Liên tục trong thời gian qua, ở nhiều nơi diễn ra tình
trạng cán bộ hưu trí, cán bộ nghỉ chế độ, cán bộ bị kỷ luật buộc phải rời khỏi
tổ chức... có những phát ngôn thiếu chuẩn mực, tuyên bố “cạch mặt” tổ chức, bôi
nhọ cơ quan, đơn vị cũ; nêu chính kiến đi ngược lại với quan điểm, đường lối,
chủ trương của Đảng, Nhà nước.
Thậm chí, một số cá nhân còn chủ ý cổ
xúy hoặc vô tình bị các lực lượng thù địch lợi dụng, lôi kéo tham gia vào các
hoạt động tuyên truyền chống phá cách mạng Việt Nam.
Phải khẳng định ngay, những cá nhân
nêu trên đã tự đánh mất mình, rơi vào “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Họ đã
mặc nhiên quay lưng với chính hệ tư tưởng, quan điểm, lý tưởng cống hiến trong
suốt quãng đời công tác trước đây của bản thân. Chính họ đã tự xúc phạm, giẫm đạp
lên quá khứ của chính mình!
Vì sao lại thế? Có muôn nghìn câu trả lời. Cũng thấy
rõ muôn vàn lý do, nguyên nhân đưa đến thực trạng đó. Nào là do những xích
mích, mất lòng trong hàng ngũ lúc còn đương chức; do về hưu phải đối diện với
sự cô đơn, cô độc, lại có nhiều thời gian nên “rảnh rỗi sinh nông nổi”; do
thiếu thông tin, không tìm hiểu cặn kẽ sự việc... nên nhận thức phiến diện, cực
đoan; do tác động từ âm mưu, thủ đoạn của kẻ thù, nhất là khi chúng xác định
nhóm công dân này là một trong những đối tượng có thể tập trung lợi dụng, lôi
kéo...
Thế nhưng, dù căn nguyên ra sao thì vấn đề cốt tử vẫn nằm ở bản lĩnh chính
trị và bản chất của những người từng khoác lên mình màu áo đảng viên và danh
dự, tư cách người cán bộ cách mạng. Thực tế cho thấy, một khi cán bộ thật sự có
bản lĩnh, chí công, vô tư phục vụ tổ chức, cơ quan, đơn vị, sống chân thành, tử
tế với đồng chí, đồng đội lúc đương chức thì khi nghỉ hưu, rời tổ chức, họ vẫn
một lòng gắn bó với sự nghiệp của tập thể. Họ vẫn theo dõi, quan sát từng bước
phát triển, trưởng thành của tổ chức, xem đó là nguồn hạnh phúc của mình. Thậm
chí, nhiều người còn chủ động tham mưu, hiến kế, giúp đỡ thế hệ đi sau hoàn
thành nhiệm vụ. Nhiều cán bộ khi nghỉ hưu hoặc luân chuyển đi nơi khác... vẫn
nhận được sự quan tâm, động viên, kính trọng của đồng nghiệp, anh em nơi cơ
quan cũ. Cấp trên đương chức, nhân viên, đồng nghiệp vẫn thường xuyên lui tới
thăm hỏi, trò chuyện, giữ mối liên hệ mật thiết, sẻ chia vui buồn. Ngược lại,
những kẻ đã, đang và sẽ hống hách, rao giảng, kêu than trên mạng xã hội thì lúc
đương chức tâm địa có lẽ cũng có vấn đề...
Nói như vậy sẽ không hẳn là đúng với mọi trường hợp, mà câu chuyện này còn
chịu sự chi phối đa chiều bởi các quy luật tâm lý-xã hội. Có nghĩa, bất cứ ai
nghỉ hưu, bị thải loại, rời xa tổ chức cũ... cũng đều ít nhiều rơi vào các biểu
hiện, vấn đề của tư tưởng, tâm lý. Con người ta sẽ không tránh khỏi những nỗi
buồn khách quan và sự hẫng hụt về mặt tinh thần khi phải bắt đầu một nếp sống
mới. Nói như vậy để thấy, việc quan tâm, làm tốt công tác tư tưởng cho đối
tượng sắp nghỉ hưu, đối tượng tinh giản... cần phải được cấp ủy, lãnh đạo, chỉ
huy các cấp tiến hành thường xuyên, liên tục. Bởi có một thực tế là, ở một số
cơ quan, đơn vị hiện nay, việc tiến hành công tác tư tưởng cho cán bộ trước và
sau khi nghỉ công tác vẫn bị coi nhẹ, ít có sự động viên, quan tâm thường
xuyên.
Thế nhưng, dù các tác động khách quan có đến mức nào
đi chăng nữa thì yếu tố chủ quan vẫn giữ vai trò quyết định. Nhiều cá nhân
trước khi nghỉ hưu vẫn mưu toan giữ ghế, tham vọng bám trụ lại tổ chức vì quyền
lợi riêng nên thật khó chiến thắng được sự xung đột tâm lý cá nhân. Và nhất là
khi mưu cầu tư lợi không đạt được thì sinh ra bệnh tư tưởng, rồi “giận cá chém
thớt”, làm những chuyện trái khoáy... khiến dư luận phải dị nghị, xem thường!
Nhiều chuyên gia tâm lý cho rằng: Trong khi toàn Đảng và cả hệ thống chính
trị đang quyết liệt thực hiện chủ trương “có lên, có xuống, có vào, có ra” thì
tinh thần này phải được thấu triệt đến mọi cấp, mọi ngành, mọi địa phương. Từng
cấp ủy, tổ chức phải đẩy mạnh giáo dục để cán bộ lúc đương chức luôn thông suốt
về tư tưởng, nhận thức rõ việc nghỉ hưu, rời tổ chức là việc đương nhiên, tất
yếu. Từng cá nhân phải cố gắng duy trì quan điểm dù đang công tác hay nghỉ công
tác thì đều giữ đúng chức phận của mình; là người đảng viên kiên định, kiên
trung của Đảng. Có được tư duy và cách nghĩ đó thì chắc chắn việc nghỉ hưu, rời
tổ chức sẽ tự nó trở nên thanh thản, nhẹ nhàng...
Còn xét dưới góc độ tổ chức, đối với những trường hợp vừa rời tập thể đã
hòa vào đám đông một cách tiêu cực thì cần phải được cấp có thẩm quyền nhận
diện, đấu tranh phê bình nghiêm khắc; thậm chí xử lý nghiêm minh theo quy định
của pháp luật để giáo dục chung. Thực tế nhiều năm qua cho thấy, những trường
hợp như đã nêu ở trên diễn ra khá phổ biến, ở nhiều cơ quan, đơn vị, nhưng việc
xử lý vẫn chưa triệt để, nghiêm khắc. Có chăng chỉ là sự nhắc nhở, động viên,
đối thoại, cảnh tỉnh... rồi “đâu lại vào đấy”. Do vậy, cùng với giáo dục,
thuyết phục, các cơ quan chức năng cần có thái độ quyết liệt xử lý thực trạng
này. Khi phát hiện các đối tượng lợi dụng mạng xã hội để nói xấu Đảng, chế độ,
bôi nhọ tổ chức, cơ quan, đơn vị thì kiên quyết xử lý nghiêm minh đến cùng,
đúng người, đúng mức độ vi phạm, “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”...
Làm cán bộ, đảng viên của Đảng thì cần phải khắc ghi
và hiểu sâu sắc lời dạy quý báu của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Một dân tộc,
một đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không
nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng
dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân".
Có bệnh thì phải chữa thôi
Trả lờiXóa