Nhận rõ tính chất nguy hiểm của biểu hiện “tự
diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, những năm qua, trong nhiều kỳ đại
hội, hội nghị Trung ương, Đảng ta từng cảnh báo về tình trạng này. Đại hội
đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Đảng ta chỉ rõ: “Những biểu hiện xa rời mục tiêu
của chủ nghĩa xã hội, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” có những
diễn biến phức tạp”. Tiếp đó, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần
thứ tư (khoá XI) đã thẳng thắn chỉ ra những biểu hiện cụ thể về “tự diễn biến”,
“tự chuyển hoá” trong nội bộ Đảng ta hiện nay là: “Một bộ phận không nhỏ cán
bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả
một số cán bộ cao cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống...
phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy
theo danh lợi, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, tuỳ tiện, vô
nguyên tắc”. Tình trạng này “làm giảm sút lòng tin của nhân dân đối với Đảng;
nếu không được sửa chữa sẽ là thách thức đối với vai trò lãnh đạo của Đảng và
sự tồn vong của chế độ”. Do vậy, Trung ương yêu cầu phải “kiên quyết đấu tranh
ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối
sống của cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp để
nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, củng cố niềm tin của đảng
viên và của nhân dân đối với Đảng”. Văn kiện Đại hội XII của Đảng một lần nữa
chỉ rõ: “Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một
bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên chưa bị đẩy lùi; có mặt, có bộ phận còn
diễn biến phức tạp hơn”. Những năm tới, Đảng ta yêu cầu đẩy mạnh toàn
diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, phát huy mọi nguồn lực và động lực để phát
triển đất nước nhanh, bền vững; đặc biệt chú trọng lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện
có kết quả sáu nhiệm vụ trọng tâm, trong đó cần tập trung nhiệm vụ: “Tăng
cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng
chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện "tự diễn biến", "tự
chuyển hoá" trong nội bộ. Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là đội
ngũ cán bộ cấp chiến lược, đủ năng lực, phẩm chất và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ”.
“Tự diễn biến” ở phạm vi tổ chức là
có những thay đổi ở tầm quản lý vĩ mô về đường lối, chủ trương, pháp luật, làm
thay đổi bản chất chính trị, thậm chí làm suy yếu và tan rã tổ chức đó. “Tự
diễn biến” đối với cá nhân là sự thay đổi về nhận thức chính
trị- xã hội, thay đổi về quan điểm, tư tưởng của cán bộ, đảng viên nhận thức
chính trị và hành động xa rời, thậm chí đi ngược lại chủ nghĩa Mác-Lênin, tư
tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm tư tưởng của Đảng. “Tự diễn biến” của
cá nhân có thể dẫn đến sự thay đổi của tập thể, tổ chức.“Tự diễn biến” của
tổ chức chi phối, áp đặt, điều khiển đối với cá nhân trong tổ chức đó. “Tự diễn
biến” do nhiều nguyên nhân khác nhau, ở đây chủ yếu nói đến nguyên
nhân chủ quan của cán bộ, đảng viên, như: lập trường, tư tưởng không vững vàng,
thiếu bản lĩnh chính trị, hoang mang, dao động trước tác động của các yếu tố
bên ngoài; thiếu tu dưỡng, rèn luyện bản thân thường xuyên; không chủ động học
tập, nghiên cứu sâu sắc chủ nghĩa Mác-Lênin, học tập và làm theo tấm gương đạo
đức Hồ Chí Minh… “Tự chuyển hóa” là hậu quả tất yếu của quá trình “tự diễn
biến”, nếu không được phát hiện và ngăn chặn kịp thời. Đó là thời điểm đã có sự
thay đổi về bản chất.
Để ngăn chặn, đẩy lùi những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; phải tiến hành đồng bộ nhiều giải pháp, với tinh thần quyết liệt mới đem lại kết quả.
Trả lờiXóa