Khái
niệm xã hội có thể được tiếp cận ở những phạm vi khác nhau. Theo nghĩa rộng, xã hội là một kết cấu vật chất đặc thù, là
tổng hòa các mối quan hệ giữa người với người. Tiếp cận xã hội dưới góc độ
hệ thống cấu trúc thì xã hội bao gồm nhiều lĩnh vực khác nhau như: chính trị,
kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh - quốc
phòng…Theo nghĩa hẹp, xã hội là một lĩnh vực
của xã hội theo nghĩa rộng.
Phát triển xã hội có thể được nghiên cứu
ở các phạm vi khác nhau:
Theo nghĩa rộng, phát triển xã hội là sự phát
triển về chất của xã hội trên tất cả các lĩnh vực kinh tế; chính trị; văn hóa;
xã hội; an ninh quốc phòng…Theo nghĩa rộng, phát triển xã hội đồng nghĩa với sự
vận động, phát triển trong một hình thái kinh tế - xã hội, hoặc từ hình thái
kinh tế - xã hội này sang hình thái khác cao hơn, tiến bộ hơn. Theo các nhà
kinh điển của chủ nghĩa Mác - Lênin, đó là quá trình lịch sử - tự nhiên của sự
vận động phát triển.
Theo nghĩa hẹp, phát triển xã hội là phát
triển mặt xã hội trong mối quan hệ hữu cơ với kinh tế, chính trị, văn hóa. Phát
triển xã hội theo nghĩa hẹp là một mặt của phát triển xã hội theo nghĩa rộng.
Theo đó, phát triển xã
hội không chỉ thuần túy là sự phát triển của riêng lĩnh vực xã hội, mà là
sự phát triển đồng thời của phương diện xã hội thuộc các lĩnh vực khác nhau của
đời sống xã hội (kinh tế, chính trị, giáo dục, văn hóa, y tế, môi trường, an
ninh, quốc phòng và hội nhập quốc tế,...) nhằm bảo đảm cho con người được phát
triển toàn diện và xã hội phát triển bền vững.
Định nghĩa: Phát
triển xã hội là quá trình phát triển con người xã hội, con người cộng đồng, con
người trong sự tự do và bình đẳng về quyền và cơ hội; là làm cho con người được
sống trong những điều kiện ngày càng đầy đủ về vật chất và tinh thần trong một
môi trường tự nhiên và xã hội trong sạch, lành mạnh, an toàn; làm cho con người
có đủ sức khỏe, tri thức, kỹ năng và thái độ cần thiết để sống, lao động và
hoàn thiện mình, xứng đáng là Con người, trong các quá trình lịch sử của một
quốc gia dân tộc và của toàn nhân loại.
Phát triển xã hội bền vững
là tất yếu khách quan của thời đại ngày nay. Vấn đề này đã được thế giới
bắt đầu quan tâm từ những năm 60 của thế kỷ XX. Năm 1992, Hội nghị thượng đỉnh
về Môi trường và Phát triển của Liên hợp quốc được tổ chức ở Rio de Janeiro đề
ra Chương trình nghị sự toàn cầu cho thế kỷ XXI, theo đó, phát triển bền vững
được xác định là: “Sự phát triển thỏa mãn
những nhu cầu của thế hệ hiện tại mà không làm hại đến khả năng đáp ứng những
nhu cầu của thế hệ tương lai”.
Phát triển xã hội bền vững
là tất yếu khách quan xuất phát từ những lý do:
Một là, nhân loại sẽ phải
đối mặt với những mâu thuẫn ngày càng thêm căng thẳng giữa những nhu cầu đang
tăng lên của chính mình với tính hữu hạn của tài nguyên thiên nhiên và đòi hỏi
không được phá vỡ sinh thái.
Hai là, từ nhu cầu phải
giải quyết các vấn đề chung, toàn cầu đang ngày càng bức thiết và có ảnh hưởng
sâu rộng đến toàn bộ đời sống xã hội của mỗi quốc gia, cũng như của cộng đồng
quốc tế.
Ba là, việc lựa chọn con
đường phát triển xã hội bền vững ảnh hưởng quyết định đến sự phát triển trong
tương lai của mỗi quốc gia, khu vực, bởi chính nó sẽ là một trong những yếu tố
quy định chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, các định hướng ưu tiên của sự
phát triển, cũng như khả năng, triển vọng và sự thành bại của các nước và các
khu vực nói chung.
Quản lý phát triển xã hội là sự
tác động, tổ chức, điều chỉnh bằng quyền lực Nhà nước đối với quá trình phát triển xã
hội bảo đảm thực hiện được các mục tiêu và yêu cầu phát triển xã hội bền vững
theo định hướng xã hội chủ nghĩa trong từng giai đoạn phát triển của đất nước.
Quản lý phát triển xã hội là sự tác động của chủ thể quản lý đến
khách thể quản lý thông qua các công cụ quản lý nhằm điều tiết các quan
hệ xã hội, hoàn thiện các thiết chế xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh
thần, bảo đảm cho con người phát triển toàn diện, xã hội phát triển bền vững. Nếu
phát triển xã hội được thể hiện qua việc xây dựng và thực thi các chính sách
thì quản lý phát triển xã hội là những hoạt động bảo đảm cho xã hội phát triển
theo đúng quy luật, bảo đảm công bằng, tiến bộ và bình đẳng xã hội.
Chủ thể quản lý
phát triển xã hội
Quản lý phát triển xã hội là tổng hợp các tác động quản lý của nhà
nước với tư cách là chủ thể quản lý và sự tham gia của các chủ thể ngoài nhà
nước. Như vậy, chủ thể quản lý phát triển xã hội bao gồm: Nhà nước với tư cách
là chủ thể quản lý và các tổ chức, cá nhân tham gia quản lý phát triển xã hội.
+ Nhà nước là chủ thể quan trọng của quản lý phát triển xã hội với tư cách là chủ thể sử dụng
quyền lực Nhà nước để tổ chức, điều hành giải quyết các vấn đề xã hội phát
sinh, bảo đảm sự phát triển xã hội bền vững.
Nhà nước có
trách nhiệm hoạch định thể chế, chiến lược, kế hoạch cho phát triển xã hội;
bảo đảm bằng pháp luật cho mọi thành viên xã hội bình đẳng trong tiếp cận
nguồn lực và phát huy cao nhất năng lực của mình; điều tiết các mất cân đối do
thị trường tạo ra; trực tiếp chăm lo và dẫn dắt ở những khâu mà thị
trường không làm; hỗ trợ phát triển các đối tượng, cộng đồng, vùng,
miền thua thiệt về cơ hội phát triển; khuyến khích tư nhân và cộng
đồng tham gia phát triển xã hội dưới nhiều hình thức khác nhau.
+ Các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội - nghề nghiệp và các tổ
chức xã hội, tổ chức cộng đồng đa dạng khác là chủ thể nòng cốt của quản lý
phát triển xã hội.
Các tổ chức này được thiết lập và vận hành theo nguyên lý lợi
ích, nghề nghiệp, giới, địa vực, sở thích, tín ngưỡng,... mà pháp luật
không cấm, hoạt động theo thể chế xã hội do từng tổ chức này ban hành
không trái với pháp luật. Tính đa dạng của các tổ chức xã hội, tổ
chức cộng đồng làm phong phú các hình thức quản lý phát triển xã
hội, đáp ứng nhu cầu quản lý phát triển xã hội ở nhiều khía cạnh
khác nhau của đời sống vi mô mà nhà nước gặp giới hạn. Xã hội càng
phát triển thì nhà nước dần chuyển giao cho các tổ chức xã hội nhiều
chức năng quản lý phát triển xã hội. Các tổ chức xã hội, tổ chức cộng
đồng vận hành theo các nguyên tắc tự lập, tự quản, đồng thời có thể nhận ủy quyền
của Nhà nước cung ứng một số dịch vụ xã hội dưới hình thức đặt
hàng, đấu thầu, tham gia giám sát và phản biện các chính sách của nhà nước để
bảo vệ quyền lợi của thành viên.
+ Nhân dân
là chủ thể quyết định của quản lý phát triển xã hội
Nhân dân là chủ thể quyết định trong quản lý
phát triển xã hội thông qua hai hình thức trực tiếp và gián tiếp. Quyền
lực nhà nước do nhân dân ủy quyền, nhà nước sinh ra là để thay mặt nhân dân
quản lý những công việc mà nhân dân không tự mình làm được. Bên cạnh đó, có
những nội dung nhân dân trực tiếp quản lý, ở đây có sự đồng nhất giữa chủ thể
quản lý và đối tượng quản lý. Xã hội càng phát triển thì các hoạt
động tự quản ngày càng phổ biến trong quản lý phát triển xã hội.
Nhân dân thực hiện vai trò quản lý phát triển xã hội không chỉ thông
qua các cơ cấu đại diện, mà còn hiện diện trực tiếp với tư cách thể nhân (chủ thể cá
nhân) để thực hiện quyền công dân, quyền con người.
Tính đa dạng
nêu trên của chủ thể quản lý phát triển xã hội đòi hỏi nhà nước phải
tạo ra khung thể chế, môi trường cho các chủ thể ngoài nhà nước thực
hiện tốt nhất vai trò, chức trách và lợi thế của nó, khắc phục
tình trạng bao sân hoặc thoái lui vai trò, trách nhiệm của nhà nước
trong quản lý phát triển xã hội.
- Khách thể quản lý phát triển xã hội bao
gồm: con người, cộng đồng, các quan hệ xã hội, hoạt động xã hội, cơ cấu xã hội,
chức năng xã hội...
Khách thể của quản lý xã
hội là các quan hệ, hoạt động và quá trình xã hội của con người: con người, các
quan hệ xã hội (các nhóm xã hội, gia đình; hội; giai cấp, dân tộc, tôn giáo),
các hoạt động xã hội…với những lợi ích, tâm lý và tập quán không giống
nhau.
Báo cáo quốc gia của
Chính phủ Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam về phát triển xã hội tại Hội nghị
Thượng đỉnh thế giới về phát triển xã hội năm 1995 xác định 10 vấn đề xã hội
cần phải được quản lý phát triển hiện nay ở Việt Nam là: (1) Giải quyết việc
làm; (2) Xoá đói giảm nghèo; (3); Hoà nhập xã hội; (4) Tăng cường vai trò
của gia đình; (5) Phát triển giáo dục; (6) Dân số - kế hoạch hoá gia đình;
(7) Chăm sóc sức khoẻ nhân dân; (8) Bảo trợ xã hội; (9) Môi trường; (10) Hạn
chế và ngăn ngừa các hành vi phạm tội.
- Mục tiêu của
quản lý phát triển xã hội
Quản lý phát
triển xã hội luôn mang tính định hướng, tính mục đích, lấy con người làm điểm
xuất phát, là trung tâm và mục tiêu cuối cùng. Do đó, quản lý phát triển xã hội
nhằm: Bảo đảm phát triển chất lượng cuộc sống của nhân dân; nhân dân là chủ thể
phát triển xã hội và bảo đảm quyền làm chủ xã hội của nhân dân được tôn trọng
và bảo vệ; bảo đảm môi trường xã hội an toàn, lành mạnh; con người phát triển
toàn diện, có cơ hội cống hiến và hưởng thụ thành quả của sự phát triển.
Đối với nước ta
hiện nay là, bảo đảm thực hiện được các mục tiêu và yêu cầu phát triển xã hội
bền vững theo định hướng xã hội chủ nghĩa
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét