Thứ Ba, 2 tháng 3, 2021

 

NHẬN DIỆN NHỮNG CHIÊU TRÒ CHỐNG PHÁ BẦU CỬ QUỐC HỘI NƯỚC TA HIỆN NAY

Bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XVvà đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 được tổ chức vào ngày 23/5/2021, đây là sự kiện chính trị to lớn, có ý nghĩa quan trọng đối với cả nước, mọi cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân thực hiện quyền và nghĩa vụ bầu cử của mình; chọn những người có đức, có tài xứng đáng đại diện cho nhân dân tham gia quản lý nhà nước, quản lý xã hội. Đây cũng là lúc những kẻ núp bóng “dân chủ, nhân quyền” không từ mọi thủ đoạn để suy diễn, xuyên tạc. Những chiêu trò đó cần nhận diện như sau:

Thứ nhất, họ ra sức xuyên tạc vị trí, vai trò, chức năng của Quốc hội. Mặt khác, phủ nhận mối quan hệ giữa Đảng với Quốc hội, đòi hỏi Quốc hội là tổ chức độc lập. Thậm chí, họ cho rằng Đảng hoạt động ngoài hiến pháp và pháp luật, yêu cầu phải xóa bỏ Điều 4, Hiến pháp nước ta.

Thứ hai, hạ thấp uy tín, bôi nhọ danh dự, phủ nhận những đóng góp của các đại biểu Quốc hội, nhất là đại biểu Quốc hội giữ các vị trí chủ chốt trong bộ máy nhà nước.

Thứ ba, lợi dụng các phiên chất vấn, trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội để cố gắng làm “méo mó”, “biến dạng” các vấn đề thảo luận giữa các đại biểu, hướng lái, công kích dư luận theo cách diễn giải theo mưu đồ của họ. Tìm mọi cách khoét sâu vào những khó khăn để vu khống, với phương châm: “Nói không thành có, đổi trắng thay đen”, lấy hiện tượng để quy thành bản chất và quy kết đó là do những hạn chế hoạt động của Đảng, Nhà nước.

Thứ tư, sử dụng các trang mạng xã hội như: YouTube, Facebook, Blog… tác động tiêu cực đến nhận thức nhân dân; phát tán các bài viết, hình ảnh, video với thông tin sai lệch, trái chiều, không đúng sự thật. Đặc biệt họ cố tình cắt ghép, pha trộn, chỉnh sửa các bài tranh luận, phát biểu của các đại biểu Quốc hội để tuyên truyền chống phá các hoạt động của Đảng, Nhà nước.

Vì vậy, cần nhìn nhận các vấn đề trên như sau:

Trước hết, chức năng, nhiệm vụ của Quốc hội được Hiến pháp năm 2013 quy định rõ: “Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước CHXHCNVN. Quốc hội thực hiện quyền lập hiến, quyền lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao đối với hoạt động của Nhà nước”. Quốc hội do nhân dân bầu ra, là cơ quan nhà nước cao nhất thực hiện quyền lực của nhân dân. Chỉ Quốc hội mới có quyền thể chế ý chí, nguyện vọng của nhân dân thành Hiến pháp và pháp luật, thành các quy định chung mang tính chất bắt buộc phải tuân thủ đối với mọi tầng lớp trong xã hội.

Ở nước ta:“tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân”. Nhân dân là chủ thể mang quyền lực Nhà nước. Quốc hội chính là cơ quan Nhà nước cao nhất, thông qua đó nhân dân sử dụng quyền lực Nhà nước của mình. Quốc hội là nơi ý chí của nhân dân trở thành ý chí của Nhà nước thể hiện bằng các đạo luật mang tính bắt buộc chung.

Hai là, ĐCSVN là lực lượng duy nhất lãnh đạo Nhà nước và XH. Vai trò lãnh đạo của Đảng đã được quy định rõ trong Hiến pháp của nước CHXHCN Việt Nam (Điều 4 của Hiến pháp năm 2013).

Thứ ba, Hiến pháp khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội. Điều này không hề làm mất đi vai trò của Quốc hội. Bởi quyền lực Nhà nước ở nước ta là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan Nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp. Đảng lãnh đạo Nhà nước và xã hội, nhưng đó là sự lãnh đạo có nguyên tắc và theo quy định. 

“Các tổ chức của Đảng và đảng viên ĐCSVN hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật” (Điều 4, Hiến pháp năm 2013). Như vậy, mối quan hệ giữa Đảng và Quốc hội là mối quan hệ biện chứng, chặt chẽ, hai chiều, nghĩa là Đảng lãnh đạo hoạt động của Quốc hội, nhưng sự lãnh đạo đó vẫn phải trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật, Đảng không thể đứng trên, đứng ngoài Hiến pháp và pháp luật. 

Đảng lãnh đạo nhưng luôn tôn trọng và phát huy vai trò của Quốc hội, không áp đặt, không làm thay, mà định hướng nội dung và phương thức hoạt động của Quốc hội. Đảng lãnh đạo, chứ Đảng không điều hành công việc của Quốc hội. Vai trò lãnh đạo của Đảng thông qua phát huy vai trò của tổ chức Đảng, đảng viên hoạt động trong bộ máy Nhà nước từ Trung ương đến địa phương.

Thứ tư, thực tiễn đã chứng minh, từ khi ra đời đến nay, Quốc hội đã xây dựng và ban hành 5 bản Hiến pháp. Đặc biệt Hiến pháp năm 2013. Đây là đạo luật gốc, đạo luật cơ bản của Nhà nước, quy định những vấn đề quan trọng nhất về quyền lực Nhà nước; chế độ chính trị, kinh tế, văn hóa, XH, QP, AN; cơ cấu tổ chức và cách thức hoạt động của bộ máy Nhà nước; quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân. 

Tại các kỳ họp Quốc hội, nhiều vấn đề quan trọng, cấp thiết được tranh luận, chất vấn và trả lời sôi nổi, có chất lượng. Sau phiên chất vấn, Quốc hội ra Nghị quyết, từ đó có cơ sở để theo dõi vấn đề đã được đặt ra và giám sát lời hứa hẹn của những người trả lời chất vấn. Việc Quốc hội tăng cường hoạt động chất vấn khiến cho những người giữ các chức danh mà Quốc hội bầu, phê chuẩn luôn phải nỗ lực thể hiện rõ trách nhiệm của mình, không thể lơ là.

Thứ năm, trong quá trình trình thực hiện trọng trách dân tộc giao phó, đại biểu không đáp ứng được sự kỳ vọng của nhân dân sẽ chịu trách nhiệm trước Quốc hội và cử tri cả nước, có thể bị miễn nhiệm, xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật. Quốc hội luôn tự đổi mới, tự chính đốn, làm cho vị thế, uy tín của Quốc hội ngày càng được nâng cao trong lòng nhân dân.

Tất cả những vấn đề trên đã khẳng định vị trí, vai trò của Quốc hội với tư cách là cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất. Mọi chiêu trò hạ thấp, bôi nhọ uy tín, danh dự của Quốc hội, các đại biểu Quốc hội hiện nay không ngoài mục đích phá hoại sự nghiệp cách mạng ở nước ta hiện nay./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét