thông xã hội rằng,
cuộc chiến chống tham nhũng ở Việt Nam thực chất chỉ là cuộc thanh trừng, đấu
đá nội bộ giữa các phe nhóm tranh giành lợi ích, là chính. Chúng vu cáo Đảng ta
chống tham nhũng vượt trên pháp luật; kích động sự trừng phạt, trừng trị, chúng
cố tình lấp liếm đi tính nhân văn trong công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật
đảng.
Nhưng sự thật hoàn toàn
trái ngược với những luận điệu trên. Để phê phán, phản bác có hiệu quả quan điểm sai
trái, thù địch cũng như những nhận thức không đúng trên, cần phải phân tích
tường tận hơn vấn đề tham nhũng. Trước hết, chúng ta thấy rằng, tham nhũng
không phải do chế độ đa đảng hay một đảng, mà là do sự tha hóa quyền lực sinh
ra. Bởi thế, ngay trong xã hội thực hiện chế độ đa đảng, tham nhũng vẫn cứ
hoành hành, thậm chí còn biểu hiện rất nguy hiểm, tình trạng tham nhũng còn leo
đến tận các nguyên thủ quốc gia. Xét về nguồn gốc sâu xa, tham nhũng là khuyết
tật “bẩm sinh” của quyền lực, một hiện tượng xã hội gắn liền với sự
xuất hiện chế độ tư hữu. Nó là căn bệnh đồng hành và tồn tại ở
mọi nhà nước, không phân biệt chế độ chính trị. Khi còn nhà nước và
quyền lực chính trị thì tất yếu còn tham nhũng. Đặc biệt, tham nhũng
xuất hiện và tồn tại được gắn với chế độ tư hữu. Trong khi đó, chế
độ tư bản chủ nghĩa được xây dựng trên nền tảng của chế độ sở hữu
tư nhân về tư liệu sản xuất. Do đó, từ trong bản chất của nó, chế độ
chiếm hữu tư bản tư nhân về tư liệu sản xuất là môi trường lý tưởng hơn
hết để tham nhũng xuất hiện và phát triển.
Chúng ta cần thấy rằng,
phòng, chống tham nhũng là công việc khó khăn muôn phần vì đụng chạm tới lợi
ích, đến quyền lực, có sự câu kết, tiếp tay, che đậy hết sức tinh vi, phức tạp.
Phải thẳng thắn nhìn nhận, có những giai đoạn, chúng ta chống tham nhũng chưa được
như mong muốn, hiệu quả còn thấp. Nhưng, trong thời gian gần đây, với quyết tâm
chính trị cao, chưa khi nào công cuộc phòng, chống tham nhũng ở nước ta được
thực hiện ráo riết, quyết liệt như hiện nay. Chống tham nhũng “không có vùng
cấm, không có ngoại lệ, , bất kể người đó là ai” - phát biểu của Tổng Bí thư,
Chủ tịch Nước Nguyễn Phú Trọng, tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2018 của Ban
Nội chính Trung ương ngày 22 tháng 01 năm 2019. Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội Đảng lần
thứ XII đến nay, việc hoàn thiện cơ chế và thực thi công tác phòng chống tham
nhũng được đặc biệt quan tâm, Quốc hội, Chính phủ đã thông qua nhiều luật, pháp lệnh, nghị quyết,
nghị định, quyết định, giúp nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trên các lĩnh
vực của đời sống xã hội, góp phần phòng ngừa tiêu cực, tham nhũng; đã thi hành
kỷ luật hơn 60 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý; đặc biệt, các cơ quan tố
tụng khẩn trương điều tra, truy tố, đưa ra xét xử 10 đại án lớn được dư luận xã
hội đặc biệt quan tâm. Riêng trong năm 2018, qua thanh tra, kiểm toán đã kiến
nghị thu hồi, xử lý tài chính gần 108.000 tỷ đồng, hơn 1.000ha đất; kiến nghị
xử lý trách nhiệm đối với 2.080 tập thể và nhiều cá nhân.
Nhiệm
vụ được Đảng ta đặc biệt quan tâm trong thời gian vừa qua, đó là việc xây dựng
và chỉnh đốn đảng. Trong điều kiện một đảng cầm quyền, không có nghĩa
Đảng có thể tự bằng lòng, chủ quan, duy ý chí, chuyên quyền, độc đoán, không có
khả năng nhận ra và sửa chữa những sai lầm, khuyết điểm của mình... Ngược lại,
chiến thắng chính bản thân mình bao giờ cũng là cuộc chiến khó khăn nhất, nên
Đảng ta thường xuyên tự đổi mới, tự chỉnh đốn chính mình, đặc biệt tránh
tha hóa về quyền lực bởi quan liêu, tham nhũng - một trong những nguy cơ ảnh
hưởng tới sự tồn vong của chế độ. Nếu dung túng những cán bộ, đảng viên,
dù là cán bộ cấp cao, nhưng suy thoái về đạo đức, biến chất, tham ô, tham nhũng
thì sẽ làm Đảng suy yếu từ bên trong, làm xói mòn lòng tin của nhân dân. Do đó,
Đảng ta chống tham nhũng là để thanh
lọc, sàng lọc cán bộ, làm trong sạch bộ máy, góp phần giữ sự xác tín chính
trị, tính chính đáng và xứng đáng với vai trò lãnh đạo và địa vị cầm quyền của
mình, tuyệt nhiên không phải là “thanh trừng nội bộ”, càng không phải là “cuộc
đấu đá phe phái”, như luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch.
Như vậy, những việc làm
trong thời gian vừa qua và những định hướng, chủ trương sắp tới, cho thấy Đảng
ta không chỉ có quyết tâm mà còn có đủ năng lực phòng, chống tham nhũng hiệu quả.
Vấn đề đặt ra đòi hỏi mỗi chúng ta, nhất là Quân đội - công cụ bạo lực sắc bén
của Đảng, phải thường xuyên đề cao cảnh giác, nhận diện rõ những âm mưu, thủ đoạn
của các thế lực thù địch, những phần tử cơ hội, để kiên quyết đấu tranh phản bác
những luận điệu sai trái, phản động nhằm ngăn cản cuộc đấu tranh chống tham nhũng
của Đảng, Nhà nước, Quân đội ta./.
Như Nguyệt