Thứ Hai, 1 tháng 3, 2021

CẢNH GIÁC VỚI THÔNG TIN MẠNG – VẤN ĐỀ CHẲNG CỦA RIÊNG AI

 


Mạng xã hội đã và đang tác động không nhỏ đến các lĩnh vực của đời sống xã hội và mỗi người dân, với cả khuynh hướng tích cực và tiêu cực. Những thông tin không chính thống, “thông tin rác” tàn lan trên mạng, đã và đang tác động không nhỏ dến tâm lý, tình cảm, cảm xúc thậm chí là niềm tin của một bộ phận người dân. Có người còn lấy đó làm cơ sở cho những suy diễn, nhận định, đánh giá của mình trước những vấn đề xã hội… dẫn đến những hành vi vi phạm pháp luật, quy định thật đáng quan ngại.

Đơn cử khi đề cập đến vấn đề chống tham nhũng trong những câu chuyện “trà dư, tửu hậu”, mỗi khi những cán bộ hưu trí gặp nhau “ôn cố tri tân”. Dù câu chuyện luôn rôm rả, hào hứng, nhưng do tiếp cận từ những luồng thông tin khác nhau nên giữa họ không ít lần sảy ra những khác biệt trong cách nhìn nhận, đánh giá. Người từng là cán bộ cao cấp nghỉ hưu, trước đây từng công tác ở các cơ quan của Đảng, Nhà nước, Bộ, Ngành, được mọi người trân trọng khẳng định: “Đảng ta chống tham nhũng như thế là tuyệt vời, tạo được niềm tin nơi cán bộ, đảng viên và quần chúng”. Không đồng tình, một cán bộ đảng viên già nghỉ hưu, từng truyền đạt nghị quyết của Đảng, tung ra quan điểm: “Gọi là có chuyển biến thì được, chứ tuyệt vời thì chưa, còn khối vụ đại án đã đụng đến được đâu”; “Các chú có xem “mạng” không, thông tin nhan nhản ra đấy, dân họ chẳng tin đâu, mà nói thật anh cũng không tin Đảng ta có thể chống được tham nhũng”(!).

Thấy hầu hết người nghe đều ngỡ ngàng, không đồng tình với ý kiến “phản biện” cùng những căn cứ mà mình vừa nêu ra, ông ta tiếp tục chống chế, bao biện: “Ừ, quyết tâm thì có, nhưng đó chỉ là một việc, còn thành công thì lại là một việc khác; tham nhũng ở nước ta đã thành hệ thống, trở thành vấn nạn, “bệnh nan y” rồi, không dễ gì chữa trị được”. Để tăng thêm tính thuyết phục, ông ta còn viện dẫn lý luận của một số nhà kinh điển, rằng: “tham nhũng gắn liền với nhà nước”, “có nhà nước thì tất yếu có tham nhũng”, v.v và v.v. hệt như miệng lưỡi của những “anh hùng bàn phím” thâm thù với cách mạng.

Bằng trình độ, kiến thức và kinh nghiệm những người xung quanh đã cho ông ta thấy sự lạc lõng trong cách tiếp cận thông tin, cách suy nghĩ và hành động của mình. Tuy nhiên họ cũng như chúng ta chưa hết sự bất ngờ, bởi trước đây đã được nghe ông ta truyền đạt nghị quyết của Đảng rất hay và thuyết phục mà hôm nay ông ta nói khác quá. Là đảng viên, cán bộ cao cấp của Đảng, tuy đã nghỉ công tác, nhưng trách nhiệm với Đảng, với dân thì đâu đã hết, sao có thể nói thế nào cũng được, nhất là những điều không có lợi cho Đảng và đất nước. Ông ta nói không tin Đảng có thể chống được tham nhũng, vậy thử hỏi còn ai tin; với uy tín, vị thế của ông ta mà nói như thế trước nhân dân thì nguy hiểm biết chừng nào? Những thông tin trên mạng, mà ông nêu ra đâu phải là thông tin chính thống, “thông tin rác”, sao có thể lấy đó làm cơ sở được? Có thể kết quả chưa thật tuyệt vời, nhưng thực sự đã có chuyển biến rõ và điều quan trọng hơn là thể hiện quyết tâm chống tham nhũng của Đảng, hơn thế còn chống quyết liệt, chống đến cùng, “không có ngoại lệ, không có vùng cấm”, như đồng chí Tổng Bí thư - Chủ tịch nước đã khẳng định.

Những câu chuyện đại loại như thế thường khiến mọi người buồn vui đan xen, trong chúng ta vẫn còn có người hoài nghi về quyết tâm chính trị chống tham nhũng của Đảng ta, nên không thể chủ quan được; “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” chẳng phải ở đâu xa mà có thể ở xung quanh chúng ta, trong mỗi con người, có thể cả những người từng là cán bộ, đảng viên của Đảng; phòng chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, thẳng thắn đấu tranh với những quan điểm, cách nghĩ lệch lạc là trách nhiệm của mọi đảng viên trung kiên của Đảng, ngay cả đội ngũ những cán bộ hưu trí, để “hưu trí” mà không “hưu hắt” như ai đó từng nói.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét