Thứ Tư, 29 tháng 9, 2021

HIỂM HỌA HOẠT ĐỘNG MÊ TÍN NỞ RỘ TRÊN MẠNG XÃ HỘI

Với khả năng tương tác cao, lan tỏa nhanh, thu hút sự quan tâm của cộng đồng, mạng xã hội đang trở thành mảnh đất màu mỡ để những kẻ hành nghề mê tín dị đoan tận dụng khai thác, tìm mọi cách chiếm được lòng tin của công chúng. Trên không gian mạng, một số kẻ tự xưng là “cô”, “cậu”, “thầy”, “Ngọc hoàng thượng đế”, “Tiên thánh giáng trần”, “Thần y tái thế”… có khả năng siêu phàm, chữa được bách bệnh, có thể đoán định vận mệnh, tương lai số phận con người thông qua việc xem tướng, xem đường chỉ tay, xem tuổi, bói bài… Thậm chí có kẻ còn tuyên truyền việc thờ cúng búp bê có thể mang lại điều may mắn, thông minh, học giỏi cho trẻ em; một số “thầy” tự nhận mình là người của tiên giới, có thể trấn trạch, gọi hồn, triệu tập thiên binh, thiên tướng để diệt trừ COVID-19. Một số “cô, cậu” khi hầu đồng còn chủ động livestream để quảng bá, “lăng xê” hình ảnh cá nhân… Những hiện tượng đó ngày càng xuất hiện nhiều trên mạng xã hội, thu hút lượng lớn người theo dõi, tạo những trào lưu, xu hướng đam mê, tôn thờ, tung hô, ủng hộ “thần tượng” bằng việc lập các hội, nhóm tâm linh trên mạng. Hoạt động tâm linh mang đậm màu sắc bói toán, mê tín dị đoan không chỉ xuất hiện trong cuộc sống đời thường mà hiện nay trong xu thế phát triển của công nghệ truyền thông, các “cô, cậu” cũng đã nhanh chóng thích ứng, tích cực tham gia mạng xã hội để chia sẻ, tương tác với “con nhang, đệ tử” và những người quan tâm nhằm quảng bá, đánh bóng tên tuổi, để được nổi tiếng. Nắm được tâm lí hiếu kì, sự nhẹ dạ cả tin của giới trẻ khi điều kiện về thời gian eo hẹp, cuộc sống, công việc cá nhân nhiều áp lực, nhiều vấn đề về tâm lí, tình cảm, tình yêu, sự nghiệp khó giãi bày chia sẻ, tâm lí ngại đi xem bói trực tiếp trong khi những tiện lợi của mạng xã hội khiến họ tìm đến những trang web xem tử vi trực tuyến, đặc biệt họ muốn được các thầy “soi” về con đường công danh sự nghiệp qua hình thức online. Để đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của công chúng, chiều lòng “thượng đế”, dịch vụ xem bói nở rộ trên mạng khi hàng ngày có rất nhiều “thầy” livestream, gieo quẻ, xem bói, chữa bệnh bằng bùa ngải, nhất vào buổi tối và ngày cuối tuần. Chỉ cần gõ cụm từ “xem bói”, “xem tử vi”, “xem phong thủy” trên google.com sẽ nhận được hàng triệu kết quả, điều đó cho thấy hoạt động xem bói trực tuyến diễn ra sôi động, nhộn nhịp không khác cảnh ở các sàn giao dịch thương mại với lượng “cung - cầu” lớn, đa dạng. Nhằm thu hút sự tham gia, theo dõi của cộng đồng mạng, các “thầy” cũng đã xây dựng chiến lược, kịch bản để “dụ” người xem, thành lập một ê-kíp làm truyền thông, quảng bá bằng việc dựng các clip, đăng những hình ảnh khi thầy làm lễ ở các cơ sở thờ tự lớn, gặp gỡ người nổi tiếng. Đồng thời, lập tài khoản mạng xã hội bằng những tên khác nhau để tương tác, bình luận với chính mình bằng những lời tung hô để công chúng tin tưởng vào khả năng siêu phàm, dự đoán chính xác của “thầy”. Tuy nhiên, để xem bói trực tuyến người xem phải chuyển một khoản tiền nhất định cho thầy, xin thầy xếp lịch, nhờ thầy tu lễ, cầu cúng. Để củng cố lòng tin về việc có nhiều người đã chuyển khoản tiền lớn, các thầy nhờ “đệ tử” chuyển tiền đến tài khoản của mình rồi share lên mạng báo giá với lời nhắn như: Nhờ thầy xin lộc, nhờ thầy trợ duyên, con trả lễ Thầy… nhằm đánh vào sự cả tin của người theo dõi. Một số thầy còn dụ dỗ người xem bằng khả năng dự đoán kết quả xổ số, lô đề. Gần đây, trên mạng xã hội có kẻ công khai xưng là “con trời”, là “Ngọc Hoàng đại đế” được thiên giới cử xuống trần gian cứu giúp nhân loại khổ đau, vượt qua đại dịch COVID-19, cho thấy tình trạng biến tướng, lố bịch của một số kẻ hành nghề tâm linh lợi dụng niềm tin, tín ngưỡng dân gian truyền thống để mê hoặc dân chúng; lợi dụng tình thế đất nước và cuộc sống người dân lúc khó khăn, thử thách để gieo rắc tư tưởng bi quan, siêu hình, duy tâm thần bí. Điều đáng lo ngại là trong điều kiện khoa học kỹ thuật, tri thức phát triển như hiện nay, vẫn có không ít người tin tưởng, bị dẫn dắt vào con đường u mê, phản khoa học, phản văn hóa. Nhu cầu sinh hoạt tinh thần, trong đó có hoạt động tâm linh, tín ngưỡng, tôn giáo là quyền và nguyện vọng chính đáng của người dân nhưng phải phù hợp với đạo lí truyền thống văn hóa dân tộc và những quy định của pháp luật. Không thể lợi dụng niềm tin, tín ngưỡng dân gian để mê hoặc, trục lợi người khác, làm hoang mang dư luận, làm nhiều người lo sợ, mất niềm tin vào đời thực, u mê lạc lối trong cõi huyền bí của ma quỷ, thần tiên, đổ lỗi cho số phận, cho tiền kiếp, tổ tông. Sau những chiêu trò dụ dỗ bằng sức mạnh tâm linh huyền bí, bằng những lời đường mật, những câu chuyện li kì, người hưởng lợi là các “thầy”. Chỉ cần lướt qua hình ảnh tư gia, nơi thờ tự cũng như trang sức, phương tiện mà các thầy sử dụng, có thể thấy được sự giàu sang, xa hoa, “độ chơi lớn” của các thầy với số tiền lớn thu được từ người xem. Khi có lượng người theo dõi lớn, được nhiều kẻ tung hô, tin tưởng, một số thầy rơi vào trạng thái ảo tưởng, tự phong cho mình quyền phán xét, định đoạt số phận, tương lai người khác, cấu kết với một số cá nhân, phần tử cơ hội để làm những điều phi pháp, đầu độc tâm hồn của không ít người, làm “ô nhiễm” môi trường, đời sống văn hóa, dấy lên những lo ngại về sự băng hoại, xuống cấp của đạo đức xã hội khi không ít kẻ nấp sau chiêu bài tâm linh, phong tục tín ngưỡng để trục lợi niềm tin và tiền bạc của công chúng.

1 nhận xét: