Chủ Nhật, 30 tháng 6, 2024

Bản sắc ngoại giao Việt Nam: Một vài suy ngẫm nhìn từ lịch sử dân tộc

 Bản sắc ngoại giao Việt Nam là một phần của bản sắc dân tộc Việt Nam, hình thành và phát triển cùng với triết lý và truyền thống ngoại giao Việt Nam. Đó là những nhận thức, tư tưởng, tri thức được đúc kết, kế thừa, bổ sung và không ngừng hoàn thiện thông qua hoạt động ngoại giao của các thế hệ cha ông, với đỉnh cao là ngoại giao thời đại Hồ Chí Minh.

Triết lý và truyền thống ngoại giao của dân tộc: Cội nguồn của bản sắc ngoại giao Việt Nam

Ngay từ thuở bình minh của lịch sử dân tộc, khi bắt đầu đặt nền móng xây dựng một quốc gia độc lập, ông cha ta đã sớm ý thức về mối quan hệ đối với các nước láng giềng. Tương truyền, từ năm thứ năm đời Vua Nghiêu ở Trung Quốc (năm 2353 trước Công Nguyên), sứ bộ nước ta đã được Vua Hùng cử sang phương Bắc, trải qua các lần thông dịch, tiếp xúc với nhiều dân tộc mới đến nơi. Món quà do Vua Hùng nước ta tặng Vua Nghiêu là một con rùa lớn, trên mai có khắc chữ, ghi lại sự việc từ khi trời, đất mới mở mang, với mong muốn gửi thông điệp của một nước Nam về sự thân thiện và trường tồn (1).

Truyền thống ngoại giao Việt Nam có những đặc điểm rất đỗi tự hào, kiên định chủ trương “nội yên ngoại tĩnh”, thể hiện tinh thần hòa bình, hữu nghị, nhân văn, thân thiện với láng giềng, ngoại giao tâm công, lấy lẽ phải, công lý và chính nghĩa để thuyết phục lòng người(2). Các chính sách ngoại giao của nước ta được thực thi một cách thiên biến vạn hóa, đa dạng, phù hợp với từng thời kỳ lịch sử, mang đậm nét đặc trưng, bản sắc văn hóa dân tộc, sắc thái chính trị của mỗi chế độ, triều đại phong kiến Việt Nam. Nhưng trên hết, tất cả đều luôn vì lợi ích quốc gia - dân tộc, nhằm giữ vững độc lập, tự chủ, ngăn chặn họa xâm lăng, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, xây dựng nền hòa bình dài lâu cho dân tộc.

Trong bản sắc của ngoại giao Việt Nam, tinh thần độc lập, tự cường và bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc là nguyên tắc bất biến. Đó là sợi chỉ đỏ xuyên suốt chiều dài lịch sử, xuất phát từ tinh thần yêu nước của dân tộc - không trông đợi vào bên ngoài, mà phải dựa vào chính mình để bảo vệ lợi ích chân chính của đất nước, dân tộc.

Năm 1473 (Hồng Đức năm thứ tư), vua Lê Thánh Tông ra lời dụ với Thái bảo Lê Cảnh Huy khi chuẩn bị đi đàm phán giao bang biên giới: “Một thước núi, một tấc sông của ta, lẽ nào lại nên vứt bỏ? Ngươi phải kiên quyết tranh biện, chớ cho họ lấn dần… Nếu ngươi dám đem một thước, một tấc đất của Thái tổ làm mồi cho giặc, thì tội phải tru di!”(3).

Trong thời kỳ Tây Sơn, sau khi đại phá quân Thanh, Quang Trung đã nhanh chóng cử sứ giả sang phương Bắc để làm hòa, nói rõ rằng nước Nam chỉ bảo vệ bờ cõi của mình, Tây Sơn “không lấn sang biên giới”. Đồng thời, khẳng định nếu nhà Thanh động binh xâm lược lần nữa thì quân dân ta kiên quyết chống lại. Nhờ thực hiện tốt các hoạt động đấu tranh ngoại giao, nhà Thanh phải công nhận nền độc lập của nước Nam; trả lại 7 châu xứ Hưng Hóa đã chiếm trước đó; đồng thời, tôn trọng chủ quyền và văn hóa nước Nam trong quan hệ hai nước.

Lễ hội gò Đống Đa, kỷ niệm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa tại quận Đống Đa (Hà Nội)_Ảnh: Tư liệu

Lợi ích quốc gia - dân tộc chính là độc lập, chủ quyền của đất nước. Ông cha ta đã ứng xử hết sức linh hoạt, khéo léo, vừa khẳng định độc lập, chủ quyền, vị thế của đất nước, không để cho bên ngoài can thiệp vào công việc nội bộ, vừa giữ hòa khí với nước láng giềng để đất nước được yên bình và phát triển ổn định.

Đón tiếp sứ giả mang chiếu thư đến Kinh đô Hoa Lư, vua Lê Đại Hành đã tổ chức đãi tiệc để cho sứ giả thấy sự chan hòa của nhà vua nước Việt. Nhưng khi bị yêu cầu phải quỳ lạy tiếp chiếu, vua Lê Đại Hành đã kiên quyết và khéo léo từ chối. Vào đời nhà Trần, vua Trần Thái Tông cũng tiếp nối nguyên tắc từ chối lạy chiếu thư. Nguyên sử ghi lại lý do rằng: “Phàm nhận chiếu, cứ để yên nơi chính điện, còn Vua thì lui tránh về điện riêng. Đó là điển lệ cũ của nước chúng tôi”(4).

Để bảo vệ được chủ quyền, độc lập dân tộc, ông cha ta đã phải nhẫn nại như thế. Đặt lợi ích quốc gia - dân tộc lên trên hết là nguyên tắc tạo nên sự đồng thuận giữa nhân dân và những người lãnh đạo, là kim chỉ nam dẫn dắt dân tộc Việt Nam xuyên suốt những thăng trầm của lịch sử.

Hòa mục bên trong, hòa hiếu bên ngoài là bản sắc của ngoại giao Việt Nam và “trong xưng đế, ngoài xưng vương” là một trong những chính sách mà các triều đại phong kiến nước ta đã vận dụng để xử lý quan hệ của đất nước với nước láng giềng. Yêu chuộng hòa bình, tinh thần hòa hiếu, hữu nghị vốn là những đức tính cao đẹp của người Việt Nam. Điều này được đúc kết thành thuật trị nước để bảo đảm “trong ấm, ngoài êm”. Trần Hưng Đạo đã viết trong Binh thư yếu lược: “Hòa mục là đạo rất hay trong việc trị nước hành binh. Hòa ở trong nước thì ít phải dùng binh, hòa ở ngoài biên thì không sợ báo động”. Trần Hưng Đạo đã chủ động gạt bỏ hiềm khích gia đình để trọn đạo vua - tôi và hóa giải mâu thuẫn cá nhân với Trần Quang Khải để tạo sự đoàn kết chống giặc ngoại xâm. Bàn về bài học sức mạnh Đại Việt sau ba lần chiến thắng chống giặc Nguyên Mông xâm lược, Trần Hưng Đạo đã nhận định, đó là “vua tôi đồng lòng, anh em hòa thuận, cả nước ra sức”.

Hòa mục không có nghĩa là khuất phục, mà là sự thức thời trong việc định vị nước Việt ở vị trí chiến lược trong khu vực, phù hợp với tương quan thế và lực mỗi thời kỳ. Muốn bảo vệ lợi ích của quốc gia thì phải hòa mục. Phan Huy Chú đã đúc kết từ trong lịch sử: “Trong việc trị nước, hòa hiếu với láng giềng là việc lớn”. Do đó, các triều đại phong kiến Việt Nam trong lịch sử thường thực hiện chính sách “trong xưng đế, ngoài xưng vương”. “Ngoài xưng vương” là thể hiện sự hòa hiếu với nước lớn phương Bắc, “trong xưng đế” là thể hiện ý thức độc lập, tự cường và bản lĩnh bất khuất của dân tộc. Đó được coi là chiến lược ngoại giao xuyên suốt của một nước Việt nhỏ, sát cạnh một nước phương Bắc lớn.

Đơn cử như, vào thời kỳ nhà Mạc, trong tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”, vua Mạc Đăng Dung đã chủ động thoái vị một cách mềm mỏng, khéo léo để tránh việc nhà Minh đem quân sang xâm lược nước Đại Việt: “Bỏ xưng tiếm hiệu (không xưng hoàng đế); xin theo lịch chính sóc (lịch của nhà Minh); trả lại đất bốn động đã chiếm; xin nội thuộc xưng thần; xin hàng năm ban lịch Đại Thống (lịch của nhà Minh) và bù đủ các lễ vật tiến cống hàng năm”(5). Nhờ đó, quân thù không đặt chân đến đất nước, mà nhà Mạc vẫn xưng hoàng đế, vẫn làm chủ nước Đại Việt(6).

Trong truyền thống và bản sắc ngoại giao Việt Nam, chiến lược “dùng ngòi bút thay giáp binh”- ngoại giao tâm công, lấy lẽ phải, chính nghĩa để thuyết phục lòng người là một triết lý quan trọng, có giá trị quyết định. Cùng với tinh thần yêu nước và đoàn kết, chính nghĩa luôn là sức mạnh của dân tộc Việt Nam. Ông cha ta hết sức coi trọng việc giương cao ngọn cờ chính nghĩa trong đấu tranh ngoại giao nhằm thu hút sự ủng hộ của nhân dân, chống những luận điệu sai trái của kẻ thù, để thế giới hiểu rõ về công cuộc dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. Anh hùng dân tộc, nhà tư tưởng, nhà văn, nhà thơ Nguyễn Trãi đã đúc kết đấu tranh sao cho “hợp trời, thuận người”, nên có thể “lấy yếu chống mạnh”, “lấy ít địch nhiều”, “lấy đại nghĩa thắng hung tàn”, “lấy chí nhân thay cường bạo”.

Ông cha ta cũng sử dụng linh hoạt, khéo léo phương châm ngoại giao “dùng ngòi bút thay giáp binh”. Với sứ thần có học thức, giỏi văn thơ như Lý Giác, vua Lê Đại Hành có cách ứng xử rất văn hóa, dùng thơ đối thơ, dùng nghĩa tình đãi nghĩa tình. Với sứ thần có thái độ hống hách như Tống Cảo, ông dùng đối sách mạnh, biểu dương sức mạnh nước Đại Việt(7). Tiếp nối truyền thống ấy, gần 300 năm sau, Thượng tướng Thái sư Trần Quang Khải vẫn ân cần làm thơ tống tiễn Sài Thung - một viên sứ thần ngạo mạn của phương Bắc về nước, bằng những lời rất nhã nhặn: “Biết đến khi nào cùng gặp lại/ Cầm tay bày tỏ nỗi niềm tây!”(8).

Nguyễn Trãi đã gửi hàng chục bức thư khẳng định rõ tính chính nghĩa của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn (1418 - 1427), tinh thần nhân đạo của nhân dân ta, khẳng định sự thất bại tất yếu của quân xâm lược, làm cho giặc hoang mang, tự biết con đường duy nhất là phải chịu hòa mà rút về. Đánh giá về Nguyễn Trãi, Phan Huy Chú viết: “Quân trung từ mệnh tập có sức mạnh của mười vạn quân”(9).

Trước khi ra lệnh xuất quân ra Bắc, đại phá quân Thanh, Vua Quang Trung đã suy tính trước: “Quân Thanh sau khi thua, tất lấy làm xấu hổ, quyết không muốn hòa hiếu. Nhưng, hai nước đánh nhau, cũng không phải là phúc cho dân. Nên nay, chỉ có người nào khéo về giấy tờ (giỏi thương lượng, đàm phán), mới có thể ngăn được họa binh đao. Việc ấy, cần nhà ngươi (Ngô Thì Nhậm) chủ trương lấy”(10). Cuối cùng, sự việc diễn ra đúng như vậy.

Kiên quyết, kiên trì, vừa đánh vừa đàm, biết thắng từng bước để đạt thắng lợi cuối cùng, cũng là một trong những bản sắc truyền thống nổi bật của ngoại giao Việt Nam. Trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, do đặc điểm là quốc gia nhỏ, Việt Nam liên tục phải đấu tranh, đương đầu với các đế chế hùng mạnh gấp nhiều lần, luôn lăm le xâm chiếm..., do đó, cần biết thắng từng bước để đạt thắng lợi cuối cùng.

Đánh kết hợp với đàm là một bài học lớn của ông cha ta. Cùng với đấu tranh quân sự, ông cha ta đã vận dụng hết sức linh hoạt, hiệu quả các chính sách ngoại giao mềm dẻo, khôn khéo; nhưng kiên quyết, khẳng định tư duy, trí tuệ, khí phách của một dân tộc không chịu khuất phục, không chịu làm chư hầu, lệ thuộc, để giữ yên bờ cõi.

Tiêu biểu là thời kỳ nhà Lý. Để ngăn chặn mưu đồ mở rộng lãnh thổ của nhà Tống, vua Lý Nhân Tông đề cao cảnh giác, kết hợp nhiều hình thức đấu tranh ngoại giao, như bang giao chính thức thông qua các sứ bộ, giao dịch buôn bán, trao đổi ở khu vực biên giới và tổ chức các hoạt động định biên, thống nhất biên giới; chủ động cử sứ giả sang nhà Tống cầu phong, xin kinh Đại tạng, thậm chí chấp nhận cống nạp, làm phiên thần để đạt được mục đích quốc gia - dân tộc, bảo vệ cương vực, lãnh thổ. Hoạt động đấu tranh ngoại giao trong thời kỳ nhà Lý, nhất là các chính sách bang giao mềm dẻo không chỉ làm giảm bớt căng thẳng, ngăn chặn ý định xâm lược Đại Việt của nhà Tống, mà còn đòi lại được vùng đất Quảng Nguyên (Thuận Châu) vào năm 1079(11).

Đặc biệt, trong thời kỳ nhà Trần, mặc dù ba lần đánh bại quân xâm lược Nguyên - Mông, bảo vệ vững chắc biên cương phía Bắc, vua Trần vẫn kiên trì thực hiện chính sách ngoại giao mềm dẻo với nhà Nguyên để ngăn ngừa âm mưu tái xâm lược nước ta, giữ vững chế độ nhà Trần trong 175 năm.

Tư duy “biết thắng” thể hiện qua tâm thế hành xử của ông cha ta đối với sự thất bại của kẻ xâm lược. Xác định mục tiêu bất biến là “Chỉ cần vẹn đất, cốt sao an ninh” và “mở nền thái bình muôn thuở”, Nguyễn Trãi khẳng định rõ đường lối của nước Đại Việt sau khi Lê Lợi đánh thắng quân Minh: “Nghĩ vì kế lâu dài của nhà nước; Tha kẻ hàng mười vạn sĩ binh; Sửa hòa hiếu cho hai nước; Tắt muôn đời chiến tranh”(12).

Có thể thấy, những chính sách trên thể hiện sâu sắc văn hóa ứng xử nhân văn, nghệ thuật ngoại giao “kiên quyết, kiên trì”, “biết người, biết ta”, “biết thời, biết thế”, “cương nhu kết hợp”, “tiến lúc mạnh, thoái lúc yếu”, “khoan hòa, linh hoạt” của cha ông ta trong lịch sử.

Ngoại giao Việt Nam luôn vì sự phát triển phồn vinh của dân tộc. Trong lịch sử dân tộc Việt Nam, các hoạt động ngoại giao không chỉ phục vụ mục đích chính trị, quân sự, đấu tranh giữ vững độc lập, tự chủ của dân tộc, bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ đất nước, bảo toàn thể diện quốc gia, kiến tạo hòa bình cho dân tộc, mà còn góp phần mở rộng các mối quan hệ giao lưu thương mại, tiếp nhận những giá trị tinh hoa văn hóa của nhân loại.

Các sứ thần nước Đại Việt đã góp phần mở rộng các mối quan hệ giao lưu thương mại, văn hóa không chỉ với Trung Quốc mà còn với các quốc gia láng giềng khác, như Champa (Chiêm Thành), Java (Trảo Oa), Xiêm và các quốc gia láng giềng trên biển. Lịch sử ghi nhận ngay từ thời kỳ nhà Đinh, nước Đại Việt đã có các tàu, thuyền giao lưu buôn bán hàng hóa với nước ngoài; nhà Tiền Lê đã lập chốt buôn bán hàng hóa với Trung Quốc. Hàng hóa của nước Đại Việt được giới thiệu ra nước ngoài không chỉ bằng buôn bán thuần túy, mà còn theo hình thức cống nạp trực tiếp của các sứ bộ hoặc các thương nhân đi tham gia các đoàn ngoại giao ra nước ngoài (13).

Các sứ thần Đại Việt đều là những người trí thức danh tiếng, các bậc hiền tài, được vua tuyển chọn cẩn thận và tin dùng. Tiêu biểu là Mạc Đĩnh Chi, Lương Thế Vinh, Phùng Khắc Khoan, Lê Quý Đôn, Ngô Thì Nhậm, Phan Huy Ích,… có sứ mệnh ghi chép lại những kinh nghiệm hay, cách làm tốt của nước bạn và cả những kiến thức về quản trị quốc gia, quản lý nhà nước, những giá trị văn hóa tiến bộ của các quốc gia, để tham khảo trong quá trình xây dựng nước Đại Việt.

Đó là những tấm gương như Lương Như Hộc (1420 - 1501), qua hai lần đi sứ phương Bắc đã tiếp thu nhiều kỹ thuật in khuôn bản gỗ, giúp nghề in nước ta phát triển(14). Hay như Lê Công Hành đi sứ năm 1646, đã mang về kinh nghiệm làm nghề thêu và lọng. Tương truyền, khi đó ông bị nhốt trên lầu cao ở nước bạn, đã tỉ mẩn dỡ từng đường chỉ thêu trên tấm nghi mô mà học được nghề này(15). Trạng Bùng Phùng Khắc Hoan được cử đi sứ hai lần vào các năm 1597 và 1606, khi đã gần 70 tuổi. Ông đã mang về nước Việt kỹ thuật dệt lụa và bí mật mang về hạt giống “ngọc mễ” (hạt ngô sau này).

Ngoại giao thời đại Hồ Chí Minh: Nền tảng cốt lõi của bản sắc ngoại giao Việt Nam hiện đại

Lịch sử Việt Nam thời hiện đại có bước chuyển giai đoạn quyết định vào năm 1945 với sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Từ một nước thuộc địa nửa phong kiến, Việt Nam chính thức trở thành một quốc gia độc lập, thống nhất. Là Bộ trưởng Ngoại giao đầu tiên của Nhà nước Việt Nam hiện đại, Chủ tịch Hồ Chí Minh là người đã đặt nền móng, trực tiếp chỉ đạo và dẫn dắt sự phát triển của nền ngoại giao cách mạng của nước Việt Nam hiện đại(16).

Tư tưởng Hồ Chí Minh về ngoại giao là một hệ thống quan điểm về các vấn đề quốc tế, chiến lược, sách lược cách mạng Việt Nam trong quan hệ với thế giới(17). Tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh là một bộ phận hợp thành tư tưởng Hồ Chí Minh, được hình thành trước hết từ con người Hồ Chí Minh, được hun đúc, kết tinh từ quá trình đi tìm đường cứu nước, giải phóng dân tộc, đến tổ chức và lãnh đạo cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, xây dựng chính quyền dân chủ nhân dân và xã hội chủ nghĩa.

Đặc biệt, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tìm thấy chủ nghĩa Mác - Lê-nin như một “cẩm nang thần kỳ” để giải phóng dân tộc. Đó là bước ngoặt cơ bản tạo nên sự phát triển về chất của tư tưởng Hồ Chí Minh. Nền tảng tư tưởng của chủ nghĩa Mác - Lê-nin tiếp tục được Đảng và Nhà nước, nhân dân Việt Nam trau dồi, học tập và phát triển, là kim chỉ nam cho đường lối đối ngoại Việt Nam, nhằm phát triển đất nước trên con đường độc lập dân tộc gắn với chủ nghĩa xã hội. Trong đó, quan trọng nhất là phương pháp luận mác-xít, chủ nghĩa duy vật lịch sử, phép duy vật biện chứng… cùng quan điểm toàn diện, hệ thống để tiếp cận các vấn đề quốc tế và giải quyết mối quan hệ giữa Việt Nam với quốc tế.

Nhân dân Bulgaria nhiệt liệt chào đón Chủ tịch Hồ Chí Minh sang thăm hữu nghị nước Cộng hòa Bulgaria (tháng 8-1957)_Nguồn: hochiminh.vn

Có thể thấy rõ những nội hàm cơ bản của tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh đều bắt nguồn từ triết lý và truyền thống ngoại giao của ông cha ta. Trong đó, phải kể đến là mục tiêu độc lập dân tộc, tinh thần hòa hiếu, hữu nghị, dùng ngoại giao để đẩy lùi xung đột… Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đưa những giá trị đó lên tầm cao mới khi gắn với thực tiễn của thế giới, để đưa Việt Nam hòa nhập vào dòng chảy của thời đại. Người chủ trương độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, tự lực, tự cường gắn với đoàn kết quốc tế, phát huy sức mạnh dân tộc gắn với sức mạnh của thời đại. Tư tưởng này được thể hiện rõ trong sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với cách mạng dân tộc, trong ứng xử với các nước trên thế giới để bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc, đưa cách mạng Việt Nam đến thắng lợi.

Bên cạnh những nội hàm về tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh, nội dung không kém phần quan trọng trong phương pháp ngoại giao Hồ Chí Minh, thể hiện phong cách và nghệ thuật ngoại giao Hồ Chí Minh là các bài học về dự báo thời cơ và nắm bắt thời cơ, “dĩ bất biến ứng vạn biến”, “ngũ tri”, “hòa để tiến”, “phân hóa kẻ thù”... Tất cả đều bắt nguồn và được phát triển từ những triết lý, truyền thống và nghệ thuật ngoại giao của ông cha ta.

Lịch sử không chỉ xác nhận vai trò của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với vận mệnh dân tộc Việt Nam, mà còn đối với cả phong trào giải phóng dân tộc trên toàn thế giới. Chủ tịch Hồ Chí Minh là người chiến sĩ xuất sắc, đấu tranh suốt đời cho hòa bình, hữu nghị giữa các dân tộc. Năm 1987, Đại hội đồng Tổ chức Giáo dục, Khoa học, Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) đã thông qua Nghị quyết kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh là “Anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa kiệt xuất”. Nghị quyết tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thể hiện sự công nhận rộng rãi của cộng đồng quốc tế đối với những đóng góp to lớn của Người vào sự nghiệp đấu tranh chung trên thế giới trước áp bức, bất công, vì độc lập dân tộc và tiến bộ xã hội(18).

Xuất phát từ tư tưởng, tầm nhìn chiến lược đến những sách lược, quyết sách táo bạo, khôn khéo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng Cộng sản Việt Nam đã đưa cách mạng nước ta vượt qua nhiều tình huống khó khăn, hiểm nghèo, “ngàn cân treo sợi tóc”, từ những ngày đầu giành chính quyền, bảo vệ chính quyền cách mạng non trẻ, đến công cuộc kháng chiến thành công trước thực dân, đế quốc, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc ngày nay.

Có thể khẳng định, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nâng tầm bản sắc ngoại giao Việt Nam, giúp bản sắc ngoại giao Việt Nam có được sức mạnh mới. Chủ nghĩa Mác - Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh chính là nền tảng tư tưởng cho tư duy đối ngoại của Đảng Cộng sản Việt Nam, là ngọn hải đăng và kim chỉ nam để Đảng ta dẫn dắt cách mạng Việt Nam giành thắng lợi, đồng thời đưa đất nước phát triển phồn vinh, hạnh phúc, hội nhập toàn diện, sâu rộng trong thời kỳ đổi mới.

Phát huy giá trị trường tồn của bản sắc ngoại giao Việt Nam trong bối cảnh mới

Cùng với quá trình tiến hành công cuộc đổi mới toàn diện, đồng bộ, trong 35 năm qua, Việt Nam luôn kiên trì thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ đối ngoại; kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng. Đó là sự kết hợp, kế thừa và phát huy những triết lý truyền thống ngoại giao của ông cha ta về độc lập, tự chủ, hòa hiếu, chính nghĩa, vì lợi ích quốc gia - dân tộc… dưới ánh sáng mang tầm thời đại của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh.

Đại hội XIII (tháng 1-2021) của Đảng đã quyết sách những vấn đề quan trọng cho sự phát triển của đất nước trong thời gian tới, đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới để phát triển đất nước phồn vinh và hạnh phúc. Đại hội nhấn mạnh tầm quan trọng của bản sắc Việt Nam, phát huy nhân tố con người và khát vọng phát triển đất nước. Đại hội đã đặt ra yêu cầu đối với nền ngoại giao Việt Nam phải trở thành nền ngoại giao toàn diện, hiện đại với sứ mệnh lịch sử là đi tiên phong trong việc mở ra vận hội phát triển mới cho đất nước(19).

Để thực hiện thành công những định hướng được Đại hội XIII của Đảng xác định, ngoại giao Việt Nam phải kế thừa truyền thống ngoại giao của ông cha và phát huy cao độ những bản sắc cốt lõi của ngoại giao Việt Nam, luôn phục vụ lợi ích quốc gia - dân tộc, trên cơ sở phù hợp với các giá trị phổ quát của nhân loại và hài hòa với lợi ích chính đáng của các đối tác.

Bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo thống nhất của Đảng, sự quản lý tập trung của Nhà nước đối với các hoạt động đối ngoại và hội nhập. Xây dựng nền ngoại giao toàn diện, hiện đại với ba trụ cột là đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước và đối ngoại nhân dân. Tiếp tục phát huy vai trò tiên phong của đối ngoại trong việc tạo lập và giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, huy động các nguồn lực bên ngoài để phát triển đất nước, nâng cao vị thế và uy tín của đất nước.

Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc thăm nhà truyền thống của ngành ngoại giao tại Lễ kỷ niệm 75 năm Ngày thành lập ngành Ngoại giao Việt Nam (28-8-1945 - 28-8-2020)_Ảnh: TTXVN

Nhìn lại lịch sử hàng nghìn năm của dân tộc, ngoại giao Việt Nam luôn đồng hành cùng dân tộc trong công cuộc dựng nước và giữ nước. Bản sắc ngoại giao Việt Nam là bản lĩnh được tôi rèn qua trường kỳ vất vả và gian lao. Bản sắc đó đã góp phần giúp dân tộc Việt Nam vượt qua những thời khắc cam go nhất, để rồi “nhật - nguyệt hối mà lại minh, càn - khôn bĩ mà lại thái” - như Nguyễn Trãi đã viết trong Bình Ngô Đại cáo.

Những ngày này, toàn Đảng, toàn quân và toàn dân đang kiên cường, đoàn kết nỗ lực nhằm vượt qua thử thách của dịch bệnh COVID-19, ngoại giao Việt Nam đang là “mũi chủ công” tham mưu triển khai trên mặt trận “ngoại giao vaccine”. Sự hợp tác và ủng hộ hết lòng của bạn bè quốc tế đối với Việt Nam trong công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 là một minh chứng sinh động cho bản sắc, đường lối ngoại giao sáng tạo, đúng đắn của chúng ta.

Trong một thế giới bất ổn và biến động không ngừng, ngoại giao - đối ngoại cùng với quốc phòng - an ninh là lực lượng tiên phong, trọng yếu, thường xuyên trong bảo vệ Tổ quốc “từ sớm, từ xa”, gìn giữ môi trường hòa bình, ổn định, tạo những điều kiện thuận lợi nhất để phục vụ phát triển đất nước. Để thực hiện được sứ mệnh đó, ngoại giao đã và đang phát huy những giá trị truyền thống và hiện đại của bản sắc ngoại giao Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh, hết lòng, hết sức đóng góp cho sự phát triển và trường tồn của dân tộc./.

Giành dân, giữ đất, bảo vệ giới tuyến

      Hội nghị Genève về chấm dứt chiến tranh ở Đông Dương được các bên tham gia ký kết vào ngày 20-7-1954 với việc chọn vĩ tuyến 17 làm giới tuyến quân sự tạm thời. Trong khi ở dưới xuôi, các lực lượng gấp rút tiến hành những công việc để nhanh chóng thực hiện những nội dung ghi trong Hiệp định thì trên vùng biên giới Cù Bai, Hướng Lập, kẻ địch vẫn ra sức tuyên truyền, kích động người dân bỏ bản vào ở trong rừng, cấu kết với bọn phỉ Lào, tung lực lượng lấn chiếm giới tuyến, biên giới, gây cho ta vô vàn khó khăn trong công tác triển khai các biện pháp bảo vệ giới tuyến theo Hiệp định Genève trên miền biên viễn phía Tây.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Công an nhân dân vũ trang Cù Bai hướng dẫn bà con dân tộc Vân Kiều ở xã Hướng Lập trồng cây lúa nước. Ảnh: Tư liệu

Ngay sau khi Hiệp định Genève có hiệu lực thì vùng đất Hướng Lập được ví như một “ngã ba” biên giới vì là vị trí giáp với Lào, chính quyền Sài Gòn và Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Hiệp định Genève được triển khai, cũng là lúc người dân Vân Kiều trên vùng đất Cù Bai, Hướng Lập sống trong nỗi hoang mang lo lắng tột độ, họ không biết mình sẽ thuộc về chính quyền nào quản lý trước những luận điệu xuyên tạc của bọn phản động Phái hữu Lào. Nguy hiểm hơn, chúng còn dùng bản đồ Đông Dương do thực dân Pháp vẽ để xuyên tạc vùng đất Cù Bai, Hướng Lập một phần nằm ở phía Nam giới tuyến sẽ chịu sự quản lý của chính quyền Sài Gòn, một phần là đất của Lào nên nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa không có quyền gì trên vùng đất này.

Đầu năm 1955, Mỹ - Diệm đã đưa quân đến vùng đất Cù Rừng thuộc xã Hướng Lập, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị ngày nay và trắng trợn tuyên bố “Từ Cù Rừng đến Cù Bai thuộc xã Hướng Lập là đất của chính quyền Ngô Đình Diệm”. Hoang mang trước những lời tuyên truyền xuyên tạc của kẻ thù, người dân ở các bản thuộc xã Hướng Lập, trong đó có cả những đảng viên Đảng Cộng sản Đông Dương cũng dao động nên dắt díu nhau vào tá túc trong những hang đá tận rừng sâu.

Trước tình hình vô cùng bức thiết cùng quyết tâm giành dân, giữ đất, kiên quyết đấu tranh không khoan nhượng với kẻ địch để bảo vệ an toàn giới tuyến phía Tây và biên giới, tháng 6-1955, Đảng ủy Khu Vĩnh Linh cử một phân đội gồm 7 đồng chí thuộc Đại đội 354, Công an bảo vệ giới tuyến do đồng chí Trần Đồng chỉ huy và đồng chí Hồ Ai dẫn đường đã hành quân từ Hồ Xá lên Cù Bai, Hướng Lập nghiên cứu tình hình và tìm dân để đưa họ trở về bản cũ làm ăn sinh sống.

Do bị kẻ xấu xuyên tạc nên người dân mỗi khi nhìn thấy cán bộ của ta là họ bỏ chạy vào rừng sâu hoặc không cho cán bộ vào bản và ghé nhà mình. Song, với sự hỗ trợ, giúp đỡ của già làng Hồ Tơ và Hồ Cưng cùng sự kiên trì, bền bỉ của các thành viên trong đoàn công tác, cuối cùng, các anh cũng tiếp cận được với người dân và dùng tiếng nói của họ để tuyên truyền, vận động. Hễ tiếp xúc với người nào là các anh đều tặng cho họ một tấm ảnh Bác Hồ cùng với muối và thuốc chữa bệnh nên dần dần, người dân đã nghe theo và trở về bản cũ.

Cán bộ Đồn Công an nhân dân vũ trang Cù Bai giúp nhân dân dựng nhà mới để lập bản định canh, định cư. Ảnh: Tư liệu

Sau hàng chục lần xuyên tạc, lôi kéo người dân, lấn chiếm giới tuyến bị thất bại, cuối năm 1958, chính quyền Mỹ - Diệm đã xúi giục bọn phản động Phái hữu Lào đưa quân ra áp sát biên giới, lấn chiếm đất, giành dân với mưu đồ lấy xã Hướng Lập về với Lào. Chúng tăng cường thêm quân, vũ khí, lập ra nhiều đồn, bốt dọc biên giới từ Rà Cồ đến Ra Mai và bắt người dân phải đi theo chúng để gây khó khăn cho ta trong việc tiếp tế lương thực, đạn dược, vũ khí từ đồng bằng lên miền núi cho các lực lượng bảo vệ biên giới - giới tuyến đóng giữ ở Hướng Lập. Thời gian này, trên hơn 25km biên giới Việt - Lào và khu vực giới tuyến phía Tây hết sức căng thẳng, địch ra sức lấn chiếm đất đai, giành dân, xuyên tạc đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước ta, gây mất ổn định tình hình ở biên giới.

Phía ta, dù lực lượng mỏng, song vẫn kiên quyết bám địa bàn, vận động nhân dân, tổ chức lực lượng du kích của các bản chiến đấu chống địch lấn chiếm. Mỗi ngày, lực lượng của ta nhận được từ 3-4 tối hậu thư từ bọn phản động Phu Mi gửi sang yêu cầu ta phải rút quân về xuôi. Mặc dù vậy, lực lượng của ta vẫn giữ vững tinh thần, kiên quyết đánh trả mọi hành động xâm lấn của chúng. Để đối phó với tình hình lúc bấy giờ, đoàn công tác tích cực xây dựng, củng cố hệ thống chính trị tại địa phương bằng việc báo cáo cấp trên xin thành lập một chi bộ Đảng gồm 5 đồng chí là đảng viên Đảng Cộng sản Đông Dương trước đây để làm nhân tố lãnh đạo các phong trào của địa phương cũng như vận động người dân định canh, định cư, chiến đấu giữ bản.

Đầu năm 1959, được sự chi viện về quân số từ Khu Vĩnh Linh và lương thực, thực phẩm, vũ khí, thuốc men... của quân và dân tỉnh Quảng Bình, lực lượng bảo vệ biên giới, giới tuyến khu vực Cù Bai, Hướng Lập đã đủ sức mạnh để trấn giữ biên cương ổn định. Năm 1960, ta tổ chức tiến công tiêu diệt 4 đồn Chiềng Túp, Ra Mai, Bản Na, Rà Cồ và bức rút một số đồn bốt khác của bọn phản động Phu Mi, ngụy quân Sài Gòn đóng dọc biên giới, giới tuyến, mở rộng vùng giải phóng và hành lang chiến lược từ Bắc vào Nam, tạo thế và lực cho cách mạng miền Nam phát triển.

Công cuộc giành dân, giữ đất, đấu tranh với kẻ thù để bảo vệ biên giới, giới tuyến của lực lượng bảo vệ giới tuyến và cán bộ, chiến sĩ Đồn Công an nhân dân vũ trang Cù Bai (nay là Đồn Biên phòng Hướng Lập) là cuộc đấu tranh đầy cam go, quyết liệt.

Địa bàn xã Hướng Lập thời điểm ấy rất khó khăn, cuộc sống người dân thiếu thốn mọi bề, lại bị kẻ thù gieo rắc tâm lý kỳ thị dân tộc, có ác cảm với người Kinh... Nhưng với tinh thần vì dân, cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân vũ trang đã không ngại gian khổ, tìm đến dân, cùng ăn, cùng ở, cùng làm, sẻ chia cho dân từng bát gạo, hạt muối, viên thuốc, kiên trì bám dân, vận động họ dựng làng, lập bản, đấu tranh chống địch lấn chiếm, trồng lúa nước để đảm bảo nguồn lương thực phục vụ cho nhiệm vụ chiến đấu.

Đồn Công an nhân dân vũ trang Cù Bai đã phối hợp cùng các đơn vị bộ đội chủ lực chiến đấu, bảo vệ vững chắc biên giới, giới tuyến khu vực Cù Bai, Hướng Lập, đồng thời, mở tuyến vận tải đường mòn Hồ Chí Minh để chi viện sức người, sức của cho chiến trường miền Nam và cả nước bạn Lào đánh thắng kẻ thù xâm lược, thống nhất Tổ quốc.

NGƯỜI BẢO VỆ

Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến văn hóa, lối sống người dân Việt Nam

Tác động mạnh mẽ, toàn diện và sâu sắc của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư trên mọi phương diện chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội đã khiến hầu hết các quốc gia trên thế giới phải điều chỉnh, định hướng lại chiến lược phát triển, hướng trọng tâm đầu tư vào khoa học - công nghệ, đồng thời có chính sách bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa dân tộc.

Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư ảnh hưởng sâu rộng đến hầu hết các lĩnh vực trong đời sống xã hội (Trong ảnh: Các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng phát triển)_Nguồn: Tỉnh đoàn Quảng Ninh

Về mặt khái niệm, đã có rất nhiều định nghĩa về “văn hóa”, nhưng nhìn chung đều xoay quanh một số điểm: Văn hóa bao gồm cả văn hóa tinh thần và văn hóa vật chất; là sự hướng tới các giá trị chân - thiện - mĩ; có tính hệ thống chặt chẽ... Bên cạnh chức năng giao tiếp, giao lưu, văn hóa còn tác động đến xã hội, có ý nghĩa giáo dục con người, định hình nên bản sắc dân tộc. Đối với khái niệm “lối sống”, đây là những hành vi được lặp đi lặp lại, trở thành nét đặc trưng, điển hình của mỗi cá nhân; phản ánh thế giới quan và được thể hiện thông qua thái độ của cá nhân đối với các vấn đề trong đời sống xã hội.

Sự biến đổi văn hóa, lối sống diễn ra do nhiều tác động khác nhau trong mỗi thời kỳ, giai đoạn lịch sử. Trong thời đại cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, khoảng cách về không gian địa lý được thu hẹp tối đa. Điều đó đồng nghĩa với việc mối giao lưu, quan hệ giữa con người với con người được mở rộng. Các cộng đồng, các dân tộc, các nền văn hóa xích lại gần nhau hơn. Trong mỗi cộng đồng, văn hóa, lối sống của các cá nhân cũng chịu tác động, ảnh hưởng lẫn nhau. Sự đan xen này trực tiếp góp phần thúc đẩy sự đa dạng văn hóa, nhưng cũng làm phát sinh tình trạng văn hóa lai căng khiến việc bảo vệ bản sắc trong đa dạng văn hóa trở thành nhiệm vụ không dễ dàng của mọi quốc gia, dân tộc.

Trong mọi lĩnh vực, các cuộc cách mạng đều bao hàm sự thay đổi cơ bản về chất, có tính đột biến, sâu sắc và triệt để, theo hướng tiến bộ. Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã làm cho tri thức được vốn hóa, thâm nhập sâu vào nền sản xuất vật chất, vào mọi “ngõ ngách” của đời sống con người, làm thay đổi lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất. Quá trình này diễn ra nhanh chóng trong thời gian ngắn và làm biến đổi nhiều đặc điểm văn hóa, lối sống của con người ở nhiều quốc gia - dân tộc, trong đó có Việt Nam.

Việt Nam có 54 dân tộc anh em, mỗi dân tộc lại mang những nét văn hóa đặc sắc riêng. Do vị trí địa lý đặc biệt, sự giao lưu văn hóa của Việt Nam diễn ra phong phú, mạnh mẽ từ hàng nghìn năm trước. Trong thời kỳ cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, nền văn hóa, lối sống con người Việt Nam tiếp tục có những biến đổi. Tuy nhiên, đó không chỉ là sự biến đổi do tiếp biến từ các nền văn hóa khác, mà phức tạp hơn là sự tự biến đổi ngay từ bên trong nội tại nền văn hóa theo cả chiều hướng tích cực và tiêu cực khi nó đi lệch các giá trị văn hóa chuẩn mực.

Trong bất kỳ xã hội nào, các quy định của pháp luật đều không thể điều chỉnh được hết các vấn đề trong đời sống thường ngày. Cùng với pháp luật, con người còn bị ràng buộc bởi các quy tắc bất thành văn, như đạo đức, văn hóa, lối sống, ứng xử... Tựu chung lại, đó chính là những yếu tố tạo nên cấu trúc văn hóa của mỗi dân tộc. Những quy tắc này không có sức mạnh như các quy định quy phạm pháp luật, nhưng lại có vai trò quan trọng trong việc điều chỉnh hành vi con người, được con người tôn trọng, tự giác tuân thủ. Vì vậy, khi các quy tắc bất thành văn này có nguy cơ biến đổi theo chiều hướng tiêu cực hoặc bị phá vỡ thì lối sống con người, đạo đức xã hội, văn hóa của một dân tộc sẽ bị đe dọa.

Phủ sóng về bản làng vùng cao_Ảnh: Tư liệu

Một số tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến văn hóa, lối sống người dân

Làm thay đổi môi trường sinh hoạt, môi trường làm việc, hình thức giao tiếp, ứng xử của cá nhân

Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư ảnh hưởng sâu rộng đến hầu hết các lĩnh vực trong đời sống xã hội, không loại trừ lĩnh vực văn hóa, cũng như con người - vốn là đối tượng chủ thể của các quan hệ xã hội, là hiện thân của văn hóa, là “bộ nhận diện” văn hóa của từng dân tộc. Thành quả của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã tác động mạnh mẽ đến xu hướng tiêu dùng của người dân, tạo ra một cuộc cách mạng lớn trong quan niệm và thói quen tiêu dùng. Nhờ sự phát triển của mạng internet, thương mại điện tử ra đời đã giúp người tiêu dùng lựa chọn, mua sắm hàng hóa bằng hình thức trực tuyến (ngồi tại nhà lựa chọn sản phẩm trên toàn thế giới qua mạng; thanh toán qua tài khoản điện tử; nhận hàng qua dịch vụ chuyển phát). Thông qua thương mại điện tử, người tiêu dùng Việt Nam tiếp cận gần hơn với thương mại thế giới.

Sự phát triển của khoa học - công nghệ giúp con người có thể làm nhiều loại công việc bằng hình thức làm việc từ xa, không nhất thiết phải đến trụ sở, văn phòng, không phải giao tiếp trực tiếp với đồng nghiệp, cấp trên, thậm chí cả với đối tác... mà vẫn hoàn thành công việc. Đây là những lợi ích to lớn mà khoa học - công nghệ mang lại, nhưng điều này cũng khiến con người trở nên lệ thuộc vào máy tính, điện thoại thông minh, hệ thống mạng internet, khiến con người ít quan tâm đến các mối quan hệ trong cộng đồng, xã hội, thậm chí là cả quan hệ gia đình...

Giao tiếp, ứng xử của con người Việt Nam trước đây chủ yếu qua phương thức trực tiếp và thiên về sự kín đáo, tế nhị, theo khuôn phép, thậm chí còn nghi thức, cầu kỳ, nhưng nay, với tốc độ, nhịp độ sống nhanh hơn, con người có thể thực hiện giao tiếp bằng nhiều cách thông qua mạng internet, như sử dụng zalo, viber, sky, instagram, facebook... Các thành tựu công nghệ này khiến con người bỏ bớt đi những sự rườm rà, giao tiếp, ứng xử nhanh hơn nhưng đồng thời cũng không tránh khỏi hời hợt hơn.

Làm thay đổi hệ giá trị văn hóa chuẩn mực, tạo ra sự xung đột giữa các giá trị văn hóa, lối sống truyền thống với các giá trị văn hóa, lối sống hiện đại

Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư tạo cơ sở thuận lợi cho quá trình giao lưu văn hóa diễn ra mạnh mẽ, đồng thời cũng làm gia tăng sự xung đột giữa nhiều yếu tố, giá trị văn hóa truyền thống và hiện đại khi cái cũ chưa bị mất đi và cái mới (trong đó, có một số yếu tố văn hóa du nhập từ nước ngoài) cũng chưa định hình rõ nét, chưa hoàn toàn được xã hội chấp nhận. Kết luận số 76-KL/TW của Bộ Chính trị, ngày 4-6-2020 về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” đã chỉ ra những hạn chế, bất cập trong xây dựng hệ giá trị văn hóa truyền thống dân tộc và hệ giá trị chuẩn mực của con người Việt Nam thời kỳ mới; chỉ rõ đạo đức, lối sống có mặt xuống cấp đáng lo ngại, môi trường văn hóa có những mặt chưa thực sự lành mạnh… Dưới tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, một số xu hướng, phong cách văn hóa, lối sống mới hình thành đã và đang gây tranh cãi. Đó là sự thay đổi một số quan niệm, thói quen của một bộ phận người dân, từ nặng về duy tình sang duy lý, vị tình sang vị tiền; là xu hướng cho rằng gia đình không còn là trung tâm; các yếu tố mang giá trị vật chất phần nào thay thế cho yếu tố tinh thần, tình cảm; là sự hình thành tư tưởng hoài nghi, chối bỏ các giá trị văn hóa truyền thống, lịch sử dân tộc; là sự băng hoại về đạo đức, sự xuống cấp trong các quan hệ xã hội, đặc biệt là sự lệch lạc về nhận thức, sống thiếu lý tưởng trong một bộ phận giới trẻ; là sự gia tăng khoảng cách các thế hệ trong nhận thức các giá trị văn hóa chuẩn mực... Biểu hiện chung nhất và dễ dàng nhận thấy trong xã hội là những biểu hiện phi văn hóa, phi đạo đức vẫn tồn tại khá phổ biến, trong khi đó, không ít hành vi đẹp, nghĩa cử đẹp ngày càng ít xuất hiện hơn, thậm chí trong một số trường hợp lại trở thành điều lạ lùng trong cuộc sống. Điều này phần nào phản ánh cấu trúc nhân cách trong bản thân mỗi con người đã có sự biến đổi, dẫn đến những xu hướng khác nhau trong nhận thức về hệ giá trị văn hóa chuẩn mực trong đời sống xã hội.

Sự xung đột về văn hóa chủ yếu giữa hai xu hướng: thứ nhất, cho rằng văn hóa truyền thống phải được gìn giữ một cách nguyên trạngthứ hai, cho rằng văn hóa phải luôn có sự tiếp biến, bồi đắp, có sự tiếp nhận những tinh hoa của thời đại. Thực tế, trong nội tại từng xu hướng cũng có những mâu thuẫn, xung đột không dễ gì phân tách. Trong xu hướng thứ nhất, một bộ phận tuyệt đối hóa văn hóa truyền thống, trong khi một bộ phận cho rằng trong xã hội hiện đại có những yếu tố văn hóa mang tính truyền thống không còn phù hợp, nhưng cũng không chấp nhận nó được thay thế bởi văn hóa ngoại lai. Trong xu hướng thứ hai, cũng có sự phân nhóm khi có sự lựa chọn khác nhau về tiếp nhận các giá trị văn hóa thế giới...

Trong bối cảnh đó, chúng ta phải nhận thức, xác định rõ những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp cần bảo vệ và những điểm còn hạn chế để điều chỉnh cho phù hợp. Đất nước sẽ phát triển bền vững khi chúng ta biết gìn giữ, trao truyền bản sắc văn hóa dân tộc, đồng thời biết làm mới mình, tiếp biến các giá trị văn hóa tiên tiến của thế giới, để làm giàu có thêm nền văn hóa dân tộc; “hòa nhập” nhưng tuyệt đối không “hòa tan”.

Tận dụng sự phát triển của các thành tựu khoa học - công nghệ như một điều kiện thuận lợi cho việc lưu giữ, phát triển và truyền bá các giá trị văn hóa dân tộc ra thế giới_Ảnh: Tư liệu

Một số vấn đề đặt ra và giải pháp thời gian tới

Một số vấn đề đặt ra

Một là, sự biến đổi văn hóa của các dân tộc - quốc gia là tất yếu trong quá trình giao lưu, hội nhập. Mức độ biến đổi phụ thuộc vào chính sức mạnh văn hóa và nội lực quốc gia. Nếu có sức mạnh nội sinh lớn thì sự tiếp biến văn hóa diễn ra trên thế chủ động, nếu yếu tố nội sinh yếu, thì sự tiếp biến bị động, các giá trị văn hóa mang bản sắc dân tộc dễ bị mai một, thậm chí bị đồng hóa về văn hóa.

Thực tiễn quá trình tiếp biến văn hóa qua nhiều thời kỳ cho thấy, một số cái bị cho là “biến đổi”, thậm chí “mất đi” (một số nét văn hóa truyền thống), nhưng nếu nhìn nhận ở một khía cạnh khác thì đó chính là sự phát triển, bởi những di sản thực sự là bản sắc văn hóa các dân tộc trên thực tế sẽ không dễ mai một mà luôn có sự vận động, phát triển. 

Hai là, những năm gần đây, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư tác động mạnh mẽ đến mọi mặt đời sống xã hội ở hầu hết các quốc gia trên thế giới, Việt Nam cũng không là ngoại lệ. Việt Nam có cơ hội lớn tiếp thu những giá trị từ nhiều nền văn hóa, nhưng cũng đứng trước những nguy cơ đánh mất bản sắc văn hóa dân tộc. Sự thay đổi trong văn hóa, lối sống là không tránh khỏi, vấn đề là cần hướng sự thay đổi đó theo xu thế tích cực; cần nhìn nhận và tận dụng sự phát triển của các thành tựu khoa học - công nghệ như một điều kiện thuận lợi cho việc lưu giữ, phát triển và truyền bá các giá trị văn hóa dân tộc ra thế giới.

Ba là, cần nhận thức và đánh giá đúng các thách thức lớn đối với nền văn hóa Việt Nam trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư để tìm phương cách vượt qua, hạn chế tác động tiêu cực từ cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến văn hóa, lối sống người dân.

Một số giải pháp thời gian tới

Thứ nhất, tổ chức quán triệt và thực hiện các chủ trương, chính sách về phát triển, tăng cường năng lực ứng dụng các thành tựu của khoa học - công nghệ, về xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Thứ hai, xây dựng chiến lược tổng thể phát triển khoa học - công nghệ quốc gia đồng thời và phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, phù hợp với định hướng giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.

Thứ ba, hoàn thiện hệ thống pháp luật, khắc phục tình trạng luật có nhưng các văn bản dưới luật, nghị định hướng dẫn thi hành lại chậm, thiếu đồng bộ, thiếu cụ thể. Tăng cường giáo dục pháp luật, đổi mới các hình thức giáo dục pháp luật cho phù hợp với từng đối tượng trong từng điều kiện, hoàn cảnh cụ thể. Sử dụng các thiết bị công nghệ, mạng xã hội như một kênh thông tin pháp luật chính thống, vừa giúp người dân tiếp cận thông tin pháp luật nhanh, chính xác, vừa ngăn chặn được các luồng thông tin sai trái, xuyên tạc.

Thứ tư, tận dụng triệt để các thành quả, thế mạnh của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư vào phát triển hệ thống hạ tầng phục vụ công tác lãnh đạo, quản lý, đáp ứng nhu cầu thông tin của nhân dân. Thường xuyên đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực nghiên cứu, năng lực tiếp cận, ứng dụng các thành quả công nghệ mới để phát huy năng lực sáng tạo của các nhà nghiên cứu, nhà quản lý văn hóa.

Thứ năm, xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc trước tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư trước hết phải trên tinh thần vì lợi ích dân tộc, lợi ích nhân dân; phải có tính chủ động cao, tính định hướng sớm, tính khoa học và tính dân tộc; các giá trị văn hóa truyền thống chuẩn mực phải được gìn giữ, các giá trị văn hóa hiện đại phải được tiếp thu có chọn lọc, được chuyển hóa thành thái độ, động cơ, ý chí, hành động và kết tinh thành niềm tin và khát vọng phát triển trong mỗi con người Việt Nam.

Thứ sáu, tăng cường giáo dục đạo đức xã hội, xây dựng môi trường văn hóa - xã hội lành mạnh, xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện, bởi đây chính là yếu tố nền tảng quan trọng và bền vững để giữ gìn các giá trị văn hóa truyền thống, đẩy lùi các tác động tiêu cực đến văn hóa, lối sống người dân.

Thứ bảy, có cơ chế đào tạo, thu hút, sử dụng và thực hiện chế độ, chính sách thỏa đáng cả về kinh tế và tinh thần, tôn vinh các nhà nghiên cứu khoa học, nhà quản lý văn hóa. Ngoài nguồn đầu tư từ ngân sách nhà nước, cần xã hội hóa các nguồn lực đầu tư cho văn hóa, có các cơ chế tài chính đặc thù bởi đây là lĩnh vực quan trọng và nhạy cảm, là nền tảng tinh thần của xã hội. Tăng đầu tư cho khoa học - công nghệ nghiên cứu về văn hóa, con người.

Thứ tám, tăng cường hợp tác quốc tế nhằm tiếp thu và ứng dụng kịp thời các thành tựu khoa học - công nghệ tiên tiến vào gìn giữ và phát triển các giá trị văn hóa truyền thống; tiếp thu có chọn lựa các tinh hoa văn hóa thế giới; học hỏi kinh nghiệm các nước đã đạt được nhiều thành công trong ứng phó với những tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến văn hóa, lối sống người dân...

Thứ chín, tăng cường việc kiểm tra, kiểm soát, hướng tới làm chủ các nội dung thông tin được truyền tải trên nền tảng khoa học - công nghệ, nhất là trên không gian mạng, dần hình thành một môi trường văn hóa lành mạnh và giàu tính nhân văn trên không gian mạng./.

ST.

Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay

Khi nghiên cứu về xã hội loài người, C. Mác khẳng định mọi sự thay đổi của đời sống xã hội, xét đến cùng, đều bắt nguồn từ sự biến đổi của lực lượng sản xuất. Trong bối cảnh toàn cầu hóa và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư hiện nay, trình độ của lực lượng sản xuất đã có những bước phát triển nhảy vọt so với trước kia. Sự phát triển đó cung cấp thêm cho chúng ta  những chứng cứ thực tiễn thuyết phục để tiếp tục khẳng định quan điểm đúng đắn của C. Mác về lực lượng sản xuất, đồng thời cũng đặt ra yêu cầu cần phải bổ sung, phát triển quan điểm của C. Mác về vấn đề này cho phù hợp với thực tiễn.

Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất

Lực lượng sản xuất là một khái niệm trung tâm của chủ nghĩa duy vật lịch sử. Việc nghiên cứu rõ nội hàm của khái niệm này là cơ sở để hiểu toàn bộ sự vận động và phát triển của quá trình sản xuất vật chất trong lịch sử xã hội loài người. Vì vậy, C. Mác đã sớm nghiên cứu khái niệm lực lượng sản xuất. Trong các tác phẩm của mình, mặc dù ông không trực tiếp đưa ra khái niệm lực lượng sản xuất, nhưng nội hàm của khái niệm này đã được ông đề cập đến ngay từ những tác phẩm đầu tay.

Năm 1845, khi viết tác phẩm “Về cuốn sách của Phi-đrích Li-xtơ “Học thuyết dân tộc về kinh tế chính trị học””, C. Mác đã phê phán quan điểm duy tâm của Ph. Li-xtơ về lực lượng sản xuất khi Ph. Li-xtơ cho rằng lực lượng sản xuất mang “bản chất tinh thần” và là cái vô hạn. Theo C. Mác, lực lượng sản xuất không phải là cái “bản chất tinh thần” nào đó, mà là những cái có sức mạnh vật chất.

Từ quan điểm duy vật về đời sống của con người nói chung và về lực lượng sản xuất nói riêng, trong các tác phẩm tiếp theo, như “Hệ tư tưởng Đức”“Sự khốn cùng của triết học”“Lao động làm thuê và tư bản”“Tiền công, giá cả và lợi nhuận”, đặc biệt là trong bộ “Tư bản”, nội hàm của khái niệm lực lượng sản xuất ngày càng được C. Mác và Ph. Ăng-ghen làm sáng tỏ và có nội dung sâu sắc hơn. Đó cũng là cơ sở khoa học cho việc nhận thức bản chất, động lực của sự phát triển lịch sử - xã hội thông qua hoạt động lao động của con người.

Công nhân khai thác than ở Anh những năm 1900_Nguồn: Getty Images

Xuất phát điểm trong nghiên cứu của C.  Mác về lịch sử - xã hội là hoạt động sản xuất vật chất của con người hiện thực. Theo ông, bản thân con người bắt đầu được phân biệt với động vật là khi con người sản xuất ra các tư liệu sinh hoạt phục vụ cho những nhu cầu thiết yếu của mình. Ông viết: “Người ta phải có khả năng sống đã rồi mới có thể “làm ra lịch sử”. Nhưng muốn sống được thì trước hết cần phải có thức ăn, thức uống, nhà ở, quần áo và một vài thứ khác nữa. Như vậy, hành vi lịch sử đầu tiên là việc sản xuất ra những tư liệu để thỏa mãn nhu cầu ấy, việc sản xuất ra bản thân đời sống vật chất”. Như vậy, tiền đề đầu tiên cho sự tồn tại của con người là việc sản xuất ra những tư liệu để thỏa mãn những nhu cầu thiết yếu. Đó là việc sản xuất ra chính đời sống vật chất của con người. Đồng thời với quá trình đó, con người cũng sáng tạo ra các mặt của đời sống xã hội. C. Mác viết: “Việc sản xuất ra những tư liệu sinh hoạt vật chất trực tiếp và chính mỗi một giai đoạn phát triển kinh tế nhất định của một dân tộc hay một thời đại tạo ra một cơ sở, từ đó mà người ta phát triển các thể chế nhà nước, các quan điểm pháp quyền, nghệ thuật và thậm chí cả những quan niệm tôn giáo của con người ta”. Luận điểm này đã khẳng định tính triệt để trong quan niệm duy vật của C. Mác.

Theo C. Mác, sản xuất vật chất là hoạt động đặc trưng của con người. Đó là hoạt động cơ bản nhất, quyết định sự tồn tại và phát triển của con người và xã hội loài người. Trong quá trình sản xuất vật chất, con người đồng thời có hai mặt quan hệ. Một mặt, con người quan hệ với tự nhiên, còn mặt khác, con người quan hệ với nhau. Mặt con người quan hệ với tự nhiên chính là biểu thị của lực lượng sản xuất. Tuy nhiên, không phải mọi quan hệ của con người với tự nhiên đều tạo ra lực lượng sản xuất (chẳng hạn như quan hệ tình cảm, quan hệ thẩm mỹ, quan hệ nhận thức...). Chỉ có những quan hệ mà trong đó sự tác động giữa con người với tự nhiên tạo thành của cải vật chất phục vụ những nhu cầu của họ, đồng thời giúp họ cải biến chính bản thân mình mới được gọi là những quan hệ tạo ra lực lượng sản xuất.

C. Mác cho rằng, lực lượng sản xuất thể hiện năng lực thực tiễn của con người trong quá trình cải biến giới tự nhiên. Khi tiến hành sản xuất vật chất, con người dùng những công cụ lao động để tác động vào giới tự nhiên nhằm tạo ra của cải vật chất phục vụ những nhu cầu thiết yếu của mình. Cũng trong quá trình đó, con người nắm bắt được những quy luật của tự nhiên, biến giới tự nhiên từ chỗ hoang sơ, thuần phác trở thành “thế giới thứ hai” với sự tham gia của bàn tay và khối óc của con người. Sản xuất vật chất luôn thay đổi nên lực lượng sản xuất là một yếu tố động và là một quá trình luôn được đổi mới, phát triển không ngừng.

Lực lượng sản xuất tạo ra tiền đề vật chất cho sự tồn tại và phát triển của xã hội loài người. Nó cũng là tiêu chí cơ bản để đánh giá sự tiến bộ xã hội trong mỗi giai đoạn lịch sử nhất định. Chính vì vậy, trong tác phẩm “Hệ tư tưởng Đức”, C. Mác khẳng định: “Lịch sử chẳng qua chỉ là sự tiếp nối của những thế hệ riêng rẽ trong đó mỗi thế hệ đều khai thác những vật liệu, những tư bản, những lực lượng sản xuất do tất cả những thế hệ trước để lại; do đó, mỗi thế hệ một mặt tiếp tục cái hoạt động được truyền lại, trong những hoàn cảnh đã hoàn toàn thay đổi, và mặt khác, lại biến đổi những hoàn cảnh cũ bằng một hoạt động hoàn toàn thay đổi”(3).

Như vậy, theo quan điểm của C. Mác, có thể hiểu, lực lượng sản xuất là một khái niệm dùng để chỉ sự kết hợp giữa người lao động với tư liệu sản xuất nhằm tạo ra một sức sản xuất vật chất nhất định.

Khi bàn đến lực lượng sản xuất, C. Mác cũng chỉ ra những yếu tố cơ bản cấu thành nên nó, đó là người lao động và tư liệu sản xuất. Theo ông, để cải biến giới tự nhiên nhằm tạo ra của cải vật chất, người lao động cần phải có một sức mạnh tổng hợp. Trước hết, đó là sức mạnh của thể chất và trí tuệ - những yếu tố tạo nên khả năng lao động của con người. Ông viết: “Để chiếm hữu được thực thể của tự nhiên dưới một hình thái có ích cho đời sống của bản thân mình, con người vận dụng những sức tự nhiên thuộc về thân thể của họ: tay, chân, đầu và hai bàn tay”. Tuy nhiên, nếu chỉ dừng lại ở đó thì quá trình sản xuất vật chất vẫn chưa thể diễn ra. Ngoài bản thân chủ thể lao động, con người còn sử dụng những yếu tố khác, như “sử dụng những thuộc tính cơ học, lý học, hóa học của các vật, để tùy theo mục đích của mình, dùng những vật đó làm công cụ tác động vào các vật khác”. Những vật đó được C. Mác gọi là “khí quan”, giúp người lao động có khả năng nối dài đôi bàn tay và làm cho quá trình tác động vào giới tự nhiên trở nên có hiệu quả hơn. Nếu tư liệu sản xuất là điều kiện cần của quá trình sản xuất vật chất thì người lao động chính là chủ thể, đóng vai trò quyết định sự phát triển của sản xuất. Như vậy, theo C. Mác, nếu không có con người biết chế tạo, sử dụng công cụ lao động, tác động vào giới tự nhiên thì sẽ không có quá trình sản xuất vật chất.

Công nhân làm việc trong nhà máy đúc gang ở Mỹ những năm 1900_Nguồn: alamy.com

Ngoài việc bàn đến hai yếu tố cơ bản cấu thành lực lượng sản xuất, C. Mác cũng đề cao, coi trọng vai trò của khoa học đối với sản xuất vật chất nói chung và với sự phát triển của lực lượng sản xuất nói riêng. Bằng những nghiên cứu khoa học, ông đã đưa ra một phán đoán: “Sự phát triển của tư bản cố định là chỉ số cho thấy tri thức xã hội phổ biến (wissen knowledge) đã chuyển hóa đến mức độ nào thành lực lượng sản xuất trực tiếp, do đó nó cũng là chỉ số cho thấy những điều kiện của chính quá trình sống của xã hội đã phục tùng đến một mức độ nào sự kiểm soát của trí tuệ phổ biến và đã được cải tạo đến mức độ nào cho phù hợp với quá trình ấy; những lực lượng sản xuất xã hội đã được tạo ra đến mức độ nào cho phù hợp với quá trình ấy; những lực lượng sản xuất xã hội đã được tạo ra đến mức độ nào không những dưới hình thức tri thức, mà cả như là những cơ quan thực hành xã hội trực tiếp, những cơ quan trực tiếp của quá trình sống hiện thực”. Theo luận điểm nói trên của C. Mác, tri thức khoa học đã làm cho tư bản cố định như nhà xưởng, máy móc được dùng trong sản xuất chuyển hóa đến một mức độ nhất định nào đó thì trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp. Nói cách khác, tri thức khoa học được ứng dụng, được vật hóa thành máy móc, thành công cụ sản xuất và được người lao động sử dụng trong quá trình sản xuất, do đó, nó trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp. Điều kiện để tri thức khoa học trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp đã được C. Mác khẳng định như sau: “Sự phát triển của hệ thống máy móc trên con đường ấy chỉ bắt đầu khi nền đại công nghiệp đã đạt được một trình độ phát triển cao hơn và tất cả các môn khoa học đều được phục vụ tư bản, còn bản thân hệ thống máy móc hiện có thì có những nguồn lực to lớn. Như vậy, phát minh trở thành một nghề đặc biệt, và đối với nghề đó thì việc vận dụng khoa học vào nền sản xuất trực tiếp tự nó trở thành một trong những yếu tố có tính chất quyết định và kích thích”.

Như vậy, đứng trên lập trường duy vật về lịch sử, C. Mác khẳng định, lực lượng sản xuất thể hiện năng lực thực tiễn của con người trong việc tác động vào giới tự nhiên để tạo ra của cải vật chất. Do đó, lực lượng sản xuất cũng chính là thước đo đánh dấu sự phát triển hoạt động sản xuất vật chất của con người ở mỗi hình thái kinh tế - xã hội nhất định.

Một số điểm cần bổ sung, phát triển quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất trong bối cảnh toàn cầu hóa và Cách mạng công nghiệp lần thứ tư

Ngày nay, chúng ta đang sống trong điều kiện có nhiều cái mới, rất khác so với thời kỳ của C. Mác. Khoa học - công nghệ có những bước tiến nhảy vọt, góp phần tạo ra một lực lượng sản xuất mà xưa nay nhân loại chưa từng được chứng kiến. Tri thức xã hội phổ biến đang trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp, đúng như C. Mác từng dự báo; năng suất lao động, nhờ vậy, tăng lên nhanh chóng. Nền kinh tế tri thức đã ra đời và đang được vận hành khá hiệu quả ở nhiều nước phát triển. Quá trình quốc tế hóa mà vào thế kỷ XIX C. Mác và Ph. Ăng-ghen từng nói đến trong “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản”, đã thực sự trở thành quá trình toàn cầu hóa trong thời đại ngày nay. Ở các mức độ khác nhau, tất cả các nước đều đang bị cuốn hút vào toàn cầu hóa.

Hơn nữa, những thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã tạo ra bước phát triển nhảy vọt của đời sống xã hội nói chung và lực lượng sản xuất nói riêng. Có thể khái quát những đặc trưng cơ bản của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư là “cuộc cách mạng số hóa, thông qua các công nghệ như in-tơ-nét vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI), thực tế ảo (VR), tương tác thực tại - ảo (AR), mạng xã hội, điện toán đám mây, di động, phân tích dữ liệu lớn (SMAC)... để chuyển hóa toàn bộ thế giới thực thành thế giới số với tốc độ rất nhanh, quy mô rất lớn, tích hợp nhiều lĩnh vực, tương tác đa chiều”. Những thành tựu của khoa học - công nghệ hiện đại đã tác động trực tiếp đến sự phát triển của lực lượng sản xuất ở tất cả những yếu tố cấu thành của nó: trình độ của tư liệu sản xuất và trình độ của người lao động.

Trong bối cảnh đó, học thuyết hình thái kinh tế - xã hội nói chung và quan điểm về lực lượng sản xuất nói riêng của C. Mác mặc dù có nhiều giá trị bền vững cho đến ngày nay nhưng không phải không có những điểm cần được bổ sung, phát triển. Chính V.I. Lê-nin - người đã không ngừng bảo vệ và phát triển chủ nghĩa Mác, từng nhiều lần nhấn mạnh: “Chúng ta không hề coi lý luận của Mác như là một cái gì đã xong xuôi hẳn và bất khả xâm phạm; trái lại, chúng ta tin rằng lý luận đó chỉ đặt nền móng cho môn khoa học mà những người xã hội chủ nghĩa cần phải phát triển hơn nữa về mọi mặt, nếu họ không muốn trở thành lạc hậu đối với cuộc sống”.

Từ sự phát triển của lực lượng sản xuất hiện đại trong giai đoạn hiện nay, có thể đề xuất bổ sung, phát triển quan điểm của C.  Mác về lực lượng sản xuất trên một số điểm cơ bản như sau:

Thứ nhất, C. Mác sống ở thời kỳ phát triển của chủ nghĩa tư bản nên ông cũng bàn nhiều đến xã hội tư bản. Khi bàn đến sự phát triển của lực lượng sản xuất ở thời kỳ tư bản chủ nghĩa, ông cho rằng, lực lượng lao động chủ yếu của xã hội tư bản là người công nhân, là giai cấp vô sản. Đó là “một giai cấp xã hội hoàn toàn chỉ kiếm sống bằng việc bán lao động của mình”, là “giai cấp những người hoàn toàn không có của”, là “họ buộc phải bán lao động của mình cho nhà tư bản để đổi lấy tư liệu sinh hoạt cần thiết cho cuộc sống của mình”; hầu như ông ít nói đến tầng lớp các bác sĩ, kỹ sư, nhà khoa học. Ngày nay, giai cấp công nhân không chỉ có những người lao động chân tay thuần túy, mà còn bao gồm cả tầng lớp những người trí thức. Hơn nữa, trong giai đoạn hiện nay, bản thân người lao động là công nhân cũng có sự thay đổi đáng kể. Ở thời đại của C. Mác, lực lượng lao động chủ yếu là công nhân cơ khí, đa số là lao động thủ công, nhưng ngày nay, những thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã làm cho công cụ lao động ngày càng được cải tiến; sức lao động của con người được giải phóng; trình độ kiến thức, tay nghề, kỹ năng, kỹ xảo của người lao động không ngừng được nâng cao. Do đó, trong rất nhiều nhà máy, xí nghiệp, số lượng nhân lực khoa học  - công nghệ tham gia trực tiếp vào quá trình sản xuất chiếm tỷ lệ ngày càng cao, vượt trội hơn hẳn so với số lượng lao động làm việc cơ bắp thông thường. Đội ngũ công nhân trí thức xuất hiện và có xu hướng ngày càng gia tăng cả về số lượng và chất lượng, điều này đã và đang làm thay đổi dần tỷ trọng của lao động phổ thông và lao động có trình độ cao. Do đó, việc bổ sung nội hàm của khái niệm “người lao động” là rất cần thiết trong bối cảnh hiện nay, vì “Điều này hết sức quan trọng đối với chúng ta khi đất nước đang từng bước tiến tới nền kinh tế tri thức, khi nhiệm vụ trí thức hóa công nhân trở thành đòi hỏi bắt buộc, nếu chúng ta muốn đưa đất nước tiến kịp thế giới, tránh tụt hậu xa hơn trong quá trình hội nhập với kinh tế thế giới”.

Thứ hai, trước đây, khi nói đến lực lượng sản xuất, C. Mác nhấn mạnh nhiều đến khả năng của con người trong việc chinh phục giới tự nhiên. Vì lẽ đó, để thể hiện khả năng của mình, con người đã dùng những phương tiện, kỹ thuật hiện đại để chinh phục ngày càng nhiều giới tự nhiên. Thực tế cho thấy, trong quá trình sản xuất vật chất, con người không chỉ chinh phục giới tự nhiên mà còn phải thích nghi với giới tự nhiên, nên khi đề cập đến phạm trù “lực lượng sản xuất” mà chỉ nhấn mạnh đến hoạt động chinh phục giới tự nhiên, xem nhẹ hoạt động thích nghi với giới tự nhiên là chưa đầy đủ. Theo tác giả Lý Bân, “Quan niệm như vậy không chỉ hạn chế nội hàm của khái niệm lực lượng sản xuất mà còn khó dung nạp với sự phát triển bền vững, phát triển liên tục”. Hệ quả của quan điểm này là “con người tìm mọi cách chinh phục, khai thác sao cho được nhiều nhất của cải từ thiên nhiên, bất chấp mọi hậu quả”.

Những thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã làm cho công cụ lao động ngày càng được cải tiến; sức lao động của con người được giải phóng; trình độ kiến thức, tay nghề, kỹ năng, kỹ xảo của người lao động không ngừng được nâng cao_Ảnh: Tư liệu

Trong bối cảnh hiện nay, với mục tiêu phát triển bền vững, quan niệm về lực lượng sản xuất cần được bổ sung khía cạnh “con người sống hài hòa với tự nhiên”. Trong lịch sử loài người đã và đang trải qua ba giai đoạn phát triển của lực lượng sản xuất. Giai đoạn 1: Lực lượng sản xuất phát triển một cách tự phát. Đây là giai đoạn mà kinh nghiệm sản xuất trực tiếp của người lao động sản sinh ra kỹ thuật. Nó xảy ra trước cách mạng công nghiệp. Giai đoạn 2: Lực lượng sản xuất phát triển bằng mọi giá. Đây là giai đoạn sau cách mạng công nghiệp. Ở giai đoạn này, con người đã tận dụng những thành quả của khoa học, kỹ thuật để khai thác ngày càng nhiều tự nhiên nhằm thỏa mãn nhu cầu của mình. Giai đoạn 3: Lực lượng sản xuất phát triển một cách có chọn lọc. Do mối quan hệ giữa con người và tự nhiên ngày càng trở nên xung khắc, biểu hiện qua những thiên tai, lũ lụt, biến đổi khí hậu..., nên con người từng bước điều chỉnh hoạt động sản xuất vật chất của mình, chuyển hướng sang phát triển lực lượng sản xuất một cách có chọn lọc, tránh làm tổn hại đến tự nhiên. Vì vậy, thay vì phát triển lực lượng sản xuất như trước kia, ngày nay cần phải phát triển lực lượng sản xuất một cách chọn lọc, bởi “lực lượng sản xuất là khái niệm thể hiện không chỉ hoạt động đấu tranh mà còn thể hiện sự kết hợp hài hòa giữa con người và giới tự nhiên”.

Thứ ba, nhờ sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, nhất là mạng in-tơ-nét, khoa học nói riêng và tri thức nói chung được phổ biến nhanh chóng, hầu như tức thời, với nhiều sự kiện khoa học trên toàn thế giới. Dòng tri thức, dòng công nghệ cùng dòng vốn được lưu thông với tốc độ chưa từng có trên toàn thế giới. Người ta có thể sản xuất từng bộ phận cấu thành của một sản phẩm ở nhiều nơi trên thế giới, sau đó lắp ráp và lưu thông ở các nước khác nhau nhằm đạt hiệu quả cao nhất. Vì vậy, đầu ra của lực lượng sản xuất hiện đại không còn là sản phẩm riêng của lao động ở một quốc gia nữa, mà là sản phẩm mang tính toàn cầu. Do đó, lực lượng sản xuất hiện đại trở thành một yếu tố quan trọng hàng đầu trong việc đẩy mạnh quá trình toàn cầu hóa. Đây là đặc điểm mới, chỉ riêng có ở lực lượng sản xuất hiện đại mà lực lượng sản xuất ở các giai đoạn trước kia chưa có hoặc mới ở trong một phạm vi hẹp. Ở thời của C. Mác, ông đã đề cập đến xu hướng phát triển tất yếu của nền sản xuất là “thiết lập mối quan hệ ở khắp mọi nơi trên thế giới”, nhưng chưa thực sự đặt ra vấn đề toàn cầu hóa của lực lượng sản xuất. Do vậy, để có thể tiếp tục vận dụng quan điểm của C.  Mác về lực lượng sản xuất, cần mở rộng nội hàm của khái niệm này không chỉ ở trong một nền sản xuất vật chất ở một quốc gia nhất định, mà còn ở trong một nền sản xuất vật chất trên phạm vi toàn thế giới. Điều đó góp phần làm cho chủ nghĩa Mác nói chung và quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất nói riêng được bồi đắp bằng thực tiễn sinh động của thời đại ngày nay.

Như vậy, chúng ta không thể phủ nhận được vai trò to lớn của quá trình toàn cầu hóa và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đối với sự phát triển của xã hội loài người, đặc biệt là đối với sự phát triển của lực lượng sản xuất. Sự phát triển đó, một mặt, cung cấp những bằng chứng thuyết phục để chúng ta tiếp tục khẳng định những giá trị đúng đắn, bền vững của chủ nghĩa Mác; mặt khác, cũng đặt ra yêu cầu cần phải bổ sung, phát triển chủ nghĩa Mác nói chung và quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất nói riêng. Việc bổ sung, phát triển đó không phải là “xét lại” chủ nghĩa Mác, cũng không phải là làm lu mờ chân giá trị của chủ nghĩa Mác, mà là làm cho những nội dung, quan điểm của chủ nghĩa Mác có thêm sức sống mới, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của giai đoạn hiện nay. Đó là việc làm hết sức khó khăn, đòi hỏi những người mác-xít phải kiên trì, có bản lĩnh và có trách nhiệm với hệ thống lý luận cách mạng và khoa học được coi là nền tảng tư tưởng của Đảng ta hiện nay./.

ST.

Nâng cao hiệu quả giám sát thực hiện chính sách công của hội đồng nhân dân các cấp hiện nay

Hoạt động giám sát thực hiện chính sách công là một kênh quan trọng thể hiện sự đánh giá, nhận xét của người dân trong và sau quá trình sử dụng dịch vụ công do chính quyền địa phương cung cấp, bảo đảm tính minh bạch của chính quyền địa phương trong thực thi công vụ. Mặc dù có nhiều chuyển biến tích cực, nhưng hoạt động giám sát của hội đồng nhân dân các cấp cần tiếp tục đổi mới để có những giải pháp nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả hoạt động.

Một số vấn đề chung về hoạt động giám sát thực hiện chính sách công của hội đồng nhân dân các cấp

Hoạt động giám sát thực hiện chính sách công của hội đồng nhân dân (HĐND) các cấp nhằm mục đích theo dõi, xem xét, đánh giá hoạt động quản lý nhà nước của các cơ quan, tổ chức, cán bộ, viên chức trong việc thực thi Hiến pháp, pháp luật và nghị quyết của HĐND tại địa phương theo thẩm quyền phân cấp. Ở cấp địa phương, HĐND cấp tỉnh được xác định là cơ quan quyền lực nhà nước, thực hiện chức năng, nhiệm vụ quyết định các vấn đề của địa phương, đồng thời giám sát hoạt động của các cơ quan nhà nước tại địa phương theo thẩm quyền được phân cấp. Do đó, HĐND có thẩm quyền lớn trong giám sát thực hiện chính sách công tại địa phương trên tất cả các lĩnh vực, như: kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh… Năm 2015, với sự ra đời của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND, Luật Tổ chức chính quyền địa phương đã đánh dấu bước tiến quan trọng đối với quá trình hoàn thiện thể chế nhằm bảo đảm cơ cấu, tổ chức, hoạt động của HĐND.

Trên phương diện pháp lý, HĐND các cấp là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, có ba chức năng là đại diện, quyết định và giám sát. Các chức năng này có mối quan hệ mật thiết, tương hỗ với nhau trong quá trình thực thi, nhằm thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ theo luật định. Như vậy, HĐND không chỉ là cơ quan quyền lực nhà nước tại địa phương có trách nhiệm, thẩm quyền quyết định các lĩnh vực theo phân cấp, mà còn thực hiện chức năng giám sát hoạt động của các cơ quan nhà nước, các tổ chức, cá nhân ở địa phương trong quá trình thực thi các nghị quyết của HĐND và tuân thủ pháp luật.

Giám sát của HĐND là hoạt động mang tính đặc thù, có ý nghĩa quan trọng, vừa phát huy tính chủ động, tự chịu trách nhiệm của địa phương trước cấp trên và nhân dân, vừa bảo đảm phù hợp với thực tiễn tại địa phương. Theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, giám sát là các hoạt động tiếp nối của HĐND sau khi quyết định các vấn đề quan trọng của địa phương theo thẩm quyền được phân cấp, nhằm bảo đảm các cơ quan nhà nước hoạt động đúng chức năng, nhiệm vụ được giao, bảo đảm tính minh bạch, trung thực trong thực hiện, đồng thời, đánh giá tính hiệu quả, đúng mục đích đề ra của HĐND. Đây còn là cách thức kiểm soát quyền lực - một trong những kênh phát hiện, ngăn chặn hành vi tùy tiện, vượt quyền của một số cá nhân, đơn vị. Hoạt động giám sát của HĐND là hoạt động có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh thực hiện phân cấp quản lý nhà nước, xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.

Các đại biểu trao đổi tại Kỳ họp thứ 13, Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh khóa X, nhiệm kỳ 2021 - 2026_Nguồn: plo.vn

Trên thực tế, HĐND có chức năng và thẩm quyền giám sát thực hiện chính sách công qua những hình thức sau:

Một là, giám sát thông qua kỳ, phiên họp của HĐND.

HĐND giám sát thực hiện chính sách công thông qua các kỳ, phiên họp HĐND bằng việc theo dõi tổng hợp báo cáo của các cơ quan, tổ chức, cá nhân. Trước mỗi kỳ, phiên họp, các cơ quan, tổ chức cá nhân này có trách nhiệm báo cáo tình hình hoạt động, thực hiện các chính sách công tại địa phương gửi HĐND. Thường trực HĐND và các đại biểu HĐND tiến hành nghiên cứu tài liệu, thẩm tra các báo cáo trước và trong quá trình họp. Tại kỳ, phiên họp, các đại biểu HĐND sẽ thảo luận và đặt câu hỏi với những người đứng đầu cơ quan, tổ chức thực hiện chính sách công bị chất vấn nếu có. Quá trình chất vấn là quá trình minh bạch hóa thông tin để bảo đảm hoạt động giám sát thực hiện chính sách công đạt hiệu quả cao hơn. Về cơ bản, đây là hình thức giám sát quan trọng nhất của HĐND. Tại các kỳ họp, các câu hỏi chất vấn, các vấn đề thảo luận, kết quả chất vấn đều được đại biểu HĐND theo dõi, nắm bắt; đồng thời là cơ sở để HĐND đưa ra kết luận, quyết định về việc thực hiện các chính sách công tại địa phương.

Hai là, giám sát của thường trực HĐND.

Thường trực HĐND là cơ quan do HĐND bầu ra, điều hành hoạt động của HĐND trong thời gian giữa các kỳ họp của HĐND, chịu trách nhiệm và báo cáo công tác trước HĐND. Thẩm quyền giám sát của thường trực HĐND được quy định tại Điều 104 Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015. Trên cơ sở đề nghị của các ban thuộc HĐND, đại biểu HĐND, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp và ý kiến của cử tri, thường trực HĐND triển khai xây dựng dự kiến chương trình giám sát hằng quý, hằng năm trình HĐND thảo luận, thông qua. Ngoại trừ các giám sát chuyên đề của HĐND, căn cứ vào chương trình giám sát đã được HĐND thông qua, thường trực HĐND ban hành kế hoạch, phân công thành viên thường trực HĐND triển khai thực hiện các nội dung trong chương trình giám sát và báo cáo kết quả với thường trực HĐND khi cần thiết.

Ba là, giám sát thực hiện chính sách công của đại biểu HĐND.

Đại biểu HĐND là cầu nối hoạt động giám sát của cử tri và HĐND. Với vai trò là người đại diện cho ý chí và nguyện vọng của cử tri tại địa phương, các đại biểu HĐND tiến hành hoạt động giám sát thực hiện chính sách công qua 2 hình thức là tiếp xúc cử tri và tại các kỳ họp của HĐND. Cử tri là người thụ hưởng của quá trình thực thi chính sách công, do đó, cử tri là người thấu hiểu những giá trị mà chính sách mang lại, đồng thời, phát hiện ra những bất cập, tồn tại của chính sách công, từ đó có đề xuất, kiến nghị thông qua đại biểu HĐND nhằm bổ sung, điều chỉnh các chính sách một cách phù hợp với điều kiện thực tế. Vì vậy, tiếp xúc cử tri là một hoạt động bắt buộc, quan trọng phục vụ cho hoạt động giám sát thực hiện chính sách công của đại biểu HĐND. Thông qua tiếp xúc cử tri, các đại biểu HĐND có cơ sở nắm bắt tình hình thực tiễn tại địa phương, tâm tư, nguyện vọng của người dân để có cái nhìn đa chiều, bao quát và chính xác nhất về tình hình thực hiện chính sách công tại địa phương. Những ý kiến của cử tri là nguồn thông tin quan trọng để đại biểu HĐND phục vụ trực tiếp cho chất lượng hoạt động giám sát tại các kỳ, phiên họp HĐND.

Tại các kỳ, phiên họp HĐND, các đại biểu HĐND thực hiện quyền và trách nhiệm giám sát này thông qua việc nghiên cứu báo cáo hoạt động của thường trực HĐND, ủy ban nhân dân (UBND), các cơ quan chuyên môn thuộc UBND và các tổ chức, cá nhân khác có trách nhiệm. Các cá nhân, tổ chức thực hiện chính sách công có trách nhiệm báo cáo tình hình thực hiện chính sách của mình, gửi đến đại biểu HĐND bằng văn bản để đại biểu HĐND nghiên cứu. Trong các phiên họp của HĐND, ngoài việc thảo luận, đại biểu HĐND còn hiện thực hóa việc giám sát thực hiện chính sách công qua hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn.

Tại các phiên chất vấn, những vấn đề phát sinh trong quá trình thực thi chính sách công được đại biểu HĐND đưa ra bàn luận, phân tích, làm rõ. Phiên chất vấn đại biểu HĐND còn là nơi chuyển kiến nghị, quan điểm của cử tri liên quan đến việc thực hiện chính sách công tại địa phương đến đại biểu HĐND được chất vấn, qua đó HĐND bàn bạc, thảo luận, thống nhất để ban hành, điều chỉnh chính sách một cách kịp thời, minh bạch.

Bốn là, giám sát của các ban thuộc HĐND và thông qua thành lập đoàn giám sát.

(i) Giám sát của các ban thuộc HĐND: Về hình thức, hoạt động giám sát của các ban thuộc HĐND được thực hiện thông qua việc các ban có thẩm quyền tự chủ động quyết định chương trình giám sát hằng quý, hằng năm của mình căn cứ vào chương trình giám sát của HĐND và ý kiến của các thành viên của ban HĐND. Các ban của HĐND tổ chức phiên họp thẩm tra báo cáo của UBND, các cơ quan chuyên môn thuộc UBND, tòa án nhân dân, viện kiểm sát nhân dân cùng cấp theo sự phân công của HĐND hoặc thường trực HĐND. Kết quả giám sát thực hiện chính sách công của các ban thuộc HĐND đóng vai trò quan trọng trong việc bảo đảm quyền giám sát toàn diện của HĐND đối với các chính sách tại địa phương. Do các ban HĐND hoạt động ổn định, cơ cấu tổ chức, các thành viên của các ban là đại biểu HĐND chuyên trách, nên việc thực hiện hoạt động giám sát sẽ tập trung, chất lượng hơn và đem lại hiệu quả thực tế. 

(ii) Giám sát thông qua đoàn giám sát: Căn cứ vào chương trình giám sát, qua giám sát việc giải quyết kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của công dân hoặc qua phương tiện truyền thông đại chúng phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật…, HĐND quyết định thành lập đoàn giám sát về một vấn đề cụ thể khi xét thấy cần thiết và xem xét kết quả của đoàn giám sát. Nội dung, kế hoạch giám sát của đoàn giám sát được thông báo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát trước ngày đoàn bắt đầu tiến hành hoạt động giám sát.

Hoạt động thành lập đoàn giám sát là một trong những hình thức mang tính chất nghiệp vụ, có khả năng thu thập, cung cấp những thông tin và kết quả chuyên sâu của HĐND. Các đoàn giám sát tiến hành giám sát tại thực địa hoặc trực tiếp tìm hiểu sâu quá trình thực thi chính sách công để nắm bắt thông tin, do đó, kết quả giám sát đạt được sẽ khách quan và toàn diện, có tính thực tiễn cao hơn với những hình thức còn lại. Tuy nhiên, hình thức thành lập đoàn giám sát chỉ được tổ chức tại cấp huyện và cấp tỉnh. Cấp xã - phường - thị trấn không có hình thức giám sát này. Đây chính là quy định để phân biệt, phân hóa hình thức hoạt động giữa các cấp trong giám sát thực hiện chính sách công. Hiện nay, căn cứ vào yêu cầu của tình hình thực tiễn của quá trình thực hiện chính sách công, việc tổ chức các đoàn giám sát để giám sát thực hiện chính sách công chủ yếu được triển khai ở HĐND cấp tỉnh, thành phố, do đó, hoạt động giám sát thông qua đoàn giám sát ở cấp quận, huyện không nhiều.

Kết quả giám sát thực hiện chính sách công của HĐND các cấp thời gian qua

Trong những năm gần đây, hoạt động giám sát thực hiện chính sách công của HĐND đã có những thay đổi và đạt được nhiều kết quả tích cực. HĐND các cấp đã chủ động tìm hiểu, khảo sát, nghiên cứu và áp dụng các hình thức, biện pháp giám sát, kiểm tra phù hợp hơn với thực tế địa phương theo thẩm quyền quản lý; quan tâm hơn đến giám sát hoạt động của các cơ quan nhà nước ở địa phương và hệ thống các cơ quan bảo vệ pháp luật. Thông qua hoạt động giám sát, HĐND đã giải quyết các vấn đề bức xúc, nổi cộm trong quản lý nhà nước, từng bước đáp ứng được nguyện vọng người dân ở địa phương. Kết quả của các hoạt động giám sát là căn cứ bảo đảm, là cơ sở để giải quyết những vấn đề nổi cộm, bức xúc của địa phương, góp phần tạo niềm tin, thu hút sự quan tâm theo dõi của nhân dân. Bên cạnh đó, bảo đảm sự minh bạch về nội dung và hình thức theo các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương. Quy trình triển khai các hoạt động giám sát với các hình thức giám sát đa dạng, phù hợp với đặc điểm điều kiện kinh tế - xã hội, phong tục, tập quán địa phương, bảo đảm nguyên tắc “hiện đại, minh bạch, phục vụ nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân”. Sau giám sát, thường trực HĐND, các ban HĐND các cấp đã kiến nghị, đề nghị nhiều nội dung đến HĐND cấp trên, Quốc hội, Chính phủ, các ban, bộ, ngành trung ương, UBND cấp tỉnh, các sở, ngành và UBND cấp huyện, xã.

Hoạt động giám sát tác động trực tiếp đến số lượng, chất lượng, hiệu quả trong thực hiện các chức năng của HĐND, cụ thể là: Hoạt động giám sát cung cấp thông tin, là cơ sở để HĐND cân nhắc khi quyết định những chính sách quan trọng của địa phương; là biện pháp thúc đẩy việc thực hiện nghị quyết của HĐND trong thực tiễn và đánh giá tính phù hợp, khả thi, hiệu quả của nghị quyết. Hoạt động giám sát gắn liền với thực tiễn công tác quản lý, đáp ứng nhu cầu và nguyện vọng của đa số người dân. Báo cáo kết quả giám sát là “sản phẩm” chủ yếu của hoạt động giám sát, trong đó thể hiện những nhận định, đánh giá của đoàn giám sát về việc chấp hành pháp luật trong thực hiện chính sách, xác định những việc đã làm được, chưa làm được, khó khăn, hạn chế, tâm tư, nguyện vọng của các tổ chức, cá nhân trong thực thi chính sách công, từ đó đưa ra những kiến nghị, đề xuất góp phần bảo đảm tính hiệu quả của hoạt động giám sát, đáp ứng yêu cầu thực tiễn và tâm tư, nguyện vọng người dân. Hoạt động giám sát của HĐND còn là cơ sở quan trọng góp phần thiết lập kênh tương tác giữa HĐND và người dân địa phương trong thực thi chính sách công.

Tuy nhiên, hoạt động giám sát thực hiện chính sách công của HĐND cũng gặp một số hạn chế. Hoạt động giám sát thực thi chính sách công có lúc, có nơi còn mang tính hình thức. Trên thực tế, một số cuộc giám sát chuyên đề vẫn mang tính hình thức, kiến nghị qua giám sát của HĐND chưa được các cơ quan có trách nhiệm thực hiện đầy đủ và triệt để, làm hạn chế hiệu quả hoạt động, chưa phát huy được tối đa chức năng, quyền hạn của HĐND. Nguồn lực cho hoạt động giám sát của HĐND còn hạn chế. Để thực hiện hoạt động giám sát tốt, nhất là với giám sát thực hiện chính sách công, thì yếu tố nguồn lực (bao gồm vật lực và nhân lực) đóng vai trò quan trọng. Bên cạnh đó, nguồn cơ sở vật chất và tài chính phục vụ cho hoạt động giám sát của HĐND, nhất là HĐND cấp huyện, còn hạn chế. Bên cạnh đó, trình độ, năng lực của đại biểu HĐND còn hạn chế, chưa bao quát được các vấn đề xã hội, chưa phát huy hết vai trò, trách nhiệm của người đại diện nhân dân, nhất là với HĐND cấp huyện, xã. Cấp cơ sở là cấp gần dân nhất, sâu sát với thực tế, nhưng chất lượng giám sát thực hiện chính sách công cơ bản chưa cao. Còn thiếu chế tài xử lý đối với người đứng đầu HĐND, Thường trực HĐND, tổ giám sát, đại biểu HĐND trong trường hợp giám sát thực hiện chính sách công còn sai phạm, giám sát thiếu trách nhiệm hay giám sát nửa chừng…

Phương thức, nội dung giám sát chưa được đổi mới, theo kịp cùng tốc độ phát triển kinh tế - xã hội và khoa học - công nghệ. Việc theo dõi, đôn đốc các cơ quan chức năng liên quan trong việc thực hiện kiến nghị sau giám sát còn chưa quyết liệt, chưa theo đuổi đến cùng, hiệu quả sau giám sát chưa cao. Một số đối tượng chịu sự giám sát chưa nắm vững mục đích, yêu cầu cũng như nội dung giám sát, đề xuất, kiến nghị còn chung chung; thiếu sự phối hợp giữa HĐND cấp tỉnh với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên trong hoạt động phối hợp thường xuyên giám sát thực hiện chính sách công theo quy định.

Chất lượng giám sát thực hiện chính sách công của HĐND chưa đạt như mong muốn xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó, về khách quan, quy định về nghĩa vụ của các cơ quan, đơn vị trong việc triển khai thực hiện kiến nghị qua giám sát của HĐND còn chưa cụ thể. Quy trình và biện pháp xử lý trách nhiệm đối với người đứng đầu cơ quan, đơn vị chịu sự giám sát khi không thực hiện kiến nghị chưa được quy định rõ ràng, chưa có chế tài xử lý sau giám sát. Về chủ quan, một số kiến nghị sau giám sát của HĐND về chính sách công chưa bảo đảm tính khả thi, thậm chí còn chủ quan, áp đặt, né tránh những nội dung còn tồn tại và trách nhiệm người đứng đầu để kịp thời khắc phục, sửa chữa. Có nội dung kiến nghị còn chung chung, không chỉ rõ cơ quan thẩm quyền giải quyết, có thể đem áp dụng với tất cả các cuộc giám sát. Nguồn lực phục vụ cho hoạt động giám sát thực hiện chính sách công của HĐND còn hạn chế, vì vậy, việc giám sát hình thức, giám sát bằng việc ngồi văn phòng nghe báo cáo còn diễn ra phổ biến, dẫn đến chất lượng chưa cao, chưa sát thực tiễn. Bên cạnh đó, các cuộc giám sát thiếu vắng sự tham gia, tư vấn, thẩm định của đội ngũ chuyên gia về chính sách công nên quá trình thực hiện thiếu khách quan, không có phương pháp khoa học, từ đó dẫn đến chất lượng giám sát không cao.

Đại biểu tham gia biểu quyết tại Kỳ họp thứ 14, Hội đồng nhân dân tỉnh Cao Bằng khóa XVII, nhiệm kỳ 2021 - 2026_Ảnh: TTXVN

Để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát thực hiện chính sách công của HĐND các cấp trong thời gian tới

Một là, quy định những nội dung, yêu cầu nhằm bảo đảm chất lượng của các kiến nghị tại mỗi cuộc giám sát. Nâng cao chất lượng kiến nghị là giải pháp trước tiên để nâng cao hiệu quả thực hiện kiến nghị. Biện pháp khắc phục được đề xuất trong kiến nghị phải khả thi, bảo đảm các điều kiện để giám sát thực hiện chính sách, phù hợp với quy định pháp luật và khả năng, điều kiện thực tế của địa phương, đơn vị.

Hai là, từng bước bổ sung, nâng cao chất lượng và hoàn thiện tổ chức bộ máy, hoạt động của HĐND. HĐND là cơ quan hoạt động không thường xuyên, đa số đại biểu HĐND hoạt động theo chế độ kiêm nhiệm nên ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả hoạt động của HĐND. Để thực hiện tốt chức năng, đặc biệt là chức năng giám sát, đòi hỏi HĐND phải có một bộ máy tinh, mạnh và năng động hơn.

Ba là, nâng cao năng lực, bản lĩnh và tinh thần trách nhiệm trong thực hiện chức năng giám sát của đại biểu HĐND. Đại biểu HĐND là nhân tố quyết định đến chất lượng và hiệu quả giám sát của cơ quan dân cử ở địa phương. Do đó, cần nâng cao chất lượng đại biểu HĐND thông qua quá trình lựa chọn, bầu đại biểu HĐND dân chủ, khách quan, minh bạch, bảo đảm các điều kiện về chính trị, năng lực, kiến thức, bản lĩnh và trách nhiệm của người đại diện dân cử. Những đại biểu dân cử phải không ngừng cố gắng, khắc phục những khó khăn, hạn chế, thực thi nhiệm vụ với tinh thần trách nhiệm cao nhất, cùng bản lĩnh chính trị, uy tín, trình độ, năng lực, đáp lại sự tin tưởng, mong mỏi, ủy thác của nhân dân đối với cá nhân đại biểu HĐND và cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương.

Bốn là, bảo đảm các điều kiện vật chất cho hoạt động giám sát của HĐND. Muốn nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát của HĐND, cần phải đầu tư chi phí và điều kiện vật chất cho hoạt động giám sát, góp phần tích cực nâng cao hiệu quả giám sát của HĐND.

Năm là, cần xây dựng bộ tiêu chí đánh giá hiệu quả giám sát của HĐND. Đây được xem là căn cứ, cơ sở để xác định hiệu quả giám sát trên mọi phương diện khác nhau./.

ST.