Thứ Ba, 1 tháng 6, 2021

CẢ HỆ THỐNG CHÍNH TRỊ CÙNG LÀM DÂN VẬN

Một trong những nội dung quan trọng theo tư tưởng Hồ Chí Minh: Dân vận không phải là việc riêng của một hai người, một hai ban, ngành, không chỉ là công tác của các đoàn thể vận động quần chúng mà phải là của cả hệ thống chính trị, là “tất cả cán bộ chính quyền. Tất cả cán bộ đoàn thể. Tất cả hội viên của các tổ chức nhân dân (Liên Việt, Việt Minh,v.v.) đều phải phụ trách dân vận”[14]. Cụ thể, theo Người, cán bộ chính quyền và các Đoàn thể địa phương là những người trước tiên phải làm/phụ trách dân vận, phải phối hợp chặt chẽ, “cùng nhau bàn tính kỹ càng, cùng nhau chia công rõ rệt, rồi cùng nhau đi giải thích cho dân hiểu, cổ động dân, giúp dân đặt kế hoạch, tổ chức phân công, sắp xếp việc làm, khuyến khích, đôn đốc, theo dõi giúp đỡ dân giải quyết những điều khó khăn…”[15]; “các cán bộ canh nông thì hợp tác mật thiết với cán bộ địa phương, đi sát với dân”; “hội viên các đoàn thể thì phải xung phong thi đua làm, để làm kiểu mẫu cho dân, giúp dân làm”. Bởi, cán bộ chính quyền là một thành tố hệ thống chính trị, nếu trong quá trình thực hiện chức năng quản lý kinh tế - xã hội của mình mà làm công tác dân vận không tốt, nhất là sa vào quan liêu, tham ô, tham nhũng, lãng phí, gây phiền hà cho dân, thì công tác dân vận cũng vẫn không mang lại hiệu quả thiết thực. Để làm dân vận đúng và tốt, Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Những người phụ trách dân vận cần phải óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm. Chứ không phải chỉ nói suông, chỉ ngồi viết mệnh lệnh. Họ phải thật thà nhúng tay vào việc”[16]. Đó phải là những người luôn tự mình làm gương thực hành cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; phải “học hỏi quần chúng nhưng không theo đuôi quần chúng” và “phá tan cách lãnh đạo lờ mờ, quan liêu, chủ quan, bàn giấy”[17],v.v.. để nhân dân noi theo, vì quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách, đạo đức, những người luôn lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ. Hơn nữa, vì “cán bộ là những người đem chính sách của Đảng, của Chính phủ giải thích cho dân chúng hiểu rõ và thi hành. Đồng thời đem tình hình của dân chúng báo cáo cho Đảng, cho Chính phủ hiểu rõ, để đặt chính sách cho đúng”, cho nên, “muốn dân chúng thành thật bày tỏ ý kiến, cán bộ phải thành tâm, phải chịu khó, phải khéo khơi cho họ nói”, rồi “phải khéo gom góp lại, sắp đặt lại cho có ngăn nắp, thứ tự rồi cùng dân chúng ra sức thi hành”[18]... Trong bất cứ hoàn cảnh nào, cán bộ, đảng viên cũng phải chú trọng thực hiện lời Người dặn và nhất thiết phải khắc phục “khuyết điểm to ở nhiều nơi là xem khinh việc dân vận. Cử ra một ban hoặc vài người, mà thường cử những cán bộ kém rồi bỏ mặc họ. Vận được thì tốt, vận không được cũng mặc. Những cán bộ khác không trông nom, giúp đỡ, tự cho mình không có trách nhiệm dân vận. Đó là sai lầm rất to, rất có hại”[19]. Giá trị cốt lõi trong tư tưởng Hồ Chí Minh về dân vận chính là: “Lực lượng của dân rất to. Việc dân vận rất quan trọng. Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”[20]. Điều đó có nghĩa là, dân vận tốt sẽ góp phần vào thành công của cách mạng, còn dân vận kém sẽ gây chia rẽ mối liên hệ mật thiết giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân, làm tổn hại phong trào cách mạng, đe dọa sự sống còn của Đảng và chế độ. Vì thế, tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác dân vận, tấm gương làm dân vận mẫu mực của Người - của “một vị lãnh tụ thực sự liên hệ sâu sắc với quần chúng, mà nói như vậy cũng không đủ, phải nói là một vị lãnh tụ kiệt xuất đã hoà sâu trong nhân dân Việt Nam, thực sự trở thành một thể thống nhất với nhân dân Việt Nam”[21], luôn hết lòng yêu thương nhân dân, vì nhân dân phục vụ đã được Đảng ta thấm nhuần và thực hiện. Trong tiến trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, nhất là trong hơn 30 năm tiến hành sự nghiệp đổi mới, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn xác định công tác dân vận là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược đối với sự nghiệp cách mạng; là điều kiện quan trọng bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, củng cố và tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân. Thực hiện tư tưởng Hồ Chí Minh về dân vận, đã có nhiều nghị quyết của Đảng, chính sách của Nhà nước về tăng cường công tác dân vận được ban hành. Theo đó, cấp ủy, các cấp chính quyền, đoàn thể một mặt đã chú trọng thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, làm cho quyền làm chủ của người dân ngày càng được phát huy, tôn trọng; mặt khác, tăng cường công tác vận động quần chúng tham gia các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động về xây dựng đời sống văn hóa, nông thôn mới, bảo vệ an ninh Tổ quốc... góp phần tạo sự đồng thuận trong xã hội. Phong trào “Dân vận khéo” và việc xây dựng mô hình “Dân vận khéo” cụ thể, thiết thực, phù hợp điều kiện thực tế ở các địa phương đã góp phần từng bước tháo gỡ, giải quyết những khó khăn, bức xúc trong nhân dân. Việc chỉ đạo đăng ký các mô hình “Dân vận khéo” gắn với đấu tranh phòng, chống lãng phí, quan liêu, tham ô, tham nhũng và thực hành tiết kiệm góp phần thiết thực vào công tác xây dựng Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể trong sạch, vững mạnh. Thông qua đó, phát huy cao độ tinh thần tự quản và ý thức cộng đồng của nhân dân trong xây dựng khu dân cư văn hóa, văn minh đô thị, xóa bỏ các tập tục lạc hậu, giảm thiểu các tệ nạn xã hội, phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương, củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét