Thứ Ba, 1 tháng 6, 2021

"Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”

Khi cuộc kháng chiến chống Pháp đang ở vào giai đoạn cam go, quyết liệt nhất, với bút danh X.Y.Z, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bài Dân vận, đăng trên báo Sự thật, số ra ngày 15/10/1949. Ngắn gọn và súc tích, tác phẩm Dân vận của Chủ tịch Hồ Chí Minh hàm chứa cô đọng tư tưởng của Người về công tác dân vận, có giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Thấm nhuần lời dặn của V.I.Lênin: “Không có sự đồng tình ủng hộ của đại đa số nhân dân lao động đối với đội tiền phong của mình tức là đối với giai cấp vô sản, thì cách mạng vô sản không thể thực hiện được”[1] và nhận thức sâu sắc rằng “chủ nghĩa dân tộc là động lực lớn của đất nước”[2], Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vận dụng sáng tạo những nguyên lý của học thuyết Mác - Lênin về vận động quần chúng kiểu mới để tiến hành công tác dân vận. Tác phẩm Dân vận của Chủ tịch Hồ Chí Minh hàm chứa những giá trị căn cốt về dân vận; trong đó, Người khẳng định bản chất của “NƯỚC TA LÀ NƯỚC DÂN CHỦ. Bao nhiêu lợi ích đều vì dân. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân… Chính quyền từ xã đến Chính phủ trung ương do dân cử ra. Đoàn thể từ Trung ương đến xã do dân tổ chức nên. Nói tóm lại, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân”[3]. Thấm nhuần lời của cổ nhân “chở thuyền cũng là dân”, “lật thuyền cũng là dân”, Hồ Chí Minh nhấn mạnh rằng, muốn tuyên truyền, vận động và phát huy nguồn sức mạnh nội lực của toàn dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước, Đảng và cả hệ thống chính trị phải gắn bó mật thiết với nhân dân; phải tốt công tác dân vận, bởi “trong việc phá hoại chống kẻ thù đòi độc lập thì dễ dàng kéo cả toàn dân. Trong việc kiến thiết thì khó kéo hơn, vì nó đụng chạm đến quyền lợi riêng của một đôi giai từng trong nước”[4]. Hơn nữa, “chúng ta phải thật thà thừa nhận rằng kinh nghiệm chúng ta còn ít, tài năng chúng ta còn kém, mà công việc thì nhiều”, cho nên, mỗi cán bộ, đảng viên cần phải thường xuyên “giữ chặt mối liên hệ với dân chúng và luôn lắng tai nghe ý kiến của dân chúng, đó là nền tảng lực lượng của Đảng và nhờ đó mà Đảng thắng lợi”[5]. Cũng theo lời Người, mọi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước dù đúng đắn, nhưng nếu không được sự đồng lòng, ủng hộ của nhân dân thì rất khó đi vào hiện thực cuộc sống; nhưng muốn được nhân dân ủng hộ thì phải thực hiện tốt công tác dân vận, “phải đưa chính trị vào giữa dân gian”. Nghĩa là, đội ngũ cán bộ, đảng viên phải gần dân, hết lòng yêu dân, kính dân, hiểu dân, phải: “Việc gì có lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân, ta phải hết sức tránh. Chúng ta phải yêu dân, kính dân thì dân mới yêu ta, kính ta”[6]; cán bộ từ Chủ tịch nước trở xuống đều phải là đày tớ trung thành của nhân dân, vì “dân làm chủ thì Chủ tịch, bộ trưởng, thứ trưởng, uỷ viên này khác là làm gì? Làm đày tớ. Làm đày tớ cho nhân dân, chứ không phải là làm quan cách mạng”[7]. Muốn đạt được như vậy, mọi cán bộ, đảng viên đều phải làm dân vận, đều phải biết: 1) “Vận động tất cả lực lượng của mỗi một người dân không để sót một người nào, góp thành lực lượng toàn dân, để thực hành những công việc nên làm, những công việc Chính phủ và Đoàn thể đã giao cho”[8], để đem tài dân, sức dân, của dân mà làm lợi cho dân. 2) Phải khắc phục kiểu suy nghĩ và làm việc từ “trên dội xuống”, chỉ thích lãnh đạo, “thích làm việc bằng giấy tờ thật nhiều. Ngồi một nơi chỉ tay năm ngón không chịu xuống địa phương kiểm tra công tác”[9]; “làm việc theo cách quan liêu. Cái gì cũng dùng mệnh lệnh. Ép dân chúng làm. Đóng cửa lại mà đặt kế hoạch, viết chương trình rồi đưa ra cột vào cổ dân chúng, bắt dân chúng theo”[10] - “cái lối làm việc như vậy rất có hại. Nó làm cho chúng ta không đi sát phong trào, không hiểu rõ được tình hình bên dưới cho nên phần nhiều chủ trương của chúng ta không thi hành được đến nơi, đến chốn”[11]. 3) Trong công tác lãnh đạo và chỉ đạo thực tiễn, với bất cứ việc to, việc nhỏ, thì “sự lãnh đạo trong mọi công tác thiết thực của Đảng, ắt phải từ trong quần chúng ra, trở lại nơi quần chúng”[12]. Cụ thể, để dân vận đúng và hiệu quả, mỗi người khi tiến hành dân vận “không thể chỉ dùng báo chương, sách vở, mít tinh, khẩu hiệu, truyền đơn, chỉ thị”[13] mà phải chú trọng thực hiện sự phối hợp đồng bộ giữa chính quyền, các đoàn thể chính trị với công tác tuyên truyền vận động quần chúng trong thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đáp ứng yêu cầu, lợi ích, quyền lợi của nhân dân theo phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Trên tinh thần đó, người làm dân vận phải: Một là, “tìm mọi cách giải thích cho mỗi người dân hiểu rõ ràng: Việc đó là lợi ích cho họ và nhiệm vụ của họ, họ phải hăng hái làm cho kỳ được”. Hai là, “bất cứ việc gì đều phải bàn bạc với dân, hỏi ý kiến và kinh nghiệm của dân, cùng với dân đặt kế hoạch cho thiết thực với hoàn cảnh địa phương, rồi động viên và tổ chức toàn dân thi hành”. Ba là, “trong lúc thi hành phải theo dõi, giúp đỡ, đôn đốc, khuyến khích dân”. Bốn là, “khi thi hành xong phải cùng với dân kiểm thảo lại công việc, rút kinh nghiệm, phê bình, khen thưởng”.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét