Ngày 16/5/2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có bài
viết: “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi
lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”. Đây là một bài viết rất quan trọng, không chỉ
trực tiếp phản bác những quan điểm sai lầm, phiến diện, thù địch về con đường
đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam mà còn khẳng định sự lựa chọn của Đảng ta về
con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta là hoàn toàn đúng đắn, vừa đáp ứng
yêu cầu, nguyện vọng của nhân dân, vừa phù hợp với quy luật khách quan.
Những
năm cuối thập kỷ 80, đầu thập kỷ 90 của thế kỷ XX, các nước xã hội chủ nghĩa ở
Liên Xô và Đông Âu đã từng bước rơi vào khủng hoảng và sụp đổ. Tổng thống Nga
V.Putin trong Thông điệp Liên bang năm 2005 gọi đó là “một
chấn động chính trị khủng khiếp nhất thế kỷ XX”. Sự đổ vỡ này xảy ra ngay
tại Liên Xô - quê hương của Cách mạng tháng Mười, nơi khai sinh ra nhà nước vô
sản đầu tiên trên thế giới, nơi được coi thành trì của chủ nghĩa xã hội hiện
thực khiến cho các học giả tư sản được dịp lên tiếng phê phán, bác bỏ chủ nghĩa
Mác.
Kể
từ sau sự kiện gây chấn động lịch sử toàn thế giới đến nay đã gần 30 năm, các
thế lực thù địch vẫn luôn ra sức tìm mọi cách lợi dụng xuyên tạc, công kích và
phủ nhận chủ nghĩa Mác. Đúng như bài viết của đồng chí Tổng Bí thư khẳng
định: Từ sau khi mô hình chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và nhiều nước Đông Âu sụp
đổ, cách mạng thế giới lâm vào thoái trào thì vấn đề đi lên chủ nghĩa xã hội
lại được đặt ra và trở thành tâm điểm thu hút mọi sự bàn thảo, thậm chí tranh
luận gay gắt. Các thế lực chống cộng, cơ hội chính trị thì hí hửng, vui mừng,
thừa cơ dấn tới để xuyên tạc, chống phá.
Trong
bài viết, đồng chí Tổng Bí thư đưa ra hai xu hướng xuyên tạc, phủ nhận chủ
nghĩa xã hội từ sự khủng hoảng và sụp đổ ở Liên Xô và Đông Âu:
Những người không có lập trường tư tưởng vững
vàng nên khi sự kiện “chấn động toàn thế giới” xảy ra thì tỏ rõ sự hoang mang,
hoài nghi về tính đúng đắn của chủ nghĩa Mác - Lênin về chủ nghĩa xã hội, đồng
nhất sự sụp đổ của chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô với sai lầm của chủ nghĩa Mác -
Lênin. Thực tiễn cho thấy xu hướng này xảy ra trong chính bản thân những người
mácxít - những người đã từng tôn thờ chủ nghĩa Mác - Lênin và chủ nghĩa xã hội.
Những
đối tượng có lập trường phi mácxít, có tư tưởng chống phá nên đã vin vào sự sụp
đổ của chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô là một bằng chứng không gì thuyết phục để phủ
nhận, bác bỏ chủ nghĩa Mác - Lênin, bác bỏ con đường đi lên chủ nghĩa xã hội
của loài người. Thực tiễn cho thấy xu hướng này chiếm đa số, trở thành làn sóng
chống Mác, đòi xét lại chủ nghĩa Mác. Điển hình cho xu hướng này là trường
phái trotskyist mới. Họ cho rằng sự sụp đổ của chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô
và Đông Âu là một tất yếu lịch sử vì nó bắt nguồn từ sự lạc hậu, lỗi thời của
bản thân chủ nghĩa Mác - Lênin; và bởi, chủ nghĩa xã hội mà Mác nêu ra chỉ là
một lý tưởng, một chủ nghĩa xã hội “không tưởng”, không bao giờ thực hiện được.
Họ cũng cho rằng chủ nghĩa xã hội khoa học mà các nhà sáng lập chủ nghĩa Mác đã
xây dựng chỉ là một học thuyết “viển vông”, “ảo tưởng” nên áp dụng vào thực
tiễn chỉ có thể sinh ra những “quái thai của lịch sử”... Những luận điệu đó
được tung ra khắp nơi trên thế giới với các hình thức, diễn đàn khác nhau nhằm
phủ nhận bản chất khoa học và cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lênin. Xuất phát từ
lập luận đó, họ cho rằng hiện nay Việt Nam đang bế tắc không chỉ về kinh tế, mà
còn về tinh thần. Không ai còn tin vào chủ nghĩa Mác nữa; rằng, con đường xã
hội chủ nghĩa mà nhân dân ta đang đi là trái với quá trình lịch sử - tự nhiên;
hay đó chính là một khúc cong của lịch sử, là đoạn vòng vèo đầy đau khổ đi lên
chủ nghĩa tư bản. Do đó, theo họ, Việt Nam cần “tránh chỗ tối, tìm chỗ sáng”,
“tránh con đường đau khổ” mà một số nước đã đi qua để đi theo con đường tư bản
chủ nghĩa.
Chính những sự
xuyên tạc này đã ảnh hưởng không nhỏ đến lập trường, quan điểm của những người
theo chủ nghĩa Mác. Biểu hiện rõ ràng nhất là xu hướng “phi mácxit hóa”,
phân rã về tư tưởng, ly khai với học thuyết Mác - Lênin trỗi dậy mạnh tại hàng
loạt nước từng đi theo con đường xã hội chủ nghĩa, cũng như trong nội bộ các
đảng cộng sản, các đảng xã hội chủ nghĩa và phong trào công nhân quốc tế. Hiện
nay, mặc dù sự sụp đổ của Liên Xô và Đông Âu đã diễn ra gần 30 năm nhưng các
phần tử cơ hội, phản động, xét lại vẫn coi đây là một cái cớ không gì thuyết
phục hơn để tiếp tục phủ nhận chủ nghĩa Mác nói chung lý luận về chủ nghĩa
xã hội của chủ nghĩa Mác nói riêng.
Ở
Việt Nam, từ sự sụp đổ của chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô, có không ít người, trong
đó có cả những người cộng sản đã hoài nghi về sự lựa chọn con đường đi lên chủ
nghĩa xã hội của Đảng Cộng sản Việt Nam. Đã xuất hiện những tư tưởng cơ hội đòi
xét lại chủ nghĩa Mác, phủ nhận sự lựa chọn của Đảng Cộng sản Việt Nam vì họ
cho rằng khi chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô đã sụp đổ nhưng Việt Nam vẫn tiếp tục
phát triển đất nước theo con đường xã hội chủ nghĩa là một sự “kéo lùi lịch
sử”, không tuân theo quy luật mà C.Mác đã từng khẳng định: sự phát triển của
các hình thái kinh tế - xã hội là một quá trình lịch sử - tự nhiên.
Như
vậy, sự sụp đổ của chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô là một cái cớ không gì thuyết
phục hơn để các học giả phương Tây nắm lấy để công kích, xuyên tạc,
lý luận của chủ nghĩa Mác về chủ nghĩa xã hội. Điều này
gây ra sự dao động, hoài nghi của không ít người Việt Nam, trong đó
có cả những người đã từng đi theo chủ nghĩa Mác, ủng hộ, thậm chí tôn thờ
sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô. Đó là biểu hiện của xu hướng “tự
diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, đe dọa trực tiếp đến sự tồn vong của
Đảng, của chế độ mà Đảng ta luôn nhắc đến trong những năm gần đây.
Chúng
ta không thể phủ nhận một hiện thực là sự sụp đổ của chủ nghĩa xã hội hiện thực
ở Liên Xô và Đông Âu là một bước lùi lịch sử của phong trào cộng sản và công
nhân toàn thế giới. Đó cũng là một tổn thất to lớn cho phong trào đấu tranh cho
những mục tiêu cao cả và tốt đẹp của nhân loại: hòa bình, độc lập dân tộc, dân
chủ, tiến bộ xã hội và hạnh phúc của con người. Ngay cả khi chủ nghĩa xã
hội ở Liên Xô và Đông Âu lâm vào thoái trào rồi khủng hoảng, sụp đổ vào những
năm 90 của thế kỷ XX, Đảng ta vẫn luôn vững vàng niềm tin về tương lai của lịch
sử loài người là chủ nghĩa xã hội: Lịch sử
thế giới đang trải qua những bước quanh co; song, loài người cuối cùng nhất
định sẽ tiến tới chủ nghĩa xã hội vì đó là quy luật tiến hoá của lịch sử; Đi
lên chủ nghĩa xã hội là khát vọng của nhân dân ta, là sự lựa chọn đúng đắn của
Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, phù hợp với xu thế phát triển
của lịch sử.
Tổng
Bí thư đã khẳng định: “Trong những năm tiến hành công cuộc đổi mới, từ
tổng kết thực tiễn và nghiên cứu lý luận, Đảng Cộng sản Việt Nam từng bước nhận
thức ngày càng đúng đắn hơn, sâu sắc hơn về chủ nghĩa xã hội và thời kỳ quá độ
đi lên chủ nghĩa xã hội; từng bước khắc phục một số quan niệm đơn giản trước
đây”. Điều này chứng tỏ, chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội
ở Việt Nam là một hành trình trong cả nhận thức và bước đi, trong cả tư duy lý
luận và thực tiễn vận động, phát triển. Bài viết đã cô đọng, khái quát lại
những đặc trưng cơ bản của chế độ xã hội chủ nghĩa mà Đảng và nhân dân ta đang
xây dựng. Đó là một xã hội dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn
minh; do nhân dân làm chủ; có nền kinh tế phát triển cao, dựa trên lực lượng
sản xuất hiện đại và quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp; có nền văn hoá tiên
tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; con người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc,
có điều kiện phát triển toàn diện; các dân tộc trong cộng đồng Việt Nam bình
đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp đỡ nhau cùng phát triển; có Nhà nước pháp
quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân do Đảng Cộng sản
lãnh đạo; có quan hệ hữu nghị và hợp tác với các nước trên thế giới. Những vấn
đề cơ bản về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, trong đó có việc bỏ
qua chế độ tư bản chủ nghĩa. Ở Đại hội IX, Đảng ta đã đưa ra nội hàm rất cụ
thể, rõ ràng về việc “bỏ qua” : Con đường
đi lên của nước ta là sự phát triển quá độ lên chủ nghĩa xã hội, bỏ qua chế độ
tư bản chủ nghĩa, tức là bỏ qua việc xác lập vị trí thống trị của quan hệ sản
xuất và kiến trúc thượng tầng tư bản chủ nghĩa nhưng tiếp thu, kế thừa những
thành tựu mà nhân loại đã đạt được dưới chế độ tư bản chủ nghĩa, đặc biệt về
khoa học và công nghệ để phát triển nhanh lực lượng sản xuất, xây dựng kinh tế
hiện đại. Xây dựng chủ nghĩa xã hội bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa, tạo sự biến
đổi về chất của xã hội trên các lĩnh vực là sự nghiệp rất khó khăn, phức tạp,
cho nên phải trải qua một thời kỳ quá độ lâu dài với nhiều chặng đường, nhiều
hình thức tổ chức kinh tế, xã hội có tính chất quá độ.
Tuy nhiên, phần là do mơ hồ về nhận thức, song cũng phần lớn
do có tư tưởng chống phá, nhiều đối tượng đã cố tình bóp méo, xuyên tạc về việc
bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa ở Việt Nam. Họ cho rằng việc Đảng Cộng sản Việt
Nam nói về vấn đề bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa là chủ quan, duy ý chí, trái
với quy luật khách quan. Vì vậy khẳng định thêm: Nói bỏ qua chế độ tư bản chủ
nghĩa là bỏ qua chế độ áp bức, bất công, bóc lột tư bản chủ nghĩa; bỏ qua những
thói hư tật xấu, những thiết chế, thể chế chính trị không phù hợp với chế độ xã
hội chủ nghĩa, chứ không phải bỏ qua cả những thành tựu, giá trị văn minh mà
nhân loại đã đạt được trong thời kỳ phát triển chủ nghĩa tư bản. Đương nhiên,
việc kế thừa những thành tựu này phải có chọn lọc trên quan điểm khoa học, phát
triển. Luận điểm này không chỉ tiếp tục khẳng định, làm rõ hơn quan điểm
của Đảng ở Đại hội IX mà đề ra nguyên tắc quan trọng trong việc kế thừa những thành
tựu của chủ nghĩa tư bản trong xây dựng ở Việt Nam. Đó là phải dựa trên quan
điểm khoa học và phát triển.
Bài
viết cũng đã chỉ ra những kết quả to lớn, có ý nghĩa lịch sử trên tất cả những
phương diện mà nước ta đã đạt được qua 35 năm tiến hành đổi mới, đặc biệt
là những kết quả, thành tích đặc biệt mà Việt Nam đã đạt
được trong bối cảnh đại dịch Covid-19 và suy thoái kinh tế toàn
cầu trong năm 2020. Từ đó, đồng chí Tổng Bí thư khẳng định lại nhận định
của Đại hội XIII khi đánh giá những kết quả mà đất nước ta, nhân dân ta đã đạt
được qua 35 năm đổi mới và 3o năm thực hiện Cương lĩnh 1991: Qua 35 năm
tiến hành công cuộc đổi mới, 30 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước
trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, lý luận về đường lối đổi mới, về chủ
nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta ngày càng được hoàn
thiện và từng bước được hiện thực hoá.
Bên
cạnh đó, bài viết cũng chỉ ra những khuyết điểm, hạn chế và những thách thức
mới phải đối mặt trong quá trình phát triển đất nước. Bài viết khẳng định những
hạn chế, khuyết điểm đó là không thể tránh khỏi nên cần được xem xét một cách
tỉnh táo và xử lý một cách kịp thời, hiệu quả. Qua bài viết, đồng chí Tổng Bí
thư vẫn tiếp tục khẳng định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam là một
tất yếu khách quan, thành công hay thất bại phụ thuộc phần lớn vào sự đúng đắn
của đường lối, bản lĩnh chính trị, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng
Cộng sản Việt Nam: Đi lên theo định hướng xã hội chủ nghĩa là một quá trình
không ngừng củng cố, tăng cường, phát huy các nhân tố xã hội chủ nghĩa để các
nhân tố đó ngày càng chi phối, áp đảo và chiến thắng. Thành công hay thất bại
là phụ thuộc trước hết vào sự đúng đắn của đường lối, bản lĩnh chính trị, năng
lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng. Đây là một luận điểm quan trọng đã chỉ
ra cách thức, nguyên tắc trong xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Đó là
không ngừng củng cố, tăng cường, phát huy các nhân tố xã hội chủ nghĩa, để cho
những nhân tố đó ngày càng chiếm ưu thế và đi đến chiến thắng trong các mặt của
đời sống xã hội. Để làm được điểu đó cần phải có đường lối lãnh đạo đúng đắn,
năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng. Đây là một trong những nguyên tắc
phương pháp luận quan trọng đã được đồng chí Tổng Bí thư chỉ ra trong bài viết.
Đó không chỉ là kết quả của quá trình phát triển lý luận mà còn cả tổng kết
thực tiễn từ công tác lãnh đạo, chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư đối với sự
nghiệp đổi mới và phát triển của Việt Nam trong những năm gần đây.
Cả
lý luận và thực tiễn đều cho thấy, xây dựng chủ nghĩa xã hội là kiến tạo một
kiểu xã hội mới về chất, hoàn toàn không hề đơn giản, dễ dàng. Đây là cả một sự
nghiệp sáng tạo vĩ đại, đầy thử thách, khó khăn, một sự nghiệp tự giác, liên
tục, hướng đích lâu dài, không thể nóng vội, bài viết đã chỉ ra những cách
thức, giải pháp để xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam hiện nay. Theo đồng chí
Tổng Bí thư, điều quan trọng nhất là phải luôn luôn kiên định và vững vàng
trên nền tảng tư tưởng lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin - học thuyết khoa học
và cách mạng của giai cấp công nhân và quần chúng lao động. Ngoài
ra, cần tiếp thu, bổ sung một cách có chọn lọc trên tinh thần phê phán và
sáng tạo những thành tựu mới nhất về tư tưởng và khoa học để chủ nghĩa, học
thuyết của chúng ta luôn luôn tươi mới, luôn luôn được tiếp thêm sinh lực mới,
mang hơi thở của thời đại, không rơi vào xơ cứng, trì trệ, lạc hậu so với cuộc
sống. Luận điểm này của đồng chí Tổng Bí thư đã nhấn mạnh thêm, làm sáng
tỏ thêm quan điểm của Đại hội XIII về việc kiên định, vận dụng và phát triển
chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh vào thực tiễn Việt Nam trong giai
đoạn mới: Kiên định, vững vàng trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng
Hồ Chí Minh, không ngừng bổ sung, phát triển sáng tạo, phù hợp với thực tiễn
Việt Nam.
Có
thể khẳng định, bài viết của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có ý nghĩa
rất quan trọng đối với đất nước ta trong giai đoạn hiện nay. Trong bối cảnh
Đảng ta đang đẩy mạnh tuyên truyền, quán triệt, đưa Nghị quyết Đại hội XIII vào
cuộc sống, bài viết của đồng chí Tổng Bí thư vừa có ý nghĩa quan trọng trong
việc thống nhất nhận thức, tư tưởng về những nội dung của Nghị quyết Đại hội
XIII, vừa trực diện đấu tranh, phản bác những quan điểm sai trái, thù địch về
con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, đồng thời tiếp thêm niềm tin, sức
mạnh, tỏa sáng những giá trị văn hóa, con người Việt Nam trong quá trình xây
dựng chủ nghĩa xã hội.
Đúng
như bài viết khẳng định, con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam tuy còn
rất lâu dài với nhiều khó khăn, thử thách; các nhân tố xã hội chủ nghĩa
được hình thành, xác lập và phát triển đan xen, cạnh tranh với các nhân tố phi
xã hội chủ nghĩa, gồm cả các nhân tố tư bản chủ nghĩa trên một số lĩnh
vực. Mặt khác, các thế lực thù địch lại thường xuyên phủ nhận, chống phá
con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Tuy nhiên, với lập trường kiên
định, bản lĩnh vững vàng, quyết tâm cao, nỗ lực lớn và sự đồng sức, đồng lòng
của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân, con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt
Nam sẽ ngày càng rõ nét hơn, sự nghiệp đổi mới và phát triển ở Việt Nam sẽ ngày
càng đạt được những thành tựu to lớn hơn. Chủ nghĩa xã hội sẽ vẫn luôn là tương
lai của lịch sử loài người.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét