Tác
phẩm “Sửa đổi lối làm việc” là một văn bản mẫu mực, cho thấy phong cách ngôn ngữ
giản dị của Hồ Chí Minh. Bằng những thủ pháp như so sánh, liên tưởng, thí dụ, tục
ngữ, Người làm cho những nội dung tưởng như khô khan trở nên hấp dẫn; những nội
dung tưởng như phức tạp trở nên đơn giản; những nội dung tưởng như xa lạ trở
nên gần gũi. Nhờ vậy, nội dung tác phẩm trở nên dễ đọc, dễ hiểu, dễ nhớ và dễ
làm theo đúng với tinh thần của một cuốn cẩm nang hướng dẫn cán bộ, đảng viên sửa
chữa những thói quen, khuyết điểm hàng ngày.
Chủ
tịch Hồ Chí Minh bắt đầu viết tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” trong thời gian
chuẩn bị Chiến dịch Thu Đông và hoàn thành vào tháng 10/1947, ký bút danh X.Y.Z.
Tác phẩm “điểm mặt chỉ tên” các căn bệnh phổ biến trong cán bộ, đảng viên đồng
thời “bốc thuốc kê đơn” cho từng căn bệnh.
Tác
phẩm “Sửa đổi lối làm việc” không phải là cuốn sách dạy cách nói, cách viết cụ
thể nhưng lại là văn bản mẫu mực cho những lời lẽ, những thí dụ giản đơn, thiết
thực và dễ hiểu. Để đáp ứng yêu cầu học tập, chỉnh đốn Đảng trong giai đoạn đất
nước bộn bề công việc, chiến tranh ác liệt, Hồ Chí Minh đã viết thật giản dị mà
sâu sắc về những căn bệnh phổ biến của cán bộ, đảng viên… Để giúp người đọc hiểu
dễ nhớ lâu, Hồ Chí Minh đã sử dụng các thủ pháp ngôn ngữ chủ yếu như: so sánh;
liên tưởng; thành ngữ, tục ngữ và thí dụ. Các thủ pháp này được sử dụng xuyên
suốt trong tác phẩm, tạo nên một phong cách ngôn ngữ đặc sắc của Hồ Chí Minh.
Việc tìm hiểu, vận dụng các thủ pháp này sẽ góp phần giúp cán bộ, đảng viên, đặc
biệt là đội ngũ cán bộ tuyên giáo học được cách nói, cách viết đơn giản, thiết
thực, phù hợp với quần chúng.
Để
nghiên cứu thủ pháp ngôn ngữ của Hồ Chí Minh trong “Sửa đổi lối làm việc”,
chúng tôi sử dụng phương pháp phân tích nội dung. Phương pháp này được sử dụng
để khảo sát, thống kê, phân loại và đánh giá hiệu quả của các thủ pháp ngôn ngữ
trong tác phẩm.
Thủ
pháp So sánh
Trong
“Sửa đổi lối làm việc”, Hồ Chí Minh sử dụng phép so sánh 25 lần với những hình ảnh
rất quen thuộc với người đọc. Các từ như: “là”, “như”, “cũng như”, “khác nào”,
“cũng khác nào như”, “chẳng khác gì” được sử dụng làm từ so sánh. Các cấu trúc
so sánh phổ biến trong tác phẩm bao gồm: “A như/cũng như/khác nào/chẳng khác gì
B” và “Nếu A, thì cũng như/khác nào/chẳng khác gì B”.
ví
dụ, để nhấn mạnh sự cần thiết phải nghiêm túc phê bình và sửa chữa khuyết điểm,
Hồ Chí Minh viết, “Nếu không kiên quyết sửa chữa khuyết điểm của ta, thì cũng
như giấu giếm tật bệnh trong mình…”. Người so sánh cán bộ, đảng viên không chịu
sửa chữa khuyết điểm với người bệnh không chịu uống thuốc hay “Khác nào người
thầy thuốc chỉ đi chữa người khác, mà bệnh nặng trong mình thì quên chữa”. Người
nhấn mạnh, “Khuyết điểm cũng như chứng bệnh. Phê bình cũng như uống thuốc. Sợ
phê bình, cũng như có bệnh mà giấu bệnh. Không dám uống thuốc. Để đến nỗi bệnh
ngày càng nặng, không chết “cũng la lết quả dưa””.
Trong
tác phẩm, Hồ Chí Minh nhiều lần sử dụng các hình ảnh so sánh để nói rõ tầm quan
trọng, quan hệ biện chứng giữa lý luận và thực tiễn. Người so sánh “Lý luận
như cái kim chỉ nam”; “Lý luận cũng như cái tên (hoặc viên đạn)”. Phê bình
tình trạng lý luận suông, Người ví von cán bộ, đảng viên chỉ học mà không áp dụng
lý luận vào thực tế như “cái hòm đựng sách”. Người nhấn mạnh việc học tập lý luận
gắn với thực tiễn vì “Chỉ thực hành mà không có lý luận cũng như có một mắt
sáng, một mắt mù”.
Phép
so sánh là thủ pháp ngôn ngữ được sử dụng nhiều trong “Sửa đổi lối làm việc” và
trong các tác phẩm khác của Hồ Chí Minh. Đặc biệt, Người thường sử dụng các
phép so sánh liên hoàn để tăng cường hiệu quả. Mục đích của phép so sánh là tạo
ra sự liên hệ gần gũi, lấy cái biết để giải thích cái chưa biết, lấy cái đơn giản
để làm rõ cái phức tạp. Cách sử dụng này phù hợp với tư duy từ dễ đến khó, từ cụ
thể đến trừu tượng của quần chúng; giúp cho việc truyền tải thông tin vừa sinh
động, trực quan vừa đơn giản, dễ hiểu với người tiếp nhận.
Trong
bối cảnh trình độ của cán bộ, đảng viên và quần chúng chưa cao thì cách truyền
tải của Hồ Chí Minh là hoàn toàn phù hợp. Mục đích cao nhất của người viết là
giúp người đọc dễ hiểu và dễ làm theo, chứ không phải để “khoe chữ, khoe tài”,
đánh đố người đọc. Nó cũng giúp tránh được căn bệnh viết dài mà như Chủ tịch Hồ
Chí Minh đã chỉ ra, “Nhiều anh em hay viết dài. Viết dòng này qua dòng khác,
trang này qua trang khác. Nhưng không có ích cho người xem. Chỉ làm tốn giấy tốn
mực, mất công người xem. Khác nào vải băng bó mụn lở, đã thối lại dài”.
Thủ
pháp Liên tưởng
Liên
tưởng giống như so sánh nhưng dựa trên sự liên kết, kết nối, tương quan của một
chuỗi các sự vật, sự việc liên quan. Phép liên tưởng giúp cho thông tin trở nên
đơn giản, dễ hiểu đồng thời giúp cho người đọc nắm được bản chất vấn đề. Hồ Chí
Minh thường xuyên sử dụng phép liên tưởng trong các bài viết của mình. Trong
tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”, Người sử dụng phép liên tưởng 8 lần. Giống như
phép so sánh, các từ như: “cũng như”, “như”, “như vậy”, “hóa ra là” được sử dụng
để chỉ sự liên tưởng, tương quan. Người thường vận dụng các sự vật, sự việc
mang tính quy luật của tự nhiên và xã hội để chỉ ra mối quan hệ mang tính bản
chất, biện chứng.
Ví
dụ, nói về tầm quan trọng của đạo đức, Hồ Chí Minh viết, “Cũng như sông thì có
nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc
thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi
mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân”. Dựa trên một chuỗi các liên kết “nguồn-nước”,
“cây-gốc”, Hồ Chí Minh chỉ ra mối liên hệ mật thiết hay tầm quan trọng của đạo
đức đối với người cách mạng. Theo đó, đạo đức là cái gốc của người cách mạng để
đảm trách nhiệm vụ trước nhân dân.
Đây
không phải lần đầu tiên Hồ Chí Minh nói về tầm quan trọng của đạo đức, mối quan
hệ giữa tài năng và đạo đức đối với người cách mạng. Trong bài viết “Cần, kiệm,
liêm, chính” đăng trên báo Cứu Quốc số ngày 30/5, 31/5, 1/6 và 2/6 năm 1949,
Người đã nêu ra mối tương quan giữa các phẩm chất của người cách mạng với các
quy luật của tự nhiên và xã hội bằng 6 câu thơ:
“Trời
có bốn mùa: Xuân, hạ, thu, đông,
Đất
có bốn phương: Đông, Tây, Nam, Bắc
Người
có bốn đức: Cần, kiệm, liêm, chính
Thiếu
một phương, thì không thành đất
Thiếu
một đức, thì không thành người”.
Việc
không rèn luyện, trau dồi đạo đức cách mạng hay 4 phẩm chất trên đây sẽ khiến
cán bộ, đảng viên không thể hoàn thành nhiệm vụ của mình. Hồ Chí Minh sử dụng
hình ảnh “rể khờ, dâu dại” để nói đến những cán bộ, đảng viên không tốt, không
hoàn thành nhiệm vụ. Người viết, “Cũng như một nhà có rể khờ, dâu dại, không thể
cấm họ gặp gỡ bà con. Đảng ta dù muốn giấu những người và những việc không tốt
kia, cũng không thể giấu”. Những hình ảnh này không chỉ nói đúng bản chất vấn đề
mà còn góp phần gia tăng hiệu quả về nhận thức và đánh đúng tâm lý tiếp nhận của
người Việt Nam.
Bên
cạnh đó, Hồ Chí Minh còn sử dụng các hình ảnh như “giã gạo” để nói về việc cất
nhắc cán bộ mà không xem xét kỹ càng, không hỗ trợ; “bức tường” để nói về thói
quen sử dụng mệnh lệnh của cán bộ, đảng viên làm Đảng, Chính phủ xa cách với
nhân dân; “lá bùa của thầy cúng” để nói về khẩu hiệu “nói không ai hiểu”… Các
phép liên tưởng này làm cho ngôn ngữ trở nên vừa trực quan, sinh động vừa dễ đọc,
dễ hiểu. Các hình ảnh được sử dụng đều là những hình ảnh quen thuộc, gần gũi với
quần chúng nên dễ được quần chúng tiếp nhận, lắng nghe.
Thủ
pháp sử dụng tục ngữ, thành ngữ
Trong
các tác phẩm của mình, Hồ Chí Minh nhiều lần sử dụng các câu thành ngữ, tục ngữ
quen thuộc để chứng minh quan điểm, giải thích lý lẽ, khẳng định ý kiến. Người
rất linh hoạt trong việc sử dụng thành ngữ, tục ngữ, khi thì giữ nguyên văn,
khi thì biến hóa câu gốc cho phù hợp với văn cảnh. Trong tác phẩm “Sửa đổi lối
làm việc”, Hồ Chí Minh sử dụng tục ngữ, thành ngữ 18 lần.
Trong
“Sửa đổi lối làm việc”, ít nhất 4 lần, Người sử dụng các câu thành ngữ, tục ngữ
để nhấn mạnh tầm quan trọng của việc viết, nói cho dễ hiểu. Người viết, “Về việc
đặt khẩu hiệu, đặt chương trình làm việc, chương trình tranh đấu, tuyên truyền,
làm báo tường, viết báo, cũng như thế… Chỉ mấy cán bộ đóng cửa lại mà làm, ngồi
ỳ trong phòng giấy mà viết, cứ tưởng những cái mình làm là đúng, mình viết là
hay. Nào có biết, cách làm chủ quan đó, kết quả là “đem râu ông nọ, chắp cằm bà
kia””; “Tục ngữ nói: “Đo bò làm chuồng, đo người may áo”. Bất kỳ làm việc gì
cũng phải có chừng mực. Viết và nói cũng vậy”; “Tục ngữ nói “gẩy đờn tai trâu”
là có ý chế người nghe không hiểu. Song những người tuyên truyền mà viết và
nói khó hiểu, thì chính người đó là “trâu”” và “Trước khi nói, phải nghĩ cho
chín, phải sắp đặt cẩn thận. Phải nhớ câu tục ngữ: "Chó ba quanh mới nằm.
Người ba năm mới nói”. Cách dẫn giải của Hồ Chí Minh vừa dễ hiểu vừa hóm hỉnh,
nhất là khi ví người viết, nói khó hiểu như “trâu”.
Trong
một số trường hợp, Hồ Chí Minh diễn đạt lại các câu tục ngữ, thành ngữ cho phù
hợp với bối cảnh thay vì trích dẫn nguyên văn. Ví dụ, Người viết, “Đá đi lâu
cũng mòn. Sắt mài lâu cũng sắc. Ta cố gắng sửa chữa thì khuyết điểm ngày càng bớt,
ưu điểm ngày càng thêm”. Câu “Đá đi lâu cũng mòn. Sắt mài lâu cũng sắc” được biến
hóa từ hai câu gốc “Nước chảy đá mòn” và “Có công mài sắt, có ngày nên kim”. Ý
tứ của câu tục ngữ gốc vẫn được truyền tải trọn vẹn nhằm khuyên cán bộ, đảng
viên kiên trì sửa chữa các khuyết điểm của mình. Hoặc người sử dụng cách nói
“làm ít suýt ra nhiều” để phê phán căn bệnh “hữu danh, vô thực” của một số cán
bộ, đảng viên.
Việc
sử dụng các câu thành ngữ, tục ngữ gia tăng chất thơ của bài viết, làm cho nội
dung trở nên hàm súc và hấp dẫn hơn với người đọc. Nó cũng giúp cho nội dung
thông tin gần gũi, dễ hiểu hơn với người đọc vì các thành ngữ, tục ngữ vốn ăn
sâu trong nhận thức của mỗi người Việt Nam. Bên cạnh đó, các thành ngữ và tục
ngữ thường thể hiện sắc thái biểu cảm nên nó dễ đi vào lòng người.
Thủ
pháp Thí dụ
Đây
là phép cụ thể hóa, liệt kê sự vật, sự việc để làm rõ vấn đề; thường được dẫn
ra trước hoặc sau một luận điểm để minh họa, chứng minh, làm rõ luận điểm đó.
Đây là một trong những thủ pháp quen thuộc được Hồ Chí Minh sử dụng trong các
tác phẩm của mình như “Đời sống mới”, “Sửa đổi lối làm việc”, “Thường thức
chính trị”… Thí dụ bổ sung, làm rõ ý chính và khiến cho nội dung trở nên đơn giản,
cụ thể, dễ hiểu hơn. Trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”, Hồ Chí Minh dùng
phép thí dụ 36 lần.
Viết
về tình trạng cán bộ, đảng viên quen làm việc theo cách “hạ lệnh, cưỡng bức”
khiến cho quần chúng không hiểu, mà có phần oán thán, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết,
“Vì cán bộ và đảng viên không hiểu rõ hai lẽ: vì ai mà làm, đối ai phụ trách,
khi gặp mỗi công việc không biết tìm đủ cách giải thích cho dân hiểu. Cho nên
những việc trực tiếp lợi cho dân, như đắp đê, hộ đê, tăng gia sản xuất, bình
dân học vụ, v.v., cán bộ chỉ làm theo cách hạ lệnh, cách cưỡng bức. Kết quả dân
không hiểu, dân oán. Thì có gì lạ đâu? Một thí dụ rất tầm thường, dễ hiểu: bánh
ngọt là một thứ ngon lành, nhưng đem bánh ngọt bắt người ta ăn, nhét vào miệng
người ta, thì ai cũng chán!”.
Trong
công tác cán bộ, Hồ Chí Minh cho rằng, cần sắp xếp người phù hợp với công việc,
giúp họ phát huy được thế mạnh của mình. Thế nhưng, trong thực tế, việc sắp xếp,
phân công cán bộ đôi khi theo chủ quan của người lãnh đạo, khiến cho cán bộ thì
không phát huy được năng lực mà công việc thì không có được kết quả. Viết về
tình trạng này, Người sử dụng thí dụ, “Thường chúng ta không biết tuỳ tài mà
dùng người. Thí dụ: thợ rèn thì bảo đi đóng tủ, thợ mộc thì bảo đi rèn dao.
Thành thử hai người đều lúng túng. Nếu biết tuỳ tài mà dùng người, thì hai người
đều thành công”.
Hay
khi nói về tầm quan trọng của sự cẩn trọng trong khi viết, Hồ Chí Minh lấy thí
dụ, “Một thí dụ rất rõ ràng: mỗi ngày, chúng ta ai cũng rửa mặt. Rửa mặt rồi,
thì chải đầu. Nhiều người chải đầu rồi, còn soi gương xem đã sạch, đã mượt
chưa. Nếu viết bài và diễn thuyết cũng cẩn thận như thế thì chắc không đến nỗi
có nhiều khuyết điểm”. Thí dụ giản dị này giúp cho người đọc hình dung việc viết
lách cũng giống như chăm chút cho hình ảnh của mình, càng cẩn thận, kỹ lưỡng
bao nhiêu thì kết quả càng tốt đẹp bấy nhiêu.
Hồ
Chí Minh luôn lấy những thí dụ cụ thể, quen thuộc, trực quan, thực tế từ chính
đời sống thường ngày. Thủ pháp này không chỉ giúp trực quan hóa ngôn ngữ mà còn
củng cố sự chặt chẽ của luận điểm. Mục đích của Hồ Chí Minh luôn là làm sao cho
nội dung mình viết trở nên đơn giản, dễ hiểu, dễ nhớ với cán bộ, đảng viên và
quần chúng. “Viết cho ai cũng hiểu” tưởng là đơn giản nhưng thực ra rất khó
khăn nếu người viết không đặt mình vào vị trí của người đọc. Hồ Chí Minh luôn
viết và nói từ trình độ nhận thức của người tiếp nhận, chứ không xuất phát từ bản
thân mình.
Bốn
thủ pháp: so sánh; liên tưởng; thành ngữ, tục ngữ và thí dụ được sử dụng nhuần
nhuyễn trong “Sửa đổi lối làm việc”, cho thấy phong cách ngôn ngữ giản dị của Hồ
Chí Minh. Hiệu quả lớn nhất của các thủ pháp này là làm cho nội dung trở nên dễ
đọc, dễ hiểu, dễ nhớ và dễ làm theo đúng với tinh thần của một cuốn cẩm nang hướng
dẫn cán bộ, đảng viên sửa chữa những thói quen, khuyết điểm hàng ngày. Điều này
giải thích tại sao khi đọc các tác phẩm của Hồ Chí Minh, bao gồm “Sửa đổi lối
làm việc”, người đọc luôn cảm nhận được sự nhẹ nhàng, mực thước, điềm đạm mà
không thấy bất kỳ sự lên gân, lên cốt nào.
*
Từ
những phân tích nêu trên dưới góc độ thủ pháp ngôn ngữ nói riêng và phong cách
Hồ Chí Minh nói chung, đặt trong bối cảnh hiện nay, đội ngũ cán bộ tuyên giáo
có thể coi đây là những bài học quý để có thể học tập, vận dụng trong thực tiễn
công tác tuyên truyền, lý luận, báo chí xuất bản…
Trước
hết, cần học tập phong cách gần gũi, dân chủ với quần chúng, tôn trọng quần
chúng khi nói và viết. Rõ ràng, bằng những thủ pháp như so sánh, liên tưởng,
thí dụ, tục ngữ, thành ngữ, Người làm cho những nội dung tưởng như khô khan trở
nên hấp dẫn; những nội dung tưởng như phức tạp trở nên đơn giản; những nội dung
tưởng như xa lạ trở nên gần gũi. Mặc dù Hồ Chí Minh không viết ra những hướng dẫn
cụ thể về văn phạm nhưng những bài nói, bài viết của Người chính là những văn bản
mẫu mực về cách nói, cách viết mà người làm công tác tuyên giáo phải hết sức học
cho được.
Sau
đó, “Phải luôn luôn dùng những lời lẽ, những thí dụ giản đơn, thiết thực và dễ
hiểu”, tránh tình trạng viết “dài dòng, rỗng tuếch”. Từ năm 1947, Hồ Chí Minh
đã chỉ ra căn bệnh “Nói không ai hiểu” hay “dài dòng, rỗng tuếch” bởi lẽ “Đảng
thường kêu gọi khoa học hoá, dân tộc hoá, đại chúng hoá. Khẩu hiệu đó rất đúng.
Tiếc vì nhiều cán bộ và đảng viên, có “hoá” gì đâu! Vẫn cứ chứng cũ, nếp cũ đó.
Thậm chí, miệng càng hô “đại chúng hoá”, mà trong lúc thực hành thì lại “tiểu
chúng hoá”. Vì những lời các ông ấy nói, những bài các ông ấy viết, đại chúng
không xem được, không hiểu được. Vì họ không học quần chúng, không hiểu quần
chúng”. Muốn tránh được khuyết điểm ấy, Hồ Chí Minh cho rằng, cán bộ, đảng viên
cần lấy câu “Từ trong quần chúng ra. Về sâu trong quần chúng” làm khuôn phép
cho việc nói và viết. Người viết, “Bất cứ việc to việc nhỏ, chúng ta phải xét
rõ và làm cho hợp trình độ văn hoá, thói quen sinh hoạt, trình độ giác ngộ,
kinh nghiệm tranh đấu, lòng ham, ý muốn, tình hình thiết thực của quần chúng.
Do đó mà định cách làm việc, cách tổ chức. Có như thế, mới có thể kéo được quần
chúng” và “Khi viết, khi nói, phải luôn luôn làm thế nào cho ai cũng hiểu được.
Làm sao cho quần chúng đều hiểu, đều tin, đều quyết tâm theo lời kêu gọi của
mình”./.
Bài viết rất hấp dẫn
Trả lờiXóa