Thứ Năm, 30 tháng 9, 2021

QUYỀN CON NGƯỜI THEO TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH


Quyền con người trong tư tưởng Hồ Chí Minh

Từ thực tiễn Việt Nam và thế giới, Hồ Chí Minh đã sớm nhận rõ mối quan hệ chặt chẽ giữa độc lập dân tộc và quyền con người. Người hiểu rõ, một dân tộc bị nô lệ thì người dân ở đó không thể có bất cứ quyền con người và tự do nào.


Vì thế, ý chí “Dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập” mà Người khái quát đã lay động mọi người Việt Nam yêu nước, nhờ đó đã thức tỉnh cả dân tộc và tạo nên cuộc Cách mạng Tháng Tám vang dội.

Tư tưởng này còn được Người nhiều lần khẳng định ở những thời khắc cam go nhất của sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc: “Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhât định không chịu làm nô lệ”, “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” ... Trong bản Tuyên ngôn độc lập bất hủ (1945), Người đã kế thừa, phát triển quyền con người “tự nhiên” của mỗi cá nhân thành quyền đương nhiên của mọi quốc gia - dân tộc.

Theo Hồ Chí Minh, Độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia - một quyền tập thể - gắn liền với quyền con người và là điều kiện tiên quyết, cơ bản để hiện thực hóa các quyền con người ở Việt Nam. Tư tưởng về con người và giải phóng con người là sợi chỉ đỏ xuyên suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của Hồ Chí Minh. Tư tưởng đó là sự thể hiện cao nhất chủ nghĩa nhân văn cao cả và chủ nghĩa yêu nước chân chính của Người, nhằm hoàn thiện nhân cách của mỗi con người, đem lại cho mỗi người dân Việt Nam “quyền làm người” từ kiếp người nô lệ.

Nền độc lập dân tộc vừa được khôi phục, Người lại sớm chỉ rõ: “nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì” và nhấn mạnh: “Dân chỉ biết rõ giá trị của tự do, của độc lập khi mà dân được ăn no, mặc dù” ...

Độc lập dân tộc, như vậy chỉ là phương tiện để đạt được mục tiêu cuối cùng là tự do, hạnh phúc cho mọi nhà và mọi người Việt Nam. Để đạt mục tiêu tự do, hạnh phúc đầy đủ, trọn vẹn cho mọi người dân Việt Nam, việc lựa chọn con đường phát triển của đất nước đó là đi lên CNXH

Hồ Chí Minh chỉ rõ: “chỉ có chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản mới giải phóng được các dân tộc bị áp bức và những người lao động trên thế giới khỏi ách nô lệ”

Những luận điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về quyền dân chủ có ý nghĩa hết sức sâu sắc. Người đề cập đến tính công khai, minh bạch, thực hành dân chủ, trách nhiệm của các cơ quan công quyền không chỉ trong Hiến pháp, pháp luật, mà cả trong thực tiễn chỉ đạo hoạt động của Chính phủ thời kỳ kháng chiến. Người nêu rõ mối quan hệ giữa nhân dân và nhà nước: “Chúng ta phải hiểu rằng, các cơ quan của Chính phủ từ toàn quốc cho đến các làng, đều là công bộc của dân, nghĩa là để gánh vác việc chung cho dân chứ không phải để đè đầu dân như trong thời kỳ dưới quyền thống trị của Pháp, Nhật. Việc gì lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân ta phải hết sức tránh. Chúng ta phải yêu dân, kính dân thì dân mới yêu ta, kính ta”. Do đó, “Nhân dân có quyền đôn đốc và phê bình Chính phủ”; “Nếu Chính phủ làm hại dân thì dân có quyền đuổi Chính phủ”; “Từ Chủ tịch nước đến giao thông viên cũng vậy, nếu không làm được việc cho dân, thì dân không cần đến nữa”…

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến quan hệ hòa bình, hữu nghị với các dân tộc, tăng cường giao lưu học hỏi kinh nghiệm các nước trong việc xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ quyền con người. Điều này được thể hiện sống động qua di sản tư tưởng và hoạt động thực tiễn của Người; cả trong tổ chức bộ máy nhà nước, xây dựng hiến pháp, pháp luật cũng như quản lý xã hội, trong hòa bình cũng như khi đất nước có chiến tranh.

Những tư tưởng và hoạt động của Hồ Chí Minh về quyền con người thể hiện tầm nhìn chiến lược, phù hợp với xu thế thời đại, là đóng góp to lớn vào giá trị chung của nhân loại về quyền con người. Những tư tưởng đó là định hướng chính trị cơ bản cho toàn bộ hoạt động của nhà nước Việt Nam trên lĩnh vực quyền con người ở mọi giai đoạn phát triển của đất nước.

1 nhận xét: