UNESCO đã cảnh báo cho cả thế giới, hễ ở đâu phát triển kinh tế
mà không quan tâm tới yếu tố văn hóa thì ở đó phát triển không bền vững và
những hệ lụy đặt ra cho xã hội lớn hơn nhiều so với kinh tế. Điều này được cảnh
báo từ lâu nhưng hình như để vượt qua điều này không dễ dàng, nhất là những
nước đang phát triển, bản sắc văn hóa dân tộc rất dễ bị tổn thương.
Nếu trước đây dân tộc ta từng có cả nghìn năm bị cưỡng bức văn
hóa thì ngày nay chuyện đó sẽ khó có thể xảy ra. Nhưng trong quá trình giao lưu
văn hóa hiện nay, sự xâm nhập, thẩm thấu các giá trị văn hóa ngoại lai vào nước
ta diễn ra thông qua nhiều hình thức, con đường rất tinh vi, nên chúng ta rất
cần có những giải pháp phù hợp để phòng ngừa những tác hại, hệ lụy của những
luồng văn hóa lai căng, xấu độc. Muốn giữ được gốc gác cội nguồn dân tộc và bản
sắc văn hóa Việt Nam, ngoài trách nhiệm của ngành văn hóa và những người làm
công tác văn hóa, đòi hỏi phải có sự tham gia tích cực của các cấp, các ngành
và cả cộng đồng, xã hội. Vì văn hóa gắn liền với mỗi con người, mỗi cộng đồng
dân tộc, mỗi địa phương và gắn liền với các hoạt động chính trị, kinh tế, xã
hội, do đó, cả hệ thống chính trị phải cùng nêu cao trách nhiệm trong việc tham
gia giữ gìn, bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa của dân tộc.
Có nhiều cách để bảo vệ bản sắc
văn hóa dân tộc. Một trong những cách đó là thường xuyên đổi mới nội dung,
chương trình, phương pháp giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ. Nhất là trong
thời đại bùng nổ thông tin hiện nay, chúng ta phải tận dụng tối đa những ưu thế
của công nghệ thông tin để tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá những nét đẹp văn
hóa của cha ông cho thanh thiếu niên thông qua những hình thức sinh động, phong
phú, hấp dẫn, phù hợp với tâm lý, thị hiếu của giới trẻ. Cùng với đó là mở rộng
giao lưu văn hóa, nói chuyện lịch sử truyền thống, tăng cường tính tương tác,
tính trực quan sinh động khi giáo dục truyền thống văn hóa cho tuổi trẻ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét