Ngày 29-9-1962, trong lần về thăm xã Quảng An, huyện Từ Liêm, Hà Nội, Bác căn dặn: “Con người là vốn quý nhất của xã hội, sức khỏe là vốn quý nhất của con người”. Cũng trong ngày này năm 1975, Hội nghị lần thứ 24 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá III) ra nghị quyết về nhiệm vụ quốc phòng và bảo vệ an ninh trong giai đoạn mới.
Lời Bác dạy ngày này năm xưa
Ngày hôm đó, nhân dân xã Quảng An được gặp Bác tại đình Quảng Bá trong cuộc nói chuyện với các đại biểu đang dự Hội nghị tổng kết phong trào thể dục vệ sinh mùa hè.
Trong lễ phát động, người căn dặn nhân dân giữ gìn vệ sinh, ăn ở sạch sẽ. Bác nói: “Con người là vốn quý nhất của xã hội, sức khỏe là vốn quý nhất của con người. Vệ là bảo vệ, sinh là sinh sống, con người muốn mạnh khỏe, sống lâu để lao động sản xuất tốt thì phải ăn, ở có vệ sinh. Muốn có vệ sinh phải có nước sạch, muốn có nước sạch phải đào giếng, đào nhiều giếng sẽ có nhiều nước sạch”. Bác mong muốn phấn đấu xây dựng thành xã kiểu mẫu toàn diện về vệ sinh của thành phố.
Thăm bệnh xá Vân Đình, tỉnh Hà Tây, Người căn dặn cán bộ bệnh xá thực hiện “Lương y như từ mẫu” (20-4-1963). Ảnh: hochiminh.vn |
Thăm xã Nam Chính, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương, Người căn dặn nhân dân thực hiện nếp sống văn hóa mới, đào giếng để có nước sạch (15-2-1965). Ảnh: hochiminh.vn |
Tại buổi nói chuyện, Bác đã tặng Quảng An một khoản tiền riêng để xây một giếng nước ở xóm Quảng Khánh. Sự quan tâm đến từng góc nhỏ trong đời sống nhân dân của Bác là nguồn động lực to lớn đối với người dân nơi đây. Từ đó, người dân Quảng An thi đua đào giếng nước sạch để sinh hoạt thay cho việc sử dụng nước hồ như trước, cuộc sống ngày càng đảm bảo vệ sinh.
Hồ Chủ tịch là hiện thân cao đẹp về tinh thần quan tâm đến chăm lo sức khỏe cho toàn dân. Người quan tâm đến sức khỏe của tất cả mọi người: Đối với cán bộ, đảng viên, Người căn dặn: “Đảng viên và cán bộ cẩn thận giữ gìn sức khoẻ của mình để làm việc”. Đối với thiếu nhi, Người ân cần: “Phải đặc biệt chú ý giữ gìn sức khoẻ của các cháu” và “Các cháu nhi đồng phải ngoan ngoãn, giữ gìn sức khoẻ trong kỳ nghỉ hè để tiếp tục bước vào năm học mới”. Đối với thanh niên, Người khích lệ: “Bác mong các cháu đoàn kết chặt chẽ, dũng cảm lao động và chiến đấu, giữ gìn sức khoẻ, cố gắng học tập, lập nhiều thành tích chống Mỹ, cứu nước, để xứng đáng là thanh niên anh hùng của dân tộc anh hùng”. Đối với phụ nữ, Người nhấn mạnh: “Phải đặc biệt chú ý đến sức lao động phụ nữ. Phụ nữ là đội quân lao động rất đông. Phải giữ gìn sức khoẻ cho phụ nữ để chị em tham gia sản xuất được tốt”. Đối với công nhân, Người giải thích: “Nếu công nhân đủ ăn, đủ mặc thì họ mới đủ sức; đủ sức thì làm được việc. Một con ngựa ăn no mới chạy nhanh. Một cái máy đủ dầu mỡ mới quay đều. Người ta cũng thế”. Đối với bộ đội, trong “Bài nói chuyện với đại biểu cán bộ, chiến sĩ Binh chủng Đặc công”, Người huấn thị: “Cuối cùng, Bác chúc các đồng chí mạnh khoẻ, giữ gìn sức khoẻ và học tập tiến bộ thêm nhiều”… Về phần mình, Người tự làm gương thường xuyên tập thể dục, rèn luyện thể thao, như Người nói: “Tự tôi, ngày nào tôi cũng tập”.
Tư tưởng về chăm lo sức khỏe nhân dân của Bác thể hiện tính nhân văn sâu sắc. Người coi sức khỏe của nhân dân là nhân tố có ý nghĩa quyết định đến thắng lợi của sự nghiệp cách mạng: “Sức khỏe của cán bộ và nhân dân được đảm bảo thì tinh thần càng hăng hái. Tinh thần và sức khỏe đầy đủ thì kháng chiến càng nhiều thắng lợi, kiến quốc càng mau thành công”.
Người rèn luyện thân thể đều đặn hàng ngày. Ảnh: Tư liệu TTXVN |
Trong thời kỳ đổi mới, quan điểm của Ðảng về chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân là sự quán triệt, vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh trong bối cảnh, điều kiện mới của đất nước. Nghị quyết của Ðảng nhiều lần nhấn mạnh: Sức khỏe là vốn quý nhất, là nhân tố quyết định của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, phát triển đất nước nhanh và bền vững, càng đòi hỏi ngày một cao hơn về chất lượng nguồn nhân lực, trong đó sức khỏe, kể cả thể chất và tinh thần, của nhân dân là vô cùng quan trọng.
Nhớ lời Bác dặn, trong những năm qua, nhân dân cả nước nói chung, nhân dân phường Quảng An nói riêng luôn quan tâm đến công tác vệ sinh môi trường, chăm lo điều kiện sống và sức khỏe nhân dân. Đó cũng là một trong những hành động thiết thực để bày tỏ tình cảm đối với Bác Hồ.
Nhà Văn hóa phường Quảng An, quận Tây Hồ với nhiều hoạt động bổ ích. Ảnh: hanoimoi.com.vn |
Trong thời điểm hiện tại, khi dịch Covid-19 đang hoành hành trên thế giới, đặc biệt là làn sóng Covid-19 thứ 4 tại Việt Nam, chúng ta càng thấm nhuần sâu sắc hơn lời Người năm ấy: “Con người là vốn quý nhất của xã hội, sức khỏe là vốn quý nhất của con người”.
Hưởng hứng lời kêu gọi của Bác, người dân trong cả nước thuộc mọi lứa tuổi hăng hái tham gia các phong trào rèn luyện sức khỏe. Các cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”, Phong trào “Rèn luyện sức khỏe người cao tuổi theo gương Bác Hồ vĩ đại”, các phong trào tập dưỡng sinh, mô hình Câu lạc bộ thể thao tại các trường học, cơ quan, đơn vị, lực lượng vũ trang cũng được triển khai có hiệu quả và rộng khắp, cuộc thi “Cùng nhau luyện tập, rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”…
Để có một xã hội khỏe mạnh, thì mỗi cá nhân cần ý thức được tầm quan trọng của việc chăm sóc sức khỏe. Có như vậy, chúng ta mới thực hiện được ước mong “dân cường thì quốc thịnh” của Bác.
(Sách Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày này năm xưa, tập II, NXB Chính trị quốc gia-Sự thật, 2010; Sách Hồ Chí Minh: Toàn tập, NXB. Chính trị quốc gia-Sự thật, 2011, t.4, tr.241; Cổng thông tin điện tử Bộ Nội vụ.)
Theo dấu chân Người
Ngày 29-9-1922, báo “L' Humanite” (“Nhân đạo”) đăng một tiểu phẩm mang tính chất văn học của Nguyễn Ái Quốc “Đồng tâm nhất trí”. Cùng ngày, tại trụ sở của tờ báo “Le Paria” (Người cùng khổ), Nguyễn Ái Quốc dự cuộc họp của Ban biên tập.
Ngày 29-9-1930, Nguyễn Ái Quốc viết “Thư gửi Ban Chấp hành Quốc tế Cộng sản” báo cáo về phong trào Xô Viết đang diễn ra tại Nghệ Tĩnh và các cuộc đấu tranh tại các tỉnh Nam bộ ở Việt Nam cũng như sự đàn áp tàn khốc của chính quyền thuộc địa và đưa ra đề nghị: “Chúng tôi khẩn thiết yêu cầu các đồng chí làm những việc có thể được để giúp đỡ các nạn nhân của cuộc đàn áp đẫm máu. Đề nghị cho biết ngay chúng tôi phải làm gì và các đồng chí có thể làm gì giúp họ thông qua tổ chức Quốc tế Cứu tế đỏ...”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí trong Ban Thường vụ Trung ương Đảng họp quyết định mở Chiến cuộc Đông Xuân 1953-1954 và Chiến dịch Điện Biên Phủ (xã Phú Đình, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên cuối năm 1953). Ảnh: hochiminh.vn |
Cuối tháng 9-1953, tại bản Tỉn Keo, Định Hoá, Thái Nguyên, Bác chủ tọa cuộc họp của Bộ Chính trị bàn kế hoạch tác chiến Đông - Xuân. Sau khi nghe Đại tướng Võ Nguyên Giáp báo cáo tình hình địch, Bác nhận định: “Địch tập trung quân cơ động để tạo nên sức mạnh... Không sợ! Ta buộc chúng phải phân tán binh lực thì sức mạnh đó không còn”, bàn tay Bác đang nắm lại, xoè ra mỗi ngón tay chỉ về một hướng và khẳng định: “Phương hướng chiến lược không thay đổi”. Tinh thần chỉ đạo ấy đã tạo nên thắng lợi quyết định của chiến cục Đông - Xuân 1953-1954 với đỉnh cao là Chiến thắng Điện Biên Phủ.
Dấu ấn Bác Hồ trên Báo Quân đội nhân dân
Trên trang nhất Báo Quân đội nhân dân ra ngày 29-9-1969 đăng ảnh Hồ Chủ tịch đến thăm một đơn vị phòng không nhân kỷ niệm lần thứ 22 Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam. Đồng thời, trích lời nói của Bác trong dịp đến thăm bộ đội phòng không và không quân ngày 17-7-1965: “Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược phải thể hiện ở tinh thần dũng cảm và đánh thắng liên tục, đánh cho đến thắng lợi hoàn toàn. Đã có quyết tâm thì phải đánh giỏi, đánh tiêu diệt địch. Phải biến quyết tâm vào việc rèn luyện kỹ thuật cho thật giỏi, phải bắn rơi tại chỗ nhiều máy bay địch và tiết kiệm đạn…”.
Tất cả mọi lời dạy của Bác Hồ còn giữ nguyên giá trị, chúng ta phải luôn ghi nhớ và thực hiện thật tốt.
Trả lờiXóa