TRÍ TUỆ NHÂN TẠO VÀ NHỮNG NGUY CƠ,
THÁCH THỨC ĐỐI VỚI CÔNG TÁC BẢO VỆ NỀN TẢNG TƯ TƯỞNG CỦA ĐẢNG HIỆN NAY
Sự ra đời của phần mềm Chat GPT đã tạo
nên cơn sốt trên toàn cầu và cả ở Việt Nam. Điều này khẳng định xu thế của cuộc
Cách mạng công nghiệp lần thứ tư là không thể đảo ngược, đang có tác động cả
tích cực và tiêu cực đến mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế - chính trị thế
giới. Đây cũng là thách thức lớn đối với Việt Nam trước nguy cơ các thế lực thù
địch, phản động sử dụng thành tựu này để chống phá, kích động, xuyên tạc con
đường đi lên chủ nghĩa xã hội, ảnh hưởng lớn đến công tác bảo vệ nền tảng tư
tưởng của Đảng hiện nay.
Trí tuệ nhân tạo và những tác động
không mong muốn đối với đời sống xã hội
Sự bùng nổ của Chat GPT làm nhiều người
bắt đầu chú ý tới trí tuệ nhân tạo (AI), mặc dù các công cụ dò tìm đường, công
cụ dịch thuật, công cụ chỉnh sửa ảnh tự động… đã được ứng dụng AI từ rất lâu.
Tuy nhiên, người ta mới chỉ nhìn thấy phần nổi của tảng băng chìm và chưa nhận
thức rõ những thách thức của AI đối với đời sống xã hội. Thực tế, AI hoàn toàn
có thể ảnh hưởng đến mọi lĩnh vực từ chính trị, kinh tế, văn hóa, quốc phòng,
an ninh… của quốc gia, thậm chí là toàn nhân loại.
AI tác động đến mọi lĩnh vực từ chính
trị, kinh tế, văn hóa, quốc phòng, an ninh của các quốc gia _Ảnh: Tư liệu
Mỹ là quốc gia có nền công nghệ phát
triển hàng đầu thế giới, nơi sở hữu nhiều công ty công nghệ hùng mạnh về AI đã
bắt đầu quan tâm đến tác động từ sự phát triển của AI. Tháng 8-2023, Tổng thống
Mỹ Joe Biden đã có buổi làm việc với bảy công ty công nghệ hàng đầu của Mỹ là
Amazon, Anthropic, Google, Inflection, Meta, Microsoft và OpenAI tại Nhà Trắng.
Cuộc gặp này diễn ra sau những lo ngại về việc các công ty đang chạy đua với nhau
bằng các phiên bản AI có thể tự sáng tạo văn bản, ảnh, nhạc và video mà không
cần một hình mẫu con người cụ thể. Sự bùng nổ của các phiên bản AI này dẫn đến
nguy cơ lan truyền những thông tin sai lệch và những cảnh báo nghiêm trọng về
các rủi ro khi AI trở nên tinh vi và giống con người hơn. Tháng 10-2023, Chính
phủ Mỹ đã ban hành sắc lệnh nhằm giảm thiểu rủi ro mà công nghệ AI có thể gây
ra, thiết lập các tiêu chuẩn mới về an toàn và bảo mật, bảo vệ quyền riêng tư
của người dùng, thúc đẩy đổi mới và cạnh tranh trong lĩnh vực AI. Không chỉ
trong lĩnh vực an ninh con người, Mỹ đang lo ngại về các nguy cơ của AI trong
lĩnh vực quốc phòng. Đơn cử như, nếu một quả tên lửa hay máy bay không người
lái (UAV hoặc Drone) được điều khiển bởi AI tham gia các hoạt động chiến tranh,
quân sự hoặc có thể là khủng bố thì khó có thể lường hết hậu quả. Theo Diễn đàn
Quốc phòng Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, tháng 11-2023, Bộ Ngoại giao Mỹ đã
công bố Tuyên bố chính trị về việc sử dụng có trách nhiệm trí tuệ nhân tạo và công
nghệ tự hành trong quân sự nhằm thiết lập các quy tắc sử dụng. Từ
tháng 1-2024 đến nay, đã có 51 quốc gia tán thành tuyên bố trên, đồng thuận
cùng tham gia xây dựng các quy tắc, hướng dẫn để bảo đảm việc sử dụng AI và các
hệ thống vũ khí tự hành, cũng như các ứng dụng quân sự sử dụng AI khác.
Việt Nam cũng đang phải đối mặt với
những nguy cơ trực tiếp đến từ sự bùng nổ của AI, đặc biệt là làn sóng tội phạm
sử dụng công nghệ AI. Phổ biến nhất có thể kể đến Deepfake đang được các đối
tượng lừa đảo sử dụng khá phổ biến. Các sản phẩm âm thanh, hình ảnh, video,
clip… giả mạo do Deepfake tạo ra thường nhằm giả mạo các cơ quan chức năng hoặc
người thân của mục tiêu để thực hiện việc lừa đảo. Các thông tin về số căn cước
công dân, số tài khoản ngân hàng, số điện thoại, địa chỉ, các mối quan hệ trên
trang mạng xã hội… dễ bị lộ lọt là kẽ hở lớn để các đối tượng lừa đảo nhắm tới.
Thông qua sức mạnh của AI đến từ khả năng thu thập, xử lý dữ liệu khổng lồ và
phân tích các mẫu phức tạp, các đối tượng xấu có nhiều chiêu trò để thuyết phục
nạn nhân tin vào nội dung lừa đảo, qua đó chiếm đoạt tài sản hoặc thực hiện các
mục đích xấu khác. Theo thống kê của Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và
truyền thông, trong 11 tháng đầu năm 2023, đã có 15.900 phản ánh về trường hợp
lừa đảo do người dùng internet Việt Nam gửi đến qua các hệ thống cảnh báo,
trong đó hơn 91% cảnh báo này liên quan đến giả mạo, lừa đảo trong lĩnh vực
ngân hàng - tài chính. Theo báo cáo của Liên minh chống lừa đảo toàn cầu (GASA)
và dự án xã hội Chống lừa đảo (Việt Nam), năm 2023, trung bình mỗi người Việt
tham gia khảo sát phải đối mặt với 0,8 vụ lừa đảo; trong đó, có 71% số người
được gọi gặp phải lừa đảo trên hai nền tảng lớn là Facebook và Gmail, các nền
tảng khác như Telegram (28%), Google (13%) và TikTok (13%)(1).
Nguy cơ, thách thức từ
trí tuệ nhân tạo đến công
tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong giai đoạn hiện nay
Rõ ràng không thể phủ nhận lợi ích mà
AI mang đến cho cuộc sống và sự phát triển của các quốc gia, nhưng những nguy
cơ, thách thức mà nó mang lại rất cần được nghiên cứu, dự báo và chủ động phòng
ngừa. Trong công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng hiện nay, AI mặc dù chưa
ảnh hưởng sâu rộng và gây ra những thách thức trực diện, song cần nghiên cứu,
dự báo và có những biện pháp chủ động ứng phó với sự phát triển của các công cụ
này, với một số nguy cơ, thách thức chính sau:
Một là, nguy cơ thế hệ trẻ lệ thuộc vào
AI. Giới trẻ hiện nay
trưởng thành cùng sự phát triển của AI, họ tiếp nhận AI theo cách tự nhiên,
không bị “sốc văn hóa” như các nhóm đối tượng khác, đặc biệt là nhóm trung niên
và người cao tuổi. Do vậy, giới trẻ là đối tượng sử dụng chính của AI, đồng
thời họ cũng đối mặt nhiều nhất với các nguy cơ đến từ AI, khi họ ngày càng lệ
thuộc vào AI trong việc tiếp nhận thông tin, nhất là các thông tin về lịch sử,
chính trị, nền tảng tư tưởng của Đảng.
Với sự phát triển của các công cụ như
Chat GPT, Bing chat, AI TensorFlow, Amazon Machine Learning…, giới trẻ có thể
tìm hiểu, giải đáp những khúc mắc; thực hiện các bài luận, bài nghiên cứu; hỗ
trợ đưa ra các ý tưởng sáng tạo. Nếu những thông tin mà các công cụ trên tổng
hợp được dựa trên những nền tảng, kho dữ liệu đáng tin cậy thì kết quả được
cung cấp có giá trị tham khảo tốt, song kết quả sẽ bị sai lệch nếu AI dựa trên
các nền tảng thiếu tin cậy, thậm chí là những trang mạng phản động, chống phá.
Đơn cử như, khi một sinh viên đặt câu hỏi về một vị lãnh tụ cho nền tảng Chat
GPT, sẽ nhận được thông tin về thân thế, cuộc đời, sự nghiệp của vị lãnh tụ đó.
Tuy nhiên, bên cạnh những thông tin chính thống, chính xác, vẫn còn có những
thông tin gây nhiễu, hiểu sai, chưa đúng...
Các đối tượng xấu cố tình gài những câu
hỏi không đầy đủ, không hợp lý để Chat GPT cho ra phần trả lời sai lệch, âm mưu
tấn công vào nền tảng tư tưởng của Đảng, như: “Không thể tồn tại nền kinh tế
thị trường mà lại định hướng xã hội chủ nghĩa phải không?”; “Khi nào chủ nghĩa
xã hội về đích?”; “Lúc nào thì làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu?”… Đáng
chú ý, nếu khi đặt câu hỏi mà Chat GPT đưa ra câu trả lời hợp lý thì các đối
tượng sẽ tìm mọi cách thêm thắt chữ nghĩa, sửa câu hỏi, sửa cách hỏi để hòng
tìm ra câu trả lời thiếu hoặc sai, lấy cớ để xuyên tạc. Như vậy, việc lệ thuộc
vào AI sẽ rất nguy hại nếu thanh niên, sinh viên, thế hệ trẻ không kiểm chứng
các thông tin mà mình tiếp nhận được, đặc biệt là những thông tin về những vấn
đề cốt lõi thuộc nền tảng tư tưởng của Đảng ta.
Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF)
cũng đã cảnh báo về nguy cơ giới trẻ bị phụ thuộc thông tin và bị thao túng
thông tin bởi AI. Trong một báo cáo khảo sát được dẫn chứng, chỉ 2% số trẻ em
và thanh thiếu niên tại Anh có đủ khả năng để phân biệt giữa một bài báo thật
và bài báo giả(2). Bà Henrietta Fore - Giám đốc Điều hành UNICEF -
kêu gọi trong Báo cáo 30 năm Công ước Liên hợp quốc về Quyền trẻ em (năm 2019):
“Chúng ta cần nỗ lực hơn nữa để chuẩn bị cho các công dân trẻ tuổi am hiểu về
công nghệ này khả năng chống lại sự thao túng và gìn giữ niềm tin đối với các
nguồn kiến thức đáng tin cậy và có thể xác minh”(3). Rõ ràng, đây là
nguy cơ đáng lo ngại đối với giới trẻ Việt Nam và cần có những giải pháp hữu
hiệu để ứng phó với sự lệ thuộc này ở hiện nay và trong tương lai.
Hai là, tác động của AI đối với tư
tưởng và hành vi của người dân trong xã hội. Các thuật toán được các nền tảng mạng
xã hội, các công ty công nghệ lớn sử dụng thường hướng đến cá nhân hóa nội
dung. AI được sử dụng để tạo nên các “buồng vọng âm - echo chamber”. Đây là
hình ảnh ẩn dụ ám chỉ một môi trường mà ở đó, người dùng chỉ được tiếp xúc với
những thông tin, quan điểm đồng thuận với ý kiến của họ. Những quan điểm khác,
sai biệt sẽ bị AI thanh lọc để tránh ảnh hưởng đến người dùng, do đó, các công
ty công nghệ lớn sử dụng thuật toán này để tránh người dùng tiếp xúc với những
thông tin mà họ không ưa thích, dẫn đến từ bỏ sử dụng dịch vụ. Tuy nhiên, đây
lại là thách thức lớn đối với công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên
không gian mạng. Khi các thế lực thù địch, phản động thực hiện hoạt động chống
phá, họ sử dụng đa nền tảng mạng xã hội với nhiều thông tin sai trái về nhiều
lĩnh vực. Người dùng chỉ cần chú ý đến một tin giả, dành thời gian đọc nhiều
hơn so với các loại thông tin khác, ngay lập tức AI sẽ nhận định loại thông tin
đó cần được ưu tiên và sẽ đề xuất nhiều nội dung tương tự. “Buồng vọng âm”
khiến các định kiến và quan điểm sai lệch được củng cố mạnh mẽ hơn. Người dùng
sẽ trở nên tự tin hơn về tính đúng đắn của các quan điểm đó, mặc dù thông tin
này có thể không chính xác, đi ngược lại đường lối, chủ trương, chính
sách của Đảng, Nhà nước. Đồng thời, các thuật toán AI không chỉ phản ánh
lựa chọn ưa thích của người dùng, mà còn có thể bị thao túng bởi các cá nhân
hoặc tổ chức có ý đồ xấu. Họ có thể lợi dụng các thuật toán của các trang mạng
xã hội đang sử dụng AI để lan truyền thông tin sai lệch, khuếch đại các quan điểm
cực đoan và kích động xung đột xã hội.
Ba là, nguy cơ về phát tán, lan
truyền thông tin sai lệch, thông tin không chính thống, chưa được xác
thực. Gần đây, không ít
người dùng các nền tảng mạng xã hội và các trang báo điện tử đã đăng tải nội
dung thông tin sai lệch với việc ứng dụng được tạo ra từ AI. Thực tế này cho
thấy, AI mà trực tiếp là công cụ Deepfake với những phiên bản ngày càng cao cấp
sẽ dấy nên nguy cơ lớn đối với trật tự, an toàn xã hội, an ninh không gian mạng
nếu mục tiêu bị giả mạo là các chính trị gia, những người có uy tín trong xã
hội. Với sự bùng nổ công nghệ, AI hoàn toàn dễ dàng bị các thế lực thù địch,
phản động lợi dụng để tạo ra những sản phẩm văn hóa, sản phẩm tinh thần sai
trái, phản động, từ đó tạo hiệu ứng xấu, độc trong dư luận xã hội. Các công
nghệ như Deepfake và các hệ thống tạo nội dung tự động có thể tạo ra các video,
hình ảnh và bài viết giả mạo, làm ảnh hưởng đến nhận thức của người dân về chủ
trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Nguy cơ này đặt
ra thách thức không nhỏ cho lực lượng chức năng trong quản lý, phòng ngừa, ngăn
chặn.
Bốn là, nguy cơ mất kiểm soát từ chính
phủ đối với AI. Nguy
cơ mất kiểm soát đối với AI đã được nhiều quốc gia đề cập đến. Tháng 10-2023,
tại Hội nghị cấp cao đầu tiên về an toàn AI
được tổ chức tại Bletchley Park, Thủ tướng Anh Rishi Sunak đã bày tỏ lo ngại
“nhân loại có thể mất hoàn toàn quyền kiểm soát AI”(4) nếu công
nghệ này không được giám sát thích hợp, ngay cả khi nó tạo ra những cơ hội mới.
Những lo ngại này hoàn toàn có cơ sở bởi: Trước hết, AI có khả năng
tự học và cải tiến, khiến việc kiểm soát ngày càng trở nên khó khăn hơn. Các hệ
thống AI có thể phát triển khả năng mới mà con người không dự đoán trước được,
dẫn đến tình trạng vượt quá tầm kiểm soát. Thứ hai, AI có thể bị
lạm dụng bởi các tổ chức và cá nhân có ý đồ xấu, từ việc tấn công mạng, lan
truyền thông tin sai lệch đến việc sử dụng trong các hoạt động quân sự và gián
điệp. Khi AI trở nên mạnh mẽ hơn, việc ngăn chặn các hành động này trở nên phức
tạp và yêu cầu sự hợp tác quốc tế chặt chẽ, điều này không phải lúc nào cũng dễ
dàng thực hiện được. Thứ ba, sự phát triển nhanh chóng của AI đang
vượt qua khả năng lập pháp của nhiều chính phủ. Luật pháp và quy định thường
chậm và không theo kịp tốc độ tiến bộ công nghệ. Điều này tạo ra lỗ hổng pháp
lý mà các công ty và cá nhân có thể lợi dụng để phát triển và triển khai công
nghệ AI mà không bị kiểm soát chặt chẽ.
Đối với Việt Nam, nguy cơ trên thực sự
hiện hữu khi chúng ta chưa có văn bản quy phạm pháp luật cụ thể nào về AI. Thêm
vào đó, việc kiểm soát các công ty công nghệ, đặc biệt là các công ty nước
ngoài là rất khó khăn. Việc sửa đổi luật khó theo kịp sự phát triển của công
nghệ. Nguy cơ này càng cao hơn khi mà các công ty công nghệ lớn có nguồn lực và
sự linh hoạt để phát triển AI mạnh mẽ hơn Nhà nước, điều này không chỉ đúng với
một nước đang phát triển như Việt Nam mà ngay cả những nước phát triển cũng
phải đối mặt. Theo đó, có thể dẫn đến tình trạng chính phủ phải phụ thuộc vào
các công ty công nghệ để triển khai và quản lý AI, làm giảm khả năng tự chủ và
kiểm soát. Từ đó có thể đặt ra mối lo ngại về sự suy yếu quyền lực nhà nước
trong việc điều tiết và kiểm soát AI.
Năm là, nguy cơ về tư cách pháp nhân
của AI. Đây là vấn đề được
tranh luận từ rất lâu. AI có tư cách pháp nhân hay không? Nhiều quan điểm cho
rằng cần trao tư cách pháp nhân, quyền công dân, quyền tự do… cho AI. Năm 2017,
Chính phủ Arab Saudi đã trao quyền công dân cho robot Sophia do David Hanson Jr
(một nhà chế tạo robot người Mỹ, đồng thời là người sáng lập và Giám đốc điều
hành (CEO) của Hanson Robotics) tạo ra. Sự kiện này tạo tiền lệ và lý do cho
hàng loạt quan điểm, ý kiến về cấp quyền công dân cho robot có trí tuệ nhân
tạo.
Tuy nhiên, trên cơ sở quan điểm của chủ
nghĩa Mác - Lê-nin, cần nhận thức rõ rằng, AI hay bất cứ sản phẩm công nghệ nào
khác đều do con người lập trình, là sản phẩm có nguồn gốc từ quá trình lao động
của con người, do đó phục vụ cho mục đích nào đó của chủ thể tạo ra. Cần ý thức
rằng, mỗi sản phẩm AI đều mang ý kiến chủ quan và sự sắp đặt của chủ thể tạo ra
nó và chủ thể đó phải chịu trách nhiệm pháp lý do những hành vi vi phạm pháp
luật mà AI thực hiện.
Một số khuyến nghị góp phần bảo vệ nền
tảng tư tưởng của Đảng trước
những nguy cơ, thách thức từ trí tuệ nhân tạo
Từ những nguy cơ đến từ sự bùng nổ của
AI đối với công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, cần lưu ý một số nội
dung sau:
Một là, tăng cường hợp tác quốc tế về AI.
Việt Nam cần chủ động và tích cực tham gia các diễn đàn quốc tế về AI, đồng
thời phát huy vai trò và vị thế quốc gia trong việc thúc đẩy sử dụng AI một
cách có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế. Điều này không chỉ giúp Việt Nam
nắm bắt các xu hướng công nghệ mới nhất và học hỏi kinh nghiệm, mà còn đóng góp
vào việc xây dựng các quy chuẩn quốc tế về AI. Bằng cách tham gia sâu rộng và
tích cực, Việt Nam có thể chia sẻ những kinh nghiệm, đồng thời học hỏi từ các
quốc gia tiên tiến khác. Điều này tạo cơ hội để Việt Nam khẳng định vị thế
trong cộng đồng quốc tế, thúc đẩy hợp tác và đối thoại nhằm bảo đảm rằng AI
được phát triển và sử dụng một cách an toàn, minh bạch và hiệu quả. Hướng tới
các quy chuẩn quốc tế về AI cũng giúp Việt Nam bảo đảm công nghệ này mang lại
lợi ích toàn diện cho xã hội, thúc đẩy sự phát triển bền vững và giảm thiểu rủi
ro tiềm ẩn. Việc này không chỉ là một nhiệm vụ chiến lược, mà còn là cơ hội để
Việt Nam tạo dấu ấn trong lĩnh vực công nghệ toàn cầu.
Hai là, bảo đảm sự phát triển và ứng dụng
AI một cách có trách nhiệm, góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, theo đó
cần xây dựng các thiết chế mạnh mẽ và tăng cường quản lý nhà nước đối với các
công ty công nghệ, đặc biệt là các công ty nước ngoài. Cần ban hành luật về AI
và kịp thời sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật hiện hành, quy định rõ ràng
về trách nhiệm, chế tài và nghĩa vụ của các công ty công nghệ. Các chính sách
và pháp luật này nhằm kiểm soát chặt chẽ việc phát triển và ứng dụng AI, bảo
đảm rằng các thuật toán được sử dụng để khuyến khích thông tin tích cực, đúng
đắn và phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của
Nhà nước. Các công ty công nghệ cần rà soát quy trình của mình để tránh tạo ra
kẽ hở để các thế lực thù địch, phản động có thể lợi dụng hòng phát tán thông
tin sai lệch. Việc này không chỉ giúp bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, mà còn
góp phần vào sự ổn định và phát triển bền vững của đất nước.
Ba là, cần tăng cường công tác tuyên
truyền giáo dục và nâng cao nhận thức về AI. Việc phổ biến kiến thức về AI sẽ
giúp người dùng hiểu rõ hơn về công nghệ này, từ đó họ có thể tránh các “buồng
vọng âm” và thông tin sai lệch. Các chương trình giáo dục, công tác tuyên
truyền cần tập trung vào việc giải thích cách thức hoạt động của các thuật toán
AI, những nguy cơ tiềm ẩn của việc tiếp xúc với thông tin được cá nhân hóa quá
mức và cách nhận diện thông tin giả mạo liên quan đến chủ trương, đường lối,
chính sách của Đảng và Nhà nước. Ngoài ra, cần khuyến khích người dùng tiếp cận
với các nguồn thông tin đa dạng và đáng tin cậy, đồng thời phát triển kỹ năng
tư duy phản biện để họ có thể đánh giá thông tin một cách chính xác. Bằng cách
này, người dùng sẽ được trang bị đầy đủ kiến thức để bảo vệ bản thân. Việc
tuyên truyền, giáo dục nên được tích hợp vào chương trình giáo dục từ sớm, giúp
thế hệ trẻ nhận thức được tầm quan trọng của việc sử dụng AI một cách có trách
nhiệm và an toàn.
Bốn là, khuyến khích sự tham gia của các
doanh nghiệp, công ty và các startup khởi nghiệp về AI. Làm tốt giải pháp này
có thể tăng cường sự tự chủ, tránh sự lệ thuộc, mất kiểm soát đối với các công
ty công nghệ nước ngoài. Qua đó, gián tiếp tăng cường sức mạnh trong bảo vệ nền
tảng tư tưởng của Đảng, đặc biệt là trên không gian mạng. Chính phủ có thể cung
cấp các ưu đãi về thuế, tài chính và hỗ trợ kỹ thuật; đầu tư vào hạ tầng công
nghệ, mạng lưới internet tốc độ cao, các cơ sở dữ liệu lớn và hệ thống máy tính
mạnh mẽ, để hỗ trợ việc nghiên cứu và triển khai AI cho các doanh nghiệp, đặc
biệt là các startup, nhằm thúc đẩy sáng tạo và ứng dụng AI trong đa dạng các
lĩnh vực. Điều này không chỉ giúp tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp
phát triển, mà còn khuyến khích họ tự chủ trong việc nghiên cứu và áp dụng công
nghệ AI. Bằng cách này, các doanh nghiệp có thể đóng góp vào việc xây dựng một
hệ sinh thái AI đa dạng, hướng tới phát triển bền vững, đồng thời bảo vệ nền
tảng tư tưởng của Đảng bằng cách kiểm soát và thúc đẩy việc sử dụng AI một cách
có trách nhiệm, an toàn.
Năm là, cần xây dựng các cơ chế giám sát
và kiểm tra chặt chẽ đối với các công ty công nghệ, các tổ chức, cá nhân sử
dụng sản phẩm AI. Bảo đảm rằng các công nghệ này không gây ảnh hưởng tiêu cực
đến nền tảng tư tưởng của Đảng và xã hội. Đồng thời, cần thiết kế các cơ chế
kiểm tra để bảo đảm tính minh bạch và trách nhiệm trong quản lý dữ liệu và
thông tin. Việc này giúp ngăn chặn việc lạm dụng dữ liệu và thông tin để lan
truyền các thông tin sai lệch, gây hoang mang dư luận, ảnh hưởng tới nền tảng
tư tưởng của Đảng./.
(Theo
báo Tạp chí Cộng sản)